Sân
chơi TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) cũng như bất kỳ
cuộc chơi chung có nhiều đối tác tham gia, sẽ có chuyện vui lẫn nỗi
buồn. Nhưng nếu mọi đối tác tham gia đều thấy vui nhiều hơn buồn thì
có nghĩa là cuộc chơi đang mở ra sự vận động mang chiều hướng tích
cực. Vui hay buồn thì cũng phải
biết lo để có sự chuẩn bị, chủ động tham gia cuộc chơi một cách đầy
đủ ý nghĩa và hiệu quả nhất.
Trên thực tế, để có
thể thật sự chạm tay vào từng chiến thắng cụ thể, đòi hỏi các bên
đều phải có sự chuẩn bị, chủ động tham gia cuộc chơi một cách bài
bản và tôn trọng quy tắc. Việt Nam được coi là nền kinh tế yếu nhất
trong 12 thành viên tham gia, càng đòi hỏi sự chuẩn bị, chủ động cao
hơn. Bởi lẽ, TPP là cơ hội chứ không phải là “chiếc đũa thần”. Không
chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để tận dụng cơ hội, không
tuân thủ các quy chuẩn khắc nghiệt để có thể chạm tay vào nhiều
chuyện vui hơn đồng thời cũng có thể hóa giải được những nỗi buồn, thì
kết quả chắc sẽ không như mong
muốn.
Không thể kỳ vọng
những thành quả tự nhiên đến mà chẳng cần chút nỗ lực nào trong
bối cảnh cạnh tranh gay gắt toàn cầu. Cho dù trước mắt đang là những
cơ hội, môi trường và điều kiện thuận lợi. Không có chuyện ký TPP
xong là mọi thứ đều trở nên tốt hơn, doanh nghiệp bất chợt mạnh hơn,
hàng Việt Nam đương nhiên có sức cạnh tranh và môi trường kinh doanh đột
nhiên tốt đẹp hơn.
Việt Nam tuy còn
đang phải đối mặt với nhiều khó khăn,
nhưng có thể chắc chắn rằng TPP đang mở ra các cơ hội lớn. Cơ
hội trước tiên có liên quan tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. TPP
chiếm đến 40% GDP và 30% giá trị thương mại toàn cầu với các nước
thành viên là những thị trường tiêu dùng lớn của thế giới. Thứ hai là việc thu hút nguồn vốn đầu
tư nước ngoài cũng sẽ tăng nhanh, với chất lượng gia tăng đáp ứng các
nhu cầu thay đổi để phát triển theo quy chuẩn thế giới, đáp ứng
những cơ hội mà TPP mang lại. Cơ
hội thứ ba, theo các chuyên gia mới thực sự quan trọng, xét về dài
hạn TPP chính là bước ngoặt để Việt Nam thay đổi phương thức phát
triển. Trong đó nhấn mạnh việc cải cách thể chế, tạo dựng môi
trường kinh doanh minh bạch, từng bước tiếp cận với các quy chuẩn
quốc tế, tạo ra động lực và gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh
nghiệp nội địa sánh vai với năm châu.
TPP không đơn thuần
chỉ là một hiệp định về tự do thương mại. Trong thực tế, giá trị
của nó còn tiến xa hơn lĩnh vực thương mại khi các nước tham gia phải
tuân thủ những chuẩn mực chất lượng cao của các nước phát triển.
Với Việt Nam đó chính là cơ hội tác động tích cực tới tiến trình
cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo ra động lực và
sân chơi bình đẳng cho tất cả loại hình doanh nghiệp. Bao nhiêu năm qua, những đặc quyền, đặc lợi, đối xử khác biệt trên thực
tế tạo ra những lợi thế cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và làm cho các doanh nghiệp này hoạt
động méo mó. Giờ đây gia nhập TPP, với luật chơi mới, điều đó phải thay đổi.
Phải minh bạch hoạt động của DNNN về mục tiêu, tài chính, quản trị, từ đó phải
thay đổi cách thức quản lý DNNN. Thay đổi cách hoạch định chính sách và giám
sát thị trường của nhà nước. Làm cho vai trò của khối dân sự, tổ chức công
đoàn của người lao động, mở rộng hơn và gắn với đời sống, lợi ích của người lao
động.
Cần nhìn thấy đây là sự thay đổi về luật chơi để chủ động thay đổi
giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội mà hiệp định mang lại. Chủ động
thay đổi về tư duy quản lý nhà nước, về DNNN, về thể chế là tạo điều kiện thuận
lợi cho hoạt động kinh doanh, để giảm rủi ro, chi phí trong nước, hỗ trợ doanh
nghiệp tiếp cận những chuẩn mực toàn cầu. Quản trị nền kinh tế theo tiêu
chuẩn TPP không thể theo kiểu quản kiểm bằng cách dựng lên hàng loạt
rào cản tùy tiện, mà phải theo chuẩn
mực thế giới. Phải thay đổi tư duy để không biến doanh nghiệp và cơ quan quản
lý thành đối thủ của nhau mà phải là bạn đồng hành, là đối tác để hướng ra
bên ngoài.
Tuy vậy, TPP cũng mang lại những khó khăn nhất định cho một số
lĩnh vực. Nhưng với lộ trình thỏa thuận và sự chuẩn bị nghiêm túc
Việt Nam sẽ có cơ hội biến những khó khăn đó thành thế mạnh trong
sân chơi chất lượng cao theo quy chuẩn toàn cầu. Điều đó xét cho cùng
cũng chính là sức ép cần thiết buộc chúng ta phải thay đổi để
hướng tới các giá trị tích cực trong quá trình hội nhập với một
sân chơi chất lượng cao. Giúp chúng ta từng bước tự chủ, thoát ra
những ràng buộc, lệ thuộc để trở thành một nền kinh tế hùng mạnh.
Hữu Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét