Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Sông Hậu có thể sẽ như Vũng Áng


Sông Hậu - con sông này có thể sẽ bị ô nhiễm trầm trọng vì hoạt động của nhà máy Giấy Lee & Man. (Hình: Người Lao Động)

Bộ Công Thương của chính phủ Việt Nam vừa yêu cầu chính quyền tỉnh Hậu Giang báo cáo về dự án xây dựng nhà máy Giấy Lee & Man. Người ta đang sợ sông Hậu thành một Vũng Áng khác.
Nhà máy Giấy Lee & Man do tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông đầu tư. Dự án đã được chính quyền tỉnh Hậu Giang cấp giấp phép sử dụng khoảng 82 héc ta đất tại Cụm Công nghiệp Nam sông Hậu, tọa lại tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đây là một dự án trị giá khoảng $628 triệu, bao gồm hai xưởng, một sản xuất bột giấy tẩy trắng, công suất khoảng 330,000 tấn/năm và một sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp, công suất khoảng 420,000 tấn/năm.
Tập đoàn Lee & Man Paper đã nhận giấy phép đầu tư cách nay khoảng mười năm. Lẽ ra nhà máy này đã hoạt động vào cuối năm 2008 nhưng vì nhiều lý do, đến nay, việc xây dựng nhà máy này mới sắp sửa hoàn tất.
Sau thảm họa cá chết trắng một đoạn bờ biển dài 250 cây số chạy dọc bốn tỉnh phía Bắc miền Trung (Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) hồi đầu tháng 4 và đa số dân chúng Việt Nam tin rằng, đó là hậu quả từ hoạt động thử nghiệm của nhà máy Thép do tập đoàn Formosa của Đài Loan, xây dựng tại khu công nghiệp Vũng Áng.
Tuần trước, Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Cảng Thủy Sản Việt Nam (VASEP) đã gửi một văn bản cho thủ tướng Việt Nam và Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, đề nghị xem lại dự án nhà máy Giấy Lee & Man ở Hậu Giang. Đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải và cơ chế giám sát môi trường.
Đề nghị của VASEP nhanh chóng được nhiều chuyên gia lên tiếng ủng hộ. Lý do là vì việc cho phép nhà máy Giấy Lee & Man xả nước thải ra sông Hậu có thể sẽ làm con sông này bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn lợi thủy sản (tôm, cá) bị tận diệt và ảnh hưởng đến cả sản lượng của vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ước tính của các chuyên gia, để đạt công suất thiết kế, mỗi ngày, nhà máy Giấy Lee & Man sẽ xả ra sông Hậu khoảng 226,000 khối nước thải. Để xử lý lượng nước thải khổng lồ này, nhà máy Giấy Lee & Man sẽ cần phải dùng đến 30 tấn xút/ngày. Chẳng có gì bảo đảm lượng nước thải và lượng xút như vậy không gây tác hại cho sông Hậu cũng như môi trường tự nhiên của con sông quan trọng này.
Các chuyên gia nhấn mạnh, sở dĩ những nhà máy sản xuất hóa chất, thép, giấy,… trên thế giới luôn được xếp vào diện phải quan tâm đặc biệt vì nước thải ra từ hoạt động của chúng luôn có đủ loại chất độc hại. Nếu hoạt động đúng công suất, nhà máy Giấy Lee & Man sẽ cần tới 600 héc ta rừng mới đủ nguyên liệu, do rừng hiện hữu tại Việt Nam chỉ đáp ứng chừng 20% nhu cầu về nguyên liệu, thành ra Nhà máy Giấy Lee & Man sẽ nhập giấy phế liệu để tái chế.
Đó cũng là lý do nhà máy Giấy Lee & Man phải dùng nhiều loại hóa chất tẩy rửa hơn, nguy cơ ô nhiễm trầm trọng sẽ lớn hơn. Ngoài khả năng gây ô nhiễm cho nguồn nước, bởi việc sản xuất bột giấy sẽ sản sinh ra dịch đen (black liquor) – cực kỳ nguy hại cho môi trường nên các nhà máy giấy có quy mô lớn thường phải xây dựng lò hơi đốt dịch đen, vừa giảm ô nhiễm, vừa nhằm thu hồi hóa chất. Lò hơi sẽ là tác nhân gây ô nhiễm không khí.
Trước những thông tin, phản ứng không có lợi cho mình, tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông vừa tổ chức một cuộc họp báo. Tập đoàn này cho rằng, do sử dụng công nghệ hiện đại, nên sẽ không dùng xút, không sợ xút gây ô nhiễm. Nhà máy Giấy Lee & Man ở Cụm Công nghiệp Nam sông Hậu đã được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của chính quyền Việt Nam cho cấp giấy phép xả sông Hậu 50,000 khối nước thải/ngày. Hệ thống xử lý chất thải của nhà máy này có thể xử lý 20,000 khối nước thải/ngày… Tại cuộc họp báo đó, nhiều câu hỏi khác của báo giới về tổng lượng nước thải, về các loại hóa chất sẽ dùng trong sản xuất, tẩy rửa vẫn chưa được trả lời vì hết giờ.
Đáng lưu ý là đại diện tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông nhấn mạnh, họ đã có giấy phép đầu tư, đã hoàn tất các thủ tục liên quan đến bảo vệ môi trường, chẳng hạn có “Bản cam kết bảo vệ môi trường” đã được chính quyền huyện Châu Thành xác nhận theo Luật Bảo Vệ Môi Trường năm 2005. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường và những bộ hữu trách khác thẩm định, chính quyền tỉnh Hậu Giang phê duyệt năm 2008.
Vì vào thời điểm vừa kể (2008), nhà máy Giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu chưa hoạt động nên tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông đã đưa các viên chức Việt Nam từ huyện đến trung ương đi “tham quan” các nhà máy của tập đoàn này tại Thâm Quyến và Quảng Châu, Trung Quốc.
Ông Võ Văn Thắng, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, lúc đó là phó chủ tịch huyện Châu Thành – một trong những viên chức được tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông mời đi “tham quan,” tiết lộ: Mẫu nước làm cơ sở cho việc thẩm định và phê duyệt của hàng loạt cơ quan hữu trách tại Việt Nam hồi 2008 được lấy ở… Quảng Châu!
Chưa rõ quyết định cuối cùng của chính quyền Việt Nam đối với dự án nhà máy Giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu sẽ là thế nào, chỉ có thể biết chắc đây là một quyết định không dễ dàng. Bối cảnh như hiện nay khiến chính quyền Việt Nam không thể thản nhiên hy sinh môi trường như trước nhưng làm ngược lại thì rõ ràng là khó ăn nói với tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông. Tập đoàn này chẳng thiếu loại giấy tờ nào và theo dự kiến, nhà máy Giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu sẽ hoạt động vào tháng tới! (G.D).

Nguồn NV


Bài trên Đại Đoàn Kết:

Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc

Những ngày qua, dư luận xã hội hết sức quan tâm đến chuyện của nhà máy giấy Lee & Man của Công ty TNHH giấy Lee & Man (Hong Kong - Trung Quốc) đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang trên diện tích 80 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD. Nhà máy này được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đi vào hoạt động thử nghiệm vào tháng 7/2016 và cho ra sản phẩm vào tháng 8/2016.

Dư luận cũng như các nhà khoa học băn khoăn cho rằng: Khi nhà máy giấy Lee & Man đi vào sản xuất, sông Hậu sẽ bị đầu độc bởi công nghệ sản xuất giấy sử dụng một lượng lớn hóa chất trong đó có hóa chất xút (NaOH), khi xả nước thải ra môi trường sẽ hủy hoại môi trường, trong đó môi trường được thải ra là sông Hậu – nơi nuôi sống gần 5 triệu người ở các tỉnh, thành gồm: Thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh. 
Dự án đã được cảnh báo
Hồi năm 2007-2008, khi dự án nhà máy giấy Lee & Man chuẩn bị khởi công, (luận chứng đưa ra là khởi công vào tháng 8/2007), dự kiến hoàn thành sau 14 tháng. Tuy nhiên, không biết thế nào mà khởi công được một thời gian ngắn thì dừng lại. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thúc mãi thì đến 2014, Lee & Man mới khởi động lại.
Tuy nhiên việc đánh giá tác động môi trường của nhà máy không được tiến hành lại, gây ra bao nỗi lo lắng cho người dân quanh vùng. Trước đó, khi biết thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man đang xin cấp phép thành lập tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu, VASEP đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan về việc này. 
Sau khi nhận được kiến nghị của VASEP và được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 6/9/2007, Cục Lâm nghiệp đã có công văn trả lời về vụ việc trên, nêu rõ: Theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Lúc đó, có một vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối việc xây dựng nhà máy giấy ven sông Hậu, bởi đây là vùng vựa lúa của cả nước, vựa thủy sản và là vùng trái cây của huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. 
Hơn nữa, nơi tọa lạc nhà máy giấy lại cạnh nhà máy nước Cần Thơ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 500.000 dân ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng nhà máy Lee & Man vẫn được khởi công.
Làm lấy được...
Báo cáo số 72/BC-UBND ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng Chính phủ nhận định cơ sở pháp lý về dự án Lee & Man là sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành trong đó phía nhà máy phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra sông.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với công suất thiết kế 420.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn/năm đã được phê duyệt, Lee & Man xây dựng trạm xử lý nước thải 155.000 m3/ngày đêm, đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xây dựng nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) công suất 50.000 m3/ngày đêm và giai đoạn 2, xây dựng NMXLNT công suất 105.000 m3/ngày đêm. 
Tuy vậy, đến nay, khi Lee & Man chuẩn bị đi vào họat động thì Lee & Man chỉ mới xây dựng nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) công suất 20.000 m3/ngày đêm (!?). Ngày 21/6/2015, nhà máy giấy có công văn gửi UBND tỉnh Hậu Giang và Sở TN-MT tỉnh này xin điều chỉnh một số nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt. 
Theo các nhà khoa học, công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm hơn cả công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất và việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại.
Tại cuộc họp báo ngày 17/6/2016 kéo dài gần 5 giờ, Tổng giám đốc Chung Wai Fu nhắc đi nhắc lại nhiều lần là Lee & Man chỉ sản xuất giấy, không sản xuất bột giấy, không sử dụng hóa chất xút (loại hóa chất cực độc trong công nghệ sản xuất giấy), nhưng luận chứng của dự án ghi rõ là có sản xuất bột giấy công suất 330.000 tấn/năm.
Như vậy, nếu Lee & Man có hệ thống sản xuất bột giấy thì chắc chắn phải dùng xút và sẽ gây ô nhiễm môi trường lớn nhất là dịch đen (black liquor) trên sông Hậu. Theo đánh giá ĐTM của dự án đã được phê duyệt vào năm 2008, Công ty Lee&Man sẽ sử dụng 215.217 kg xút/ngày đêm cho hoạt động sản xuất giấy
Ngoài ra, ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man VN, cho biết, chưa có đánh giá ĐTM tổng thể mà chỉ có báo cáo từng hạng mục và sẽ tiến hành gom lại thành một.
Đây là một kiểu nói lấy được của lãnh đạo Lee & Man. Tổng giám đốc Chung cũng cho biết là hệ thống ống xả thải của Lee & Man được thiết kế nổi và được đấu nối với Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang để giám sát việc xả thải. Tuy nhiên, khi các nhà báo đề cập đến vấn đề này thì Tổng giám đốc Chung lại cho rằng nhà máy chưa đi vào họat động nên chưa đấu nối. Sở cũng chưa xây dựng trạm quan trắc tự xử lý nước của Lee & Man để theo dõi đơn vị này.
Quả là có quá nhiều điều chưa rõ ràng về dự án nhà máy giấy Lee & Man.   
 (Còn nữa)
    Lê Quốc Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét