Tương Lai
Vẫn bức tượng uy nghi và trầm mặc gần bến Bạch Đằng quận I ấy mà sao hôm nay lại có sức lay động lòng người đến vậy. Chọn nơi đây, dưới chân tượng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một lựa chọn tối ưu để dâng hoa tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống xâm lược cách nay 34 năm. Ngày ấy, 17.2.1979 hơn sáu chục vạn quân xâm lược đồng loạt tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Và rồi, đúng ngày này, các tờ báo chính thống, những tờ báo in đâm các Huân chương cao sang trên “măng sét” để tự phong là tiếng nói của dân đều câm lặng không một lời nói đến những người đã ngả xuống trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc, trừ tờ Thanh Niên có bài của Thiếu tướng Lê Văn Cương, một tiếng nói hiếm hoi cất lên trong cái biển im lặng đáng sợ của một chủ trương nhất quán, được chỉ đạo sít sao, tuyệt vời bạo liệt và triệt để.
Theo một cách nhìn và cách nghĩ “tích cực” thì đây là một dịp cũng thật là tuyệt vời để nâng cao nhận thức cho toàn dân nhằm “quán triệt” một chủ trương, đường lối đã định hình từ
một sự cam kết nào đó chưa dám nói ra. Không nói, song bằng sự câm lặng của tất cả các trang báo từ trung ương đến địa phương tuân theo cây gậy chỉ huy từ nơi cao nhất đã “nói” rất rõ ràng. Nếu lại gắn kết với cách hành xử của các thế lực cầm quyền từ to tới nhỏ đối với những vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, những nhân sĩ trí thức và những thanh niên, sinh viên yêu nước dâng hương và đặt hoa ở những nơi trang nghiêm để tưởng niệm những người con yêu của dân tộc hy sinh vì sự toàn vẹn của tổ quốc, sẽ thấy rõ mồn một ai là aiđang ngự trị trên mảnh đất thiêng thấm đẫm máu Việt Nam này. Người ta đang cố cam kết giữ “tình hữu nghị“, không muốn để những người “cùng chung ý thức hệ” phật lòng nên đã nhẫn tâm quay lưng lại với đồng chí đồng đội, cam lòng bỏ quên một cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc giết hại hàng chục vạn đồng bào chiến sĩ của mình. Ai đó cố tình bỏ quên, nhưng lịch sử của dân tộc thì đã từng ghi xương khắc cốt tội ác quân xâm lược Trung Quốc đã gây nên trên toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979, tiếp tục tội ác của bọn Pôn Pốt và bọn quan thầy Trung Quốc của chúng gây ra trên vùng biên giới phía Tây Nam năm 1978 khiến “trúc rừng không ghi hết tội, nước biển không rửa sạch mùi” như xưa kia cha ông chúng đã làm mà Nguyễn Trãi đã lên án trong “Bình Ngô đại cáo“. Làm sao có thể bỏ quên một cuộc chiến tranh làm đổ máu hàng chục vạn người con yêu của tổ quôc, máu người đâu phải là nước lã! Vì thế mà Trần Hưng Đạo “ ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm rằng chưa được sả thịt lột da quân giặc dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa cũng cam lòng” từng viết trong “Hịch tướng sĩ ” để khơi động ý chí cứu nước của các tướng sĩ “sinh ở thời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan” không chịu “để tiếng xấu muôn đời” để không phải tự vấn lương tâm “còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa“?
Vì thế mà nói, tập họp nhau dưới chân tượng Đức Thánh Trần là sự lựa chọn ” tối ưu” để tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh nhân kỷ niệm ngày 17.2 bởi lẽ lịch sử là một nhân tố mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào có thể trường tồn và phát huy sức mạnh bất tận của nó được. Khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý chí quật cường thì vời đến vị tướng đã được nhân dân phong Thánh, “Đức Thánh Trần” thì còn có nơi nào bằng?
Bầu trời xanh một màu xanh khắc khoải bên trên bức tượng vì nó ẩn chứa quá nhiều những mông lung và cay đắng trong suy tư của những con người hôm nay đang tập hợp dưới chân Ngài, hình ảnh tiêu biểu nhất cho bản lĩnh, khí phách của dân tộc, biểu tượng tuyệt vời của tư thế hiên ngang, quật cường chưa bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Tại đây, một quá khứ gần và một quá khứ xa ít hay nhiều hòa quyện vào nhau trong sự đa dạng sống động của thời hiện tại đang có quá nhiều những nghịch lý và ẩn số. Cho nên, một ngẫu nhiên tình cờ cũng gợi lên sự thăng hoa trong liên tưởng, khi bất chợt các cột nước dưới chân tượng bật phun lên trắng xóa đúng lúc mọi người tề tựu chuẩn bị cho lễ dâng hoa tưởng niệm. Tường thuật lại hiện tượng này, một nhà thơ đặt câu hỏi : đây là sự ủng hộ ngầm của những người phụ trách công viên hay là một tình cờ tuyệt đẹp, hoặc phải chăng có phảng phất yếu tố tâm linh?
Mọi suy đoán đều có thể. Thì chẳng phải Nguyễn Đình Chiểu từng xúc động về “tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ” khiến cho “nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm” khi nghĩ đến những nghĩa sĩ bỏ mình vì nước đó sao? Làm sao lại không có sự xao động huyền ảo tâm linh khi nghĩ về những người đã ngã xuống vì lẽ tồn vong của Tổ quốc? Nhất là khi đứng dưới chân Đức Thánh Trần, biểu tượng chói sáng của lòng yêu nước thì làm sao ngăn được sức trào dâng của nỗi niềm đất nước trong tâm tư của những người đến đây hôm nay vì không muốn là kẻ “thấy quốc sỉ mà không biết thẹn” như Ngài đã trách mắng trong Hịch Tướng Sĩ!
Vị anh hùng dân tộc duy nhất được nhân dân phong Thánh ấy chính là biểu tượng cao đẹp nhất của người hết lòng vì nước, không bợn một chút toan tính riêng tư nhỏ hẹp vì lợi ích, quyền lực hay dục vọng của riêng mình. Dẹp bỏ tư thù,Vương không theo ý cha mình là Yên Sinh vương Trần Liễu,[anh ruột của Trần Cảnh tức là Trần Thái Tông] căn dặn trước lúc lâm chung phải giành lại ngôi báu, mà chỉ dốc lòng lo cho trăm họ, toàn tâm vì việc nước. Khi Quốc Tảng, người con trai thứ hai, lộ ra ý muốn tranh đoạt ngôi báu, Vương tức giận mắng rằng “tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu này mà ra“, rút kiếm toan chém đứa con bất hiếu rồi dặn người con trưởng : “sau khi ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng“. Để giữ sự đồng lòng dốc sức đánh giặc, Vương chủ động xóa bỏ sự hiềm khích với Trần Quang Khải, con thứ ba của Trần Thái Tông, em ruột Trần Thánh Tông, nhún nhường không ngồi vào ghế tể tướng [Thái sư] của Chiêu Minh Vương để tiếp sứ, cho dù đó là sự sắp đặt của vua Trần Thái Tông. Không chút gợn tâm về cái ghế tể tướng, chỉ một lòng cứu nước, cứu dân, đấy chính là phẩm tính cao cả của Trần Hưng Đạo
Người dốc lòng lo việc nước cũng là người hiểu rõ sức mạnh của dân, không có dân thì không còn nước. Cho nên “khoan sức cho dân, lấy đó làm kế sâu rễ bền gốc” là tư tưởng chỉ đạo của người gánh trọng trách quốc gia. Được lòng dân là giữ được nước, mất dân thì sớm muộn nước cũng mất. Càng hiểu như vậy, càng thấy ý nghĩa sâu xa của tâm thế dân tộc tôn Trần Hưng Đạo là danh tướng bậc nhất trong lịch sử đất nước, hơn nữa với nhân dân, Ngài là một vị Thánh, không chỉ vì sự nghiệp hiển hách đánh tan tác đế quốc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, mà còn vì phẩm tính cao cả của vị danh tướng bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Sâu sắc biết bao khi Trương Hán Siêu, tác giả của “Bạch Đằng Giang phú ” kết thúc áng văn bất hủ:“Sông Đằng một dải dài ghê, sóng xô cuồn cuộn trôi về Biển Đông. Những người bất nghĩa tiêu vong, nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh”.
Kẻ bất nghĩa và người anh hùng thì đời nào chẳng có. Và dường như cũng thành quy luật, “kẻ bất nghĩa” bao giờ cũng phải đội cái lốt “chính danh” để lừa bịp người nhẹ dạ cả tin, tạo ra tình trạng vàng thau lẫn lộn, để dễ bề dựa vào bạo lực để giữ được quyền uy. Đặc biệt là ở vào thời đoạn của buổi thoái trào, thì chuyện này càng phơi bày rõ rệt. Trên dòng sông chảy xiết, ở những khúc quanh đổ ngoặt, váng bẩn nổi cả lên mặt nước! Nhưng điều đó không ngăn được sức cuộn chảy từ bên dưới! Ấy vậy mà sức cuộn chảy đó mới quyết định tốc độ của dòng sông xuôi về biển cả.
Trong dòng chảy thời gian, những triều đại sinh thành, hưng thịnh và rồi tiêu vong, chỉ có nhân dân là bất tử. Chuyện này không có gì mới! Một nghìn năm trước, thiền sư Vạn Hạnh đã gợi ra hình ảnh : “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”, thịnh suy nối tiếp nhau chỉ như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ mà thôi! Cho nên, “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy”, ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy như vậy thì có gì đáng phải sợ hãi? Nhìn diễn tiến thịnh suy của một triều đại mà chỉ như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ, đôi mắt ấy đã thấu đến cái lẽ vô cùng. Vậy mà, ngẫm cho kỹ, đôi mắt ấy xem ra có cái gì đó rất hiện đại. Thì chẳng thế sao, Marcel Proust, văn hào hiện đại Pháp có câu nói bất hủ “một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới”.
Đôi mắt mới ấy sẽ nhìn ra những điều mà một đầu óc hạn hẹp, thiển cận và nô lệ vào những định kiến và những tín điều ẩm mốc sẽ không thể nào nhìn ra được. Khi mà các cụ ta cách đây cả nghìn năm xem chuyện thịnh suy chỉ như hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ, thì chẳng phải đã xác lập một cách nhìn nhận sự vật trong mối tương quan biện chứng giữa động và tĩnh đó sao? Vì rằng, “trong quá trình phát triển, tất cả những gì trước kia là hiện thực thì hiện nay trở thành không hiện thực, mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại, mất tính hợp lý của chúng; và hiện thực mới, đầy sinh lực, thay thế cho hiện thực đang tiêu vong” đó là tri thức sơ đẳng về biện chứng của sự vận động và phát triển. Chỉ có điều, cái “hiện thực đang tiêu vong” ấy không dễ dàng nhường chỗ cho cái mới. Sự giãy dụa, cùng quẫy là đương nhiên! Mồm có thể rất sính nói về biện chứng nhưng não trạng và hành vi thì cố trì kéo cái cũ ruỗng nát và đang tiêu vong! Điều này chẳng lạ. Thì đó, Hégel quả là sâu sắc khi chỉ ra rằng “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”.
Không thể coi thường sự giãy dụa của cái cũ trước áp lực của cái mới, vì cái cũ ấy đang được “tập quán thần thánh hóa“. Và chính cái quán tính lịch sử ấy đang hà hơi tiếp sức cho thực thể đã ruỗng nát tự bên trong, cố níu kéo cái không thể níu kéo. Vì thế, lịch sử lại chứng kiến những bi kịch của sự tô son vẽ phấn cái bên ngoài để che lấp cái bên trong ấy. Mà oái oăm thay, sự lừa mị ấy đôi khi vẫn có được thế thượng phong cho dù hết sức bấp bênh chao đảo, nhằm kéo dài cơn hấp hối. Vì vậy, bi kịch trở thành hài kịch, nói theo ý của Karl Marx ” là để cho nhân loại vui vẻ từ bỏ quá khứ mà đi tới“! Không coi thường, song cần nhìn cho ra cái xu thế tất yếu của quy luật vận động và phát triển, trong đó, phải nhận ra được sức vận động tự thân của khối quần chúng nhân dân, một “đa số thầm lặng” rồi sẽ là sức mạnh tạo những đột phá không sao lường trước được.
Dưới chân tượng Đức Thánh Trần hôm nay, niềm suy tư ấy càng bừng lên những cảm xúc mãnh liệt về truyền thống quật khởi của dân tộc ta. Quá trình diễn biến đầy kịch tính của đất nước ta đã chứng minh sức sống kỳ lạ của dân tộc qua những dấu ấn đậm nét của những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải trong cách thế ứng xử của ông cha ta.
Cứ vào lúc thời cuộc như dồn thế nước vào chân tường, thì cũng chính vào lúc ấy đã bật ra những giải pháp mang tính đột phá. Cũng trong bài phú vừa nhắc ở trên có một câu rất mộc mạc song triết lý ẩn chứa trong đó lại rất thâm trầm : “Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng, bởi Đại Vương coi thế giặc nhàn . Đây là Trương Hán Siêu nhắc lại chuyện năm Đinh Hợi [1287] hơn 50 vạn quân Nguyên kéo sang phục thù. Vua hỏi “Giặc tới, liệu tình hình thế nào?” Hưng Đạo Vương trả lời : “Năm nay đánh giặc nhàn“! Phải có bản lĩnh thế nào mới thấy được cái thế “nhàn” trước mấy chục vạn quân xâm lược khi chúng hùng hổ kéo sang rửa hận cho hai trận thua nhục nhã.
Trước đó một năm, năm Bính Tuất [1286], Đại Việt Sử ký Toàn thư chép :” mượn cớ đưa người đầu hàng là Trần Ích Tắc về nước lập làm An Nam Quốc Vương. Mùa hạ, tháng 6…Vua hỏi Hưng Đạo Vương : “Thế giặc năm nay thế nào“? Vương trả lời : “… Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì phải sợ đi xa. Vả lại, chúng còn nơm nớp cái thất bại của Hằng Quán [tức Lý Hằng và Lý Quán bị giết trong cuộc chiến năm 1285] không còn chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn“.
Rõ ràng là, quyết định thắng bại trong việc đánh giặc giữ nước tùy thuộc trước hết vào bản lĩnh, tầm nhìn của người gánh vác trọng trách quốc gia. Chưa đánh đã run sợ trước sức mạnh của kẻ thù thì chỉ có bó gối quy hàng và tìm cách lấp liếm cho sự ươn hèn ấy bằng sự ngụy biện về “mềm dẻo để tránh những quá khích gây nên thảm họa“. Cuộc sống đã bóc trần những “quỹ biện của ngôn từ” nhằm lừa mị những người thiếu thông tin! Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử dân tộc tô đậm dũng khí của Trần Thủ Độ với câu “đầu thần chưa rơi thì xin Bệ hạ đừng lo“, ca ngợi khí phách của Trần Bình Trọng “ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”,đề cao bản lĩnh của Trần Hưng Đạo “Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã“!
Cả ba câu nói của ba nhân vật lịch sử mà các trò nhỏ mới cắp sách đến trường đã được biết thì đều nói đến chuyện sẵn sàng chịu đầu rơi! Tại sao vậy? Là để dạy cho mọi thế hệ Việt một cách thế sống : sống ngẩng cao đầu. Sống cúi đầu không phải là cách sống Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của dân tộc trong vị thế địa-chính trị oái oăm trứng chọi đá. Không thể dịch chuyển cái bán đảo hình chữ S này đi nơi khác nhằm tránh tham vọng bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán muốn mở đường về phương Nam để gỡ cái thế bí của dân số quá đông. Vậy thì phải biết dạy cho con em Việt một cách sống “có cứng mới đứng được đầu gió“. Để khỏi nhắc lại ý mà người viết bài này đã nhiều lần đưa lên mặt báo, xin kết thúc bằng một đoạn văn súc tích của giáo sư Cao Huy Thuần về “Mười một chữ vàng” vừa đọc :
“Appeasement ” gồm 11 chữ, đúng là 11 chữ vàng vì đó là quốc sách của thủ tướng Neville Chamberlain, quốc sách của kẻ yếu sợ kẻ mạnh… Mười một chữ vàng của appeasement,Winston Churchill coi như là vàng giả, vàng để cúng âm hồn. Cúng ma thì được, cúng bá chủ thì Hitler vuốt râu mũi mà cười cho.
Chamberlain từ chức vào tháng 5-1940 và chết nửa năm sau đó, tháng 11. Churchill lên nắm quyền, và chữ V của ông phất phới trên vinh quang của độc lập, tự do. V như là Victory, không phải V như là vàng…Chuyện lịch sử Munich này, ai mà không biết. Cho nên, dưới đây, tôi chỉ trích dịch vài tư liệu của văn khố lịch sử Anh cốt làm sống lại chút ít không khí thời đó, gọi là để kỷ niệm 80 năm ngày ra đời của một đại quốc bá chủ.Có thêm gì chăng nữa ở đây thì cũng chỉ nhắc lại câu nói danh tiếng của tổng thống Roosevelt: “Điều duy nhất mà ta phải sợ là chính là nỗi sợ hãi“. Câu nói sao mà tương tự một câu để đời của một bậc đại thần, chứa trọn cả linh hồn của một dân tộc chưa hề biết sợ: “Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã“!Dưới chân tượng Trần Hưng Đạo hôm nay, tất thảy lũ chúng tôi cứ vang vang trong đầu câu nói bất hủ ấy của Ngài.
Đức Thánh Trần đang nhắc nhở con cháu hôm nay một cách thế sống : Hãy ngẩng cao đầu mà sống. Những kẻ ươn hèn, bạc nhươc không phải là, không được là con cháu của Trần Hưng Đạo! Những suy ngẫm ấy như tăng thêm sức mạnh và nghị lực cho chúng tôi trong cuộc chiến đấu chống lại “ trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá“. Cuộc chiến đấu còn gian nan, nhưng kìa, “sóng xô cuồn cuộn trôi về Biển Đông. Những người bất nghĩa tiêu vong, nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh”.
Không dám nhận mình là anh hùng, chỉ dám lòng tự dặn lòng quyết không là người vong ân bội nghĩa với máu của dồng đội và đồng bào mình thấm đẫm trên từng thước đất của non sông gấm vóc cha ông để lại. Càng không thể để cho một cuộc chiến tranh cố tình bỏ quên vì sự vong ân bội nghĩa ấy. Đấy cũng là lời nguyền dưới chân tượng Đức Thánh Trần nhân ngày 17.2
T.L
Gs viet rat hay, nhung ke bat ngia roi day lich su se ngien rua chung no, chung la toi do cua dan toc.
Trả lờiXóaRat chi li
Trả lờiXóa