Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Trung Quốc lúng túng tìm đối sách chống "tuần tra tự do hàng hải" của Mỹ tại Biển Đông



Báo Thanh Niên đưa tin ngày 15-10-2015, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ “những hành động khiêu khích không ngừng” của Mỹ ở Biển Đông và cảnh báo Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình tại đây.

<- Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ tham gia một đợt diễn tập ở Biển Đông - Ảnh: US Navy

Trên thực tế, từ chỗ là hoàn toàn thuộc chủ quyền và quản lý của Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc bất ngờ đánh úp chiếm quần đảo Hoàng Sa, đến năm 1989 đánh úp chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Khoảng 10 năm gần đây, đặc biệt hai năm qua, Trung Quốc bất ngờ tăng tốc cực kỳ nhanh chóng, ào ạt xây hàng loạt đảo nhân tạo, sân bay, cầu cảng ... ở những khu vực đã chiếm được của Việt Nam trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó, Trung Quốc ngang nhiên công bố đây là khu vực "lợi ích cốt lõi" của mình.

Trong chuyến thăm Mỹ đầu tháng 10/2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngang nhiên tuyên bố Hoàng Sa và Trường là của Trung Quốc từ thời ... cổ đại!

Trước tình thế đó, với vai trò (tự nhận) là "lãnh đạo thế giới", dĩ nhiên Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc muốn làm gì thì làm, ăn hiếp các nước nhỏ như Việt Nam, Philippine ...

Ngày 12/10/2015, Mỹ chính thức công bố kế hoạch sẽ điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa.

Ngày 13/10/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định Mỹ sẽ đưa tàu, máy bay và hoạt động “ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, đồng thời khẳng định Biển Đông “chưa và sẽ không là ngoại lệ”.

Tất nhiên, Trung Quốc vô cùng tức giận trước hành động "phá đám" của Mỹ, vì cứ tưởng ngon xơi rồi. Thế mà ...

Trong bài xã luận hôm 15/10/2015, tờ Hoàn Cầu thời báo, ấn phẩm của Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã lên án điều mà họ mô tả là “sự áp bức” của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “không dung thứ những vi phạm tràn lan của Mỹ đối với vùng biển kế cận và vùng trời bên trên những hòn đảo đó”.

Bài xã luận “lớn giọng” tuyên bố Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) “sẵn sàng tung những biện pháp trả đũa tùy theo mức độ khiêu khích của Washington”. “Nếu Mỹ vận dụng một cách tiếp cận hung hăng, đó sẽ là sự vi phạm lằn ranh cuối cùng, và Trung Quốc sẽ không ngồi yên. Trung Quốc vẫn bình tĩnh và tự kiềm chế trước các hành động khiêu khích leo thang của Washington nhưng nếu Mỹ xâm phạm những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không đứng yên và sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn”.

Trong một bài báo khác đăng cùng ngày, Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải, vạch ra những biện pháp đối phó mà Trung Quốc có thể thực hiện nếu Mỹ bắt đầu tuần tra gần các đảo nhân tạo của Bắc Kinh.

Theo ông này, biện pháp mà Trung Quốc nên thực hiện sẽ theo các nấc thang như sau:

- Đầu tiên là cảnh báo về ngoại giao và quân sự.

- Nếu tình hình leo thang, Trung Quốc có thể điều máy bay bám đuôi máy bay Mỹ để xác định xem có “ý định thù địch” gì hay không ? Sau đó sẽ đẩy đuổi tàu và máy bay Mỹ ra khỏi khu vực.

Bài báo cũng dẫn lời ông Hồ Ba, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược biển thuộc Đại học Bắc Kinh, bình luận rằng cả Trung Quốc lẫn Mỹ vẫn sẽ phải kiềm chế để ngăn ngừa đối đầu bùng phát thành “cuộc chiến toàn diện”. “Trung Quốc nhiều khả năng không để Mỹ yên ổn. Hậu quả khả dĩ sẽ là một cuộc đối đầu quân sự lâu dài tại Biển Đông”.

Tuy nhiên, những lời tuyên bố hùng hồn và có "lửa" như trên chẳng qua cũng chỉ là từ những con người, những nguồn tin không nắm giữ vai trò quyết định gì trong hành động ứng phó thật sự của Trung Quốc. Nói một cách ngắn gọn, phải là từ Tập Cận Bình thì mới "đáng tin cậy". Nhưng nhiều khả năng lãnh đạo Trung Quốc sẽ im lặng một cách khôn khéo, thâm hiểm.

Tuy vậy, qua những gì mà truyền thông và chuyên gia của Trung Quốc đã đưa ra ở trên, đã cho thấy rất rõ là Trung Quốc thực sự e ngại (nếu không muốn nói là sợ) trước uy lực quân sự của Mỹ. Trong tất cả mọi khả năng và tình huống, đều cho thấy tối đa là Trung Quốc sẽ "đuổi", "đẩy" tàu chiến máy bay Mỹ - chứ hoàn toàn không có khả năng nổ súng.

Đặc biệt, Trung Quốc tuyệt đối muốn tránh đối đầu với Mỹ trong một cuộc chiến toàn diện - dù là chỉ ở khu vực Biển Đông.

Trung Quốc cũng đã phải nghĩ tới và buộc lòng chấp nhận một cuộc "đụng độ" liên tục, lâu dài với Mỹ trong tương lai tại khu vực Biển Đông.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tỏ ra kiên quyết với kế hoạch điều tàu chiến tuần tra gần đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo Reuters, tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson hôm 15/10/2015 một lần nữa bảo vệ quan điểm về quyền tự do hàng hải ở vùng biển mà Washington từng tuyên bố có “lợi ích quốc gia” dù không phải là một bên tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. “Việc chúng tôi thực thi quyền tự do qua lại ở nơi luật pháp quốc tế cho phép như Biển Đông không phải là điều ngạc nhiên với bất kỳ ai. Tôi không cho rằng điều này có thể được diễn dịch thành hành động khiêu khích”, ông nhấn mạnh.

Có thể nói, với tinh thần cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Philippine ..., cùng với sự can thiệp của Mỹ trong khu vực, Trung Quốc hầu như không có khả năng chiếm được Biển Đông trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình - dự kiến trong 8 năm tới.

Tuy nhiên, khu vực Biển Đông đã và vẫn sẽ tiếp tục không yên tĩnh, căng thẳng chừng nào mưu đồ bá quyền nước lớn của lãnh đạo cộng sản Trung Quốc vẫn còn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét