Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Những người đã hy sinh để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ


Phan Tất Thành

Trên các trang tin trong những ngày này, không ít người đã dùng mọi ngôn từ cao đẹp nhất để ca ngợi gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt của những chiến sỹ bỏ mình vì quân Trung Quốc khi chúng xâm chiếm một nhóm đảo trong quần đảo Trường Sa năm 1988. Sau đó, có người được phong Anh hùng LLVT, có liệt sỹ (không còn thi thể), có thương binh. Về với đời thường nhưng các anh luôn được ngưỡng vọng với niềm tự hào chính đáng. Giá như được lệnh đánh trả thì có lẽ sự hy sinh đó đỡ oan uổng hơn, nhưng có lẽ vì chấp nhận chết không đánh trả nên được đánh giá cao hơn những hy sinh khác.
Pháo 37 mm Trung Quốc bắn CBCS công binh Hải quân trên đảo Gạc Ma
Pháo 37 mm Trung Quốc bắn CBCS công binh Hải quân trên đảo Gạc Ma
Tôi lại nhớ đến các anh các chị, là đồng đội của tôi trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979. Những Lê Đình Chinh, những Hoàng Thị Hồng Chiêm… và rất rất nhiều nữa. Người còn, người mất nhưng sao sự vinh danh dành cho những con người này lại nhàn nhạt, cứ như là sự hy sinh đó không cao đẹp bằng những người con hy sinh năm 1988 của đất nước này. Phải chăng vì họ đã chết khi trực diện đánh trả quân Trung Quốc xâm lược?
Mỹ xâm lược thì phải nói là Mỹ xâm lược. Nhật gây ra nạn chết đói năm 1945 thì phải nói là Nhật bắt nhổ lúa trồng đay. Pháp đô hộ và dìm các cuộc khởi nghĩa của dân ta thì nói rõ tội ác đó, nhắc con cháu đừng quên. Sinh thời, nhà thơ Tố Hữu còn hô lên rằng “thù muôn đời muôn kiếp không tan” cơ mà.
Nhưng giặc Trung Quốc xâm lược thì tại sao không nhắc cháu con là có một kẻ thù nham hiểm, tàn ác thâm căn cố đế từ bao nhiêu đời là Trung Quốc? Nay hòa hiếu là hòa hiếu nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, sao lại cố bưng tai bịt mắt, giả ngây giả ngô, quên cả máu xương đã đổ.
Ngày 30-4 thì hát vang những bài hát thời chống Mỹ – kể cả hát cho Mỹ nghe. Ngày 7-5 thì “ Giải phóng Điện Biên”, nhưng ngày mong nghe lại “Chiến đấu vì độc lập tự do” thì câm lặng. Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể tôi nghe chuyện được cơ quan chức năng yêu cầu sửa vài chữ như “xâm lược, bành trướng, dã man…”, nhạc sỹ không sửa, thế là bài hát không được phổ biến nữa. Người bình thường khi bị một kẻ khác đánh cho chảy máu thì gọi đích danh nó ra mà kể tội chứ không ai lại hèn nhát, lúng búng như ngậm hột thị vậy. Khi một tấm bia cũng đục bỏ hai  chữ “Trung Quốc” chỉ để lại “ quân… … xâm lược” thì chứng tỏ những kẻ dốt nát không biết rằng: “ một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ nhưng một nửa sự thật đã không phải là sự thật” nữa rồi.
*
Trên, tôi nói về quân xâm lược và sự hy sinh của những người đã chiến đấu vì đất nước này, nhưng vẫn có những người con đất Việt đã hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ mà sự hy sinh đó chưa được đánh giá, được coi trọng một cách xứng đáng như nó vốn có. Đó là những người đã lăn xả vào trận chiến đấu chống quân Trung Quốc khi chúng tiến đánh, quyết chiếm quần đảo Hoàng Sa, một phần lãnh thổ không thể cắt rời của chúng ta.
Sự hy sinh của năm 1974 khác gì sự hy sinh năm 1979 và năm 1988? Bất luận anh là ai nhưng tại sao không thể nói – nói một cách rạch ròi – rằng:  “…  trong những ngày cuối tháng 1-1974, tại quần đảo Hoàng Sa của chúng ta, các anh  đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, dám đem tính mạng mình để đánh trả quân Trung Quốc khi chúng ồ ạt tiến vào xâm chiếm quần đảo này…”. Hơn thế, họ còn bắn chìm tàu quân xâm lược, khi hy sinh, họ chết theo tàu, chỉ huy của họ dõng dạc “là quân nhân, tôi chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc”… (Hạm trưởng HQ.4 Vũ Hữu San). Những chuyện này khía sâu vào tâm khảm ta khác gì lời thét vang “thà máu ta nhuộm đỏ biển Đông chứ không để mất đảo” năm 1988 của anh Trần Văn Phương (Trung úy Anh hùng Liệt sỹ).
Quân xâm lược “rất dã man” chứ không chỉ “dã man” (như Phạm Tuyên viết). Chúng bắn thẳng pháo vào đội hình của ta, chúng không cho ứng cứu, khi gặp quân ta trôi dạt trên biển, chúng chạy tàu đến nhìn rồi cười khả ố quay đi không cứu giúp, cố tình để các anh chết dần chết mòn trên biển.
Nhưng những chiến binh dũng cảm ấy đến nay vẫn sống – dù là sống âm thầm – chứ đâu có chết. Và cùng những người thân họ vẫn tự hỏi rằng sự hy sinh đó sao chưa được ghi nhận là chống ngoại xâm???
Khi mà những cựu binh Mỹ đến Việt Nam, cùng cựu chiến binh Việt Nam thắp hương cho những người tử trận cả hai phía tại đường 9 Khe Sanh, thì lẽ nào ở những nơi khác trên đất nước này, có những người con Việt Nam khác cũng đã chiến đấu hy sinh vì chống quân xâm lược, tuy khác tên nhưng vẫn là quân xâm lược cả, lại bị phân biệt đối xử? Lẽ nào hy sinh vì bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ lại nhất bên trọng nhất bên khinh?
*
Mang sự trăn trở ấy trao đổi với những người đồng cảm, gặp được một người đàn anh đầy tài năng và cũng suy nghĩ như tôi, được anh cho phép, tôi cùng anh làm một bộ phim tài liệu về những con người ấy. Dù  ở đâu, còn hay mất, chúng tôi cũng cố tìm, phục hiện lại gương hy sinh của những con người đó.
Tháng 3-2012 bộ phim đã được khởi quay. Những người chúng tôi đã gặp trong sử sách, trên bàn thờ gia đình và trong đời sống thực, từ người ra Hoàng Sa theo lệnh vua Bảo Đại, đến những người ra đảo theo lệnh chính quyền Việt Nam Cộng hòa, rồi người năm 1974 vì giữ đảo bị Trung Quốc bắt làm tù binh đưa về Quảng Châu, sau đó được trả về nước, ngay cả ông Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng đương chức hiện nay… mỗi lần nhắc đến tên Hoàng Sa không ai là không xúc động.
Trên Hoàng Sa còn dấu tích những lần ra đảo của vua Gia Long. Còn cái giếng vua ra lệnh đào cho những người giữ đảo sử dụng. Còn phần mộ vợ ba của ngài táng trên đảo. Không cần nói xa xưa hơn, thế đã đủ cho thiên hạ biết rằng Hoàng Sa là của Việt Nam.
Bộ phim tài liệu này nhằm nói lên những điều đó, về những con người đó. Cố gắng góp một tiếng nói mong muốn được vinh danh cho sự hy sinh đó, vạch mặt quân xâm lược. Cố gắng đánh thức sự mê ngủ của 16 chữ – mà trong đó có 4 chữ ngẫm ra dường như là liều thuốc mê nặng nhất: “ổn định lâu dài” (trong khi chỉ mới vài ngày trước đây thôi đài báo thế giới loan tin chính cái bọn áp đặt cho ta 4 chữ đó lại đã tiếp tục giở trò với tàu thuyền của ta). Phải chăng “ổn định…” có nghĩa là quên đi đừng nghĩ gì về Hoàng Sa nữa?
Qua bài viết này tôi muốn bày tỏ lòng mình và có một mong muốn nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người quan tâm: Nếu ai có một thông tin gì về những người đã chiến đấu giữ Hoàng Sa năm 1974 đang sống ở đâu đó hãy liên hệ với chúng tôi, cung cấp thông tin ấy cho chúng tôi. Chúng tôi tha thiết mong muốn tìm gặp những người ấy. Họ đã chiến đấu, hy sinh để giữ Hoàng Sa và thời điểm này họ là nhân chứng sống, họ là những cột mốc bằng người chứng minh chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.
14-3-2012
P. T. T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét