Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

“Binh pháp Tôn Tử” trên Biển Đông?


Truyền thông Trung Quốc xem ra đã đóng vai trò khá tích cực vào chiến thuật “nghi binh” của nước này trong chiến dịch mở tuyến du lịch từ Hải Nam ra quần đảo Hoàng Sa mới đây. Với những người từng tham khảo qua binh pháp Tôn Tử, chắc họ sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi Trung Quốc muốn thực hiện một âm mưu nào đó thì bao giờ họ cũng cố tình tạo ra một môi trường “hư hư thực thực” che phủ âm mưu đó, để đối phương không biết đâu mà lần. Theo binh pháp cổ xưa của Trung Quốc, thì chiến thuật nghi binh, tạo ra thông tin mập mờ, đánh lạc hướng đối phương và giữ bí mật của chiến dịch tới phút cuối cùng là một trong những nguyên tắc dẫn tới thành công trong mọi trận chiến.

“Chiến dịch” đã xảy ra và Tân Hoa Xã (hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc) đưa tin hôm thứ bảy (7/4/2012) cho biết vào ngày 6/4/2012 du thuyền Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp (Hải Nam) đã bắt đầu thực hiện hành trình thử nghiệm tuyến du lịch đường biển từ Tam Á (Hải Nam) đến đảo Đá Bắc quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa). Vào cuối tháng 3/2012, tờ Nhân dân nhật báo (cơ quan chính thức của Đảng CS Trung Quốc) cũng từng loan tin về một kế hoạch chuyên chở khách du lịch từ Hải Nam tới mạn bắc của đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) bẳng du thuyền Coconut Princess. Cũng theo tờ này, thông tin về tuyến du lịch tới Hoàng Sa đã bắt đầu được các cơ quan hữu quan của Trung Quốc quảng bá rộng rãi. Ngành du lịch Trung Quốc thậm chí còn nghĩ ra một slogan hấp dẫn để thu hút khách là “Tây Sa (Hoàng Sa), một Tam Á đang lên”. Tam Á là thủ phủ của đảo Hải Nam, được Trung Quốc quy hoạch phát triển thành trung tâm du lịch biển. Một chương trình phát trên Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) hôm 28/3/2012 dẫn lời Chuẩn đô đốc Doãn Trác cho rằng nếu Trung Quốc “thực hiện được tour du lịch này thì quá trình khẳng định chủ quyền tại Tây Sa hết sức thuận lợi”.
Thêm hãng tin sừng sỏ Reuters bị lôi kéo vào cuộc chơi, khi hãng này trích dẫn lời của một quan chức đảo Hải Nam trên Đài phát thanh Trung Quốc ông Đặng Tiểu Cương (Phó giám đốc Sở du lịch hải Nam) nói ngày 4/4/2012: “Kế hoạch tổng thể đang được soạn thảo và một kế hoạch cụ thể cũng đang được tiến hành. Chúng tôi hy vọng là trong năm nay chúng tôi có thể mở tuyến du lịch biển tới quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa)”. Phát biểu trên đây của ông Đặng Tiểu Cương đã được nhiều cơ quan truyền thông của Trung Quốc đăng lại, kể cả China News Service (CNS - hãng tin lớn thứ hai sau Tân Hoa Xã). Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết là trong tháng 3/2012, ông Vương Chí Phát, thứ trưởng, phó chủ nhiệm cơ quan du lịch quốc gia Trung Quốc cũng đã tuyên bố: “Phát triển du lịch quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) sẽ giúp chúng ta bảo vệ biên giới và chứng tỏ sự hiện hữu về chủ quyền của chúng ta tại đây”.
Theo giới phân tích, sự kiện Trung Quốc ráo riết chuẩn bị mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và các nước láng giềng khác trong khu vực. Trước đó, thứ sáu ngày 30/3/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã phản đối việc Trung Quốc cho tổ chức cuộc đua thuyền buồm gọi là “Cúp Ty Nam” xuất phát từ Tam Á xuống tới quần đảo Hoàng Sa. Đối với Việt Nam, hành động này của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại chính cam kết của Trung Quốc là không có hành động làm  phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông”. Quyết định tổ chức cuộc đua thuyền đó là một âm mưu mới cụ thể hóa các chủ trương khai thác quần đảo Hoàng Sa về mọi mặt, từng bị Việt Nam chính thức phản đối trước đó hai tuần. Cụ thể là ngày 15/3/2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối một loạt hành động của Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa, trong đó có chủ trương của Tổng cục Du lịch Trung Quốc tổ chức du lịch đến Hoàng Sa, được tiết lộ vào thượng tuần tháng 03/2012.
Ngoài ra phía Việt Nam cũng tố cáo việc Tập đoàn dầu khí Nhà nước Trung Quốc CNOOC gọi thầu thăm dò dầu khí gần đảo Cù Mộc (Tree Island - Trung Quốc gọi là đảo Triệu Thuật), một trong những hòn đảo chính của quần đảo Hoàng Sa, hay việc Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trong vùng này. Sự vụ nổi cộm mới nhất buộc Bộ Ngoại giao Việt Nam phải chính thức lên tiếng phản đối ngày 21/3/2012, là vụ bắt giữ tàu cá cùng 21 ngư dân Việt Nam ngày 03/03/2012 mà Trung Quốc cáo buộc  các ngư dân này đã “đánh cá trái phép” tại khu vực Hoàng Sa, đòi nộp tiền chuộc thì mới thả ra. Ngoài các vụ nổi cộm trên, các hành động cướp bóc, hạch sách ngư dân Việt Nam vẫn thường xuyên xảy ra. Theo các thông tin trên báo chí Việt Nam, ngày 31/03/2012 có hai vụ tàu cá Việt Nam hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa bị Trung Quốc sách nhiễu, một chiếc thì bị cướp hải sản đánh bắt được, một chiếc thì bị tấn công khi chạy vào đất liền tránh bão, hải sản và ngư cụ bị ném xuống biển.
Thế nhưng, một luồng thông tin “ngược chiều” đột ngột xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc ngày 5/4/2012 (đúng một ngày trước khi sự kiện du thuyền Coconut Pricess nhổ neo thực hiện hành trình khai phá tuyến du lịch tới quần đảo Hoàng Sa). Hãng tin CNS (Trung Quốc) ngày 5/4/2012 dẫn lới người phát ngôn Tổng cục du lịch quốc gia Trung Quốc bác bỏ thông tin nói Trung Quốc có kế hoạch phát triển du lịch trên quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Cùng ngày, Nhân dân Nhật báo cũng dẫn lời ông Đặng Tiểu Cương khẳng định ông chưa bao giờ phát biểu về kế hoạch phát triển du lịch ra quần đảo Tây Sa như đã dẫn ở trên. Báo này cũng cho biết ông Cương đã thôi giữ chức phó giám đốc Sở Du lịch Nam Hải từ tháng 5/2011 và gần đây không trả lời phỏng vấn của cơ quan báo chí nào. Đào phát thanh Trung Quốc (CNR) cùng nhiều cơ quan truyền thông khác của nước này trong ngày 5/4/2012 cũng đồng loạt đưa ra các thông tin tương tự.  Hãng tin Reuters cũng trong ngày 5/4/2012 lại xuất hiện cho biết tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc dẫn lới ông Đặng Tiểu Cương nói ông chưa từng lên tiếng với báo chí về kế hoạch mở tuyến du lịch ra Tây Sa, và rằng đây hoàn toàn là chuyện bịa đặt.
Chẵng hiểu ra làm sao, cho tới 22giờ tối thứ sáu ngày 6/4/2012 du thuyền Coconut Princess của Trung Quốc thực sự khởi hành thực hiện chuyến du lịch thử nghiệm từ Tam Á ra đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng ngày 6/4/2012, theo truyền thông Trung Quốc, Phó Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông tỉnh Hải Nam Hoàng Bành trả lời báo chí cho biết, tuyến đường này dự kiến hành trình 2 ngày, một chiều mất khoảng 10 giờ. Hoàng Bành cho biết, tuyến du lịch Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) theo quy hoạch ban đầu chỉ có thể tham quan du lịch ở xung quanh đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa), sau đó quay trở về đảo Hải Nam.
Phản ứng trước hành động này của Trung Quốc, ngày 9/4/2012 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết: “Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc làm trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông”. Ông Nghị nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)”.
Như vậy chuyện Trung Quốc mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là có thật và trên thực tế đã xảy ra. Chuyện này còn được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và lâu dài, có nhiều quan chức Trung Quốc phát biểu về kế hoạch này và cùng nhận định là “có lợi cho việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại đây”. Chiến lược “gậm nhấm dần dần”, từng bước xác lập chủ quyền trên thực tế và tiến tới chiếm lĩnh ưu thế tuyệt đối trên Biển Đông là “bài bản” mà Trung Quốc đã và đang thực hiện từ rất nhiều năm qua. Chuyện “tung hỏa mù” thông tin trước “giờ G” vốn đã được chuẩn bị khá kỹ càng là một trong những chiêu thức khá phổ biến trong các phương cách mà Trung Quốc thực hành để thực hiện chiến lược “gậm nhấn dần dần” Biển Đông của họ theo môtíp rất cổ xưa có nguồn gốc từ binh pháp Tôn Tử.
Chuyện bắt giữ ngư dân Việt Nam hành nghề hợp pháp trên ngư trường Hoàng Sa, “kết tội” ngư dân Việt Nam “đánh cá trộm” ngay trên vùng biển quen thuộc, lâu đời của mình; đối xử tàn nhẫn như đánh đập, xâm hại thân thể, tính mạng, tài sản và cuối cùng làm giam giữ đòi tiền chuộc không tuân theo bất kỳ một thông lệ hay luật pháp quốc tế nào đối với các hành vi xảy ra trên biển; hay xông vào cắt cáp các tàu thăm dò của Việt Nam đng hoạt động trong phạm vi thềm lục địa của mình rồi ngược ngạo tuyên bố Việt Nam truy đuổi tàu cá Trung Quốc trái phép trong vùng biển của họ, yêu cầu Việt Nam phải chấm dứt các hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi “đường lưỡi bò” phi lý...v.v… và …v.v… Cũng là một cách “tung hỏa mù” theo kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng”  để đối phó với dư luận quốc tế và che mắt công luận trước các hành động “gậm nhấm dần dần” ngày càng trở nên hung hăn và công khai của Trung Quốc trên Biển Đông. Hành vi “bắt người đòi tiền chuộc” của Trung Quốc trên Biển Đông cũng thật khó hiểu khi chuyện đàm phán và nộp tiền chuộc người vẫn thường diễn ra trong bóng tối, rất mập mờ và thậm chí có thể “trả giá” như thông tin trên báo chí gần đây tiết lộ. Dẫn lời người nhà các ngư dân đang bị Trung Quốc giam giữ báo Thanh Niên cho biết, phía Trung Quốc yêu cầu chỉ cần nộp một ít tiền thôi thì có thể gặp người nhà và thà người trước, còn tàu thuyền thì khi nộp đủ sẽ thả sau. Phưong thức nộp tiền chuộc là chuyển vào một tài khoản nào đó của Trung Quốc, chẳng ai biết chủ tài khoản là cơ quan chức năng nhà nước Trung Quốc hay một cá nhân nào. Chỉ mới gần đây, các viên chức nhà nước Trung Quốc thông qua truyền thông nước này mới thừa nhận việc đòi riền chuộc 70.000 nhân dân tệ cho mỗi ngư dân Việt Nam là chủ trương của nhà nước Trung Quốc. Chuẩn đô đốc Doãn Trác của Trung Quốc còn bình luận “phạt 70.000 nhân dân tệ/người là còn quá nhẹ”. Điều kỳ lạ là chủ trương bắt người đòi tiền chuộc này của nhà nước Trung Quốc lại được thực hiện rất là thiếu minh bạch, phần lớn các thoả thuận nộp tiền chuộc người đều được thực hiện ngoài vòng kiểm soát của cơ quan ngoại giao. Rõ ràng là các thông tin liên quan tới “chủ trương” bắt người đòi tiền chuộc của phía Trung Quốc cũng là một dạng “hư hư thực thực” chẳng biết đâu mà lần, nhưng mục tiêu thì rất rõ ràng: một là làm kiệt sức, nãn lòng các ngư dân Việt Nam có ý định đi đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa và thậm chí cả vùng biển Trường Sa; hai là vừa dụ dỗ, vừa ép buộc dồn gia đình ngư dân Việt Nam vào thế đường cùng, lo sợ cho tính mạng người thân buộc lòng nộp tiền chuộc, thừa nhận hành vi đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam tại ngư trường Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là vi phạm lãnh hải Trung Quốc, gián tiếp thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc. Trong khi, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam theo các tư liệu lịch sử ít nhất từ thế kỷ XVII và từ đó đến nay người Việt Nam luôn thực thi chủ quyền của mình một cách liên tục, lâu dài trên quần đảo này. Mặc dù năm 1974 Trung Quốc đã dùng vũ lực để cưỡng đoạt quần đảo Hoàng Sa, thế nhưng hành động dùng vũ lực của Trung Quốc không thể giúp họ xác lập chủ quyền hợp pháp trên quần đảo này theo luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc. Do vậy, dù Trung Quốc đang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa tuy nhiên, quyền chủ quyền của quần đảo này vẫn luôn luôn thuộc về người Việt Nam. Ngư dân Việt Nam từ bao đời qua đã hành nghề trên ngư trường Hoàng Sa thân thuộc như sân trước của nhà mình, nay họ không thể bị bắt hay bị đối xử tàn nhẫn, bị đòi tiền chuộc bởi những người đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực vùng biển này, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Bản thân yêu sách “đường lưỡi bò” cũng là một chiêu thức trong sách lược “tung hỏa mù”, tạo ra thông tin mập mờ, theo binh pháp Tôn Tử. “Đường lưỡi bò” từ đầu xuất hiện chỉ là một bản đồ tư nhân, do một cá nhân tự vẽ ra thể hiện “tinh thần dân tộc” nước lớn của cá nhân. Sau đó lại được chính phủ các thời kỳ của Trung Quốc tiếp thu tự động đưa vào các văn bản hành chính, sách giáo khoa của nước này. Lần công bố đầu  tiên và chính thức trước cộng đồngthế giới yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chỉ mới diễn ra từ năm 2009 khi nước này trình lên Liên Hợp Quốc yêu sách có kèm theo tấm bản đồ “đường lưỡi bò”. Gọi là “bản đồ”, song các đường dứt đoạn được vẽ tùy tiện bao chiếm hầu như gần trọn Biển Đông, trong đó xâm phạm hầu hết các vùng biển là lãnh thổ hợp pháp củq nhiều quốc gia ven Biển Đông được sự thừa nhận của công pháp quốc tế. “Đường lưỡi bò” không hề được xác định bởi bất cứ vị trí toạ độ địa lý nào, ai hiểu sao cũng được. Thậm chí, có học giả Trung Quốc còn giải thích, không xác định tọa độ địa lý khi cần thiết có thể di chuyển các đường này cho thích hợp tình hình thực tế. Thật là một cách giải thích không thể hiểu nổi đối với khoa học về bản đồ.
Thế nhưng, Trung Quốc vẫn tự cho rằng đó là yêu sách chính đáng của họ, vì “đường lưỡi bò” là vùng biển lịch sử, là “ao nhà” mà quốc gia này đã phát hiện, khai thác và làm chủ từ hàng ngàn năm qua. Lập luận này của Trung Quốc rõ ràng là quá khiên cưỡng và thiếu sức thuyết phục vì không có đủ cơ sở để chứng minh. Thế nhưng “binh pháp Tôn Tử” đã giúp Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện yêu sách hết sức mập mờ, đầy phi lý và phản khoa học này. Bởi các yếu tố “hư hư thực thực” lại luôn có lợi cho việc thực hiện những âm mưu trong bóng tối.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét