Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Chuột đại gia


Tuổi thơ tui từng lang thang khắp vùng Đồng Tháp Mười. Mùa nước nổi, chống xuồng đi vớt cá linh lặt  bông điên điển nấu canh chua chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ. Bắt chuột đồng, rắn hổ mang, hổ đất từng cần xé mang dìa... cũng là chuyện chưa có lớn.

Chuyện mà tui muốn kể ở đây tuy chẳng lớn nhưng cũng không nhỏ vì không chỉ liên quan tới loài chuột mà còn là loại thuộc về “quý tộc chuột”, đại gia chuột, hay còn có thể gọi là “vua chuột”.

Có một loài chuột chuyên sống trên ... trời. Chúng béo ục ịch và to tướng như những con chuột cống ở thành phố nhưng lại cực kỳ sạch sẻ và óng ả như những đại gia quý tộc. Lông của chúng đen tuyền, mượt mà như nhung, chúng di chuyển nhẹ nhàng êm ái với những con đường dành riêng trên cao chót vót.

Bọn này từ khi sinh ra cho tới lúc tàn đời có lẽ chưa bao giờ nhìn thấy thảm cảnh của đồng loại ở trong khu... ổ chuột thuộc các thành phố, đô thị chen chút nhau mưu sinh vất vả, khổ nhọc và mang trên mình biết bao là vi rút, vi trùng truyền nhiễm... Chúng sung sướng quen thân ăn trên ngồi tróc..

Tuy vậy, chúng cũng phải kiếm ăn. Cái vụ này thì chúng rất giống đồng loại. Tuy nhiên, chúng chỉ ăn và uống có một thứ lúc nào cũng sẵn có xung quanh đế chế của chúng: đó là trái dừa. Vì vậy, chúng còn được gọi là chuột dừa.

                                                                       Chuột dừa bị sa lưới

Rừng dừa bạt ngàn của Bến Tre chính là vương quốc mênh mông hầu như vô tận của loài chuột đại gia này.

Chúng ăn tàn phá hại vô kể. Đôi khi chỉ cần một chút nước dừa để giải khát thôi chúng có thể đục khoét tan nát nhiều trái dừa. Mỗi buổi sáng đi dạo trong rừng dừa, tui ghét nhất là nhìn thấy hàng loạt trái dừa đang vào tuổi cứng cạy (sắp thành dừa khô nhưng chưa khô hẳn, cơm dừa còn dẻo như cơm nếp và nước dừa còn ngọt như mía lùi) rơi rụng khắp nơi với những cái lổ nhỏ trên thân tròn vo lớn hơn đồng xu một chút.

Bà con quê tui đều là dân trồng dừa đương nhiên là ghét nhất cái lũ chuột này. Do vậy có chủ trương khuyến khích và động viên hết mực những ai xung phong đi bắt lũ chuột dừa, nhất là những đứa trẻ còn hăng tiết vịt như tui.

Hồi đó tui có rất nhiều cái bẫy chuột dừa được làm bằng ống tre lồ ồ to tướng, đường kính cũng ít nhất là hơn một tấc rưỡi, chiều dài gần bằng cái đốt lóng tre, khoảng chừng ba bốn tấc tây. Một đầu đốt tre được để nguyên, đầu kia cắt ra làm cửa để chuột chui vào, cái sập cửa được làm như một cái cánh cung nối với miếng mồi gắn trong ống tre. Khi chuột dừa chui vào gặm  mồi, cửa sẽ sập lại đóng kín đốt tre khiến chuột bị nhốt bên trong.


                                                        Bẫy chuột dừa loại "máy bay"

Vì chuột dừa chỉ sống trên ngọn cây dừa, không bao giờ xuống đất và hầu như chỉ đục khoét dừa vào ban đêm nên bọn bẫy chuột dừa như tui ai cũng cũng có một cây sào tre dài ngoằn xâu lấy hàng chùm lống tre bẫy chuột gánh trên vai bắt đầu đặt bẫy từ chiều tối.

Bọn tui dùng cây sào đưa bẫy đã cài sẵn miếng mồi và giương sẵn cánh cung như cánh cửa mở rộng mời chào lũ chuột lên tận ngọn các cây dừa. Đặc biệt chú ý cây dừa nào mà trước đó có nhiều trái dừa bị lũ chuột dục khóe rơi rụng đầy vườn.

Mồi bẫy chuột đơn giản cũng chính là một miếng cơm dừa khô nhưng được nướng lên thơm lừng, ngon ơi là ngon. Mỗi lần nướng dừa như vậy tui cũng thấy thèm huống chi là lũ chuột.

Sau môt đêm, trời vừa sáng là lũ chúng tui đi tháo bẫy. Hôm nào trúng mánh thì mười chiếc bẫy sập được từ bảy tới tám con. Hôm nào xui xẻo thì cũng được an ủi dăm ba con. Đáng khích lệ là lũ chuột dừa con nào con nấy đều mập ú, lông mướt rượt mới nhìn đã phát thèm.

Lũ chuột bị sập bẫy sau đó sẽ được chế biến thành nhiều món ăn dân dã ngon ơi là ngon, bây giờ nghĩ tới mà tui vẫn còn thấy thèm chảy nước miếng.

Đơn giản và nhanh nhất là món thui rơm, tất nhiên sau khi đã làm lòng làm lông cẩn thận. Cầu kỳ hơn là món chuột xào lăn với lá cách, cho thêm chút nước cốt dừa béo ngậy.


                                                  Một món chuột dừa được chế biến xong

Tuy nhiên tui vẫn thích nhất là món chuột khìa với chính nước trái dừa xiêm. Chuột làm lông bỏ lòng cẩn thận, tẩm ướp xong cho vào chảo mở chiên giòn lên, xong đổ nước trái dừa xiêm vô rồi để lửa nhỏ áp chảo cho tới khi khô nước, thịt chuột vàng rực thơm lừng là xơi được rồi. Lúc đó mà có thêm mấy chai xị đế, với vài thằng bạn tâm giao nữa thì thật là cuộc đời quá hoàn hảo.


Món chuột khìa nước dừa xiêm này ngẫm ra thấy số phận những con chuột đại gia này giống như một vòng tròn khép kín theo luật nhân quả. Sống bằng cơm dừa, nước dừa trú ẩn trên ngọn cây dừa, khi lên dĩa cũng được tẩm ướp bằng nước dừa… Sống nhờ cây dừa khi thành món ăn đặc sản cũng phải có sự tham gia của cây dừa.

Giờ đây xa quê đã quá nhiều năm, không biết bọn vua chuột còn hoành hành như xưa nữa không? Đôi khi muốn quay trở dìa để được đi bẫy chuột dừa như thuở thiếu thời.

Song bác Tư tui vừa nghe thấy ý định đó liền can ngăn khẩn cấp: “Thôi đi mầy, bọn chuột bi giờ khôn ranh hơn thời mầy còn nhỏ lắm rồi... Cái lũ chuột thành tinh rồi, mày về chẳng bẫy được con nào, có khi còn bị tụi nó hùa nhau cắn chạy không kịp đội nón đó nghen!”.

Nghe vậy tui sợ quá, thôi đành chỉ ôn lại chuyện bắt bọn vua chuột vào cái thời xa xửa, xa xưa, xa lắc xa lơ thôi cho đã cái thèm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét