Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Chủ quyền và "hảo hảo” - bên nào nặng hơn?


Nếu không có cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 người Việt Nam ngày nay chắc khó có thể biết được bản chất nghiêm trọng đàng sau mối quan hệ được ví như “môi với răng” trong một thời gian dài. Nguồn tư liệu chính thống do Nhà nước Việt Nam bạch hóa sau cuộc chiến 1979 về quan hệ Việt – Trung cho thấy một sự thật không tốt đẹp như nhiều người lầm tưởng hay cố tình vẽ ra.

Trung Quốc không bao giờ là “bạn vàng”,  mà thường xuyên, trong một mưu đồ rất nhất quán, kiên trì luôn trở thành kẻ chọc gậy bánh xe trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam kể từ năm 1949, khi nhà nước cộng sản Trung Quốc được thành lập. Vài sự kiện lớn được bạch hóa từ thông tin chính thống của nhà nước Việt Nam cũng đủ thấy rõ điều này: “phản bội Việt Nam ở Hội nghị Geneve năm 1954, ngăn cản Việt Nam thương lượng với Mỹ năm 1968, dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, phát động chiến tranh biên giới năm 1979, dùng vũ lực đánh chiếm một phần Trường Sa năm 1988”...

Trong thực tế, các hành động gây hấn ngày càng gia tăng và ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông những năm gần đây càng cho thấy mưu đồ trước sau như một của họ là bằng mọi cách, mọi giá, mọi thủ đoạn để áp đặt từ địa vị pháp lý cho tới trên thực tiễn yêu sách “đường lưỡi bò” liếm trọn hầu như toàn bộ Biển Đông. Mặc dù yêu sách này bị phản đối bởi hầu như toàn bộ thế giới (trong đó có không ít những học giả đang là công dân Trung Quốc hoặc gốc Trung Quốc) vì sự mơ hồ, hoang tưởng và không thể đáp ứng tối thiểu các tiêu chuẩn dành cho một tuyên bố về chủ quyền như thông lệ và luật pháp quốc tế.

Thế nhưng Bắc Kinh vẫn bất chấp. Và mới đây nhất họ không ngần ngại in hình bản đồ có “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu Trung Quốc phát hành cho hàng chục triệu công dân của họ đồng hành với “đường lưỡi bò” đi khắp hoàn cầu. Tất nhiên, trong đó có cả các quốc gia bị xâm phạm chủ quyền nghiệm trọng bởi cái đường phi lý và phi pháp này.

Một nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam, ông Đinh Kim Phúc đã nhanh chóng đưa ra nhận định: “Nếu Trung Quốc quyết định in bản đồ hình lưỡi bò bao gồm hơn 80% diện tích Biển Đông thì đó là hành động cuối cùng làm thức tỉnh những ai còn ảo tưởng về sự phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Bởi vì theo ông Phúc: “đây là một thách thức rất lớn đối với tất cả những ai quan tâm, những ai có tiếng nói, những ai có quyền lợi trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông”.

Còn tờ báo Anh Financial Times, cơ quan truyền thông quốc tế đầu tiên lên tiếng về vụ việc này ngay từ hôm  21/11/2012 đã cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc không thể nào hài lòng trước việc các viên chức ngoại giao và cửa khẩu của họ đều bị buộc phải mặc nhiên công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, mỗi khi cấp visa hay đóng dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu của một công dân Trung Quốc.

Trở lại vấn đề liên quan tới các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi giới chức Việt Nam luôn cam kết chủ trương giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán, bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ, Công ước quốc tế về Luật Biển, Tuyên bố DOC, cũng như các thỏa thuận khác giữa các nước có liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc... thì Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố, với quần đảo Hoàng Sa họ không có gì để đàm phán với Việt Nam cả.

Đồng thời với gần như toàn bộ Biển Đông họ tuyên bố chủ quyền bằng yêu sách “đường lưỡi bò”. Thực thi cái gọi là chủ quyền lịch sử, không thể tranh cãi này họ không ngừng gia tăng các hoạt động chấp pháp như kiểm ngư, hải giám; ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên hầu hết vùng Biển Đông; tịch thu tàu thuyền, tài sản, bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt Nam và các nước khác trong khu vực;  phá hoại thiết bị thăm dò dầu khí cua Việt Nam; thành lập thành phố Tam Sa và  bộ máy hành chính bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; tổ chức tập trận, đưa tàu chiến vào Biển Đông, bắn đạn thật, đổ bộ chiếm đảo; gọi mời nhà thầu quốc tế tham gia thăm dò và khai thác 9 lô dầu khí trên Biển Đông xâm phạm nghiêm trọng khu vực thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam;...

Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố là Trung Quốc phải tiếp tục xác quyết chủ quyền trên các lãnh thổ đang tranh chấp với tư cách một nước đang trở thành “cường quốc hải dương”. Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này, đó là tàu Liêu Ninh, nhưng đây là tàu cũ mua lại từ Ukraina và được đại tu lại. Sự kiện này tuy vậy đã được mô tả những là một “bước đi ngàn dặm” mang tính biểu tượng cho sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, trong bối cảnh các nước trong khu vực ngày càng lo ngại trước sự bành trướng thế lực của Bắc Kinh.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy khi bình luận về một số nội dung trong báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ 18  Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho biết: “Ngoài những lời “hoa mỹ” nói về đường lối “yêu chuộng hòa bình”, muốn “chung sống tốt với các nước xung quanh, và các nước đang phát triển” như vẫn thường nói ra, báo cáo đã thẳng thừng nêu “…thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới…” chứ không còn nêu “thế giới đa cực” hoặc “một siêu đa cường” như truớc đây vẫn nói. Điều này cho thấy về đại thể Trung Quốc sẽ không “né tránh” Mỹ nữa mà trong tương lai những ma sát thậm chí xung đột Trung-Mỹ sẽ gia tăng và gay gắt hơn. Tôi cũng xin nói ngay ở đây: qua phương châm “quán triệt... sự chỉ đạo của chiến lược tăng cường quân sự tiến cùng thời đại, quan tâm chú trọng cao độ tới an toàn biển...”, ta có thể dự báo rằng biển đảo, mà trước hết là Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ là nơi Trung Quốc tiếp tục dòm ngó và rất có thể là nơi họ “kiếm cớ lấn chiếm” với quy mô lớn. Câu nói “hòa thuận với các nước xung quanh” sẽ chỉ là những lời lừa bịp”.

Sau Hội nghị Trung ương 6 và một tháng sau khi gặp Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tuyên bố: “Trên tinh thần đồng chí, anh em và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, hai bên cần bàn bạc, thảo luận, đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; không để vấn đề về Biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”.  Tuyên bố của ông Dũng xảy ra cùng lúc với chủ trương của Nhà nước Việt Nam tiếp tục làm khó người dân phản đối các động thái hung hãn và tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Khi nói “không để vấn đề về Biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”, phải chăng ông Dũng đã gián tiếp đưa ra thông điệp cho Trung Quốc biết là lãnh đạo Việt Nam đặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước lên trên tranh chấp chủ quyền?

Quan điểm này của ông Dũng xem ra khá mâu thuẫn với những gì mà các nhà lãnh đạo tiền bối của ông từng tuyên bố. Chẳng hạn như của cựu Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh: Tôi khẳng định lại một lần nữa, giữ độc lập, chủ quyền đất nước là mục tiêu, là nhiệm vụ tối thượng, số một, quan trọng nhất. Chúng ta luôn muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị nhưng quyết không đổi chủ quyền để lấy những điều đó. Hòa bình, hợp tác ngang bằng với chủ quyền là cách nói, là mưu đồ của Trung Quốc. Chúng ta nhất quyết không đổi chủ quyền, không đổi đất đai, biển đảo Tổ quốc để lấy hòa bình”.

Còn Chủ tịch nước đương nhiệm Trương Tấn Sang cũng trong cùng thời điểm tương tự với ông Nguyễn Tấn Dũng đã có quan điểm hầu như ngược lại với Thủ tướng: “Quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước là không lùi bước trong tranh chấp Biển Đông. Việc gìn giữ hòa bình trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thì từ ý thức đến hành động của chúng ta hết sức đầy đủ, nhưng đồng thời nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền vẫn luôn được tiến hành thường xuyên, không có gì thay đổi. Nhưng trong điều hành cũng có thể chúng tôi có lỗi chuyện này chuyện nọ, không loại trừ, nhưng ý thức cũng như hành động không bao giờ tách khỏi lập trường, quan điểm: chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.

Một khi khẳng định “chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, thì việc bảo vệ chủ quyền và quyền lợi đất nước, trong đó bao gồm chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và khu vực thềm lục địa ở Biển Đông, phải là nhiệm vụ, là trách nhiệm và là ưu tiên cao nhất của lãnh đạo Việt Nam.

Có thể bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng biện pháp hòa bình và tình hữu nghị đơn phương được không một khi giặc đã ngấp nghé trong sân nhà chúng ta? Cha ông ta từng nói: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chúng ta muốn hòa bình và chỉ có hòa bình khi kẻ xâm lược biết rõ rằng chúng sẽ bị đánh tơi bời không còn manh giáp, một khi chúng muốn biến dã tâm cướp bóc thành hiện thực.

Các bô lão ở Hội nghị Diên Hồng cách nay hơn 720 năm chắc sẽ không đồng thanh cùng hạ quyết tâm “chiến”, khi được triều đình mời đến để hỏi “hòa hay chiến”, nếu cả triều đình cũng như toàn thể dân chúng Đại Việt đều mê muội coi trọng quan hệ “môi răng” với quân xâm lược hơn là quyết tâm bảo vệ từng tất đất núi sông của cha ông để lại.
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét