(TBKTSG Online) - Các chuyên gia tài chính và kinh tế cho rằng phí hạn chế phương tiện cá nhân do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trên toàn quốc là không chính danh, gây khó khăn cho người dân, và đặt thêm rào cản cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh trích dẫn khái niệm về phí tại điều 2, Pháp lệnh về phí và lệ phí do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2001 rằng, “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ (được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này)”.
Ông nhận xét: “Bộ Giao thông Vận tải cung cấp dịch vụ gì cho người dân mà lại đòi thu phí này? Họ không cung cấp dịch vụ gì mà bắt người dân trả tiền là thế nào?”
Đề xuất của bộ này, theo ông Doanh, có thể so sánh với tình trạng cơ quan nhà nước đề nghị thu phí với người dân khi hít thở không khí, hay ở trong chính ngôi nhà của mình.
“Vì thế tôi cho rằng phí hạn chế ô tô xe máy là hoàn toàn không chính danh. Họ dựa trên luật nào để làm thế?”, ông Doanh đặt vấn đề.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, việc bộ này sửa đổi tên gọi "phí lưu hành phương tiện cá nhân" thành "phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân" chỉ trong thời gian rất ngắn thể hiện “sự tuỳ tiện” của những người soạn thảo văn bản.
Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế này, phí này sẽ làm chi phí sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn trong bối cảnh nền kinh tế đã bị tác động lớn bởi lạm phát cao.
Ông Doanh nói: “Phí đó chắc chắn sẽ làm cho giá cả các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam đắt đỏ thêm. Hiện nay, lạm phát đã làm chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá đầu ra rất khó tăng lên vì sức mua suy giảm. Nếu cứ tăng tuỳ tiện như thế này, làm sao chúng ta cạnh tranh được trên bình diện quốc tế. Vì thế, tình trạng phí chồng phí như thế này sẽ làm giảm sút năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đó là nguy cơ hiển nhiên”.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, Quốc hội cần xem xét kỹ càng đề nghị này.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Đặng Văn Thanh cũng có quan điểm như ông Doanh khi cho rằng đề xuất tăng phí ngay lập tức từ 20-50 triệu đồng/năm với ô tô và 500 ngàn đến 1 triệu đồng/năm với xe máy là “quá sốc”.
Ông Thanh nói: “Đưa ra mức phí như thế là quá sốc so với mức thu nhập của người dân. Vì thế, cần phải cân nhắc rất kỹ càng”.
Ông Thanh, người từng có nhiều năm làm đại biểu Quốc hội, nhận xét ông chưa từng chứng kiến cơ quan nhà nước nào đòi tăng phí dồn dập như Bộ Giao thông Vận tải trong vài chục năm qua.
Ông nói: “Trước đây cũng từng có ý kiến đưa ra thuế suất cao, chẳng hạn thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan thuốc lá, rượu bia… . Nhưng tôi thấy, chưa từng có việc đưa ra quá nhiều loại phí đánh trên đầu phương tiện giao thông như đề xuất trên”.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm cho rằng đề xuất tăng phí của Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm chi phí sản xuất kinh doanh ở Việt Nam thêm đắt đỏ.
Ông Kiêm, cũng là một đại biểu Quốc hội nói: “Tôi cho rằng Quốc hội sẽ phải xem xét nghiêm túc vấn đề này”.
Theo tờ trình của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng gửi Thủ tướng, có khoảng 612.691 xe ô tô chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân, tương ứng với chủ phương tiện chiếm 0,77% dân số cả nước.
Bộ này cho rằng, việc thu phí này sẽ khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc tại các thành phố, đồng thời tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hạ tầng giao thông đường bộ.
Trước đó, Bộ Tư pháp cho rằng, phí hạn chế phương tiện giao thông sẽ chồng lấn với phí sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tài không đồng tình cách giải thích này.
Bên cạnh đó, một loại phí khác là phí bảo trì đường bộ sẽ được thu từ 1-6 tới, theo đó dự kiến có 7 mức đối với ô tô (180.000- 1.440.000 đồng/tháng), 4 mức với mô tô, xe máy (80.000- 150.000 đồng/năm).
Như vậy, với hai loại phí mới này, chủ phương tiện ô tô ở Việt Nam sẽ phải gánh tới 9 loại thuế và phí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét