Phan Châu Thành
Tây Nguyên là vùng đất lớn còn lại duy nhất của Việt Nam mà tôi chưa tới cho đến Tết Quí Tỵ này, không tính những chuyến lên Đà Lạt trước đó mà tôi không coi là lên Tây Nguyên. Vì lý do đó, tôi luôn cảm thấy mình có lỗi với Tây Nguyên, nhất là khi tôi nghĩ mình yêu Tây Nguyên, như yêu một phần của đất nước mình vậy.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là Tây Nguyên là vùng đất trù phú, một cao nguyên bằng phẳng hơn tôi nghĩ rất nhiều, xanh rì giữa mùa khô dù dưới màu xanh đó là đất đỏ và lớp bụi đỏ phủ ít nhiều khắp nơi chỉ thấy được khi bạn tới gần…
Sự trù phú đó ở thành phố Buôn Mê Thuột, thị xã Buôn Hồ hay thị trấn huyện lỵ Krông Năng và các xã nới tôi đến, còn được thể hiện hoành tráng qua các công trình xây dựng công cộng của chính quyền, đường xá ở trung tâm, và nhà ở… Tôi muốn nghĩ và viết đó là “nhà dân” nhưng còn không chắc lắm nên đã khảo sát lại. Đó đa số là… nhà quan, và nhà giàu các kiểu liên quan mật thiết với các quan, còn nhà dân với nghĩa đại đa số thì khác, vẫn đói nghèo…
Trong dịp Tết này, sự trù phú còn được thể hiện qua… trang trí. Vâng, nghe nói chính quyền duyệt chi cho mỗi huyện lỵ, thị xã, thành phố trong cả nước từ 5-10 tỷ đến hàng trăm tỷ đồng chỉ để… bắn pháo hoa Tàu, trang trí đường phố cho “dân ăn Tết”! Tây Nguyên cũng không ngoại lệ. Một thị trấn cao nguyên cũng có rất nhiều đèn sáng nhấp nháy muôn màu (của Tàu) sáng trưng, cây cối “ăn tết” được quấn lụa, quét sơn như ở đường Nguyễn Huệ Sài Gòn, có thị trấn chơi đài phun nước với nhạc màu như Sentoza của Singapore, chỉ khác là không có bóng người… Dù không phải trả tiền điện nhưng tôi cứ xót xa… cho dân (phải trả nó).
Đúng là trù phú kiểu cộng sản, vì nhất thiết các trang trí đón tết đó, “cho dân ăn Tết” đó phải làm nổi các “trọng tâm” là các khẩu hiệu đỏ kiểu “Mừng Đảng, mừng Xuân”… – vâng, trên Tây Nguyên hôm nay vẫn Đảng đang đè Xuân... Xuân cao nguyên tươi tắn lâu nên Đảng còn đè Xuân chán…
Nhưng bất ngờ lớn nhất của tôi là về con người “Tây Nguyên”. Ở Tây Nguyên mấy ngày, đi qua nhiều nơi, vào thăm nhiều chỗ, tôi không thấy bóng dáng và không gặp người Tây Nguyên đích thực nào! Ý tôi là tôi không gặp, không thấy bóng dáng dấu vết, không nghe được giọng nói của một người dân tộc nào - những người chủ Tây Nguyên đích thực từ hàng nghìn năm qua, những dân tộc Việt trên đất Việt này mấy trăm năm rồi…
Tôi chỉ thấy, nhận ra và gặp những người có gương mặt và giọng nói từ miền Bắc, miền Trung Duyên hải và Nam bộ, còn người dân tộc trên Tây Nguyên đã biến mất không dấu vết trong mắt tôi – người lên Tây Nguyên lần đầu… Tôi không tin được là mình đang ở trên Tây Nguyên! Những công trình đồ sộ giả nhà Rông bằng bê tông ở Buôn Mê Thuột không cho tôi cảm nhận Tây Nguyên chút nào…, dù Tây Nguyên trong ký ức tôi chỉ là qua sách vở, bắt đầu từ “Đất nước đứng lên” và anh hùng Núp của Nguyên Ngọc đến mọi thứ khác mà người khắp vùng nói viết kể về Tây Nguyên… đều đã biến mất! Phải chăng con cháu anh hùng Núp đã ra quốc lộ làm những “anh hùng Núp” hết cả rồi?! Thật chua chát.
Mục đích chính của chuyến lên Tây Nguyên của tôi đã hoàn thành, thậm chí có thể nói là thành công, nhưng mục đich thứ hai: lên Tây Nguyên để cảm nhận Tây Nguyên yêu quí lần đầu, thì không thành. Và tôi có cảm giác mình đã mất Tây Nguyên, không bao giờ được cảm nhận Tây Nguyên như nó vốn là nữa. Tây Nguyên có người Tây Nguyên làm chủ đã biến mất rồi. Cái tôi thấy và cảm nhận là Buôn Mê Thuột, Buôn Hồ, Krông Năng,… giống hệt như các địa phương khác của Việt Nam hôm nay ở khắp Bắc Trung Nam, từ trong ra ngoài, từ con người đến quang cảnh, đến văn hóa...
Sau chuyến đi tôi cứ nghĩ miên man mãi về điều đó. Tôi có cảm nhận phiến diện không? Sao thế nhỉ, tại sao Tây Nguyên lại biến mất hoàn toàn thế được nhỉ? Đã có việc diệt chủng và đồng hóa các dân tộc Tây Nguyên thành dân tộc Kinh chăng? Không thể, người Kinh không thể đồng hóa (hòa đồng văn hóa) các dân tộc khác nhanh thế được, phải mất vài trăm năm, hàng nghìn năm! Chỉ có thể làm một dân tộc biến mất nhanh như thế qua tiêu diệt và/hoặc cướp đoạt đồng loạt như cha ông ta đã làm trong hàng nghín năm mở cõi về phía Nam với nhiều dân tộc văn minh lớn như Chàm, Chăm…nay đã thành các dân tộc Việt?
Nhưng các dân tộc Tây Nguyên đã là các dân tộc Việt mấy trăm năm nay rồi? Thế mà, thực tế sau vẻn vẹn mấy chục năm “giải phóng”, trên Tây Nguyên tôi chỉ thấy người Kinh, và màu cờ đỏ. Vẫn biết là tôi đi chưa đủ, nhìn chưa hết, nhưng… cảm nhận không biết đánh lừa.
Chả lẽ cuộc hành trình Nam tiến nhiều thế kỷ của dân tộc đã kết thúc từ lâu ở mũi Cà Mau, nay Đông tiến ra Biển Đông thì không dám vì đã ai đó/bọn nào đó dâng tặng Bắc Kinh để được làm vua nước Nam “mãi mãi”, giờ “ai đó” đã quay sang làm Tây tiến đến… Tây Nguyên, và quét sạch… các dân tộc Tây Nguyên?
Hơn bốn mươi, năm mươi năm trước, khi người Pháp thống kê để lại và tôi được học, dân tộc Việt có/gồm 64 sắc/chủng tộc cùng chung sống. Hôm nay, các con tôi được dậy dân tộc Việt chỉ gồm 53 dân tộc anh em. Tôi cứ thắc mắc chuyện gì đã xảy ra với 11 dân tộc nhỏ bé đã biến mất trong khi họ được chính quyền này “ưu tiên bảo vệ và giúp phát triển”? Tôi luôn cảm thấy mình hèn kém và có lỗi vì không trả lời được câu hỏi này cho mình và cho thế hệ sau…
Với cái đà “bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số” vô song này của chính quyền hiện nay, các cháu tôi sẽ chỉ còn được nghe đến bao nhiêu dân tộc Việt thiểu số nữa trong vài năm tới? Chắc chăn không phải 53. Và tại sao? Tôi thấy mình có tội vì không dám trả lời câu hỏi này.
Người Việt mình đâu có văn hóa đổi con để ăn thịt con mình khi nghèo đói như người Tàu, mà nay sao lại làm biến mất các dân tộc Tây Nguyên như thế, có khác nào học theo người phương Bắc ăn thịt con mình – những dân tộc thiểu số quí giá của mình? Và nhất là điều đó đã diễn ra không phải vì lý do nghèo đói, khó khăn, chiến tranh.
Vậy lý do thực sự của thực trạng người Tây Nguyên đã hầu như biến mất trên Tây Nguyên hôm nay là gì? Phải là một nỗi sợ khủng khiếp mới dẫn đến việc cha mẹ ăn thịt con mình như người Tàu đang làm với các dân tộc chống lại họ trên cao nguyên Nội Mông, Tây Tạng hay với chính con em họ trên quảng trường Thiên An môn…
Nhưng đây là người Việt trên Tây Nguyên và các dân tộc Tây Nguyên, các dân tộc Việt...
Với tôi, hình ảnh Tây Nguyên đã không còn. Tây Nguyên của tôi đã biến mất rồi! Tôi đã lên Tây Nguyên muộn quá mất rồi!
Nhưng ngay cả bác Nguyên Ngọc hôm nay lên Tây Nguyên liệu có tìm thấy Tây Nguyên?
Từ tây Nguyên về, tôi xin và mang theo một loại hoa lạ đẹp, hỏi người cho cũng không biết hoa gì. Tôi nâng niu ươm nó để trồng trong vườn nhà. Không biết nó có chịu được khí hậu nóng của Sài Gòn và ra hoa Tây Nguyên cho tôi không? Bất kể thế nào tôi cũng đã rất yêu quí nó rồi, kể cả nó sẽ “nỡ lòng” không ra hoa được, vì nó là cây lá Tây Nguyên.
Với tôi nó là Tây Nguyên thật, nó là hiện thân của trời đất Cao Nguyên, cái phần không thể bị mất đi, hay đánh tráo.
Vài chục năm nữa tất cả mọi người sống trên lãnh thổ Việt Nam hôm nay chỉ mang một cái tên chung là "duê rẩn".
Trả lờiXóa