Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

"Bên Thắng cuộc" và dư luận


Những cực đoan vẫn còn đó... 
nhưng không còn đe doạ được ai


Hoà Vân


Có lẽ chưa có một cuốn sách tiếng Việt nào đã được đón đọc rộng rãi, gây nhiều dư luận tương phản từ rất đồng thuận đến rất chống đối như cuốn sách này của Huy Đức. Bài này không trực tiếp nói về nội dung cuốn sách như một bài phê bình, điểm sách, mà tập trung nói về dư luận ấy.
Về mặt đón nhận, mặc dù độc giả Việt Nam còn một bộ phận khá lớn quen « đọc chùa » hơn là mua sách, một chỉ dấu cho thấy sức lan toả của cuốn sách : khi bạn mở website của nhà sách trên mạng smashwords.com, nơi xuất bản và bán phiên bản điện tử của sách (cùng với amazone), bấm vào từ khoá « non-fiction » (cột bên trái), và dòng đầu bên phải, chọn « sort by best-sellers », bạn sẽ thấy hai tập « Quyền Bính » và « Giải phóng » của « Bên Thắng cuộc » xếp hạng thứ nhất, trước các cuốn sách tiếng Anh. Điều này, chúng tôi đã kiểm tra mấy lần trong tháng 1.2013, và vẫn đúng khi bài báo này được lên khuôn (8.2.2013).
biabtc

Nhưng nếu số người mua một cuốn sách là một chỉ dấu quan trọng về ảnh hưởng của nó, trong thời buổi internet những phản ứng muôn màu của người đọc thông qua các trang báo mạng, các blogs hay facebook (FB), còn cho thấy rõ hơn thành công hay thất bại của tác giả trong ý đồ chuyển tới người đọc những ý tưởng của mình, thông qua sự trình bày, phân tích dữ liệu mà mình dày công thu thập (tôi đang nói tới một cuốn sách « phi hư cấu », không thuộc thể loại tiểu thuyết, văn chương khác). Có thể nói ngay, số người lên tiếng về cuốn sách, hoặc qua hình thức viết bài đăng báo, đăng trên blog hay trang FB cá nhân, hoặc qua những lời bình ngắn, quen được gọi là « còm »1 , cũng chưa bao giờ nhiều, sôi động như thế, ít ra theo quan sát của người viết bài này vốn mất khá nhiều thì giờ để theo dõi tình hình trong nước qua mạng. Nếu bạn gõ hai cụm từ « Bên thắng cuộc » và « Huy Đức » lên trang google (kể cả ngoặc kép để loại những kết nối với từng từ trong các cụm từ này), bạn sẽ thấy – vào sáng ngày 8.2, 8g40, giờ Paris – hơn 2 triệu kết nối. Tất nhiên, có rất nhiều trùng hợp, hàng ngàn hoặc nhiều hơn thế đường kết nối sẽ dẫn về cùng một trang mạng, nhưng dù thế chắc cũng chẳng ai có thể đọc hết những bài viết về cuốn sách có trên mạng và những « còm » về các bài viết đó2. Chỉ riêng đọc những còm sau những bài viết được đăng trên trang Ba Sàm cũng đã khó ! Người đọc nhiều, người đọc xong viết ra phản ứng của mình như vậy cũng có thể nói là đông đảo hơn nhiều lần so với một quyển sách bình thường khác. Kể cả những người chưa đọc trang nào nhưng nghe người khác nói tới cũng nhảy vào tham gia « còm » v.v., tạo thành hiệu ứng « cơn sốt dư luận » như nói trên. Thành công đầu tiên của Huy Đức là ở đó, ở chỗ ít người đọc xong rồi có thể bỏ qua, quên đi, không bị ám ảnh, cật vấn trong chiều này hay chiều khác bởi những nội dung mà cuốn sách đề cập, hoặc bởi những phản ứng của người khác trên các nội dung ấy...
Thành công đó, nhiều người đã chỉ ra, là sự kết hợp một chủ đề « nhạy cảm » với một công phu đáng phục kéo dài nhiều năm trời trong việc tìm kiếm và sưu tầm dữ liệu3 – cả dữ liệu « sống » ghi từ các cuộc gặp, phỏng vấn các chứng nhân tới các sách vở, báo chí - và một tài năng hiếm có trong việc xử lý, sắp xếp các dữ liệu đó nhằm phục vụ nội dung mà tác giả muốn chuyển tải. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người coi Huy Đức là một nhà báo « số một » của Việt Nam hiện nay.
Cũng có những người đọc bĩu môi « biết rồi, khổ lắm », nhưng đó đa phần là những người viết các còm ngắn, ít đầu tư suy nghĩ, vào bài của những người khác. Còn trong số những người bỏ công viết bài để nói lên suy nghĩ của mình sau khi đọc sách thì số đông hơn là những người dù thích hay không cuốn sách vẫn công nhận không chỉ sự phong phú của tư liệu mà cả cái tài trình bày, độ khách quan của tác giả. Khiến cho những điều mình tưởng đã biết nay có được diễn giải, dẫn chứng cụ thể hơn, sâu chuỗi rành mạch làm nổi bật lên hơn nhiều điều quan trọng vẫn được ẩn giấu – chẳng hạn như quá trình cụ thể của một quyết định được những người cầm quyền đưa ra, như một quyết định tập thể, « nhất trí », trong khi sự nhất trí đó thường là không có thực, và trong cái « tập thể » kia vẫn có những suy nghĩ rất khác nhau, thậm chí đối kháng nhau (kiểu ông Nguyễn Văn Linh thù dai ông Võ Văn Kiệt, dẫn tới một hệ quả không hề nhỏ là ông Đỗ Mười được bầu làm thủ tướng thay ông Phạm Hùng chứ không phải ông Kiệt v.v.). Một ít người đưa ra được lời phê bình ở cấp độ « học thuật » về các tư liệu mà tác giả đưa ra, như câu này của ông Lê Mai, một người từng làm công tác ngoại giao của « bên thắng cuộc » : « Điểm mạnh của “Quyền Bính” cũng như “Giải Phóng” là nhiều tư liệu, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, được thể hiện bởi một nhà báo lão luyện – công trình mang phong cách báo chí. Tuy nhiên, tác giả Bên Thắng Cuộc tái hiện một giai đoạn lịch sử VN hiện đại nhưng tư liệu gốc chiếm tỷ trọng không nhiều lắm, chỉ có một số bức điện, một số báo cáo, một số biên bản, một số nghị quyết, còn chủ yếu sử dụng các hồi ký và phỏng vấn nhân chứng – người viết nhấn mạnh. Đối với những người am hiểu, còn rất nhiều sự kiện lịch sử VN cực kỳ quan trọng, song có thể vì lẽ này, lẽ khác chưa được tác giả đề cập. Vì vậy, tính đầy đủ và chính xác của nó chắc rằng còn phải thảo luận nhiều ». Nhưng ông Lê Mai vẫn công nhận : « Dẫu sao, Bên Thắng Cuộc thực sự là một công trình rất đáng đọc, rất đáng tìm hiểu, rất đáng suy ngẫm, với tất cả ý nghĩa đầy đủ của nó. ». Dưới những góc tiếp cận khác, với ngôn từ khác, có thể coi đó cũng là kết luận của nhiều bài viết của nhiều tác giả trong và ngoài nước như Dương Trung Quốc (bài trả lời phỏng vấn của BBC, ông Quốc không quên nhắc « không nên tuyệt đối hoá Bên thắng cuộc »), Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Xuân Long (một nhà khoa học hiện đang làm việc tại Mỹ), Vũ Anh, Đồng Phụng Việt (người Miền Nam sang Mỹ sau 1975) v.v.
btc1
Nhưng nếu công phu và tài năng của tác giả tạo nên giá trị của cuốn sách và sự đồng thuận cao trong bạn đọc về giá trị ấy, thì chủ đề của nó và sự chọn lựa cách tiếp cận, cách xử lý các nội dung được đề cập của tác giả lại là lý do gây nên các tranh cãi trong dư luận. Nhất là trong những người vì lý do này hay lý do khác, chưa « tiêu » được cuộc chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm nay. Và như chờ đợi, những chống đối mạnh nhất dành cho Huy Đức và cuốn sách đến từ hai cực của sân khấu chính trị. 
Nhà báo Vũ Ánh, một người « bên thua cuộc » từng bị giam giữ nhiều năm trong các trại cải tạo sau 1975, đã nhận xét : « Huy Đức đã sắp xếp những dữ kiện lịch sử sau 30 tháng 4 như một bản cáo trạng bày rõ những sai lầm của chính quyền được mệnh danh là cách mạng”.Bản cáo trạng ấy không hề có lời lên án được đọc lên với giọng hùng hồn và ngược lại nó được kể lể với một giọng bình thản, thầm lặng lâu lâu lại xuất hiện một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng nó là những nhát dao sẽ để lại nhiều vết thẹo trên khuôn mặt cường quyền ». Nhưng như thế là chưa đủ để anh được các nhà chống cộng chuyên nghiệp ở quận Cam « tha thứ » vì cái tội đã từng là nhà báo « cộng sản », đã « được » cộng sản cho đi Mỹ, một thứ tội tổ tông y như tội của những ca sĩ trong nước sang Mỹ biểu diễn từ khi hai nước nối lại bang giao. Phải biểu tình (trước toà soạn báo Người Việt, vì tội phổ biến bản in cuốn sách), phải lên mạng chửi bới, dù chưa đọc một dòng sách...
Ngược lại, cái giọng bình thản đó trong lời kể về các trại cải tạo, các vụ đánh tư sản, các diễn biến mở rồi lại trói đối với giới văn nghệ sĩ, các đấu đá giành quyền lực sau hậu trường v.v. lại làm cho các nhà tuyên giáo bế tắc, gần một tháng sau khi sách ra đời mới tìm được một người viết bài phản bác trên báo chính thống. Nhưng hình như chính tác giả bài viết đầu tiên ấy, nhà báo Nguyễn Đức Hiển trên Pháp luật TPHCM, cũng chẳng tìm thấy được lỗ hổng nào đáng kể trong các sự kiện được Huy Đức đưa ra trong « Bên Thắng Cuộc », nên đành dùng một thủ thuật là lôi tính chính thống của « lịch sử » ra để đập cuốn sách, dù hiển nhiên là nó... lạc đề. Bởi, nếu ngay câu đầu của chương 1, tập 1 « Bên Thắng Cuộc », tác giả viết : « Ba mươi tháng Tư năm 1975 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn hai mươi năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách” », cuốn sách không hề tranh cãi về tính chất của cuộc chiến trên cơ sở những dữ kiện lịch sử diễn ra trước khi nó xảy ra. Huy Đức đã chủ yếu nói chuyện hôm nay để nhìn lại chuyện hôm qua. Hàng loạt những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội lớn nhỏ, sau khi chiến tranh kết thúc, được mô tả như nó đã xảy ra – ít ra là trong quan sát, tìm hiểu được của tác giả, mà như trên đã nói, sự tìm hiểu này không hề dễ dãi, hời hợt, mà công phu, kiên trì, qua hàng chục năm, hàng trăm cuộc tìm gặp để phỏng vấn các nhân vật liên quan, như chưa bao giờ người ta được thấy trong những cuốn sách, những bài báo của các tác giả trong nước. Điều đó không có nghĩa là sách không có sai sót ! Thế thì, để không lạc đề, lẽ ra Đức Hiển phải tranh luận về các dữ kiện được đưa ra chứ, chúng có được phản ánh một cách trung thực không, cụ thể có những sai sót gì, cái nào là nghiêm trọng..., tác giả sách có dựa trên các dữ kiện đó để đưa ra những lập luận sai lạc nào hay không... Còn như, nếu qua những chính sách, những con người, những sự việc được mô tả trong sách, chính quyền cộng sản hiện lên như một bộ máy toàn tâm toàn ý hướng về việc giành và giữ quyền lực chính trị chỉ cho lợi quyền phe đảng của mình thay vì giành và sử dụng quyền ấy để mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, thì vấn đề là ở những chính sách, những con người đó hay là ở người mô tả chúng ? Cũng cần nói thêm, những trang viết của Huy Đức về các nhân vật cầm quyền đâu phải là những trang bôi đen ? Có người nghĩ ngược lại là khác. Chẳng hạn như trên blog của một bạn trẻ thuộc « bên thắng cuộc » ký tên là Teq, tác giả đánh giá là cuốn sách mang lại một điều « mới mẻ lớn » ở chỗ nó « đem đến những chân dung cụ thể về các vị lãnh đạo. Các vị lãnh đạo được nhắc tới trong sách, được kể một cách sống động, rất con người thường nhật. », khiến bạn ấy nghĩ rằng « dường như cuốn sách này được viết ra để thanh minh cho các vị lãnh đạo, bao trùm hơn nữa là cho chế độ »...
Trong khi Đức Hiển « lạc đề » thì nhóm các « nhà báo » trên tờ Công an TPHCM và trên những blogs « người nhà » chọn cách đánh quen thuộc hơn của lực lượng mà họ phục vụ : đánh bẩn dưới thắt lưng. Chửi rủa, bôi nhọ, vu khống..., với mục tiêu hiển nhiên là gieo nghi ngờ để hạn chế số người muốn tìm đọc cuốn sách đầy ắp những tư liệu tố cáo cái chế độ mà chúng phục vụ. Đồng thời tung ra lời đe doạ tác giả về những biện pháp bẩn thỉu hơn mà chúng có thể sẽ sử dụng cả ở bên Mỹ hay khi về nước.
Nhưng, như Huy Đức đã trả lời một bạn đọc trên trang FB « Sách Bên thắng cuộc  » mà anh mở ra để quảng bá và tiếp nhận phản hồi về cuốn sách : « Không ai muốn hứng chịu “những điều không hay” nhưng nếu cứ trú ngụ trong sự sợ hãi thì sự thật sẽ không bao giờ được nói ra ».
Đọc những bài viết về Bên thắng cuộc và các còm đi theo, người ta khó có thể không thấy rằng câu trả lời ấy cũng được đón nhận với sự đồng cảm chẳng kém gì cuốn sách. Ngày càng nhiều người không để cho sự sợ hãi dẫn dắt cuộc sống và những suy nghĩ của mình. Đó cũng là nét sáng hiếm hoi của tình hình chính trị - xã hội trong nước năm qua, giữ cho khỏi tắt ngọn lửa hi vọng cho tương lai. 
Những cực đoan còn đó, nhưng chẳng còn đe doạ được bao người.

H.V.


1 Viết tắt từ từ tiếng Anh « comment », « còm » đã trở thành một từ « thuần Việt » trong nghĩa là nó hoàn toàn không có trong từ vựng của ngôn ngữ gốc mà nó xuất phát !
2 Riêng mặt báo này đã giới thiệu trong mục « Thấy trên mạng » 12 bài viết từ nhiều chân trời chính trị khác nhau (không kể vài lần trích bài của chính tác giả Huy Đức), mỗi bài lại dẫn đến rất nhiều bình luận trên các trang báo, trang mạng khác không thể đếm hết. Để viết bài này, người viết đã chép vào một tệp riêng khoảng 40 bài đọc trên mạng, tuy nhiên do tính chất một bài báo ngắn sẽ không có các dẫn chứng cụ thể như trong một bài nghiên cứu.
3 Tập I (Giải phóng) có danh mục 126 cuốn sách tham khảo và 608 chú thích (chiếm hết 100 trang chữ nhỏ). Tập II (Quyền Bính) ghi 69 cuốn sách, 52 hồi ký, bản thảo, sách nhiều tác giả... (một số đã được kể trong danh mục sách tham khảo của tập I nhưng không phải tất cả) và 654 chú thích chiếm gần 130 trang. Nói cuốn sách « đầy ắp những sự kiện, những thông tin » không phải là nói ngoa !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét