Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Sự thật cần biết vụ " Tàu sân bay khoan dầu" HD981 của Trung Quốc xâm phạm Việt Nam



    Nguyễn Ngọc Long


    Mới đây, trên trang fanpage Na Son Photographer cho đăng tải một “câu hỏi” với mục đích chỉ trích việc Việt Nam không đưa “tàu ngầm lớp hộ vệ” ra ngăn chặn HD981 với nội dung như trích dẫn dưới đây:

    “Một cái giàn khoan semi-sub tối tân nhất như cái trong hình này nếu tự chạy thì có thể đạt tối đa 3 hải lý/giờ. Nếu có tàu dịch vụ kéo (tug boat) thì tốc độ di chuyển cũng nhanh hơn đôi chút và khó vượt được 7 hải lý/giờ do kích thước to lớn cồng kềnh của nó.


    Cái giàn CNOOC Hải Dương-981 của Tàu chắc cũng không thể di chuyển nhanh hơn. Vậy là trong mấy ngày trước nó được đưa vào biển Đông rất chậm rãi, từ từ. Nhà cháu chả hiểu khi ấy mấy cụ Đinh Tiên Hoàng (lớp hộ vệ Gepard gì đó hiện đại kinh khủng lắm) hay mấy cụ "hố đen" Hà Nội, TPHCM... đang ở đâu mà không ra cản nó lại? Tiền hàng tỷ USD của dân nhà cháu còng lưng bỏ ra không nhẽ chỉ để các cụ lượn quanh quân cảng để cho đám nhà báo chụp hình đăng bài khích lệ tinh thần?!”

    Mình cho rằng đây là một câu hỏi ngô nghê, thiếu hiểu biết trầm trọng về Luật biển, Công ước Quốc tế về Luật biển; đồng thời đang đánh tráo khái niệm để kích động chỉ trích bằng những điều không thật.

    Trước khi đi sâu phân tích, mình cần phải nhấn mạnh rằng vấn đề chủ quyền Biển đảo là rất phức tạp, việc xác lập và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán liên quan cũng phát sinh nhiều phức tạp. Vì thế, nội dung dưới đây sẽ chỉ đề cập theo hướng bình dân hoá và đơn giản hoá khái niệm. Trong một số trường hợp, có những quy định chi tiết quá phức tạp đi kèm đã được mình che lấp đi nhưng đảm bảo không làm ảnh hưởng đến nội dung cần diễn đạt và không làm sai lệch tinh thần về mặt luật pháp.

    1- CÁC THUẬT NGỮ NHẤT QUYẾT BẠN CẦN NẮM RÕ

    >>> Khi bạn làm chủ một “mỏm đất”, bạn có chủ quyền với “mỏm đất” này. Nếu “mỏm đất” này là đất liền, chúng ta có chủ quyền với vùng đất liền. Nếu “mỏm đất” này là đảo, chúng ta có chủ quyền với đảo. Bất kể đó là đảo nổi (luôn luôn có phần nổi trên mặt nước kể cả khi thuỷ triều dâng lên cao nhất), đảo chìm, đảo nửa nổi nửa chìm hay bãi đá - bãi cạn.

    >>> Vì một vùng đất thì rất méo mó, lô nhô chứ không phải hình tròn, hình vuông, tam giác hay tóm lại không phải được vạch ra bởi các đường thẳng, nên để xác định chủ quyền, người ta phải vẽ ra một đường biên gồm nhiều đường thẳng liền nhau bao vùng đất này lại. Các đường này gọi là đường cơ sở.

    >>> Với các quốc gia ven biển như Việt Nam, khi vẽ đường cơ sở để bao vùng đất ven biển lại thì sẽ xuất hiện những vùng tiếp giáp nằm trong đường biên đất liền uốn éo với đường cơ sở thẳng thắn ở phía ngoài. Vùng “chêm vào” này được gọi là vùng nội thuỷ. Chúng ta có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với vùng nội thuỷ.

    >>> Chủ quyền tức là thể hiện vai trò sở hữu. Quyền chủ quyền là thực thi các quyền với khu vực thuộc sở hữu của mình, không cho thằng khác tự nhiên tới chiếm. Quyền tài phán là quyền làm trọng tài phán quyết, hiểu nôm na là quyền được làm ông nội thằng khác khi nó hiện diện trong vùng đó. Thí dụ ở quốc gia mày, thuỷ thủ được cởi truồng, nhưng qua tới khu vực mà tao có quyền tài phán thì tao phán quyết thuỷ thủ nhà mày không được cởi truồng, mày phải kêu chúng nó mặc quần áo vào.

    >>> Sau khi được bao bọc lại bởi các đường cơ sở thẳng để xác lập vùng nội thuỷ, chúng ta “nới rộng” ra 12 hải lý để xác định vùng lãnh hải. Đây là vùng chúng ta có “quyền chủ quyền” và “quyền tài phán” trong khi các quốc gia khác có “quyền qua lại không gây hại”. Tức là nếu Trung Quốc, Nga, Nhật, Mĩ… họ đưa tàu của họ lượn qua lượn lại CHỈ để “thăm quan” thì chúng ta không có quyền đánh đuổi, đe doạ hay ngăn cản. Họ cũng chẳng cần phải xin phép. Trừ khi chúng ta phát hiện ra họ có những vấn đề làm phương hại đến chủ quyền của chúng ta thì chúng ta thực thi “quyền chủ quyền” để đuổi họ đi chỗ khác chẳng hạn.

    >>> Từ vùng lãnh hải, nới rộng ra tiếp 188 hải lý (hay 200 hải lý tính từ đường cơ sở) là vùng đặc quyền kinh tế, là vùng biển mà chúng ta có quyền chủ quyền để thực hiện các việc như đánh bắt tôm cua cá mực, hút dầu hút cát, lắp đặt máy phát điện bằng sức gió, sức biển… Chúng ta đồng thời có quyền tài phán để cho hay không cho thằng khác làm những việc này. Trung Quốc không được đánh bắt tôm cua cá mực, không được hút dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc (và tất cả các quốc gia khác) được quyền tự do cho tàu chạy tới chạy lui (tự do hàng hải), cho máy bay lượn qua lượn lại (tự do hàng không) và Tự do đặt ống dẫn ngầm và dây cáp (thí dụ để kéo Inernet từ đất liền xuyên qua đại dương chẳng hạn).

    Như vậy, việc HD981 thực hiện một hành trình “xuyên qua” vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà không thấy ông tàu ngầm nào ra ngăn cản là chuyện đương nhiên. HD981 chỉ không có quyền cắm vòi của nó xuống vùng này để hút dầu, bắt cá mà thôi. Thậm chí đừng nói là vùng đặc quyền kinh tế rộng tới 200 hải lý, nếu coi HD981 là một “du thuyền để các chân dài tắm nắng và ngắm cảnh” thì nó còn có thể tiến vào và chạy qua chạy lại vùng lãnh hải 12 hải lý ngay sát sườn của Việt Nam mình đấy chứ.

    Thế nên “câu hỏi” trên fanpage Na Son Photographer đặt ra thực sự rất ngô nghê.

    Để dễ hình dung, có thể coi lãnh thổ Việt Nam như một ngôi nhà. Phần tiếp giáp với biển là cửa nhà. Thế thì lãnh hải là cái mí cửa. Chúng ta “mặc nhiên” hiểu rằng mí cửa nhà mình... là của nhà mình! Ông hàng xóm không thể ngồi ở cái mí cửa nhà mình được, nhưng đi qua đi lại dẫm thẳng lên cái mí cửa đó cũng chẳng sao.

    Còn vùng đặc quyền kinh tế có thể coi là cái “vỉa hè”. Chúng ta cũng thường mặc nhiên hiểu rằng chúng ta có quyền ra bán bún ở vỉa hè trước cửa nhà mình, trong khi dân tình vẫn chạy tới chạy lui chạy qua chạy lại.

    Như vậy, việc duy nhất mà chúng ta có thể làm khi Trung Quốc đưa HD981 xuống Biển Đông và tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta đó là đi theo nó và giám sát nó thật chặt. Để đảm bảo nó vẫn được “tự do đi lại” nhưng không được đánh bắt, không được thò cắm cái gì xuống vùng biển đó. Nếu thấy nó tự nhiên “đứng lại” một lúc lâu thì phải coi là việc bất thường và đề nghị… đi tiếp. Bởi vì trong thực tế, ông hàng xóm đi qua và đứng lại vỉa hè nhà bạn cũng có thể là do quần bị tụt, dép bị đứt, chân bị đau… chứ không phải ông đó cứ đứng lại là chuẩn bị bỏ bàn bỏ ghế xuống mua tranh bán cướp của chúng ta vài tô bún.

    Trong thực tế, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và hải quân Việt Nam vẫn làm việc này từ trước đến nay như vậy. Chẳng có gì để mà chê trách. Và còn một thực tế nữa là Trung Quốc mới “đánh tiếng” về việc sẽ cho HD981 đứng ì cù lì ra đó và chuẩn bị chọc vòi xuống khoan dầu chứ việc này chưa diễn ra. Như vậy, làm gì có chuyện Việt Nam tự nhiên mang tàu ngầm tên lửa gì ra ngăn chặn hay bắn phá? Việt Nam chỉ nên điều tàu hải quân, cảnh sát biển ra xua đuổi kết hợp với phản đối ngoại giao và đánh động dư luận quốc tế mà thôi (Việt Nam đã làm rồi).

    Hãy thử tưởng tượng, một bà quang gánh bán bún dạo đến vỉa hè nhà bạn và tự nhiên đứng lại bạn sẽ làm gì? Vén quần ra chửi “eh con chết bờ chết bụi kia, sao mày bán bún trước cửa nhà bà, gánh ngay đi chỗ khác bán nhé, không được bán ở đây đâu” hay bạn xuống bếp vác dao bầu lên xiên chết người ta?

    Nhưng câu hỏi lớn nhất đặt ra ở đây là bạn (và chúng ta) sẽ phải làm gì nếu “cái con chết bờ chết bụi” kia cứ nhất quyết không đi? Và sau đó lại cố tình hạ quang gánh xuống bán bún ở ngay trước cửa nhà mình? Cá nhân tôi thì cho rằng nếu nó chỉ đứng đấy, tôi chửi mà không được thì tôi mang nước ra tôi xịt, tôi xuỳ chó ra xua đuổi thậm chí phải “dùng vũ lực” để dùng tay, dùng vai, dùng đít hất, đẩy, dúi nó xuống lòng đường. Còn cuối cùng nó nhất quyết nằm ra ăn vạ hoặc cứ cố tình hạ quang gánh xuống bán bún thì sẽ phải có đánh nhau thôi chứ đâu còn con đường nào khác!

    NHƯNG CẦN PHẢI NHẤN MẠNH MỘT LẦN NỮA RẰNG HIỆN TẠI THÌ “CON QUANG GÁNH” KIA MỚI ĐỨNG LẠI VÀ “DOẠ” LÀ SẼ BÁN HÀNG CHỨ THỰC TẾ NÓ CHƯA LÀM GÌ CẢ.

    Như vậy, phát biểu của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/5 rằng “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan [tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam] là một hành động khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực” là chính xác. Đây không phải là phát biểu “tỏ ra thận trọng” như một số tờ báo bình luận. Đây là phát biểu rất đúng với tình hình hiện tại. Xét về mặt luật, con chết bờ chết bụi kia được quyền đi qua vỉa hè nhà mình, được quyền đứng lại hóng gió. Nhưng tự nhiên nó lại gánh gồng bếp, nồi, bún, cá… tới đứng đó và nói rằng chỉ để đi qua đi lại là quá lẻo mép, lươn lẹo và đang muốn khiêu khích còn gì nữa!

    2- TẠI SAO TRUNG QUỐC “NGANG NGƯỢC” TUYÊN BỐ SẼ HÚT DẦU Ở VỊ TRÍ NEO ĐẬU HIỆN TẠI?

    Chỗ mà HD981 đang neo đậu nằm gần “đảo” Tri Tôn, một “đảo” nằm trong vùng đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực ăn cướp của Việt Nam và chiếm đóng trái phép (dù vậy, Việt Nam vẫn trước sau như một tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi với tất cả các đảo này).

    Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền với Tri Tôn / Hoàng Sa (của Việt Nam) nên có quyền chủ quyền với vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh và đang nỗ lực nới rộng 200 hải lý xung quanh cụm đảo thuộc Hoàng Sa của Việt Nam ra thành vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

    Việc hung hăng “doạ” sẽ chọc vòi khoan của HD981 xuống vùng này là để bằng mọi cách hợp thức hoá vùng đảo đi ăn cướp, rồi hợp thức hoá luôn “lãnh hải” và “đặc quyền kinh tế” của vùng này. Trong khi cần phải nhấn mạnh rằng Tri Tôn vốn là bãi đá ngầm chứ không phải là đảo, càng không phải là đảo phù hợp cho người ở cho nên dù có trắng trợn ăn cướp và tuyên bố chủ quyền ăn cướp, Trung Quốc cũng không có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng này. Nhất là khi nó lại đang “chồng lấn” vào vùng đặc quyền kinh tế ĐƯƠNG NHIÊN VÀ KHÔNG TRANH CÃI của Việt Nam (nếu theo lý sự cùn về “chủ quyền ăn cướp” mà Trung Quốc tạm thời đang nắm giữ bất hợp pháp).

    Tức là, bằng việc chọc vòi khoan của HD981 xuống vùng biển gần Tri Tôn, Trung Quốc sẽ hiện thực hoá được các ý đồ theo bậc thang từ cao xuống thấp như sau:

    1- Cố gắng liên kết các đảo/bãi đá thuộc vùng đảo Hoàng Sa vào thành một cụm (trong khi các điều kiện tự nhiên, địa lý không cho phép làm vậy). Để từ đó coi “cả cụm” Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc.
    2- Khi xác lập chủ quyền “cả cụm” như vậy, Trung Quốc sẽ tiến tới đớp luôn 12 hải lý xung quanh làm lãnh hải cho “cụm đảo Hoàng Sa”.
    3- Tiếp đó, Trung Quốc liếm lốt 188 hải lý bên ngoài thành “Đặc quyền kinh tế” của mình.
    4- Hợp thức hoá vùng đảo đi ăn cướp trở thành chủ quyền hợp pháp. Qua đó hô biến vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (và các nước khác) biến thành vùng chồng lấn và chanh chấp.
    5- Khi liên kết được các đảo/bãi đá ở vùng Hoàng Sa thành “một cụm” Hoàng Sa, chắc chắn Trung Quốc sẽ làm tương tự với Trường Sa, vì nước này đã ăn cướp nhiều đảo/bãi đá của Việt Nam ở vùng Trường Sa. Trung Quốc sẽ mở rộng lãnh hải, đặc quyền kinh tế ở “cụm Trường Sa” và dựa vào đó để lấn chiếm về mặt kinh tế, sau đó là về mặt lãnh hải với các đảo mà Việt Nam hiện đang quản lý và tuyên bố chủ quyền ở vùng Trường Sa.
    6- Hợp thức hoá đường lưỡi bò 9 đoạn và liếm trọn Biển Đông.

    3- VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM GÌ LÚC NÀY?

    Trong khi Việt Nam chỉ xây dựng được giàn khoan ở các mỏ Bạch Hổ, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Mỏ Đại Hùng… là những giàn khoan “cố định” thì Trung Quốc có một “tàu sân bay khoan dầu”. Cái phương tiện này nguy hiểm ở chỗ nó không đứng yên một chỗ như giàn khoan của chúng ta mà nó “như một cái tàu” nên được quyền đi lại. Tại vì Trung Quốc không thể mỗi ngày mang một cây sắt, một cục bê tông vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để xây dựng đến khi thành hình một cái giàn khoan mà không gặp phản ứng gì. Nhưng họ lại có quyền bê một “cái tàu giàn khoan” đi lại tự do trên biển. Có thể coi đây là “Lợi thế cạnh tranh cốt lõi” dựa trên tiềm lực kinh tế và khoa học kỹ thuật của Trung Quốc mà chúng ta thực sự bó tay.

    Chúng ta chỉ có thể “đối phó” bằng cách nâng cao năng lực tuần tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn sớm cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và hải quân Việt Nam để sẵn sàng phương án xua đuổi “con quang gánh” chết bầm kia thôi.

    Bên cạnh đó, về mặt ngoại giao và truyền thông, Việt Nam cũng nên thay đổi chiến lược, cần làm rõ cho dư luận Quốc tế hiểu rằng Hoàng Sa là một vùng đảo có nhiều đảo lớn nhỏ và bãi đá khác nhau. Để qua đó ngăn chặn việc hợp nhất cụm đảo, ngăn chặn việc bành trướng lãnh hải và đặc quyền kinh tế trong vùng đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc ăn cắp trắng trợn của Việt Nam. Cũng như cần phát đi thông điệp mạnh mẽ để các quốc gia khác nhận thức rằng việc HD981 khoan dầu tại vùng biển gần Tri Tôn không phải chỉ là vấn đề xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà là dã tâm hợp thức hoá đường 9 đoạn. Nếu điều này xảy ra, tất cả các quốc gia có quyền lợi liên quan và đang có tranh chấp chủ quyền đảo đều bị thiệt hại không thể cân đong đo đếm được.

    Và cuối cùng, với chúng ta, những người trẻ, có học thức và khả năng suy xét đúng sai, hãy trang bị kiến thức cho bản thân để hiểu rõ bản chất vấn đề. Hãy đừng ném đá và chỉ trích một cách ngô nghê nữa.

    5 nhận xét:

    1. Tôi hy vọng được đọc nhiều bài viết như bài của Nguyễn Ngọc Long.

      Trả lờiXóa
    2. Bài viết thể hiện sự am hiểu sâu sắc vấn đề mặc dù chưa được kiểm chứng.

      Trả lờiXóa
    3. Bài viết của chú rất hay!

      Trả lờiXóa
    4. Ngoại trừ vài chỗ sai chính tả thì bài viết này thực sự là dễ hiểu và rất hay =))

      Trả lờiXóa