Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Hồi sinh và phát triển

Từ chỗ không có tên trong Từ điển Tiếng Việt, hai chữ “doanh nhân” giờ đây đã được hiến định trong Hiến Pháp 2013. Sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong lòng dân tộc có thể nói là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trước năm 1945, Việt Nam từng có một đội ngũ doanh nhân, những nhà tư sản dân tộc khá hùng hậu mặc dù nước nhà còn chưa có độc lập. Ngay khi nước nhà độc lập, để hỗ trợ chính quyền nhân dân non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tuần lễ vàng” trong những ngày tháng 9/1945, kêu gọi mọi người dân ủng hộ ngân sách quốc gia. Trong tuần lễ này, giới doanh nhân, tư sản dân tộc đã có nhiều đóng góp nhất.  Chỉ trong “Tuần lễ vàng” từ 17 đến 24/9/1945, chính phủ lâm thời bấy giờ đã huy động được 60 triệu đồng và 370 kg vàng. Trước đó, sau khi giành chính quyền, quốc khố chỉ có 1,2 triệu đồng. 

Từ sự kiện này dẫn tới cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới công-thương trong Phủ Chủ tịch và mới có lá thư của Người gửi giới công-thương Việt Nam ngày 13/10/1945. Cũng vì thế, sau bao thăng trầm của thời cuộc, ngày 13/10 đã được chọn làm Ngày Doanh nhân Việt Nam kể từ năm 2004. Có thể thấy rằng ngay từ những ngày đầu lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có niềm tin vào giới doanh nhân và kinh tế tư nhân.  Thế nhưng, lịch sử ghi nhận trong một thời gian khá dài doanh nhân đã bị bỏ quên vai trò, thậm chí còn bị  kỳ thị, bị coi là thành phần cần phải cải tạo, xóa bỏ.

Kể từ sau khi đổi mới, hơn hai thập niên qua Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhờ đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực. Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Đội ngũ doanh nhân đã từng bước được khẳng định thông qua các kỳ Đại hội Đảng. Tại Đại hội Đảng lần thứ VI, mặc dù đội ngũ doanh nhân chưa được ghi nhận trong Văn kiện Đảng, nhưng những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và doanh nhân đã bắt đầu được đề cập hoặc trao đổi trong kỳ Đại hội này.  Đại hội Đảng lần thứ VIII đánh dấu một bước chuyển mới khi lần đầu tiên, đội ngũ doanh nhân đã xuất hiện trong cơ cấu xã hội phân chia theo giai tầng ở Việt Nam. Tại Đại hội Đảng lần thứ IX, ngoài giai cấp nông dân, trí thức, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, lão thành cách mạng,  thì “các nhà doanh nghiệp” cũng được Văn kiện đề cập tới như một lực lượng có vị trí quan trọng trong xã hội. Đại hội Đảng lần thứ X tiếp tục thể hiện sự chuyển biến tích cực khi lần đầu tiên Đảng khẳng định việc “tôn vinh các doanh nhân có tài, có đức và thành đạt”.  

Đại hội Đảng lần thứ XI chính thức coi doanh nhân là một đội ngũ.  “Đội ngũ doanh nhân”  trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong cơ cấu giai tầng của xã hội Việt Nam. Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ doanh nhân, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hiện Dự thảo văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vai trò của kinh tế tư nhân và giới doanh nhân: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. 

Trải qua gần 1/3 thế kỷ hồi sinh và phát triển, Việt Nam hiện đã có hàng triệu doanh nhân đang quản lý, điều hành gần 500 ngàn doanh nghiệp, hơn 15 ngàn trang trại và hợp tác xã, trên 4 triệu hộ kinh doanh, giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng của kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo các chuyên gia, hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh. Thời điểm hiện tại, bình quân 200 người dân Việt Nam mới có một doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15-20 người dân là có một doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 96-97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ và... siêu nhỏ.

Một cuộc cách mạng về khởi nghiệp cần phải bắt đầu để có được con số 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa và một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 phải là mục tiêu hướng tới. Việt Nam cũng cần phấn đấu để có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN, châu Á và thế giới. Để có được những doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu hàng đầu cần những nỗ lực đột phá từ hai phía: từ cộng đồng doanh nghiệp và từ Nhà nước. 

Đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán, sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập toàn cầu với sân chơi chất lượng cao được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Nhà nước chỉ có thể tạo môi trường, chỉ có thể là bà đỡ, là hậu phương trong thương trường. Còn chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và đưa đất nước trở nên giàu có chính là sứ mệnh và cũng là trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nhân.

Hữu Nguyên





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét