"Chính quyền Việt Nam đang cần một khối đoàn kết và hậu thuẫn của người dân để làm áp lực với Trung Quốc. Thế nhưng tôi cũng lưu ý rằng sử dụng dân như một công cụ theo lối khi nào cần thì cho phép người ta biểu tình, bật đèn xanh, nhưng khi không cần thì lại đàn áp người ta là không nhất quán, không ổn. Nếu Việt Nam muốn đối phó với thách thức, mà là thách thức lâu dài, thì nhà nước phải tìm một phương cách mới, và phương cách ấy không có cách nào khác là phải dựa vào dân."
"Theo tôi Việt Nam hiện theo chính sách nhiều bạn, nhưng lại chưa có bạn thân, bạn thân là Trung Quốc thì như thế là không được rồi. Bạn Nga thì để mua vũ khí, bạn Mỹ để tiếp cận thị trường, bạn Asean thì nói nhiều, làm ít" - TS. Jonathan LondonQuốc Phương
Vụ giàn khoan HD-981 triển khai ở khu vực Hoàng Sa và các cuộc biểu tình tự phát của người dân Việt Nam ở ba miền phản đối Trung Quốc đang đặt lãnh đạo Việt Nam trước một lựa chọn mới về đối sách với Bắc Kinh, theo ý kiến của nhà quan sát quốc tế.
Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại, dường như đã có sự 'phối hợp' giữa chính quyền và nhân dân trong một hành động chung được phối hợp nhằm phản đối các hành động mà Việt Nam cáo buộc là Trung Quốc 'gây hấn' và 'bành trướng', 'xâm lăng', theo nhận định của nhà nghiên cứu Jonathan London từ Đại học Thành thị Hong Kong.
Hôm 11/5/2014, Tiến sỹ London nói với BBC: "Đây là thời điểm lớn mà lãnh đạo Việt Nam phải xem lại chính sách của mình đối với Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh có thể sẽ lặp đi lặp lại lối ứng xử sử dụng sức mạnh, đe dọa sử dụng sức mạnh và lấy sức mạnh đặt điều kiện quan hệ.
"Nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách này mà lại ngày một lấn tới, thì tôi nghĩ, lãnh đạo Việt Nam khó mà có thể tiếp tục quá mềm dẻo mà sẽ phải xem lại chính sách một cách dứt khoát hơn."
Theo nhà nghiên cứu, Trung Quốc đã bộc lộ rõ 'tham vọng' và ý đồ của mình.
Ông London nói: "Nếu như tại Diễn đàn Shangri-La ở khu vực tại Singapore hai năm trước, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đề cao và nhấn mạnh tới một 'lòng tin chiến lược'.
"Thì qua các diễn biến và động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông mà nay là vụ giàn khoan HD-981, người ta càng thấy rõ dường như Trung Quốc đang tiến hành một sách lược khác, đó là sự 'bất trắc chiến lược'."
"Vụ giàn khoan là một thử nghiệm chiến lược bất trắc này và chưa biết bao giờ Trung Quốc sẽ rút giàn khoan này ra. Hiện nay, không ai có thể trả lời rõ ràng về thời điểm nào Bắc Kinh sẽ rút giàn khoan này,
"Hay là sẽ rút từ chỗ này, đưa sang chỗ khác và gây tranh chấp, xung đột tương tự, hoặc rút đi, rồi lại trở lại, không ai có thể trả lời rõ được."
Về các cuộc biểu tình tự phát phản đối giàn khoan Trung Quốc của người dân hôm Chủ Nhật ở cả ba miền của Việt Nam, ông Jonathan London bình luận.
"Chính quyền Việt Nam đang cần một khối đoàn kết và hậu thuẫn của người dân để làm áp lực với Trung Quốc.
"Thế nhưng tôi cũng lưu ý rằng sử dụng dân như một công cụ theo lối khi nào cần thì cho phép người ta biểu tình, bật đèn xanh, nhưng khi không cần thì lại đàn áp người ta là không nhất quán, không ổn.
"Nếu Việt Nam muốn đối phó với thách thức, mà là thách thức lâu dài, thì nhà nước phải tìm một phương cách mới, và phương cách ấy không có cách nào khác là phải dựa vào dân."
'Từ bỏ tư duy cũ'
Nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần phải xem lại chính sách của mình, nhất là trong đối phó với Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc ngày một có xu thế 'lấn lướt', 'hung hăng' và 'khó lường' hơn trong khu vực.
"Việt Nam phải độc lập hơn với Trung Quốc, mà muốn có quan hệ hiệu quả, phải từ bỏ tư duy anh là nước lớn, nước mạnh, tôi là nước nhỏ, nước yếu, đã quan hệ thì phải bình đẳng.
"Việt Nam hiện theo chính sách nhiều bạn, nhưng lại chưa có bạn thân, bạn thân là Trung Quốc thì như thế là không được rồi.
"Bạn Nga thì để mua vũ khí, bạn Mỹ để tiếp cận thị trường, bạn Asean thì nói nhiều, làm ít."
Theo nhà quan sát này, khối Asean là một khối còn chứa đựng nhiều khác biệt giữa các thành viên với nhau.
"Asean không phải là một tổ chức hứa hẹn đối với Việt Nam, vì Asean không đồng nhất, lại cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc, trong đó Campuchia dường như chịu nhiều ảnh hưởng hơn từ Bắc Kinh.
"Tuy nhiên, nếu có được một số tiếng nói ủng hộ của các quốc gia trong khu vực như là Indonesia hay Singapore, cũng sẽ là điều quan trọng đối với Việt Nam."
'Vẫn sợ dân nổi loạn?'
Cũng hôm thứ Bảy, một nhà nghiên cứu quốc tế khác, Giáo sư Carl Thayer từ Úc, đưa ra bình luận về các diễn biến xung quanh vụ giàn khoan HD-981 và các cuộc xuống đường của người dân.
"Từ trước, chính quyền có những quan ngại các vụ biểu tình xuống đường của người dân có thể kết nối các nội dung khác nhau, tức là có thể từ tinh thần dân tộc kết nối sang các đòi hỏi, yêu sách cải tổ, thậm chí chống chính phủ.
"Thế nhưng việc Việt Nam gửi tàu ra đối đầu với Trung Quốc ở khu vực giàn khoan và cho phép truyền thông công khai lên tiếng về vụ việc cho thấy đã có sự thay đổi.
"Nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình ủng hộ chính phủ đã được tổ chức, cũng là cách để đảm bảo cho các cuộc phản đối chính phủ không thể diễn ra tại thời điểm này."
Trước câu hỏi vì sao lãnh đạo cao cấp của Việt Nam có vẻ chưa sẵn sàng trực tiếp lên tiếng với Trung Quốc và trước người dân để bày tỏ thái độ về vụ việc, nhà nghiên cứu nói:
"Hội nghị Trung ương 9 của Đảng Cộng sản đang diễn ra và đúng là vụ việc đã che phủ bóng tối lên nghị trình của Hội nghị, có thể nói là một chủ đề không được lên kế hoạch từ trước để bàn thảo.
"Thế nhưng các lãnh đạo vẫn còn gần một tháng để bàn bạc các phương án ứng phó, và Việt Nam đang cân nhắc việc cử đặc sứ qua Trung Quốc để đàm phán.
"Trong lúc chờ đợi, lãnh đạo phải im lặng, vì họ không muốn sử dụng lời lẽ với lập trường cứng rắn quá, mà lại ở cấp cao nhất, nên sau này sẽ khó ăn khó nói hơn với lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
"Nhưng Việt Nam đưa các lực lượng và đặc biệt là các cuộc biểu tình của người dân có một vai trò nhất định, có thể nói là thách thức, đương đầu như vậy là đúng đắn, nếu không muốn tiếp tục bị Trung Quốc ép."
Theo Giáo sư Thayer vì việc đưa giàn khoan vào khu vực tranh chấp ở Hoàng Sa là một phép thử của Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực và cả với các đối thủ cường quốc của Trung Quốc, nên khi nào mục đích này đạt được xong, Trung Quốc sẽ có thể thay đổi.
Ông nói: "Động thái này như được phỏng đoán là để đối đầu lại với chuyến đi của ông Obama tới bốn nước ở châu Á, và Trung Quốc đã lựa chọn một quốc gia không là đồng minh của Mỹ là Việt Nam để thử thái độ của Mỹ.
"Do Việt Nam không là đồng minh của Mỹ như trường hợp của Nhật Bản và Philippines, người Mỹ chỉ có thể bày tỏ sự quan ngại và phát biểu rằng đây là hành động có tính 'khiêu khích' của Trung Quốc, mà khó có thể làm được gì hơn."
Riêng đối với Nga, nhà nghiên cứu cho rằng quan hệ Nga - Việt cũng bị đặt trong một thách thức, ông nói:
"Ngay vào thời điểm này mà diễn ra diễn tập chung về hải quân Nga - Trung, thì cũng là một toan tính của Trung Quốc.
"Bởi vì Trung Quốc có thể biết rằng, sau các diễn biến ở Ukraine, ông Putin sẽ muốn làm bất cứ điều gì để đối đầu lại với Mỹ và Nato.
"Do đó, Nga có thể sẽ vẫn tiến hành cuộc diễn tập, mặc dù Nga biết rằng Việt Nam đã mua của Nga tới 6 tàu ngầm Kilo."
Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng Việt Nam hiện đang ở trong một thế ứng xử khá khó khăn.
Ông nói: "Việt Nam không có nhiều lựa chọn lắm, Trung Quốc thì luôn luôn nghi ngờ Việt Nam.
"Việt Nam cũng đang tìm cách cân đối lại, đối trọng lại với Trung Quốc bằng việc tăng quan hệ với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản..."
"Thế nhưng như vụ việc HD-981 đang diễn ra, chúng ta thấy rằng Việt Nam đang chật vật trong chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế của mình," nhà nghiên cứu nói với BBC từ Úc.
Cảm ơn bài đăng của trang nhà chỉ rõ luôn vào một phần căn nguyên chuyện TQ xâm lấn từng bước chắc chắn và lì lợm. Tôi muốn nói thêm : lì lợm và tự hợm, trung quốc lừ lừ leo thang xâm lăng biển Đông và lânh thổ của chúng ta.
Trả lờiXóaTôi kg nặng nề về xem số, chỉ nghĩ năm nay 2014 là 40 năm bọn TQ đánh chiếm Hoàng Sa. $) năm, có ai ngờ nó chiếm giữ của ta lâu đến thế, và giờ đây nó khoanh vùng trên biển, ngạo ngược nói "giàn khoan là lãnh thổ di động" của nó, có khác nào nó ngạo ngược và trắng trợn nói nó đang xâm lược Việt Nam, 40 năm mất Hoàng Sa, sẽ bao nhiêu năm mất vùng biển, nó cứ lì lợm như vậy, ta có đấu tranh cách nào đây