Viên Như
Đã gần hai năm, kể từ ngày nước ta kỉ niệm 1000 Lý Công Uẩn dời đô từ
Hoa Lư ra Đại La đổi thành Thăng Long, một sự kiện trọng đại của dân tộc thời
bấy giờ, nó có tính quyết định cho vận mệnh của đất nước, không phải chỉ trong
thời đại nhà Lý mà còn ảnh hưởng cho đến ngày nay. Dời đô là một việc hệ trọng
của quốc gia, do đó vua quan nhà Lý phải
bàn thảo một cách thận trọng, gồm cả việc đặt tên cho kinh đô mới.
Đặt tên là một việc làm thể hiện
tính văn hóa, đặt tên như thế nào là một thể hiện cho nền tảng văn hóa của gia
đình, xã hội và đất nước đó. Ngày nay ta thấy các bật cha mẹ đặt tên cho cái
đều thể hiện điều đó, có nghĩa là trong cái tên ấy chứa đựng cả một khát vọng,
hoài bảo mà nghĩa của tên ấy mang lại, huống gì là đặt tên cho một kinh đô với
những ước vọng vô cùng lớn lao cho cả một dân tộc, nhất định cái tên ấy phải
chứa đựng một thông điệp nào đó phù hợp cho việc dời đô, phù hợp hợp nội dung
mà chiếu dời đô đã minh định . Tuy nhiên hiện nay ta không có một giải thích
nào ngoài sự kiện được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư :
“Mùa thu , tháng 7 , vua từ thành
Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng
vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là Thăng Long.”
Như đã nêu trên, công cuộc dời đô,
trong đó có vấn đề đặt tên Thăng Long thay Đại La, là một việc làm hết sức hệ
trọng đối với vận mệnh của đất nước, nên chắc chắn vua tôi nhà Lý đã bàn bạc
một cách cẩn trọng. Bởi vì việc dời đô
không những những làm xáo trộn đối với trong nước mà còn ảnh hưởng đến công
cuộc ngoại giao đối với lân bang, chỉ một sơ xuất của nước Việt sẽ là cái cớ
cho phương bắc động binh, bởi vì chắc chắn họ theo dõi mọi động tĩnh của nước
Việt, trong đó có việc đặt tên mới cho kinh đô. Thế mà nhà Lý đã đặt tên cho
kinh đô mới của mình là Thăng Long. Tất nhiên nhà Lý phải lường trước những suy
nghĩ phải có của phương Bắc, chắc chắn sẽ có hàng loạt câu hỏi được đặt ra, vấn
đề là phải trả lời như thế nào khi khi những câu hỏi ấy được nêu ra . Có thể
sau khi bàn bạc nghiêm túc nhà Lý đã đưa ra câu chuyện nói trên để giải thích
cho việc đặt tên mới cho kinh đô. Đây là một lựa chọn hết sức khôn ngoan.
Thứ nhất đối với phương bắc, việc
đặt tên trong hoàn cảnh như thế có nghĩa là nhà Lý không có bất kỳ một tính
toán, ẩn ý nào trước đó trong vấn đề đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, mà
nó chỉ xảy ra có tính ngẫu hứng nhất thời của vua trước một hiện tượng mà thôi.
Thứ hai đối với nhân dân trong
nước, từ kinh đô cho tới nơi thôn dã, ai cũng giải thích thống nhất về việc đặt
tên Thăng Long cho kinh đô mới, đây là một phương thức dân vận hết sức độc đáo
và hiệu quả.
Rỏ ràng câu chuyện được ghi lại
trong chính sử là một bình phong nhằm che dấu và giảm nhẹ tính quan trọng cái
thông điệp mà mà hai chữ Thăng Long mang lại. Nói như vậy cũng có nghĩa là việc
chọn Thăng Long thay Đại La đã có trong kế hoạch dời đô và chính vì vậy nhất
định nó phải mang một thông điệp sâu xa
nào đó chứ không phải là chuyện ngẩu nhiên. Vậy Thăng Long có nghĩa gì? Trong
nghĩa ấy nó mang thông điệp gì mà nhà Lý tính toán cẩn trọng đến vậy?
Thăng : Cái gì di chuyến từ dưới lên trên.
- Thăng tiến, thăng quan, thăng chức.
- Thăng hoa : Từ lỏng thành rắn hay ngược lại.
Long là rồng. Biểu tượng cho vua ( chính thể ) , sức mạnh .
quyền lực ,
Trước nay Thăng Long được dịch
phổ biến là Rồng bay. Có người không đồng ý vì không có từ điển nào dịch chữ
thăng là bay cả, vì vậy cho rằng nên dịch là Rồng thăng. Trong bài này tôi thì
xin tạm dịch là Rồng lên hay Rồng dậy.
Lý Công Uẩn lên làm vua năm 1009-
Một năm sau, 1010 ông quyết định dời đô. Tất nhiên kế hoạch dời đô phải được
đem ra bàn bạc ngay từ lúc ông mới nắm triều chính, vì lúc ông lên làm vua, mọi
chuyện trong nước còn ngổn ngang, lòng dân còn bất ổn, triều chính còn hoang
mang. Nơi ông lên ngôi – Hoa Lư - lại là nơi đã có quá nhiều những nhiễu nhương
của các triều đại. Một xã hội đầy phân hóa như thế, nếu không có một giải pháp
tổng thể thì trước sau triều đại của ông cũng đi theo vết xe đổ của các triều
đại trước. Nên có thể sau khi cân nhắc ông đã chọn giải pháp dời đô. Dời đô là
thượng sách, vì dời đô giải quyết được nhiều vấn đề .
Thứ nhất : Thoát ra khỏi thế kẹt
của đất Hoa Lư, vốn là nơi tù túng, dể ẩn mình nhưng khó phát triển; lại trong
một thời gian ngắn mà nơi ấy đã trải qua ba triều đại, lòng dân ly tán, chia bè
kết cánh, tự làm mồi ngon cho các thế lực ngoại bang kích động để tạo nên sự
tranh chấp làm suy yếu nước Việt, một đất nước vừa ra khỏi ách 1000 năm đô hộ của phương bắc. Bên ngoài thì kẻ thù
lúc nào cũng sẳn sàn thôn tính bên trong thì các thế lực không ngừng tranh
giành quyền lực nên phải dời đô, mục đích của việc ấy đã được minh định trong
chiếu dời đô.
Thứ hai : Rút kinh nghiệm từ
những gì xảy ra ở các triều đại trước và bản thân ông, ông nhận thức rằng không
phải ông quan nào của triều nhà Lê cũng bằng lòng với ông cả đâu, mà không ít
người bằng mặt mà không bằng lòng, dĩ
nhiên những người này có thế lực riêng của họ và cũng thường xuyên âm thầm trao
đổi ở chốn riêng tư, rất nhiều người quanh ông khó mà dứt bỏ được quá khứ. Như
thế có nghĩa là còn nhiều ngọn lửa chống đối vẫn âm thầm cháy, vấn đề là khi
nào những đốm lửa ấy có thể tập hợp lại, bén sang đống rơm quần chúng để bùng
lên thành ngọn lửa lớn thiêu rụi triều đại mới mà thôi. Trước tình hình như thế thì làm sao mà toàn
tâm toàn ý xây dựng đất nước được. Phải làm sao đây? Bạo lực ư ? Không thể được
! Vậy phải làm sao? Dời đô – Dời đô là cắt đứt những đốm lửa kia với những lực
lượng quần chúng ủng hộ họ, những người vẫn còn đang đứng giữa sự lựa chọn quá
khứ hay hiện tại sẽ phải quyết định dứt khoát, đi hay ở. Đối với những người
không ủng hộ ông, nếu họ đủ can đảm thì từ quan và ở lại Hoa Lư – Điều này quá
ư nguy hiểm, bởi vì như thế là công khai chống vua, mà đã công khai chống vua
thì hậu quả như thế nào khó mà lường được, còn nếu theo ông đến kinh đô mới thì
cái ý tưởng chống đối sẽ hết cơ hội để mà mở rộng và dần hồi sẽ phải toàn tâm
toàn ý phục vụ triều đại mới mà thôi.
Như thế, tuy lên làm vua nhưng
cái ngày ông thực sự làm vua là lúc ông dời đô ra Đại La và đổi thành Thăng
Long – Rồng Lên hay Rồng lên ngôi hay
Vua lên ngôi.
Tuy nhiên nếu chỉ với ý nghĩa đó
thôi thì làm sao mà tương xứng với tầm vóc của một sự kiện lớn như vậy được,
nhất định hai từ Thăng Long phải chuyên chở một thông điệp nào đó nữa, thông
điệp ấy phải phản ánh được tình hình lúc bấy giờ của nước Việt, nếu ta hiểu hai
tiếng Thăng Long là Rồng dậy.
Tiêu chí ngữ nghĩa của từ dậy hoàn toàn đáp ứng được tiêu
chí của từ Thăng.
- Chuyển từ dưới lên trên : Đứng
dậy = đứng lên
- Chuyển từ tỉnh sang động : Thức
dậy, nổi dậy.
Ta thấy hình ảnh con rồng đời Lý
hoàn toàn khác biệt với con rồng các triều đại sau này. Tư thế của con rồng đời
Lý là một tư thế cuộn thân lại trong thế sẳn sàng bung ra, vùng dậy, một tư thế
của một con rồng đang nằm dưới đất chứ không phải đang bay, có thể nói con rồng
đời Lý là rồng đất, thoát thai từ con rắn, một biểu tượng của nền văn minh lúa
nước. Điều này minh chứng tại sao Thiền sư Không Lộ ( 1016 – 1094) Quốc
sư đời vua Lý Thái Tông và Thánh Tông, đã viết về đất Thăng Long như sau :
“Trạch đắc long xà địa khả cư – chọn được đất rồng rắn có thể ở được”.
Như vậy ta có thể hiểu Thăng Long
là Rồng dậy. Sao lại bảo là rồng dậy? Như đã nói trên Rồng là biểu tượng cho
vua, chủ quyền, sức mạnh. Như vậy con rồng trong Thăng Long là biều tượng cho
sức mạnh tổng hợp cho cả ba yếu tố trên. Con rồng này đã bị phương bắc đô hộ
nên đã chìm vào trong đất hay chìm vào trong nhân dân, tuy không thấy hình hài
nó đâu, nhưng nó luôn luôn hiện diện trong mọi khía cạnh văn hóa, chính trị,
kinh tế của xã hội Việt, nó luôn ở đó và không ngừng âm thầm lớn mạnh chờ ngày
vùng dậy và con Rồng ấy đã vùng dậy vào năm 938, mở ra sự tự chủ cho đất nước
sau 1000 năm bị chìm trong áp bức của kẻ xâm lược. Nó đã vùng dậy và mãi mãi ở
đó trong tâm thức Việt, bất cứ khi nào, thế lực nào xâm lăng nước Việt thì lập
tức con rồng ấy lại vùng dậy. Biết bao lần con rồng ấy đã nổi dậy chống ách đô hộ trước khi Ngô Quyền
đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, rồi sau đó con rồng ấy lại vùng dậy
trên sông Như Nguyệt thời Lê Hoàn, trên sông này thời Lý, trên sông Bạch Đằng
thời Trần, tại ải Chi Lăng, nơi Điện Biên Phủ v.v. Đặt tinh thần Thăng Long
trong chiều dài của lịch sử chúng ta thấy Thăng Long chính là tâm thức Việt,
triết lý Việt, tinh thần của hai tiếng Thăng Long không phải đóng khung ở thời
Lý mà nó là ý thức chủ đạo xuyên suốt mọi thời đại, trước và sau đó, cho nên nó
không bao giờ xưa củ cả. Bởi vì con rồng này chính là ý thức chủ quyền của dân
việt, là sức mạnh của nhân dân Việt, dù qua biết bao thăng trầm của đất nước,
qua đổi thay của biết bao thời đại, con rồng ấy vẫn ở đó, mãi mãi ở đó. Nó bất
biến giữa vạn biến. Nó là chủ quyền của quốc gia. Chỉ hai tiếng Thăng Long thôi
mà Lý Công Uẩn đã nói lên tất cả những gì trong thời đại của mình mà cũng là
thông điệp gởi đến ngàn sau ./.
[Tác giả gởi bài trực tiếp cho blog Hữu Nguyên, xin cảm ơn tác
giả Viên Như]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét