Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tận mạng?

Minxin Pei (Giáo sư Claremont McKenna College)

Liệu giới chóp bu cầm quyền của Bắc Kinh có chịu chung số phận như giới cai trị ở Liên Xô cũ? Dám lắm.

Hôm thứ Sáu tuần rồi, Bắc Kinh thông báo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ nhóm họp đại hội đảng lần thứ 18 vào ngày 8 tháng 11. Thông báo này đã làm nhẹ nhõm những người quan ngại rằng các vụ tai tiếng chính trị và tranh giành quyền lực ở thượng tầng chính phủ Trung Quốc đã phá hỏng bước chuyển giao thế hệ lãnh đạo cả thập niên mới có một lần. Rốt cuộc, giới lãnh đạo cao cấp nhất của đảng dường như đã nhất trí về cách xử lý Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh đã thất sủng (có thể là đi tù), và về nhân sự Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị đầy uy quyền.

Vì những lý do đương nhiên, giới chóp bu lãnh đạo của Trung Quốc trong vài tháng sắp đến sẽ gắng hết sức để tạo nên hình ảnh đoàn kết và tự tin, và thuyết phục thế giới tin rằng thế hệ lãnh đạo sắp tới đủ năng lực duy trì độc quyền chính trị của ĐCSTQ.

Ác một nỗi là dễ gì thiên hạ tin. Lòng tin vào sự thống nhất nội bộ và sự lãnh đạo của đảng đã bị lay chuyển do vụ Bạc Hy Lai, đại nạn tham nhũng, cải cách đình trệ trong thập niên vừa qua, kinh tế suy giảm, quan hệ ngày càng xấu đi với các nước láng giềng và Mỹ, và bất ổn xã hội ngày càng tăng. Hiện nay nhiều người tự hỏi ĐCSTQ có thể bám víu quyền lực đến bao lâu nữa và liệu ĐCSTQ có thực hiện được một quá trình quá độ dân chủ để tự cứu mình hay không.

Những câu hỏi này không phải là sản phẩm của những kẻ rỗi hơi nghĩ càn. Xét về nhiều mặt, sự cai trị của ĐCSTQ sắp sửa bước vào một thập niên khủng hoảng có hệ thống. Sau khi đã cai trị Trung Quốc trong 63 năm, trong vòng chục năm nữa đảng sẽ đạt đến tuổi thọ ghi nhận được của những chế độ độc đảng lâu bền nhất trên thế giới – Đảng Cộng sản trước đây của Liên Xô (74 năm), Quốc Dân Đảng (73 năm), và Đảng Thể chế Cách mạng [PRI] của Mexico (71 năm). Cũng như một con người, một tổ chức như ĐCSTQ cũng già đi.

Ngoài ra, sự phát triển kinh tế nhanh của Trung Quốc đã đẩy đất nước này vượt qua cái thường được gọi là “vùng quá độ dân chủ” – phạm vi thu nhập bình quân đầu người từ 1.000 đến 6.000 đô-la (theo ngang giá sức mua, PPP). Giới chính trị học đã nhận định rằng các chế độ chuyên quyền càng có nguy cơ phải thay đổi chế độ khi thu nhập càng tăng. Cơ may duy trì chế độ chuyên quyền càng giảm đi một khi thu nhập bình quân đầu người vượt quá 6.000 đô-la (PPP). Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã đạt đến 8.500 đô-la (PPP). Và gần như tất cả những chế độ chuyên quyền trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người cao hơn thế là những nước dầu hỏa. Vì vậy Trung Quốc đang ở trong một môi trường kinh tế xã hội mà trong đó sự cai trị chuyên quyền ngày càng trở nên không chính đáng và không bền vững. Nếu ai chưa tin ở điểm này thì nên thử xem qua mạng Vi Bác (Weibo, 微博, mạng xã hội Trung Quốc tương đương với Twitter - N.D.) để thấy dân thường ở Trung Quốc nghĩ gì về chính quyền.

Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi về tính bền vững của chế độ cai trị độc đảng ở Trung Quốc đã rõ: tiền đồ của ĐCSTQ là đã tận mạng.

Câu hỏi về việc bằng cách nào một chế độ độc đảng có thể thực hiện được một quá trình chuyển biến chính trị để tự cứu mình lại có câu trả lời lý thú và phức tạp hơn.

Về căn bản, những chế độ như vậy có hai con đường: con đường chắc chắn dẫn đến tự diệt vong theo kiểu Liên Xô, và con đường dẫn đến tự đổi mới và chuyển biến theo kiểu Đài Loan – Mexico.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSTQ đã quyết tâm không lặp lại thảm họa Xô Viết. Do đó, chính sách của họ từ trước đến nay là cưỡng lại mọi hình thức cải cách chính trị. Rủi thay, kết quả là một đảng ngày càng xơ cứng, chịu sự chi phối của những nhóm đặc lợi, và những kẻ cơ hội đồi bại như họ Bạc. ĐCSTQ có thể có có hơn 80 triệu đảng viên, nhưng phần lớn vào đảng chỉ để lợi dụng những lợi ích vật chất mà đảng mang lại. Bản thân họ đã trở thành một nhóm đặc lợi xa rời xã hội Trung Quốc. 

Nếu sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) có giúp họ rút ra bài học thực sự nào, chắc chắn không phải như Trung Quốc chính thức ra rả tuyên truyền rằng những cải cách chính trị của Gorbachev đã đẩy đảng vào chỗ diệt vong. Sự thật đáng buồn là: đến giữa thập niên 1980 chế độ Xô Viết đã quá rệu rã nên không thể hồi sinh vì chế độ đó đã không chịu cải cách trong hai thập niên thời Brezhnev. Điều quan trọng hơn nữa là ĐCSTQ nên hiểu rằng, cũng như hàng triệu đảng viên ĐCSLX, những đảng viên thường gần như chắc chắn sẽ bỏ đảng trong những lúc khủng hoảng chế độ. Khi ĐCSLX sụp đổ, không hề có đảng viên trung thành nào bênh vực cho chế độ. Một số phận như vậy đang chờ đợi ĐCSTQ.

Như vậy ĐCSTQ chỉ còn một lựa chọn khả thi: chọn con đường tự đổi mới và chuyển biến theo kiểu Đài Loan – Mexico. Những chế độ độc đảng ở Đài Loan và Mexico rõ ràng là những chế độ thành công nhất trong việc tự thay đổi thành những nền dân chủ đa đảng trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Tuy chuyện quá độ sang dân chủ của họ khác nhau và phức tạp, ta có thể rút ra bốn bài học chính từ thành công của họ.

Thứ nhất, giới lãnh đạo ở Đài Loan và Mexico đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính chính đáng trong thập niên 1980 và hiểu ra rằng những chế độ độc đảng đã tận số. Họ không tự lừa gạt mình bằng những ảo tưởng hay điều dối trá.

Thứ hai, cả hai đều hành động trong khi chế độ của họ mạnh hơn phe đối lập và trước khi họ mất tín nhiệm hoàn toàn, nhờ đó họ có khả năng thực hiện được việc chuyển tiếp dần dần.

Thứ ba, giới lãnh đạo của họ tập trung quyền lực và áp dụng độc tài trong nội bộ đảng, chứ không phải dân chủ trong nội bộ đảng, nhằm khắc phục sự chống đối của phe bảo thủ bên trong chế độ. Trong những chế độ độc đảng, dân chủ trong nội bộ đảng chắc chắn sẽ dẫn đến chia rẽ công khai trong giới chóp bu cai trị, do vậy làm suy yếu hoàn toàn khả năng của một chế độ có tính cải cách trong việc thực hiện chuyển tiếp. Hơn nữa, bằng cách làm cho toàn hệ thống chính trị có tính dân chủ hơn, chủ yếu thông qua những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh ở các thành phố và tiểu bang, giới chóp bu cai trị có cơ hội học một kỹ năng quan trọng: giành được sự ủng hộ của cử tri và thắng cử. Những kỹ năng đó không thể học được qua việc thực hiện không minh bạch dân chủ trong nội bộ đảng, mà thực ra chỉ là một cách gọi khác của việc mặc cả và thao túng trong giới chóp bu.

Thứ tư, một phe đối lập dân chủ ôn hòa là người bạn tốt nhất và tài sản quý nhất đối với một chế độ độc đảng có tính cải cách. Một phe đối lập như vậy là một đối tác thương lượng và có thể giúp chế độ đó duy trì tính ổn định trong thời kỳ quá độ. Phe đối lập đó cũng có thể đưa ra những điều kiện tốt hơn nhiều để bảo vệ các lợi ích của giới chóp bu cai trị và thậm chí còn giúp họ tránh cảnh ngục tù.

Khi ta xét đến những thành quả mà Quốc Dân Đảng ở Đài Loan và PRI ở Mexico thu được, chúng không chỉ là những điều khoản ưu đãi cho việc từ bỏ quyền lực (ngoại trừ đối với Tổng thống Salinas buộc phải lưu vọng vì tham nhũng), không một lãnh đạo cao cấp nào bị truy tố hình sự. Điều quan trọng hơn nữa là cả Quốc Dân Đảng và PRI đều giành lại được ghế tổng thống, địa vị quyền lực chính trị ở hai nước đó, sau hai nhiệm kỳ làm phe đối lập.

Nhưng liệu ĐCSTQ có thực sự học hỏi được từ Quốc Dân Đảng hay PRI?

Ngoài chuyện có muốn hay không, ĐCSTQ còn gặp một rào cản nữa. ĐCSTQ là một đảng toàn trị (a totalitarian party), chứ không phải một đảng chuyên quyền (an authoritarian party). Một đảng toàn trị và một đảng chuyên quyền khác nhau ở chỗ đảng toàn trị nhúng tay sâu hơn và rộng hơn vào nhà nước và nền kinh tế. ĐCSTQ kiểm soát quân đội, tư pháp, bộ máy hành chính, và nền kinh tế với mức độ lớn hơn Quốc Dân Đảng hay PRI. Tách một đảng toàn trị ra khỏi nhà nước thì khó hơn nhiều. Quả thực chưa ai thành công khi thử đạt kỳ công như thế. Ở Liên Xô cũ, điều đó đã dẫn đến sụp đổ chế độ. Ở Đông Âu, những cuộc cách mạng dân chủ đã không cho những chế độ như vậy cơ hội để thử.

Bởi vậy nhiệm vụ đối với giới cai trị mới của Trung Quốc quả thật đáng ngại. Công việc đầu tiên của họ thực ra không phải là lao vào cuộc cải tổ perestroika chính trị kiểu Gorbachev, mà là bỏ tính toàn trị của nhà nước Trung Quốc và biến ĐCSTQ thành một đảng như Quốc Dân Đảng hay PRI. Nếu không thực hiện bước trung chuyển này ngay lập tức, ĐCSTQ có thể thấy rằng sự sụp đổ kiểu Liên Xô là tương lai duy nhất của mình.
Bản tiếng Anh: Is China’s Communist Party Doomed?, The Diplomat, October 01/10/2012
Bản tiếng Việt: Phạm V L Hạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét