Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Lãnh đạo trẻ

Hiện tượng hàng loạt cán bộ trẻ được bầu vào các vị trí lãnh đạo địa phương  thời gian gần đây đang tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều cho rằng ngày càng nhiều cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo là một xu hướng tích cực. Vấn đề là những cán bộ trẻ được lựa chọn phải đảm bảo các tiêu chí về phẩm chất, năng lực, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước.

Sau gần 3 thập niên đổi mới, nước  ta  đang đứng trước một giai đoạn bước ngoặt.  Đặc trưng của giai đoạn này đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo phải có khả năng hoạch định chiến lược, nỗ lực nâng cấp thực lực công nghệ và thành công trong trọng dụng hiền tài. Nếu bước được sâu vào giai đoạn này, Việt Nam sẽ làm nên một kỳ tích phát triển mới của Đông Á trong thế kỷ 21. 

Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực với điều kiện tiên quyết nước ta phải có một đội ngũ lãnh đạo và cán bộ tương xứng với yêu cầu khắc khe của môi trường hội nhập chất lượng cao và cạnh tranh gay gắt. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra rằng: “Cán bộ chính là cái gốc của mọi vấn đề. Công việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Chúng ta cũng đang chứng kiến hiện tượng không ít cán bộ trẻ được bầu vào vị trí lãnh đạo địa phương là con em của các nhà lãnh đạo trung ương, địa phương đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Điều này đang gây quan ngại trong dư luận, bởi xã hội Việt Nam vốn có lịch sử  “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Người ta lo ngại, tham nhũng nay đã bước sang lĩnh vực tổ chức cán bộ, khi các vị có quyền lực tìm cách sắp xếp cho con cái, người thân vào những vị trí êm ấm một cách dễ dàng. Thực ra, xét cho cùng dư luận nghi ngại lại là một yếu tố tích cực. Bởi nó chính là sức ép buộc các cá nhân, tổ chức liên quan phải luôn tự nỗ lực hoàn thiện và khẳng định các giá trị thật của mình.

Những cán bộ trẻ, có tài, có đức, sở hữu các giá trị chân chính sẽ không  e ngại dư luận trái chiều và cũng không nghĩ rằng những luồng dư luận như vậy sẽ làm mình mất uy tín. Người dân có quyền nghi ngại trước một hiện tượng, hay một giá trị chưa được thực tế kiểm chứng và chính bản thân họ chưa có đầy đủ cơ hội để tham gia vào sự kiểm chứng đó. Do đó, các giá trị thật sẽ được khẳng định và tạo ra niềm tin vững chắc khi thực tế chứng minh rằng nó có đầy đủ các phẩm chất cần thiết cho sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Quan trọng hơn là sự chứng minh đó mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước và cho nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó bí thư Thành ủy TP. HCM – cho rằng: “Đối với con em những người cán bộ lãnh đạo đương chức hay là đã nghỉ hưu, các em ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với dân tộc, có sự phấn đấu tốt, học tập tốt, được tín nhiệm một cách dân chủ thì điều đó là tốt chứ sao?… Tôi nghĩ là chuyện đó không có gì phải nghi ngại, chỉ nghi ngại là chuyện đó có công bằng hay không, thực tài hay không, đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức hay không, có được xã hội chấp nhận hay không? Đó là điều đáng quan tâm trong công tác cán bộ”.

Thân Nhân Trung viết bài văn bia đầu tiên ở Văn Miếu,  ghi nhận: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh, nguyên khí suy thì nước yếu”. Đứng trước cơ hội và thách thức gay gắt của giai đoạn phát triển mới, có lẽ chưa bao giờ đất nước ta lại cần “hiền tài” ra giúp nước một cách cấp bách như bây giờ. Đồng thời, có lẽ cũng chưa bao giờ các tiêu chuẩn và phương thức tìm kiếm “hiền tài” lại được quan tâm sâu sắc như bây giờ. Để chúng ta không phải trả giá đắt nếu có sự sai lầm về tổ chức cán bộ trong giai đoạn quan trọng này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Cất nhắc cán bộ phải vì công tác, tài năng. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng”.  Công tác tuyển chọn người làm việc nước ở ta xưa nay vẫn được đúc kết trong cụm từ “quy hoạch cán bộ”.  Mục đích của quy hoạch là tạo nguồn cán bộ nhưng vấn đề quan trọng nhất là ai quyết định việc chọn lựa đó.  Nếu không cẩn thận, rất có thể nảy sinh hiện tượng lũng đoạn cán bộ, chỉ lựa chọn những người cùng cánh hẩu, dễ bảo để tăng vây cánh, nhiều người thực tài thì ra rìa ngay từ vòng đầu.

Mặc dù, ngay trong các quốc gia dân chủ, yếu tố di sản vẫn là một lợi thế quan trọng. Rõ ràng, con cái của Thủ tướng Nehru (Ấn Độ), Park Chung-hee (Hàn Quốc) hay Lý Quang Diệu (Singapore) được nhân dân tin cậy hơn. Trong thời đại mới, việc lựa chọn người tài cho các vị trí lãnh đạo quốc gia đòi hỏi phải được xây dựng trên nền tảng dân chủ. Bất kỳ ai, có tài năng và phẩm chất phù hợp đều phải có cơ hội tham gia vào các vị trí lãnh đạo tương xứng. Và dĩ nhiên cán bộ trẻ có truyền thống gia đình cho dù được xem là lợi thế vẫn phải nằm trong cơ chế lựa chọn bình đẳng như bao người trẻ có thực tài khác.

Không việc gì có thể che dấu được tai mắt của nhân dân. Do đó, cơ chế dân giám sát năng lực, tư cách và phẩm chất cán bộ cần phải được coi trọng trong quá trình thay đổi nhanh chóng để thiết kế nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ. Việc giám sát hiệu quả của người dân sẽ là động lực và cũng là điều kiện cần thiết  khiến cán bộ trẻ phải phấn đấu không ngừng hoàn thiện chính mình để phục vụ đất nước. 

Đồng thời với cơ chế bổ nhiệm, mạnh dạn sử dụng người tài vào việc lớn cũng cần có cơ chế sàng lọc,  đào thải mạnh mẽ khi chính những cán bộ trẻ đó không vượt qua được thử thách của công việc để tự chứng minh năng lực, phẩm chất, giá trị thật của mình. Hết sức tránh và phải kiên quyêt khắc phục tình trạng cán bộ đã lên rồi thì chẳng bao giờ xuống được nữa.

Hữu Nguyên






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét