Ông hận cho năm tháng qua mau, thời cuộc đổi thay như chong chóng, tóc đã bạc rồi mà dường như mọi thứ vẫn chưa có lối ra phía trước, hận mình bất lực trước những gì diễn ra trong tư cách của một kẻ sĩ trước vận mệnh của dân tộc “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Trong hoàn cảnh bản thân như thế mà lại vào lúc đầu xuân nữa, tất cả điều đó đã làm cho Nguyễn Du càng cảm thấy cô đơn hơn. Cô đơn về thân phận con người, cô đơn trong thân phận của một kẻ sĩ bất lực trước thời thế, cô đơn trong thân phận của một con dân trước một đất nước tan hoang bởi những bàn tay của những kẻ tham lam, dùng máu xương của nhân dân để xây thành quách quyền lực cho riêng dòng họ, cá nhân mình. Như vết thương trên cây gió đã thành khối trầm, tỏa hương thơm cho đời, tất cả chất liệu khổ đau đã làm thành khối tinh anh trong con người ông, chuyển tải thành những áng văn chương bất hủ lưu mãi muôn đời cho hậu thế, cho dân tộc.
QUỲNH HẢI NGUYÊN TIÊU
瓊海元宵
阮攸;
Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên, 元夜空庭月滿天
Y y bất cải cựu thiền quyên. 依依不改舊嬋娟
Nhất thiên xuân hứng, thuỳ gia lạc? 一天春興誰家落
Vạn lý Quỳnh Châu, thử dạ viên ?. 萬里瓊州此夜圓
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán . 鴻嶺無家兄弟散
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên. 白頭多恨歲時遷
Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến, 窮途憐汝遙相見
Hải giác thiên nhai tam thập niên. 海角天涯三十年
Y y bất cải cựu thiền quyên. 依依不改舊嬋娟
Nhất thiên xuân hứng, thuỳ gia lạc? 一天春興誰家落
Vạn lý Quỳnh Châu, thử dạ viên ?. 萬里瓊州此夜圓
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán . 鴻嶺無家兄弟散
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên. 白頭多恨歲時遷
Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến, 窮途憐汝遙相見
Hải giác thiên nhai tam thập niên. 海角天涯三十年
Đêm rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải
Nguyễn Du
Đêm rằm tháng giêng, sân trống, trời đầy trăng.
Trăng không thay đổi gì, vẫn đẹp như thuở nào.
Một trời xuân nồng ấm, nhà ai có người còn lưu lạc,
Khắp xứ Quỳnh Châu, đêm nay có ai về không?
(Còn ở) Hồng Lĩnh (quê tôi giờ đây) nhà tan, anh em li tán,
Bạc đầu vì hận năm tháng và thời cuộc sao đổi thay quá.
Đường cùng, ta bạn lại gặp nhau nơi đây,
Ba mươi tuổi rồi mà cứ (góc bể chân trời) rày đây mai đó.
Dịch thơ :
Sân vắng, trăng suông, rằm tháng giêng
Trăng xưa vẫn vậy, đẹp như tiên.
Một trời xuân ấm, ai lưu lạc ?
Quỳnh Hải đêm nay, có hạnh viên?
Hồng Lĩnh nhà tan, anh chị tán,
Bạc đầu quá hận thế thời điên .
Cùng đường lại gặp nhau, ta bạn,
Góc bể chân trời tam thập niên.
Nguyễn Du (阮攸; 1765–1820) Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, trong gia tài văn chương của ông, ngoài tác phẩm bất hủ Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, ông còn các tập thơ chữ Hán : Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm, Thanh Hiên thi tập. Bài “ Quỳnh Hải nguyên tiêu” là bài đầu tiên trong Thanh Hiên thi tập. Bài này đã được nhiều người dịch, chú và bình. Trong bài viết này, xuất phát từ lòng ngưởng mộ của một kẻ hậu sanh đối với những nỗi niềm mà một thi hào của dân tộc trải lòng trong những con chữ, tôi cũng mạn bình ý tứ của người xưa. Về ý tứ thì chắc cũng chẳng khác gì mấy so với những văn nhân khác; tuy nhiên đối với câu thực 3,4 tôi lại nghĩ khác với rất nhiều người đã từng bình bài này. Cụ thể câu 3,4 này trước nay đa số người dịch bài này người ta hiểu rằng :
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Một trời xuân hứng không biết rơi vào nhà ai,
Muôn dặm Quỳnh Châu đêm nay (trăng) tròn .
Muôn dặm Quỳnh Châu đêm nay (trăng) tròn .
Tôi cho rằng hiểu như vậy là không thỏa đáng, còn tôi hiểu như thế nào về câu 3,4 này, ý tứ của nó ra sao, ý tứ ấy liên quan đến cái chỉnh thể của bài thơ như thế nào ? xin trình bày tiếp sau đây :
Nguyên dạ, không đình, nguyệt mãn thiên,
Sân vắng , trăng suông , rằm tháng giêng.
Như ta biết, mùa xuân là mùa của đoàn tụ, yêu thương, ấy thế mà ngay từ câu đầu tiên ông đã cho chúng ta thấy cái cô quạnh, trống vắng, không chỉ là tâm hồn của ông mà cả cảnh vật chung quanh ông nữa, một con trăng cô đơn giữa khung trời mênh mông lại chiếu vào mảnh sân vắng vẽ, mà con trăng ấy lại là trăng rằm tháng giêng điều ấy lại làm cho nỗi vắng vẽ cô đơn càng nhân lên gấp bội.
Y y bất cải, cựu thiền quyên,
Trăng xưa vẫn thế, đẹp như tiên.
Cũng vẫn là con trăng thuở nào, vẫn trẻ, đẹp như chưa từng thay đổi, thiên nhiên không thay đồi, nhưng có biết đâu rằng nơi đây con người và thời thế đã đổi thay biết bao nhiêu rồi.
Nhất thiên xuân hứng, thùy gia lạc?
Một trời xuân ấm, ai lưu lạc?
Một trời xuân, một đất nước đang xuân, đáng lẽ ra phải là hạnh phúc lắm chứ, vậy mà trên quê hương nước Việt của ông và Quỳnh Hải nơi ông đang ở, xuân với người chẳng có chung một nỗi niềm, bởi vì kể từ ngày ông bắt đầu nhận thức và thấm thía được nổi đau thân phận con người (1)thì cũng là lúc mà ông bị dày xéo bởi nổi đau của một con dân trong một đất nước mà vua, chúa tranh nhau quyền bính, bao nhiêu mưu mô hiểm ác nhất được dịp đem ra thi thố, rồi Tây Sơn đem quân ra Bắc dưới danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, nhưng kẻ yếu vẫn cứ yếu, yếu mà nắm quyền thì người khác làm thay, hết kẻ dưới tay rồi lại mời cả ngoại bang vào cướp nước (2). Lại phải đem máu xương của dân Việt ra để mà lấy lại quyền tự chủ, chiến tranh lại diễn ra, mà chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc, li tán, nên trong không khí xuân nồng ấm như thế lại làm cho ông tái tê hơn, rồi tự hỏi : Xuân nồng ấm thế nhưng nhà ai còn có người lưu lạc không?
Vạn Lý Quỳnh châu thử dạ viên ?
Quỳnh Hải đêm nay có hạnh viên?
Trong khắp xứ Quỳnh Hải đêm nay có ai lưu lạc, ra đi trong chiến tranh còn sống sót trở về đoàn viên không? Đặt câu hỏi như thế cũng có nghĩa là : Sao mà nhiều người ra đi nhưng quá ít trở về thế. Quỳnh Hải là một phần của nước Việt, là quê vợ ông, đối với ông nơi đây là đất khách quê người. Đất khách quê người mà như thế, còn quê ông thì như thế nào?
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán, (3)
Hồng Lĩnh nhà tan anh chị tán,
Câu trên là ông tự hỏi, nên không chắc lắm ai đã ra đi, bao nhiêu người trở về, nhưng ở câu này chính là câu trả lời, câu xác định, chính quê ông, nhà ông, gia đình ông là nạn nhân của thời cuộc. Quê vợ đã thế, quê mình cũng tan hoang, như thế là cả một đất nước chìm trong đói khổ, tang thương, chết chóc và ly tán.
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên.
Bạc đầu quá hận thế thời điên.
Ông giận sao mà thời gian qua nhanh quá, thoáng một cái mà ông đã bạc đầu, ông lại hận thời thế sao mà quá đảo điên, cứ thay đổi xoành xoạch. Trong vòng quay của tạo hóa (thời gian) ông dường như chẳng gặt hái được gì trong khi mà cái giá phải trả cho những ưu tư là một mái tóc bạc, còn trong vòng quay của thời cuộc, một kẻ sĩ như ông dường như chẳng có nghĩa lý gì. Có lẽ ông còn hận nhiều hơn thế, ông hận nhân gian, ông hận thời thế, rồi ông hận cả đất trời “Bản vô văn tự năng tăng mệnh . Hà sự kiền khôn thác đố nhân?” Chữ nghĩa nào có ghen với mệnh, mà sao trời đất lại ghét nhầm người?.Chính đây là khởi nguồn cho cái định đề tài mệnh tương đố về sau.
Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến.
Đường cùng lại gặp nhau, ta bạn.
Có thể xem đây là lúc Nguyễn Du tuyệt vọng nhất. Bởi vì nơi đây ông đã từng được gia đình bạn cha ông nuôi dưởng bảo bọc, rồi lại gả con gái cho ông, cũng từ nơi đây ông đã đèn sách nghiên bút đi thi, tuy không đổ cao nhưng cũng được tập ấm một chức quan nhỏ từ cha nuôi họ Hà của ông. Ít ra như thế cũng có nghĩa là ông đã có một đường đi riêng cho bản thân và gia đình mình, nhưng mọi thứ đều bị xóa sạch trước những đổi thay nhanh chóng của một đất nước đầy biến động. Trong lúc tuyệt vọng, cùng đường như thế ông lại gặp người bạn củ, người bạn tri âm đã bao lần lắng nghe tâm sự thầm kín của ông mà chưa từng phản đối hay tiết lộ, một người bạn mà trải qua bao đổi thay của nhân thế trong lúc ông đã già đi mà khuôn mặt người ấy vẫn cứ rạng ngời khi gặp lại ông, đặc biệt người bạn ấy từ ngàn xưa đến nay vẫn một mình cô đơn giữa một khung trời lồng lộng. Hai kẻ cô đơn gặp nhau, như hai người đồng bịnh đến với nhau, an ủi nhau. Trong câu này ông dùng chữ “lân” là có ý đó “ đồng bịnh tương lân” mà.
Hải giác thiên nhai tam thập niên.
Góc bể chân trời tam thập niên.
Lúc này ông đã 30 tuổi rồi, ngày xưa tam thập nhi lập, ba mươi tuổi mà chưa có sự nghiệp là xem như thất bại. ấy vậy mà ở cái tuổi này ông vẫn còn nương thân nơi quê vợ. Ông hận cho năm tháng qua mau, thời cuộc đổi thay như chong chóng, tóc đã bạc rồi mà dường như mọi thứ vẫn chưa có lối ra phía trước, hận mình bất lực trước những gì diễn ra trong tư cách của một kẻ sĩ trước vận mệnh của dân tộc “ Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
Trong hoàn cảnh bản thân như thế mà lại vào lúc đầu xuân nữa, tất cả điều đó đã làm cho Nguyễn Du càng cảm thấy cô đơn hơn. Cô đơn về thân phận con người, cô đơn trong thân phận của một kẻ sĩ bất lực trước thời thế, cô đơn trong thân phận của một con dân trước một đất nước tan hoang bởi những bàn tay của những kẻ tham lam, dùng máu xương của nhân dân để xây thành quách quyền lực cho riêng dòng họ, cá nhân mình. Như vết thương trên cây gió đã thành khối trầm, tỏa hương thơm cho đời, tất cả chất liệu khổ đau đã làm thành khối tinh anh trong con người ông, chuyển tải thành những áng văn chương bất hủ lưu mãi muôn đời cho hậu thế, cho dân tộc.
Tinh anh phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa./.
Đà Lạt 23/3/2012
Viên Như
1 – 10 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mồ côi mẹ, bắt đầu kiếp ăn nhờ ở đậu.
2 – 1787 Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu viện quân Thanh, hậu quả là dưới sự chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị quân Thanh đã sang xâm lược nước ta.
3 – 1791 Nguyễn Quýnh, anh cùng cha khác mẹ của ND bị Tây Sơn giết, phá bỏ dinh cơ của họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét