Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Phim về nhà nghiên cứu Hoàng Sa được giải


Một phim tài liệu cũ, từng bị gạt đi vì biến cố ngư dân Việt bị bắn chết năm 2005, được trao giải Cánh diều Bạc.
Phim Một đời nghiên cứu Hoàng Sa (kịch bản và đạo diễn: Phạm Xuân Nghị) nói về thành quả nghiên cứu hơn 30 năm của nhà sử học Nguyễn Nhã tại TP. HCM.
                            Tiến sĩ Nguyễn Nhã dành cả đời để nghiên cứu về chủ quyền ở Hoàng Sa 
Đáng chú ý, phim này đã hoàn thành và được mang đi dự thi ở một vài liên hoan trong nước năm 2005, nhưng bị bỏ qua vì lý do "nhạy cảm".Tại lễ trao giải của Hội Điện ảnh Việt Nam hôm 17/3, phim được trao Cánh diều Bạc ở hạng mục Phim tài liệu truyền hình.
Khi đó, vào ngày 8/1/2005, tám ngư dân thuộc tỉnh Thanh Hóa bị cảnh sát biển Trung Quốc bắn chết khi đang đánh cá tại vịnh Bắc Bộ.
Tám người khác bị bắt và đưa về đảo Hải Nam một thời gian trước một phiên tòa ở Hải Nam thả họ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó nói các ngư dân Việt Nam là ''cướp biển'' và rằng vụ việc là trường hợp "ăn cướp có vũ trang nghiêm trọng trên biển”.
Việt Nam phản bác rằng "việc tàu Trung Quốc bắn chết chín ngư dân Việt Nam và làm bị thương nhiều người khác, gây thiệt hại đến tài sản và ngư cụ của ngư dân Việt Nam là nghiêm trọng".
Trước những căng thẳng ngoại giao vì biến cố này, phim Một đời nghiên cứu Hoàng Sa tưởng như bị rơi vào quên lãng.
Phim nói về nhà sử học Nguyễn Nhã, từng chủ trương tập san Sử Địa ra mắt năm 1966 ở Sài Gòn.
Số cuối cùng của tập san này, ra mắt đầu năm 1975, là một Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa.
Kể từ ngày đó, ông Nguyễn Nhã vẫn tiếp tục nghiên cứu, thu thập bằng chứng lịch sử với mục đích chứng tỏ Hoàng Sa là của Việt Nam.
Phim của đạo diễn Phạm Xuân Nghị được làm không lâu sau khi ông Nguyễn Nhã nhận luận án tiến sĩ lịch sử năm 2003 với chủ đề về Hoàng Sa.
Bộ phim được giới thiệu là "tài liệu giáo khoa lịch sử bằng hình ảnh cụ thể, sinh động".
Sự liên quan giữa biến cố 2005 và tác động đến phim này hoàn toàn không được truyền thông trong nước nhắc đến.
Dẫu vậy, việc trao giải thưởng muộn cho tác phẩm dường như cho thấy sự thay đổi trong thái độ của giới chức.
Những ngày đầu tháng Ba năm nay chứng kiến khẩu chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc quanh tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa.


Nhân tiện tham khảo thêm bài này có nói về TS Nguyễn Nhã:


Học giả Việt Nam phản bác “đường lưỡi bò”
Các học giả Việt Nam từ lâu đã dày công nghiên cứu để chứng minh một cách khoa học và hệ thống bằng nhiều nguồn tư liệu lịch sử trong và ngoài nước về chủ quyền lâu đời, liên tục của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thật lịch sử về chủ quyền của người Việt Nam trên Biển Đông không chỉ được ghi chép cẩn thận trong chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam mà còn từ nguồn thư tịch cổ và chính sử của Trung Quốc cũng như từ những ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây trong nhiều thế kỷ. Và điều đó chính là một sự thật lịch sử mà không có bất cứ học giả chân chính nào có thể phủ nhận.
TS Nguyễn Nhã, nhà sử học có nhiều nghiên cứu sâu sắc về lịch sử chủ quyền trên Biển Đông nhận xét về yêu sách “đường lưỡi bò” tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” về “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc trên hầu như gần trọn Biển Đông: “Trong lịch sử loài người đã từng xảy ra nhiều vụ xuyên tạc, bóp méo lịch sử, song chưa từng thấy sự chà đạp lịch sử nào thô bạo như trường hợp Trung Quốc đã và đang làm khi họ trình lên Liên Hợp Quốc bản đồ yêu sách “đường lưỡi bò” bao gồm gần 80% diện tích Biển Đông là nội thủy, là vùng nước lịch sử của họ”. Ngày 20/1/1975, sau sự kiện hải quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (19/1/1974), TS Nguyễn Nhã lúc đó là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa của Đại học Sư phạm Sài Gòn, đã cho ra mắt một ấn phẩm đặc biệt chuyên khảo về Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều bài viết có giá trị khoa học, khách quan, công phu của các học giả nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham, Thái Văn Kiểm… Chuyên san này cũng trình bày nhiều nghiên cứu có giá trị khoa học của các học giả phương Tây, những ghi chép và bản đồ của các nhà hàng hải quốc tế từ thế kỷ XV ghi nhận việc xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt Nam lâu đời và liên tục, một cách hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2003, ông Nhã tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”.
Các nghiên cứu công phu của TS Nguyễn Nhã căn cứ vào nhiều nguồn tài liệu chính sử của Việt Nam, phương Tây và cả Trung Quốc đã đưa ra những kết luận khách quan, khoa học và đầy sức thuyết phục rằng ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập, khai thác, thực thi và bảo vệ chủ quyền liên tục một cách hòa bình của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng nước có liên quan trên Biển Đông. Đặc biệt, vào năm 1816, chính sử ghi nhận nhà Nguyễn đã sai thủy quân đi xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Các tài liệu phương Tây cũng chép khá chi tiết về sự kiện này và cho biết vua Gia Long đã sai người đi cắm cờ, đặt cột mốc chủ quyền và tuần tra bảo vệ trên quần đảo Hoàng Sa. Theo TS Nguyễn Nhã, ông đã tìm kiếm, tham khảo hầu hết các thư tịch cổ của Trung Quốc thì thấy rằng không hề có một văn bản chính thức nào của các nhà nước phong kiến Trung Quốc cũng như trong sử sách đương thời có ghi chép các sự kiện liên quan tới chủ quyền của nước này trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) đầy đủ như chính sử Việt Nam. TS Nguyễn Nhã khẳng định, từ các nghiên cứu ông có đầy đủ bằng chứng, cơ sở lịch sử và pháp lý để phản bác lại tất cả những gì mà nhiều học giả Trung Quốc cho là họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” về “vùng nước lịch sử” trên Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cho rằng, chỉ từ khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa họ mới bắt đầu đưa ra các luận điểm cho rằng Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, quản hạt sớm nhất rồi khai thác kinh doanh sớm nhất trên Biển Đông. Thế nhưng đáng tiếc là các luận chứng mà họ trình bày lại không có cơ sở lịch sử cũng như pháp lý mà phần lớn là do ngụy tạo và suy diễn cho nên chẳng thuyết phục được ai. Hàng chục năm sau biến cố Hoàng Sa, kiên trì với từng chi tiết lịch sử và hành trình đi tìm sự thật với thái độ nghiêm túc, coi trọng học thuật của một nhà khoa học chân chính, TS Nguyễn Nhã kết luận: “Đầu Công Nguyên, Việt Nam đã phải chịu nô lệ ngót 1.000 năm, nhưng cuối cùng vẫn giữ được độc lập. Thì bây giờ, tôi cho rằng Hoàng Sa dẫu có thể phải chịu 1.000 năm nữa cũng không sao, dẫu thế nào thì sự thật lịch sử vẫn cứ ghi nhận Hoàng Sa luôn là của Việt Nam”. Câu nói ấy của TS Nguyễn Nhã đã từng được cố GS Trần Văn Giàu chia sẻ: “Trong thời đại của nhân loại văn minh ngày nay, chắc không phải đợi đến 1.000 năm đâu”.
LS. Hoàng Việt, Đại học Luật TP. HCM, căn cứ vào cơ sở pháp lý quốc tế cho rằng theo các tiêu chí để thỏa mãn một vùng nước được coi là vùng nước lịch sử, thì Trung Quốc cũng phải chứng minh được họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng nước trong “đường lưỡi bò” này một cách thật sự và liên tục trong một thời gian dài. Trung Quốc đã không đưa ra được các bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hoà bình từ thời xa xưa. Đặc biệt, Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng: “Chiều rộng lãnh hải nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”. Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải là vùng nước lịch sử. Chẳng lẽ lại tồn tại vùng biển cả nằm trong nội thuỷ của Trung Quốc? Không thể có điều vô lý đó. Do vậy, Tuyên bố và các đạo luật của Trung Quốc, đặc biệt Tuyên bố năm 1958 của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa là không phù hợp với yêu sách lịch sử được áp đặt bởi “đường lưỡi bò”.
Theo TS Lê Quý Quỳnh, Vụ trưởng Vụ Biển - Uỷ ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn đi ngược lại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia; Vùng biển mà “đường lưỡi bò” bao trùm không thể là lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc. Cho tới nay, các văn bản pháp luật về biển của Trung Quốc đều không đề cập tới yêu sách “đường lưỡi bò”. Thực tiễn các quốc gia ven Biển Đông cũng như các quốc gia ngoài khu vực đều phủ nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của năm nước là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei. Phản bác luận điểm từ phía Trung Quốc cho rằng Công hàm 1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký đã thừa nhận chủ quyền của nước này tại Hoàng Sa và Trường Sa, các học giả Việt Nam cho rằng, nội dung của Công hàm ngày 14/9/1958 là hết sức rõ ràng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ ghi nhận, tán thành và tôn trọng quyết định của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về hải phận 12 hải lý của đất nước Trung Quốc. Công hàm 1958 không liên quan gì đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó nằm phía Nam Vĩ tuyến 17 và theo Hiệp định Geneve thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Luận điểm cho rằng Công hàm ngày 14/9/1958 là bằng chứng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xuyên tạc lịch sử. Việt Nam từ trước tới nay chưa hề có bất cứ một tuyên bố nào từ bỏ chủ quyền thiêng liêng của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
TS. Nguyễn Hồng Thao, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá với công hàm ngày 7/5/2009 có kèm bản đồ “đường lưỡi bò”, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của đường lưỡi bò, coi Biển Đông như một vịnh lịch sử”. Đường này sẽ được ngộ nhận là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc. Họ cũng rất khéo kết hợp con đường này với các khái niệm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố dưới dạng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Nam Sa (Trường Sa theo tên Việt Nam). Như vậy toàn bộ Biển Đông sẽ trở thành “ao hồ” của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế, một vịnh hay một vùng nước được coi là lịch sử, căn cứ vào tập quán và các phán quyết của Tòa án và Trọng tài quốc tế phải thỏa mãn ít nhất hai điều kiện: 1) Tại đó quốc gia ven biển thực hiện một cách thực sự chủ quyền của mình một cách liên tục, hòa bình và lâu dài; 2) Có sự chấp nhận công khai hoặc sự im lặng không phản đối của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia láng giềng và có quyền lợi tại vùng biển này.
Sự thật là Trung Quốc đã không đưa ra được các bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hòa bình từ thời xa xưa. Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận không có một bằng chứng nào cho thấy Biển Đông hoàn toàn là “ao hồ Trung Quốc”. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc cũng không thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể loại bỏ hoạt động khai thác của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều Nguyễn. “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc không phải là một con đường có tính ổn định và xác định. Từ 11 đoạn nó đã phải bỏ đi 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý. Tính chất không liên tục của đường này được các tác giả Trung Quốc giải thích để cho “những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”. Một con đường như vậy rõ ràng không thể nào lại được coi là “biên giới quốc gia” theo luật pháp quốc tế. Đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là tính ổn định và dứt khoát. Trong một xã hội có trật tự riêng, các đường biên giới là một trong số các thể chế ổn định nhất từ tất cả các thể chế. Vậy mà ở đây đến cả người Trung Quốc, tác giả của đường này còn chưa biết nó đi thế nào, thì sao có thể gọi đó là biên giới quốc gia được?
Các học giả Trung Quốc mặc nhận rằng “đường lưỡi bò” tồn tại từ lâu mà không có quốc gia nào phản đối. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế cho rằng một yêu sách phải được tuyên bố rõ ràng, không mập mờ, chính thức và được duy trì trong một thời gian dài đủ để quốc gia có ý kiến bất đồng phải đưa ra ý kiến chính thức của họ. “Đường lưỡi bò” có nguồn gốc từ một bản đồ tư nhân, không phải là cái để các quốc gia khác có ý kiến. Hơn nữa, việc các nước tham gia Hội nghị San Francisco năm 1951 đã bác bỏ đề nghị của Liên Xô trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đòi hỏi của Philippines, Malaysia đối một bộ phận của quần đảo Trường Sa cho thấy không thể nói yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương vạch ra đã được các nước khác công nhận.
Các học giả Việt Nam đều thống nhất khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, Việt Nam là nhà nước đầu tiên và duy nhất đã thực hiện quyền làm chủ của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hoà bình, liên tục và lâu dài. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặt khác, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và trên tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 (DOC) cũng như các nguyên tắc thoả thuận song phương, đa phương nhằm duy trì và bảo vệ tự do giao thương, an ninh hàng hải cũng như sự ổn định và phát triển trong hòa bình của các quốc gia liên quan.
Nhóm PV Biển Đông
Chú thích ảnh:
1-TS Nguyễn Nhã trao tặng bản đồ An Nam Đại Quốc họa đồ khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa cho các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn. Đây là bản đồ do giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels nằm trong vùng biển của Việt Nam.
2-“An Nam Đại Quốc họa đồ” do giám mục Taberd xuất bản năm 1838 ghi rõ Paracel seu Cat Vang (“seu” tiếng Latin có nghĩa “hay là”; Paracel hay là Cát Vàng tức Hoàng Sa) thuộc vùng biển của Việt Nam.

1 nhận xét:

  1. la con nguoi ai cung co bo oc de suy nghi,ca lon nuot ca be la dieu di nhien,lich su da chung minh ,dieu quan trong la chung ta phai doi lai hoang sa,cung la buoc di chu dong tan cong de tu ve cho truong sa,va chi co chien dau moi giu vung chu quyen.noi nhieu nham nhi,phai thuc dung,chuan bi vu khi va tinh than ,phai co du suc manh chong lai su banh truong cua bac kinh,neu bac kinh sup do,trung quoc se bi chia thanh nhieu nuoc nho,khi do khong con moi lo cho cac nuoc lang gieng,do la con duong chung ta phai lam,va hay lam dung noi.

    Trả lờiXóa