Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Tu bổ tôn tạo đình Dương Lôi, Từ Sơn, Bắc Ninh: Sai nguyên gốc, ngược quy trình

Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia đình Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là ngôi đình duy nhất thờ 8 vị vua triều Lý làm Thành hoàng. Mới đây, việc tu bổ, tôn tạo đình được thực hiện với tổng mức dự toán 20.361.139.000 đồng. Tiếc thay, đình đang được trùng tu không đúng nguyên gốc và ngược quy trình theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Định, Thành viên Ban Quản lí (BQL) Di tích…

Trùng tu sai kiến trúc nguyên gốc

Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử Văn hóa đình Dương Lôi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư Tôn tạo Di tích Lịch sử Văn hóa Thăng Long là nhà thầu. Theo kế hoạch, việc tu bổ, tôn tạo sẽ được tiến hành trong một năm. Đến nay, phần móng đình cơ bản đã được hoàn thiện.

Ngày 11/7/2012, sau khi công việc tu bổ tôn tạo tòa đại đình (tiền đường) Dương Lôi tiến hành được chừng hơn một tuần thì ông Nguyễn Văn Định, 74 tuổi, thủ nhang chùa Càn Nguyên (thuộc Khu Di tích đình Dương Lôi) làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi các cấp có thẩm quyền. Một trong những nội dung tố cáo của ông Định là kiến trúc đình đã bị thay đổi, trùng tu không đúng nguyên gốc như quy định của Luật Di sản và quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Ông Định nói: "Tôi phát hiện ra bản vẽ thiết kế để cho thợ nề làm việc tại đình Dương Lôi chỉ có ba gian, hai chái, dựng lên sẽ không giống đình cũ, hơn nữa, kiến trúc này cũng trái với điểm a, khoản 6 Điều 1 của quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt: "Tu bổ, tôn tạo tiền đường: Nhà tiền đường gồm năm gian, hai chái, gian giữa rộng 3,9m, bốn gian bên mỗi gian rộng 3,55m".

Tại báo cáo số 105/BC-SVHTTDL ngày 24/9/2012 của Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh về việc giải quyết đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Định khu Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh do ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh không hề đề cập đến nội dung thay đổi trùng tu kiến trúc đình này.

Cùng với những nội dung giải quyết khác không thỏa đáng, ngày 24/10/2012 ông Nguyễn Văn Định tiếp tục làm đơn gửi lên Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bắc Ninh, được chuyển cho Đảng ủy Sở VHTTDL giải quyết. Ngày 14/11/2012 ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở VHTTDL có báo cáo số 79/BC-ĐU về việc giải quyết đơn của ông Nguyễn Văn Định gửi Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bắc Ninh. Theo báo cáo số 79/BC-ĐU thì nội dung tố cáo đã được Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh giải quyết.

Dẫn chúng tôi tới nền móng đình Dương Lôi cơ bản đã được hoàn thiện, ông Định buồn rầu nói: Đầu năm 1960, ngôi đình vẫn còn tồn tại. Tôi chỉ muốn trùng tu đình đúng nguyên gốc với năm gian, hai chái. Thế nhưng, không hiểu sao những người thực hiện trùng tu lại cố tình làm sai? Ông Định chỉ tay vào những tảng đá kê chân cột, nói tiếp: Căn cứ vào những đá tảng kê chân cột thì thấy chỉ có 8 tảng đá làm chân cột cái đình mà lẽ ra phải 12 đá tảng chân cột cái mới đủ cho đình năm gian.

Ông Nguyễn Văn Định trước nền móng của đình Dương Lôi đang được trùng tu.

Tại "Dự án Đầu tư xây dựng công trình tu bổ tôn tạo đình Dương Lôi, thị xã Từ Sơn" của chủ đầu tư Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh và đơn vị tư vấn Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Xây dựng ACA đã được Trung tâm Kiểm định Chất lượng và Kinh tế xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh thẩm tra ngày 28/4/2011 cho thấy: Bản vẽ "MẶT ĐỨNG CHÍNH. TỈ LỆ 1/125" thì người xem dễ bị đánh lừa bởi nhìn vào thì đình Dương Lôi sau khi trùng tu vẫn có năm cửa, tương ứng với năm gian. Nhưng nếu xem bản vẽ bên dưới - Bản vẽ "MẶT CẮT A-A. TỈ LỆ 1/125" (bóc phần mái, chỉ vẽ phần gỗ) thể hiện rõ kiến trúc đình Dương Lôi sau khi phục dựng sẽ chỉ là ba gian, hai chái. Phải chăng Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh đã cố tình làm trái quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt?

Trùng tu ngược quy trình

Theo nội dung đơn ngày 11/7/2012 của ông Định: "Khi thi công: Phần đào móng phát hiện ra di tích dưới lòng đất (nền đình cũ) không dừng thi công để báo cáo với chủ đầu tư, mà tiếp tục thi công, "bê" đình ra đặt đứng trên tiền tế". Tại báo cáo số 105/BC-SVHTTDL ngày 24/9/2012, ở nội dung 8 giải quyết đơn, Sở VHTTDL cho rằng: Theo quy định thì việc thám sát có thể thực hiện hoặc không. Nhưng ở nội dung 13 của báo cáo 105/BC-SVHTTDL lại cho biết: "Trong quá trình thi công không phát hiện nền móng của đình cũ mà chỉ phát hiện có một số tảng đá mồ côi (đá muối) có hình thù khác nhau nằm rải rác trong lòng đất ở độ sâu 30 - 40 cm".

Ngày 9/10/2012, tại UBND phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lí Di tích tỉnh Bắc Ninh đã công bố Quyết định số 212/QĐ-SVHTTDL tỉnh Bắc Ninh ngày 3/10/2012 về việc khảo cổ khu đình Dương Lôi. Sau một tháng, ngày 9/11/2012, kết quả khảo cổ được công bố tại UBND phường Tân Hồng. Báo cáo kết quả khảo cổ và báo cáo số 149/BC-SVHTTDL tỉnh Bắc Ninh về kết quả giải quyết đơn của ông Định cũng thừa nhận: "Kích thước bước gian tòa tiền đường chuẩn bị tu bổ, phục hồi lớn hơn so với kích thước của gian tiền đường (cổ). Tuy nhiên, diện tích chênh lệch giữa các gian không lớn cho dù tòa tiền đường (mới) sẽ tiến về phía Nam so với tòa tiền đường (cổ)".

Theo ông Định: Như thế, việc trùng tu Di tích đình Dương Lôi đã ngược quy trình. Thường người ta khảo cổ trước rồi mới tiến hành trùng tu. Cái gọi là “đá mồ côi” này chính là đá tảng kê chân cột đình xưa. Và việc không thám sát đã làm cho nền đình tiến về phía trước. Báo cáo không dám viết cụ thể là tiến về phía Nam (phía trước) bao nhiêu, nhưng tôi khẳng định là gần 3m. Và như vậy là đè lên nền tiền tế xưa. Nếu xây dựng tiền tế sẽ không có quỹ đất nữa...
Trong khi chưa giải quyết xong nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo của ông Nguyễn Văn Định, việc trùng tu đình Dương Lôi đang tạm dừng thi công. Việc tạm dừng thi công này, theo ông Định: Ông không hề muốn nhưng làm sao phải trùng tu đúng nguyên gốc và quyết định đã phê duyệt của tỉnh Bắc Ninh. Trong khi đó, một số cán bộ ở Dương Lôi đã đi vận động chữ kí của các hộ dân cứ dựng đình?.
Bài và ảnh Từ Khôi
Nguồn báo NCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét