Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới
đây đã tiếp Tổng giám đốc Tập đoàn Gazprom (một trong những doanh nghiệp dầu khí
hàng đầu của nước Nga) nhân dịp Gazprom đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam (PetroVietnam) để cùng khai thác tại hai lô 5.2 và 5.3 nằm trên thềm lục
địa Việt Nam. Sự kiện này khiến người ta nhớ lại cách đây không lâu, trong chuyến
công du Ấn Độ năm 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng đưa ra thông điệp mạnh
mẽ về việc Nhà nước Việt Nam cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng
của các đối tác nước ngoài hợp tác làm ăn với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực
khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi
đó đã khẳng định rằng các dự án hợp tác khai thác dầu khí trên Biển Đông của Việt
Nam với các đối tác nước ngoài đều nằm trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt
Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai lô mà Gazprom vừa đạt được thỏa thuận hợp
tác với Việt Nam là nơi có các mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh, nằm trong bồn trũng
Nam Côn Sơn giữa quần đảo Trường Sa và bờ biển Việt Nam. Từ năm 2007, cũng chính
tại đây Trung Quốc đã gây áp lực buộc Tập đoàn BP (British Petroleum) phải rút
lui trong dự án hợp tác đầu tư với Việt Nam trị giá 2 tỷ USD vào năm 2009.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã không ít lần gây áp lực với các công ty nước
ngoài có hợp tác làm ăn với Việt Nam trên Biển Đông với lý do họ có “chủ quyền
không thể tranh cãi” trên hầu như toàn bộ Biển Đông được bao chiếm bởi “đường lưỡi
bò” phi lý và phi khoa học. Chẳng hạn như, hồi tháng 7/2008 Trung Quốc cũng đã
gây sức ép buộc Tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ ngừng dự án hợp tác với Việt Nam
tại các lô trên bãi Tư Chính, thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Thế nhưng
ExxonMobil tự tin vào các cam kết của Nhà nước Việt Nam và sự tuân thủ pháp luật
quốc tế của hoạt động hợp tác với Việt Nam trên vùng biển này nên vẫn tiếp tục
dự án. Cho đến tháng 10 năm ngoái, công ty này đã thông báo tin vui về việc tìm
thấy dầu tại khu vực dự án hợp tác với Việt Nam .
Mấy ngày trước khi sự kiện
Gazprom đạt được thoả thuận hợp tác với Việt Nam tại các lô mà BP đã từng rút
lui diễn ra, Trung Quốc cũng đưa ra một thông điệp cảnh báo các công ty Ấn Độ sẽ
phải “trả giá” vì đã hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển mà
nước này tuyên bố “có chủ quyền không thể tranh cãi”. Ngay lập tức, Phó thủ tướng
Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, trong chuyến thăm Ấn Độ hồi cuối tháng 3-2012, đã
tuyên bố khu vực mà Việt Nam hợp tác với Ấn Độ không hề có tranh chấp về chủ
quyền và lãnh thổ vì khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng 200 hải lý, thuộc chủ
quyền của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đơn phương
đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” bao chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông là hành động
xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực. Yêu sách “đường
lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý quốc tế,
cũng không được sự thừa nhận của bất cứ tổ chức quốc tế hay bất cứ quốc gia nào
trên thế giới. Do vậy yêu sách phi lý và phi khoa học này không thể trở thành căn
cứ, làm cơ sở pháp luật để nước này phản đối các hoạt động hợp pháp của các quốc
gia khác trong khu vực.
Tham chiếu các quy định của Công ước
của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia thì
ai cũng thấy rằng yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn trái với các quy định của
Công ước. Không một quy định nào của Công ước có thể biện minh cho yêu sách
“đường lưỡi bò”. Đơn giản bởi vì vùng biển mà “đường lưỡi bò” ngoạm vào không
thể nào là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa của Trung
Quốc. Đó chính là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ,
Philippines , Malaysia ,
Indonesia và Brunei .
Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý nói trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ
quyền của 5 nước ASEAN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Chính vì vậy, mà Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines đã lần lượt gửi
công hàm đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của
Trung Quốc. Việc nước này mới đây vẫn tiếp tục đưa ra yêu sách phi lý nói trên,
tổ chức các cơ quan nghiên cứu đo đạc bản đồ và tiến hành các việc làm trên
thực địa nhằm đơn phương áp đặt yêu sách này càng làm cho tình hình Biển Đông
trở nên phức tạp hơn, gây lo ngại thực sự cho cộng đồng thế giới. Không chỉ các
quốc gia liên quan tranh chấp ở Biển Đông mà dư luận của nhiều quốc gia khác
cũng đã bày tỏ sự phản đối yêu sách đầy phi lý này.
Ngày càng nhiều công ty dầu khí
của hàng chục quốc gia trên thế giới sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và ngày càng
có thêm nhiều tin vui về những thành quả của sự hợp tác này cho thấy cộng đồng
quốc tế, mà đặc biệt là các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu thế giới, tự tin vào
chủ quyền và chính nghĩa của Việt Nam trên các khu vực khai thác ở Biển Đông.
Theo công pháp quốc tế, hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên trên thềm lục
địa của mình là việc làm bình thường của mọi quốc gia có chủ quyền, được luật
pháp cũng như cộng đồng thế giới ủng hộ. Bất kỳ sự quấy rối, đe dọa hay gây hấn
nào nhằm vào các hoạt động hợp pháp bình thường đó cũng đều là phi lý và xâm phạm
thô bạo quyền, lợi ích chính đáng của quốc gia khác, chắc chắn sẽ bị cộng đồng
quốc tế lên án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét