Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Rắn dù có độc tới đâu vẫn không đáng sợ bằng chế độ chính trị hà khắc


Theo quan niệm dân gian Việt Nam hay Trung Hoa thì con rắn được xem là biểu tượng của cái “xấu” nhưng dù rắn có “độc” đến đâu vẫn không đáng sợ bằng chế độ chính trị hà khắc.




Tranh dân gian VN: Ông Hoàng cưỡi lốt và Thạch Sanh chém chằn tinh

Tú Anh

Nhân dịp Tết Quý Tỵ, giới chiêm tinh Trung Hoa dự báo một năm con rắn nhiều xáo trộn: xung đột Nhật Bản – Trung Quốc trên biển, thị trường tài chính thế giới chao đảo như rắn uốn mình. Tuy nhiên cũng như rắn lột da, Quý Tỵ cũng hứa hẹn nhiều thay đổi sâu rộng. Năm Rắn bắt đầu kể từ 10/02/2013 tốt hay xấu ?
Để “trả lời” câu hỏi này, trong bài tường thuật 07/02/2013 từ Hồng Kông nhân dịp năm rồng sắp qua, năm rắn sắp đến, AFP tóm lược dự báo của một số chiêm tinh gia Trung hoa về tương lai trong năm Quý Tỵ. Theo hãng tin có tiếng nghiêm túc này thì “giới chiêm tinh Á châu tiên đoán con rắn năm nay là con rắn độc, hành thủy, sẽ mang lại những tai họa lớn và chuyển đổi quan trọng.

Trong quá khứ, năm Tỵ 2001 nổ ra vụ Al Qaida khủng bố tòa tháp đôi New York, năm Tỵ 1989 xảy ra phong trào Dân chủ Thiên An Môn và cuộc đàn áo đẫm máu đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 6, năm rắn 1941 không quân Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng. Một chiêm tinh gia họ Châu dự báo vào tháng 5, xác xuất Nhật Trung đụng độ tại biển Hoa Đông rất cao.

Trên các mạng xã hội tại Việt Nam cũng có nhiều dự báo và ước vọng trong năm Quý Tỵ. Tại Pháp, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Nguyễn Dư không tin vào bình luận của giới chiêm tinh nhưng quan tâm nhiều hơn về giai thoại “rắn” trong dân gian, trong thi ca.

Trong bài “Rồng rắn lên mây”, giáo sư Nguyễn Dư đưa đến độc giả những nghi vấn rất lý thú về bài thơ “Rắn đầu biếng học”, về những giai thoại trong vụ án “Lệ Chi Viên”…về một số “chi tiết” đáng ngờ của các nhà nghiên cứu Tây phương về Nguyễn Trãi.

Theo tác giả, dân gian Việt Nam hay Trung Hoa thì con rắn được xem là biểu tượng của cái “xấu” nhưng dù có “độc” đến đâu vẫn không đáng sợ bằng chế độ chính trị hà khắc.


Liễu Tôn Nguyên kể truyện người bắt rắn:

«Ở Vĩnh Châu có giống rắn lạ, thân đen, vằn trắng chạm vào cây cỏ, thì cây cỏ chết, cắn phải người, thì không thuốc gì chữa nổi. Song mà bắt được giống rắn ấy dùng làm thuốc để chữa những bệnh như bệnh trúng phong, bệnh co quắp chân tay, lại sát được cả trùng.

Cho nên nhà vua có lệ bắt dân gian mỗi năm phải hiến hai con rắn ấy để dành. Ai bắt được rắn thì được trừ thuế ruộng.

Người châu Vĩnh tranh nhau mà làm nghề bắt rắn. Có nhà họ Tương cũng làm nghề ấy đã được ba đời. Hỏi ra thì nhà họ Tương nói :

- Ông tôi chết về nghề bắt rắn, cha tôi cũng chết về nghề bắt rắn. Tôi nối nghề ông cha tôi mới có mười hai năm, cũng đã mấy lần suýt chết.

Người ấy nói, vẻ mặt rất buồn rầu.

Ta thương và hỏi rằng :

- Nhà ngươi có thật cho nghề bắt rắn là khổ không ? Ta sẽ nói với quan trên cho nhà ngươi bỏ nghề ấy mà cứ nộp thuế ruộng như thường. Nhà ngươi tính thế nào ?

Người họ Tương vừa khóc, vừa nói :

- Ông thương tôi, muốn cho tôi sống, thì ông để cho tôi làm nghề bắt rắn còn hơn. Nếu tôi không làm nghề này thì tôi khốn khổ đã lâu rồi. Nhà tôi ba đời ở làng kể đã hơn sáu mươi năm, cách sinh nhai trong làng mỗi ngày một quẫn bách. Người làng phải rút hết cả lợi hoa màu, vét hết cả của cải trong nhà để mà nộp thuế hết, thậm chí bỏ làng, bỏ xóm, đói khát, trôi giạt, chết đường, chết chợ kể bao nhiêu người. Những người vào chạc tuổi ông tôi mười nhà không còn một. Những người vào chạc tuổi cha tôi, mười nhà còn độ hai, ba. Những người vào chạc tuổi tôi mười nhà còn độ bốn, năm. Không chết chóc thì lưu lạc cả…

Tôi nhờ nghề bắt rắn mà còn đến bây giờ. Những quan lại tàn ác về làm thuế làng tôi, xúc hết đầu làng, cuối xóm vơ vét đến cả con gà, con chó, dân gian phải hãi hùng kinh sợ. Những lúc ấy, về phần tôi, tôi được yên lặng, trông trong giỏ con rắn vẫn còn là tôi được ăn no, ngủ yên. Tôi làm nghề bắt rắn một năm sợ chết chỉ có hai lần, ngoài ra là vui vẻ, không phải lo thuế má, không đến nỗi như người làng xóm tôi hết ngày này, sang tháng khác khốn khổ về quan lại tàn ác. Giá tôi có chết về nghề bắt rắn, ví với người làng xóm tôi cũng đã là chậm, đâu dám cho là rắn độc mà xin thôi.

Ta nghe câu chuyện, lại càng thương lắm. Xưa Đức Khổng nói : « Chính sách hà khắc độc hơn hổ dữ » ta vẫn ngờ, bây giờ xem chuyện họ Tương mới cho là thật. Than ôi ! cái độc quan lại tàn ác làm thuế ở dân gian dữ hơn con rắn độc, cho nên nói ra đây để người xem xét phong tục thấu được tình cảnh đau khổ của dân ! »


[Liễu Tôn Nguyên: tên tự là Tử Hậu, tính nhanh tuyệt vời, văn chương nổi tiếng, đỗ Tiến sĩ làm quan Thứ sử, là một bậc danh nhân đời nhà Đường.]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét