Chương trình thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo cho vụ Đông Xuân ở Đồng
bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay đang chuẩn bị bước vào hồi kết. Thế nhưng,
mục tiêu hàng đầu của chương trình là nhằm giữ giá gạo trong thời điểm thu
hoạch rộ, đảm bảo cho nông dân có lợi nhuận ít nhất 30% so với giá thành xem ra
không đạt được như mong muốn. Bởi vì sau một vài tín hiệu vui trong tuần đầu
tiên thực hiện chương trình, thực tế giá lúa gạo ở ĐBSCL lại có xu hướng giảm
liên tục trong suốt thời gian thu mua.
Mặc dù chương trình thu mua tạm
trữ lúa gạo đã được triển khai đều đặn theo kiểu “đến hẹn lại lên” trong nhiều
năm qua, nhưng có lẽ chưa năm nào chương trình lại nhận được sự hưởng ứng “nồng
nhiệt” của doanh nghiệp như năm 2012 này. Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy
hai tuần, đã có nhiều doanh nghiệp hoàn tất chỉ tiêu thu mua 100%, hay chí ít cũng
đạt từ 70-80%. Sở dĩ tiến độ thu mua nhanh chóng như vậy trước hết là nhờ vào lượng
hợp đồng xuất khẩu thời điểm đó còn đang khá dồi dào. Tuy nhiên, điều quan trọng
và làm nên khác biệt cho năm 2012 là chính sách hỗ trợ lãi suất cho nguồn tiền
lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng trong thời gian ngắn rõ ràng là “cơn mưa rào sau
nắng hạn” đối với nhiều doanh nghiệp. Do vậy mà chương trình này hàng năm chỉ
thu hút sự tham gia khoảng trên dưới 40 doanh nghiệp, còn năm nay con số này đột
ngột tăng lên đến 90. Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp tham gia khá đột biến này
cho thấy lợi ích mà doanh nghiệp kỳ vọng
có được trong cuộc chơi này là không nhỏ, từ nhiều năm qua mà càng đặc biệt hơn
trong thời buổi “gạo châu củi quế” hiện
nay.
Mặc dù được các doanh nghiệp tham
gia tích cực và hồ hởi như vậy, song đang buồn là tình trạng giá cả mà người nông
dân lẽ ra được hưởng như mục tiêu “tối thượng” để chương trình này có thể tồn tại
và tái diễn hàng năm trong một thời gian khá dài lại không đạt yêu cầu. Giá lúa
ở ĐBSCL trong những ngày diễn ra chương trình gần đây lại có xu hướng giảm đáng
kể. Có thể bắt đầu lý giải chuyện này từ nguyên nhân khách quan chẳng hạn như có
thông tin về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam
gần đây không được thuận lắm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) gạo cấp
thấp của Việt Nam
đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với gạo giá rẻ của nhiều quốc gia trong khu
vực. Còn về nguyên nhân chủ quan thì các nhà chức trách cho rằng tại nông dân ĐBSCL
đã không nghe theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, đã trồng quá nhiều loại gạo
cấp thấp nên rất khó tiêu thụ. Vì vậy, người nông dân phải chấp nhận hoặc tồn
kho hoặc bán giá rẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia thì cho rằng việc nông dân trồng
nhiều giống lúa giá rẻ không hoàn toàn là lỗi của họ mà do sự thay đổi của thị
trường tiêu thụ mà bản thân người nông dân
không có đủ thông tin hoặc không được chính các cơ quan chức năng cảnh báo sớm
và đầy đủ.
GSTS. Võ Tòng Xuân, một nhà khoa
học gắn bó mật thiết với nông dân ĐBSCL phân tích, hiện trạng của ngành lúa gạo
Việt Nam là điển
hình của sự phát triển không đồng bộ. Sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vẫn còn
trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”, kết quả của sự cố gắng riêng lẻ không có tác
dụng cộng hưởng mà nhiều khi còn triệt tiêu lẫn nhau. Trong thực tế, người nông
dân sản xuất rất tự phát, muốn trồng giống lúa gì thì trồng, muốn bón phân thế
nào thì bón. Họ trồng lúa mà không biết ai sẽ mua, bán ở đâu, bán giá bao nhiêu.
Còn cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương phần lớn chỉ khuyến cáo
chung chung, không ai dám đảm bảo với nông dân là ai sẽ mua sản phẩm của họ và
họ nên làm ra sản phẩm theo cách như thế nào. Chuyện tiêu thụ lúa gạo cho nông
dân nhà nước cũng chỉ giao chung chung, trong khi đó doanh nghiệp phải tự lo lợi
nhuận, chỉ biết đối tác với hàng trăm thương lái của họ mà không cần biết gì tới
nông dân. Do đó, mỗi người trồng lúa lại phải tự lựa chọn giải pháp ít rủi ro
nhất theo cách của họ. Kết quả là trên cùng một cánh đồng có đến hàng chục giống
lúa, hàng chục kiểu canh tác khác nhau cùng tồn tại, gây nên nhiều hệ lụy khôn
lường. Hơn nữa, do áp lực nợ nần vì không thể tiếp cận với các nguồn tín dụng
chính thống, nông dân buộc phải bán lúa ngay khi thu hoạch nên thường bị thương
lái ép giá. Những khi đó, nông dân rất cần sự hỗ trợ thì Chính phủ lại giao quyền
cho VFA (thực chất cũng là tổ chức của các doanh nghiệp) định đoạt số phận của
những hạt lúa nặng mồ hội công sức của người nông dân. Kinh nghiệm nhiều năm
cho thấy, giá lúa do VFA định ra thường chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh
nghiệp chi phối thị trường này để họ có lợi thế cạnh tranh giá rẻ với thương lái
quốc tế chứ không coi trọng quyền lợi của nông dân.
Các chuyên gia cho rằng chủ trương
thu mua tạm trữ lúa gạo vẫn chưa có các quy định ràng buộc để đảm bảo lợi ích của
nông dân. Chẳng hạn như không có ràng buộc phải mua những loại lúa gạo nào, do đó
đương nhiên doanh nghiệp sẽ mua những loại gạo dễ tiêu thụ, Hoặc là các doanh
nghiệp nhận chỉ tiêu thu mua không bị ràng buộc bởi quy mô kho dự trữ. Trong
khi tổng công suất kho chứa ở ĐBSCL hiện rất hạn chế, nên khi đã tạm trữ đầy
trong các kho rồi thì rất khó có khả năng doanh nghiệp có thể tiếp tục mặn mà với
việc thu mua thêm chỉ để đảm bảo quyền lợi của nông dân. Nhiều nông dân ở ĐBSCL
từng trải nghiệm khá lâu với việc triển khai chương trình thu mua lúa gạo tạm
trữ đã rất bức xúc nhận xét, Chính phủ có ý tốt với nông dân, bỏ tiền ra hỗ trợ
lãi suất cho các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ, nhưng thực tế là khi thu hoạch rộ
lượng lúa khá nhiều, nông dân buộc phải bán ngay lấy tiền trả nợ, khi đó không
có thương lái nào dại dột mà trả giá cao cho nông dân. Họ sẽ ngồi chờ đến khi nào
nông dân chịu hết nỗi nữa, buộc lòng phải bán theo giá “ép” của thương lái đưa
ra thì lúc đó mới có chuyện “thu mua”. Các nông dân này thắc mắc, tại sao nhà
chức trách không tạo điều kiện cho nông dân trực tiếp vay vốn ưu đãi để trữ nguồn
lúa gạo tồn kho trong nhà chờ giá hợp lý mới bán mà chỉ cho vay ưu đãi thông
qua các doanh nghiệp thuộc VFA đồng thời giao luôn quyền định đoạt giá cả thu
mua cho chính tổ chức của các doanh nghiệp này. Làm sao có thể đảm bào trong hoàn
cảnh “vừa đá bóng vừa thồi còi” các doanh nghiệp thuộc VFA có thể đảm bảo, coi
trọng các lợi ích của người nông dân mà “quên” đi chính lợi ích của họ?
Một thực tế rõ ràng là giá lúa
nhiều nơi ở ĐBSCL những ngày qua đang giảm khá nhanh, trung bình từ 100-200đ/kg/ngày.
Theo tính toán của nông dân, với giá cả như vậy họ không thể lời được tới 18%
so với yêu cầu của Chính phủ là giá thu mua tạm trữ phải đảm bảo cho nông dân có
lời ít nhất 30%. Như vậy, xét về mục tiêu “tối thượng” của chương trình thu mua
tạm trữ lúa gạo là để giữ và nâng giá lúa gạo khi vào vụ thu hoạch rộ thì đã không
đạt được yêu cầu. Điều đáng nói là hoạt động thu mua tạm trữ lúa gạo trên thực
tế đã diễn ta không khác gì hoạt động mua bán bình thường với sự chủ động và
quyền quyết định được đưa ra đơn phương từ phía doanh nghiệp, song họ lại được
thụ hưởng nguồn vay với lãi suất ưu đãi thì lại là chuyện không bình thường.
Chương trình thu mua tạm trữ một
triệu tấn gạo đã diễn ra hàng năm trong thời gian dài, thế nhưng lợi ích thực sự
mà chương trình này mang lại trực tiếp cho người nông dân như kỳ vọng của Chính
phủ là hầu như rất ít ỏi. Do đó các chuyên gia cho rằng cần thiết phải xem xét
lại việc thực hiện các chính sách vì lợi ích của người nông dân. Nếu không có
những thay đổi căn bản thì chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo hàng năm vẫn là
“bổn cũ soạn lại” tiếp tục có những khe
hở tạo cơ hội cho các “nhóm lợi ích” trục lợi trên lưng người nông dân. Không nên
để tình trạng sau hàng chục năm trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng vào hàng
nhất nhì thế giới thế nhưng người nông dân Việt Nam, chủ thể làm ra hạt gạo, thì
lại không được thụ hưởng xứng đáng công sức và thành quả lao động khó nhọc của
mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét