Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

“Bạn vàng” tái diễn vở tuồng bắt người đòi tiền chuộc


Lại tái diễn kịch bản không lạ, tàu hải giám cùng các lực lượng chuyên trách của nhà nước Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền ít nhất từ thế kỷ thứ XVII, bị hải quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm ngày 19/1/1974 từ tay hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Các lực lượng chuyên trách của nhà nước Trung Quốc thi hành ngay cách thức mà họ từng đối xử nhiều lần với ngư dân Việt Nam mà họ bắt được trên vùng biển Hoàng Sa là đánh đập, tịch thu hải sản, trang thiết các loại (đánh cá, đi biển, viễn thông liên lạc…), cũng như các tài sản có giá trị khác rồi kéo tàu cùng các ngư dân Việt Nam về một trong các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (thông thường là đảo Phú Lâm) nơi mà hải quân Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép một phần lãnh thổ trên biển của Việt Nam, để giam giữ.
Những sự kiện liên quan tới tính mạng, tài sản của ngư dân và hơn nữa liên quan tới chủ quyền đất nước như vậy, nhưng thông thường phải mất từ hơn mười ngày tới một tháng các cơ quan chức năng của Việt Nam mới có thông tin chính thức cho giới truyền thông trong nước. Cụ thể, vụ Trung Quốc bắt giữ 2 tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi mới đây diễn ra vào ngày 3/3/2012, nhưng tới ngày 21/3/2012 cơ quan ngoại giao của Việt Nam mới công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lại tiếp tục phát biểu những điều quen thuộc: khẳng  định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phản đối phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam; phản đối các hành động bắt bớ, đánh dập ngư dân Việt Nam; đòi phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại; cho biết đã tiếp xúc ngoại giao với sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để truyền đạt các thông tin như trên…
Trong lúc cơ quan ngoại giao Việt Nam phản ứng từ tốn với những lời lẽ ngoại giao hết sức “mềm mỏng”  như vậy thì phía Trung Quốc như thường lệ đã kịp liên lạc với người nhà của từng ngư dân bị bắt giữ để đòi tiền chuộc, cái giá “hữu nghị” cho thương lượng này là 70.000 nhân dân tệ mỗi người. Xem hết các nguồn thông tin trong và ngoài nước, vẫn không thể biết được cái “tổ chức” của phía Trung Quốc đứng ra thương lượng đòi tiền chuộc kia là thuộc vào thành phần nào của nhà nước Trung Quốc? Các giao dịch giữa hai bên nếu có xảy ra hoàn toàn nằm ngoài phạm vi kiểm soát của nhà nước hai bên. Có thể tạm gọi đó là “đường dây giao dịch đen”, vì có quá nhiều ẩn số trong các giao dịch loại này. Trên thực tế thì giao dịch kiểu này đã được hai bên thực hiện thành công khá nhiều vụ. Bởi vì trong khi các cơ quan ngoại giao hãy còn đang ra sức tìm kiếm giải pháp, thời gian giam giữ ngư dân kéo dài, người thân sốt ruột cho tính mạng, sức khoẻ của các ngư dân bị giam giữ vô hạn định đành phải bấm bụng chấp nhận tham gia các vụ  “đàm phán đen” để mau chóng cứu người. Mặc dù, cơ quan ngoại giao Việt Nam vẫn luôn khuyến cáo bà con ngư dân không nên nộp tiền chuộc người vì phải tin tưởng vào khả năng đàm phán, kết quả làm việc của cơ quan này với phía “bạn” Trung Quốc cái đã.
Vừa lạ lại vừa quen là mặc dù trên bàn đàm phán chính thức kéo dài có khả năng là vô tận, song bên ngoài là “tiền trao thì chao múc ngay”. Vậy không biết chủ trương này có liên quan gì tới ông bạn vàng nhà nước Trung Quốc không? Người thì bị cơ quan chức năng chính thức của nhà nước Trung Quốc bắt giữ, đàm phán chính thức giữa cơ quan ngoại giao hai bên thì kéo dài không có hồi kết. Trong khi “đàm phán đen” theo kiểu “xã hội đen”,  bắt cóc tống tiền, đòi tiền chuộc mà bọn cướp biển hay làm thì “tiền trao chao múc”, thả người ngay, hết sức “uy tín” theo kiểu quân tử Tàu.
Kịch bản này vừa quen lại vừa lọa… Loạ là vì người  nằm trong tay cơ quan chức năng của nhà nước Trung Quốc, nhưng quyết định thả người và đòi tiền chuộc lại nằm ở đâu đâu? Lọa quá! Vì cái nằm ở đâu đẩu, đâu đâu đó lại có thể sai khiến được cơ quan chức năng của nhà nước Trung Quốc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét