Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

COC – Phép thử “tình đoàn kết” ASEAN


Năm 2002, Trung Quốc ký Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) với khối ASEAN thống nhất, không phải ký riêng với từng quốc gia có tranh chấp trong khu vực. Thế nhưng 10 năm qua, kể từ khi DOC ra đời, Trung Quốc vẫn luôn củng cố lập trường song phương theo quan điểm chỉ chấp nhận đàm phán với từng quốc gia có liên quan đồng thời tìm mọi cách trì hoãn việc tiến tới ký kết với ASEAN một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc hơn.  
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012 mới đây ở Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen (đồng thời là Chủ tịch luân phiên của ASEAN 2012) đã tuyên bố DOC được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, cho nên bất cứ tại diễn đàn nào của tổ chức này Biển Đông vẫn luôn là vấn đề chung của cả khối ASEAN. Tuy nhiên, theo cách diễn giải của phía Trung Quốc ngay sau khi hội nghị này kết thúc thì việc giải quyết vấn đề Biển Đông cần phải được tiến hành thông qua các thương lượng trực tiếp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, cụ thể là giữa Trung Quốc và từng nước ASEAN có liên quan. Thực ra quan điểm này của Trung Quốc không có gì mới lạ. Từ lâu nước này đã luôn chủ trương và bảo lưu quan điểm chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng quốc gia ASEAN có liên quan và không chấp nhận đa phương hay quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Trong khi ASEAN đang nhất trí cao về việc hướng tới hiện thực hóa COC trong năm nay thì Trung Quốc lại bày tỏ sự mong muốn diễn biến này càng chậm càng tốt. Vẫn với phương thức giải quyết vấn đề “kiểu Trung Quốc”, nước này lại tiếp tục đòi hỏi quyền được thảo luận song phương về COC với từng quốc gia có liên quan. Trong khi nhiều quan chức ngoại giao của các nước ASEAN đều khẳng định COC trước khi đưa ra đàm phán với bên ngoài cần phải đạt được sự thống nhất cao trong nội bộ tổ chức này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak đã nhận được sự đồng thuận cao khi nhấn mạnh việc ASEAN sẽ soạn thảo và thống nhất nội dung COC trước khi đàm phán với Trung Quốc.
Còn nhớ, cách đây không lâu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì từng thừa nhận “có những tranh chấp về lãnh thổ và  quyền hàng hải” giữa Trung Quốc và một vài quốc gia láng giềng nhưng “nhưng những tranh chấp này không nên nhìn nhận như là một tranh chấp giữa Trung Quốc và cả khối ASEAN chỉ bởi vì các quốc gia có liên quan này là thành viên của ASEAN”. Để tăng thêm sức nặng cho phát biểu của mình, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì còn nhấn mạnh tại Hà Nội tháng 7/2010 rằng bất cứ các nỗ lực nào nhằm quốc tế hoá vấn đề Biển Đông cũng sẽ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và càng khó khăn để có thể đi đến giải pháp. Phát biểu đó cho thấy rõ ràng ý đồ muốn chia cắt ASEAN và cô lập “các quốc gia có liên quan” của Trung Quốc.
Các diễn biến thực tế trên Biển Đông nhiều năm qua không khó để nhận ra Trung Quốc đang làm mọi cách để giành được càng nhiều càng tốt, trên thực tế lẫn về mặt chính trị, các vùng biển và đảo trên Biển Đông. Cách làm của Trung Quốc là “gậm nhấm dần dần”, thiết lập sự hiện diện thực tế trên Biển Đông ngày càng nhiều để thực hiện mục tiêu cuối cùng là chiếm được ưu thế vượt trội trong khu vực. Một mặt sử dụng phương thức ngoại giao, Trung Quốc vừa không ngần ngại nêu rõ lập trường về yêu sách “đường lưỡi bò” khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên gần trọn Biển Đông; vừa sẵn sàng tạm gác vấn đề chủ quyền, tạm gác tranh chấp, hợp tác với các bên liên quan để cùng khai thác nguồn tài nguyên ở những vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia khác mà Trung Quốc cho là họ có thiện chí “gác lại tranh chấp”. Mặt khác, Trung Quốc tăng cường thiết lập sự hiện diện trên thực địa hoặc trên bản đồ đối với khu vực mà nước này cho là họ có “chủ quyền không thể tranh cãi”. Điều này không chỉ bao gồm các hành động dân sự như đo đạc, vẽ bản đồ, cắm mốc, xây dựng công trình trên các đảo mà còn có cả các hoạt động quân sự, chiếm đoạt một số đảo có chủ quyền từ các quốc gia khác trong khu vực như các hành động cụ thể của nước này trong các năm 1974, 1988, 1995, 1999… Yêu sách về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc được công bố chính thức vào năm 2009 khi nước này lần đầu tiên trình lên Liên Hợp Quốc  bản đồ “đường lưỡi bò” bao chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông.
Điều thú vị là, để trấn an sự phản ứng của các nước ASEAN sau khi Trung Quốc đẩy mạnh gia tăng các hoạt động quân sự nhằm thực thi kế hoạch “gậm nhấm dần dần” trên Biển Đông, năm 1992 lần đầu tiên Trung Quốc miễn cưỡng chấp nhận trở thành đối tác đối thoại với ASEAN. Khi đó ASEAN chủ động đưa ra vấn đề về Tuyên bố những quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông. Lưu ý rằng, đó là tổ chức ASEAN chứ không phải từng quốc gia thành viên, thúc đẩy tất cả các bên liên quan có hành động kiềm chế nhằm tạo ra môi trường tích cực hình thành giải pháp cuối cùng cho mọi xung đột. Mười năm sau, Trung Quốc và ASEAN mới ký kết được DOC vào năm 2002 tại Phnom Penh. Thế nhưng, lập trường của Trung Quốc cho đến hôm nay vẫn khăng khăng rằng một khối ASEAN thống nhất không thể tham gia vào tiến trình quản lý tranh chấp trên Biển Đông. Lập trường này rõ ràng là hoàn toàn đi ngược lại tinh thần các thỏa thuận của nước này với cả khối ASEAN gần 20 năm qua. Có vẻ như Trung Quốc đang cố gắng “định hướng” cho một số nước thành viên của ASEAN chống lại chính tổ chức khu vực của mình và chia cắt ASEAN thành các quốc gia có và không có liên quan tới vấn đề Biển Đông. Trung Quốc cũng có vẻ biết rất rõ rằng các nước thành viên ASEAN nếu đứng riêng lẻ và bị tách ra như “từng chiếc đũa” trong một câu chuyện ngụ ngôn thì sức mạnh của họ không có gì đáng kể. Thế nhưng, nếu ASEAN đoàn kết lại, thành “một bó đũa” thì tổ chức này thực sự là một thế lực chính trị, kinh tế hết sức đáng gờm. Có lẽ vì vậy mà năm ngoái, sau hội nghị thường niên của Diễn đàn khu vực ASEAN, với sự tham gia của các ngoại trưởng từ 27 quốc gia, sự đồng lòng của ASEAN đã đưa tới một tuyên bố và một bản quy tắc nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của DOC 2002 như là văn kiện mang tính lịch sử, một dấu mốc quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên bất chấp “dấu ấn lịch sử này”, Trung Quốc vẫn tiếp tục quan điểm “chia để trị” của họ với động thái ngay sau đó (và mới đây nhất là sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012) đưa ra  tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán song phương tới từng quốc gia có liên quan chứ không phải với cả khối ASEAN.
Những phân tích trên cho thấy sự nỗ lực của ASEAN trong việc kiềm chế cách hành xử của nước này trên Biển Đông không thể đạt hiệu quả như kỳ vọng khi mà Trung Quốc luôn “nói một đàng làm một nẽo”. Trong khi thảo luận với ASEAN để tìm kiếm các giải pháp hòa bình thì Trung Quốc lại dùng vũ lực chiếm đóng các bãi đá và đảo trên Biển Đông; ký kết các văn kiện thỏa thuận với cả khối ASEAN song khi thực hiện Trung Quốc khăng khăng chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng quốc gia có liên quan… Trên thực tế, phần lớn các đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc chỉ có thể thực hiện được khi thỏa mãn các “điều kiện kèm theo” của Trung Quốc bên cạnh các cam kết chính thức. Do vậy, kỳ vọng vào một COC trong năm nay để thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông vừa phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên liên quan, cũng như lợi ích của cả cộng đồng ASEAN đòi hỏi nguyên tắc hàng đầu là phải có sự đoàn kết thống nhất cao của tổ chức này. Đó là một lập trường kiên định mà ASEAN đã từng đạt được khi tiến tới văn kiện mang dấu ấn lịch sử, cột mốc quan trọng đủ sức biến Trung Quốc trở thành đối tác đối thoại với ASEAN, như từng có ở DOC 2002, chứ không phải với từng quốc gia riêng lẻ có liên quan như mong muốn của nước này.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét