Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

“Con gà đẻ trứng vàng”?


Cốt lõi của việc làm chính trị thời đại nào cũng vậy, dù có thể trăm ngàn mục tiêu khác nhau nhưng trước hết là phải biết an dân.
Cũng tương tự chuyện nuôi bò sữa. Người nuôi bò sữa phải biết cách chăm sóc con bò của mình. Từ khẩu phần ăn uống, vệ sinh chuồng trại, cao cấp hơn biết cho bò nghe nhạc, sưởi nắng, chơi thể thao… Các chuỗi hành động mang tính khoa học và tuân thủ các quy luật tự nhiên này là nhằm “an bò”, để kết quả cuối cùng là các “nàng bò yêu” sẽ cho nhiều sữa với chất lượng cao, tuổi thọ cho sữa của bò cũng được kéo dài hơn bình thường. Đàn bò được lợi (đời sống vật chất cao, chỉ tiêu hạnh phúc cũng cao), nếu lấy chất lượng và số lượng sữa bò thu hoạch được làm thước đo, người nuôi bò càng được lợi nhiều hơn.
Chính vì vậy là từ những kẻ độc tài, quân chủ chuyên chế, những tên phát xít tàn bạo cho tới các nhà cai trị yêu dân như con trong lịch sử nhân loại cũng đều mở miệng ra là nói “dân vi quý, quân vi khinh” đó sao? Cho dù, nói một đàng làm một nẻo, thì đầu môi chót lưỡi vẫn không bao giờ dám phỉ báng dân và nói toạc ra là tìm mọi cách vơ vét cho cạn sức dân. Bởi vì đến một đứa trẻ lên năm cũng biết, muốn cây cho nhiều quả thì phải biết chăm sóc, bón phân tưới nước đầy đủ cho cây. Nói cách khác, muốn có nguồn thu dồi dào và bền vững thì phải liệu cách mà nuôi dưỡng nguồn thu.
Với đa số người dân Việt Nam ngày nay bên cạnh một sắc thuế vô hình đang khoét sâu vào đời sống kinh tế vốn mong manh của họ là lạm phát cao, hàng ngày còn phải đối mặt với bao nhiêu là sắc thuế, phí và lệ phí đến chóng mặt. Theo ADB indicator 2010, tỷ lệ động viên thu vào ngân sách nhà nước ở Việt Nam tính toán từ thuế, phí và lệ phí rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam khoảng 20-25% GDP, trong khi Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia khoảng 15%, Philippines dưới 13%, Indonesia 12%, Ấn Độ chỉ 7-8%... Chưa kể lạm phát là thứ thuế vô hình tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Chỉ lấy ví dụ một chiếc xe là phương tiện giao thông cá nhân tối thiểu thôi, người Việt Nam đã phải chịu tới khoảng 9 loại thuế và phí khác nhau theo kiểu phí chồng lên phí. Chẳng hạn như, đã có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng xa xỉ để hạn chế tiêu dùng, nay lại chuẩn bị ban hành phí lưu hành cao chót vót cũng với mục tiêu hạn chế xe lưu thông trên đường nhằm chống ùn tắc giao thông; đã có hàng tá, hàng tá trạm thu phí giao thông đường bộ nhà nước có, tư nhân có, tràn lan khiến dân chúng ta thán không ngớt chưa giải quyết xong lại thêm phí bảo trì đường bộ, chưa kể loại phí này còn gián thu qua lượng xăng dầu nữa.
Các vấn nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam ngày nay ai cũng biết do lỗi thiếu tầm nhìn là kết quả hiện tiền do năng lực yếu kém của các nhà chức trách. Từ quy hoạch phát triển đô thị, đến chương trình phát triển mạng lưới giao thông tương thích mà đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng hầu như bỏ ngỏ trong một thời gian khá dài. Hình thành một cách tự phát theo kiểu “tự cứu mình trước khi trời cứu” sự bùng phát các phương tiện giao thông cá nhân mất kiểm soát. Tất nhiên cũng phai kể tới chất xúc tác “lợi ích nhóm” khi các nhà chức trách từng một thời mở rộng cửa nhập khẩu vô tội vạ các loại xe máy, xe hơi con second-hand,  xe hàng Tàu… để phục vụ cho nhu cầu tự trang bị phương tiện giao thông cá nhân của người dân trong khi nhà chức trách bỏ quên việc quy hoạch và phát triển mạng lưới giao thông công cộng đúng tầm vóc của một đất nước đang cựa mình chuẩn bị bay lên hoá “rồng”. Chưa kể các yếu tố tham nhũng chi phối mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư khổng lồ từng là gánh nặng, sức ì khiến cho nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia thi công chậm trễ, kém chất lượng hoặc không đồng bộ, phát triển vô tổ chức nên không sử dụng hết công năng đã góp phần làm ảnh hưởng lớn tới việc “chậm lớn” của hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam mặc dù nguồn vốn đầu tư các loại hàng năm vào lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông là không nhỏ.
Thế nhưng, đáng nói là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, được xem là một trong số ít ỏi “bộ trưởng hành động” của chính phủ đương nhiệm, được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” làm thay đổi tình hình bi đát của giao thông Việt Nam theo hướng tích cực, hoá ra lại không phải như vậy. Gần như hầu hết các giải pháp mà Bộ trưởng Thăng đưa ra cho tới giờ này chỉ nhằm làm mục tiêu “gây khó khăn cho người tham gia giao thông”, mà đặc biệt là các chủ phương tiện giao thông cá nhân, khiến họ mất khả năng đưa phương tiện ra đường càng nhiều càng tốt. Lẽ ra mục tiêu tối thượng của các phương án giải quyết vấn nạn giao thông hiện nay là phải đạt được mục tiêu làm cho số đông người tham gia giao thông đúng luật, được hưởng sự thông thoáng, thoải mái và an toàn hơn trên mọi nẽo đường. Song các giải pháp của Bộ trưởng Thăng xem ra đang đi ngược lại điều “tối thượng” này.
Sau khi tạo ra cơn “bấn loạn” cho đa số cư dân Hà Nội bởi chủ trương thay đổi giờ học giờ làm mà chẳng đạt được chút hiệu quả nào trong việc giảm bớt ùn tắc giao thông tại thành phố này. Bộ trưởng Thăng tiếp tục chủ trương “tận thu” càng nhiều càng tốt đối với các loại phương tiện giao thông cá nhân để các “khổ chủ” ngán ngẫm không còn khả năng đưa xe ra đường nữa. Điều đáng nói là các mức thu mà nhà chức trách đề nghị không chỉ quá cao, vượt quá khả năng mà đại đa số “khổ chủ” các phương tiện giao thông cá nhân hiện nay có thể chấp nhận đuợc mà còn bất cập trong nhiều chuyện.
Bất cập thứ nhất là áp dụng phương thức cào bằng đối với tất cả các phương tiện là không công bằng và phi thực tế. Cũng là xe máy, ôtô con cùng phân khối, nhưng giá trị của mỗi chiếc hoàn toàn khác nhau, có khi chênh lệch lên đến hàng trăm lần, thế nhưng mức phí như nhau là không hợp lý. Chưa kể, do nhu cầu khác nhau của “khổ chủ” mỗi chiếc xe có thời gian và hiệu suất tham gia giao thông cũng rất khác nhau, nhưng mức thu cũng cào bằng” như nhau là chưa ổn.
Bất cập thứ 2 là các nhà chức trách chưa cho biết tính hiệu quả và khả thi của các loại phí mới này, lẽ ra phải được xem là một trong các tiêu chí quan trọng để đệ trình thêm sắc thuế hay khoản lệ phí mới. Tính hiệu quả là phải chứng minh được khi áp dụng loại phí mới này thì sẽ giải quyết được các mục tiêu đề ra như giảm được ùn tắc giao thông trên cơ sở tạo điều kiện cho mọi người giao tham gia giao thông thuận lợi hơn, an toàn hơn góp phần tích cực vào sự vận hành tốt nhất nền kinh tế và tạo ra các cơ sở cho sự ổn định, phát triển xã hội. Bên cạnh đó, nguồn thu được từ các khoản phí này phải được giải trình minh bạch sẽ đầu tư trở lại cho việc phát triển hệ thống giao thông như thế nào và sự cam kết về dịch vụ đúng tiêu chuẩn cho những “khổ chủ” bỏ tiền ra đóng phí khi tham gia giao thông. Trong thời gian qua, nhiều đoạn đường thu phí giao thông rất cao, rất dày đặc song chất lượng đường xá thì rất kém, không đảm bảo an toàn giao thông. Thậm chí có những con đường chưa làm, hoặc đang làm chưa xong đất đá ngỗn ngang đã chặn xe thu phí giao thông gây ra nhiều bức xúc. Nay nguồn thu theo dự kiến của các khoản phí do Bộ GTVT mới đề xuất là rất lớn, liệu có được sử dụng đúng mục đích?
Bất cập thứ 3 là nhà chức trách đang đưa người dân vào thế cờ bị “triệt buộc” không còn lựa chọn nào khác. Hoặc là “khổ chủ” phải chi ra một khoản tiền rất lớn cho các phương tiện giao thông cá nhân của mình để đường đường chính chính mà  “lên đường”; hoặc là phải đắp chiếu trùm chăn các phương tiện để rồi ngồi nhà nhìn thiên hạ bon bon trên đường. Bất kể các lựa chọn này sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào tới công việc mưu sinh và sinh hoạt của người dân, nói rộng ra là toàn xã hội. Chi phí gia tăng, chẳng đặng dừng tất nhiên giá dịch vụ các loại cũng phải gia tăng theo. Người nghèo càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các thay đổi như vậy. Như vậy, có thể nói rằng nhà chức trách chỉ tạo điều kiện đường xá thông thoáng cho một bộ phận cư dân giàu có, thừa tiền, đi lại thông thoáng trong khi đẩy một bộ phận rất lớn người dân vào thế kẹt và gặp nhiều khó khăn hơn vì phải chi cho các loại phí quá sức thu nhập của mình. Nếu đường xá có thông thoáng thì cũng chỉ dành cho một bộ phận thuộc tầng lớp trên hưởng lợi mà thôi. Như vậy, liệu đây có phải là một chính sách công bằng, vì đại đa số người dân lao động và góp phần an dân hay không?
Bất cập thứ 4 là việc “sinh đẻ vô kế hoạch” các loại phí như Bộ GTVT đang làm liệu có đúng quy trình, đúng pháp luật hiện hành và có vi phạm lợi ích chính đáng của người dân được luật pháp bảo vệ hay không? Nếu cách ban hành các loại phí như Bộ trưởng Thăng đang làm mà “đầu xuôi đuôi lọt”  thì liệu có tạo ra tiền lệ xấu cho các bộ ngành khác ban hành vô tội vạ các loại phí phục vụ cho lợi ích cục bộ của ngành mình mà bất chấp quyền và lợi ích chính đáng của người dân hay không? Chẳng hạn như, một ngày đẹp trời nào đó, Bộ trưởng Y tế “học tập” và căn cứ vào tiền lệ của Bộ trưởng GTVT đặt ra nhiều loại phí đánh vào người bệnh để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Phí nhập viện và điều trị vượt tuyến chẳng hạn, với mức giá “khủng” hàng chục triệu đồng/bệnh nhân/ mỗi lần nhập viện. Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra phí bảo trì trường học và chống quá tải trường điểm chẳng hạn để giải quyết tình trạng quá tải trường học ở các đô thị lớn, các trường điểm và chống việc xin xỏ, chạy trường chạy lớp với mức phí hàng chục triệu đồng cho mỗi học sinh trái tuyến muốn vào trường điểm…. Các bộ ngành khác cũng tương tự, chuyện gì sẽ xảy ra đây? Câu trả lời chắc phải dành cho các nhà chức trách đang hoạch định ra các chính sách “kinh bang tế thế” theo cái kiểu xem dân như “con gà đẻ trứng vàng”. Chớ có mà nghĩ đến chuyện “thịt” con gà, sốt ruột mổ bụng nó ra để hy vọng mau chóng lấy được cả ổ trứng vàng nhá!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét