Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Phương tiện hay cứu cánh?


Thực tế về quy hoạch, phát triển hệ thống đường bộ ở Việt Nam trong nhiều năm có thể nói là quá kém. Dẫn tới các hệ lụy nan giải hiện nay là đường bộ thường xuyên quá tải, giao thông công cộng nội thị hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do vậy, phương tiện giao thông cá nhân hầu như trở thành “cứu cánh”, vì người dân không hề có sự lựa chọn nào khác.

Nếu nhìn một cách hạn hẹp, sự phát triển mang tính chất “bùng nổ” của các loại phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là ở các thành phố lớn trong giai đoạn đổi mới kinh tế mạnh mẽ đã góp phần đáng kể tạo ra vấn nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng, trở thành “nan đề” trầm kha cho các nhà chức trách. Người ta dễ dàng đổ lỗi các vấn nạn nghiêm trọng về giao thông hiện nay cho hiện tượng “bùng nổ” số lượng phương tiện giao thông cá nhân. Thế nhưng, công bằng mà nói, khi nền kinh tế phát triển nhu cầu đi lại và ngày càng nâng cao chất lượng cũng như hiệu suất đi lại của cộng đồng là một nhu cầu chính đáng và có thật.  Các nhà hoạch định chính sách phát triển không thể từ chối nhu cầu thực tế và hết sức chính đáng này của xã hội. Trong khi các phương tiện giao thông công cộng không được hoạch định để phục vụ đầy đủ cho kế hoạch phát triển, các chính sách mang tính “lợi ích nhóm” từng một thời mở cửa tối đa cho sự “bùng nổ” phương tiện giao thông cá nhân có vẻ như đã mang lại những giải pháp nhất thời. Người dân, ngoại trừ một số rất ít “đại gia” chơi xe để chứng tỏ “đẳng cấp” với những “con xe” siêu sang, hầu hết đều trông cậy vào phương tiện giao thông cá nhân tự mình trang bị để đối phó với tình trạng phương tiện giao thông công cộng cực kỳ kém cỏi do nhà chức trách cung cấp và giải quyết một cách chủ động nhu cầu đi lại để mưu sinh cho bản thân và gia đình mình. Chúng ta đã từng chứng kiến “làn sóng” xe gắn máy, ôtô con  “second-hand” nhập vào Việt Nam vô tội vạ từ nhiều thập niên trước và xe máy, xe con “hàng Tàu” giá cực rẻ trong mấy thập niên gần đây tràn ngập đường phố, ngỏ ngách đô thị và cả nông thôn, lẫn các miền núi cao nguyên Việt Nam. Hệ lụy là, trong khi đường xá chậm phát triển, phương tiện giao thông công cộng kém cỏi không phục vụ được nhu cầu đi lại chính đáng của xã hội thì đại bộ phận người dân chỉ còn cách buộc phải lựa chọn một phương tiện giao thông cá nhân thuận lợi nhất cho nhu cầu công ăn việc làm và sinh hoạt của mình. Phương tiện giao thông cá nhân thực ra trong bối cảnh này đã trở thành “cứu cánh”. Bởi lẽ, phần lớn người dân không còn sự lựa chọn nào khác để có thể chủ động và đảm bảo cho nhu cầu đi lại phục vụ cho việc mưu sinh của bản thân và gia đình mình.
Như vậy, trong một thời gian khá dài, phương tiện giao thông cá nhân như là xe máy, ôtô con… trở thành giải pháp hiệu quả, thuận lợi, bù đắp cho sự khiếm khuyết đến kém cỏi của ngành chức năng có trách nhiệm lo lắng về việc đi lại của người dân. Đồng thời, với nền kinh tế và các “nhóm lợi ích” thì nhu cầu đó là một nguồn lợi đáng kể, sản xuất, lắp ráp xe máy, ôtô từng được xác định là “ngành mũi nhọn” của nhiều địa phương, nhiều tập đoàn kinh tế mang lại nhiều lợi nhuận và giải quyết bao nhiêu là công ăn việc làm cho xã hội, cũng như đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia. Thế nhưng, giờ đây, với tất cả những gì mà ngành chức năng đang áp dụng có liên quan tới chính sách về thu phí nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì chiếc xe máy, “con ôtô” vốn được đông đảo người dân xem là “cứu cánh” cho việc đi lại làm ăn của mình bổng chốc bị đối xử như là “kẻ thù” cần phải bị loại bỏ không thương tiếc.
Người ta đổ cho nó là tác nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng, là nguyên nhân chính tạo nên vấn nạn tắc đường và có lẽ cũng là “thủ phạm” góp phần đáng kể nhanh chóng làm xuống cấp hệ thống cầu cống và đường bộ Việt Nam. Vì vậy, lập luận đưa ra là để giải quyết tất cả các “nan đề” trầm kha về giao thông hiện nay cần phải mạnh tay giải quyết các phương tiện giao thông cá nhân ngay lập tức. Phương thức thực hiện giải pháp này là gia tăng càng nhiều mức thuế và mức phí đánh trên đầu phương tiện khiến cho các “khổ chủ” không còn dám, hoặc mất khả năng đưa xe ra đường để tham gia giao thông là coi như đã thành công. Số tiền thu được từ các mức thuế và phí này sẽ gia tăng đáng kể và theo các nhà chức trách được đưa vào để bảo trì và phát triển đường bộ. Đáng tiếc là cơ chế giải trình về việc sử dụng nguồn tiền thu được từ chủ trương này minh bạch, công khai như thế nào thì chưa thấy các nhà chức trách đề cập tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chưa có nơi đâu trên thế giới này người tiêu dùng lại phải chịu quá nhiều mức thuế và phí để có thể mua về và sử dụng ôtô như ở Việt Nam. Điều này tạo ra một nghịch lý là giá xe và chi phí sử dụng xe ở một nước đang phát triển lại cao gấp 2,5 lần so với ở một đất nước phát triển và người dân có thu nhập cao rất nhiều lần như ở Mỹ chẳng hạn. Cũng vậy, trên thế giới, các quốc gia coi xe máy, ôtô là mặt hàng xa xỉ cần phải hạn chế tiêu dùng như ở Việt Nam có lẽ cũng hầu như hiếm có, đặc biệt khi các phương tiện giao thông cá nhân này lại đang đóng vai trò “cứu cánh” cho công việc mưu sinh và sinh hoạt chính đáng của một bộ phận rất lớn người dân.
Người dân sử dụng đường phải có trách nhiệm đóng phí cho nhà chức trách, đó là điều hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, ngoài các thứ thuế khá cao mà người dân đã đóng để có thể sở  hữu phương tiện ra, để tránh phí chồng phí, nhất là trong bối cảnh chúng ta cũng đang xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ thì đòi hỏi cơ quan soạn thảo đề án phí lưu hành phương tiện phải đưa ra được các cơ sở khoa học tính phí. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng phải điều tra, đưa ra các luận chứng để thuyết phục rằng, mức phí đó nếu được áp dụng thì sẽ giảm được bao nhiêu phương tiện tham gia giao thông trên một tuyến đường. Mức độ hư hại của đường sẽ giảm đi được bao nhiêu, lợi ích mà xã hội thu được là gì? Thậm chí, khi người dân bỏ tiền ra để đóng phí, có nghĩa là mua dịch vụ, họ có quyền yêu cầu nhà cung cấp dịch dụ giải trình cơ chế sử dụng nguồn tiền và đảm bảo chất lượng dịch vụ, cũng như bồi thường thiệt hại khi chất lượng dịch vụ không đạt yêu cầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nếu nhà chức trách không làm rõ được những việc này thì sẽ rất khó tìm kiếm được sự ủng hộ và chia sẻ của người dân.



          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét