Vũ Ngọc Tiến
Cách đây mấy ngày, anh bạn TS Nguyễn Văn Khải gọi điện dựng tôi dậy từ rất sớm. Anh hỏi: “Đã đọc các bài của Khải về vụ chôn thuốc trừ sâu của Nicotex Thanh Thái chưa? Tội chứng rành rành mà chúng nó vẫn được bưng bít, bênh che thì nước loạn, dân khổ là phải rồi, khốn nạn quá!” Tôi đáp: “Bận vài việc giúp anh Huệ Chi trong buổi tọa đàm ở Trung tâm văn hóa Pháp nên mình chưa đọc bài của cậu, nhưng cái công ty này mình biết từ tổ chấy của nó hơn 20 năm trước ở Thái Bình cơ. Ghê thật, không khéo lại dính với âm mưu bọn giặc Tàu chứ không đơn giản đâu…” Tôi hứa sẽ kể cho ông già “Ô Zôn” Nguyễn Văn Khải và mọi người cùng nghe về sự ra đời, quá trình biến tướng của công ty Nicotex Thái Bình, tiền thân của Nicotex Thanh Thái.
Tháng 12/1990, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh rất long trọng, có cả ông Nguyễn Văn An lúc đó là Trưởng BTCTW về dự. Chào mừng ngày lễ trọng đại này có hai sự kiện lớn: thứ nhất là khánh thành cây cầu hiện đại bắc qua sông Trà Lý, thứ hai là khánh thành dây chuyền sản xuất thuốc trừ sâu sinh học Nicotex, được giới truyền thông quảng bá nhằm bảo vệ môi trường, phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển bền vững của tỉnh nhà. Công trình nhà máy thuốc trừ sâu Nicotex vì thế được coi là biểu trưng và nhân tố mới về sự hợp tác giữa Tỉnh đội Thái Bình với GS Nguyễn Đức Khảm- nhà khoa học về côn trùng khá nổi tiếng trong Tổng cục lâm nghiệp. Giám đốc công ty là thiếu tá trẻ tên Nam, con một vị lãnh đạo của tỉnh, được Tỉnh đội biệt phái sang lãnh đạo sản xuất kinh doanh.
Tôi về dự khánh thành nhà máy với tư cách khách mời danh dự của GS Nguyễn Đức Khảm. Từ lâu, tôi rất quý trọng, sẵn lòng giúp đỡ anh Khảm cả về tinh thần lẫn tiền bạc bởi anh là nhà khoa học chân chính, đam mê nghiên cứu nhiều đề tài hữu ích cho ngành trồng trọt của nước nhà. Hồi ấy có khá nhiều nhà khoa học đứng ra lập công ty chuyển giao công nghệ theo nghị định 238 của Chính phủ. Anh Khảm cũng nằm trong số ấy. Để có tiền triển khai nghiên cứu thuốc trừ sâu Nicotex, công ty anh phải kinh doanh thêm các mặt hàng tinh dầu và hương liệu, nhưng vì anh quá ngây thơ trong nghiệp buôn bán nên thua lỗ triền miên.
Ý tưởng về thuốc trừ sâu Nicotex của GS Khảm hình thành sau một chuyến tham quan nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh của Ấn Độ. Họ có một loại thuốc dùng cho vùng trồng cây trà rất hữu hiệu, chỉ sau 24 giờ phun thuốc là các độc tố bị phân giã dưới nắng mặt trời, nhưng loại thuốc này giá thành rất đắt. Về nước, anh Khảm chợt liên tưởng đến hình ảnh ngày xưa các cụ ta chơi cây cảnh thường dùng nước điếu để diệt sâu vẽ bùa trên lá. Anh lao vào nghiên cứu và đã chứng minh chất nicotin trong rễ và gốc cây hoặc lá úa, bỏ đi của cây thuốc lào, thuốc lá diệt được nhiều loại sâu, phân hủy rất nhanh trong nắng mặt trời, có thể dùng tốt cho nông dân trồng rau, trồng trà. Ngặt vì không có kinh phí nghiên cứu từ ngân sách nên anh phải bỏ tiền túi ra làm. Nay có thể liên doanh với Tỉnh đội Thái Bình thì quả là một tin mừng lớn. Tôi thành thật chúc mừng anh, nhưng bẵng đi vài năm không gặp, tôi được tin anh Khảm bị hất văng ra khỏi liên doanh Nicotex. Công ty lo buôn bán thuốc trừ sâu với Trung Quốc kiếm lời, cái mác nghiên cứu thuốc trừ sâu vi sinh chỉ lợi dụng trưng ra để được miễn thuế, nhận nhiều ưu tiên khác của Nhà nước mà thôi.
Một lần đến thăm anh đang ốm nặng ở tổ 21, làng Ngọc Hà, tôi được biết thêm công ty Nicotex buôn hàng thuốc trừ sâu từ một nhân vật đáng ngờ là Trương Lợi Sinh. Ông ta người tỉnh Sơn Đông, nhưng về Nam Ninh- Quảng Tây làm ăn lại rất thân thiết với quan chức địa phương, được ngân hàng TW Trung Quốc đóng tại địa bàn đặc biệt ưu tiên cho vay vốn. Theo GS Khảm cho tôi biết, thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa đặc biệt, Nhà nước thông qua Bộ NN&PTNT hàng năm phải dựa trên nghiên cứu thời tiết, dự báo tình hình sâu bệnh để nhập về, nếu nhập ít không đủ dùng cũng nguy, nhưng nếu nhập nhiều, hàng bị tồn kho thì đến lúc quá đát sẽ rất khó khăn trong việc tiêu hủy. Đó là chưa kể đến việc nhà cung cấp lợi dụng bên mua kém hiểu biết, hám lợi đã bán loại thuốc giá rẻ như cho, nhưng sắp hết hoặc đã quá đát thì vô tình ta trở thành người tiêu hủy giúp họ vì có những loại thuốc quy trình tiêu hủy vô cùng phức tạp, chi phí còn lớn hơn chi phí sản xuất ra nó. Nghe anh Khảm nói, tôi chợt giật mình nếu Trương Lợi Sinh là đặc tình của Trung Quốc thông qua các công ty nhỏ, kém hiểu biết của Việt Nam để làm chuyện đó vừa lợi cho nhà máy của họ, vừa gây ô nhiễm môi trường, đầu độc giống nòi người Việt ta thì sao?...
Bẵng đi rất lâu, câu chuyên buồn về thuốc trừ sâu Nicotex đã theo GS Nguyễn Đức Khảm về bên kia thế giới. Năm 2010, tôi cùng bạn văn Minh Chuyên về Thái Bình làm phim kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh. Tại bữa cơm ở nhà hàng bên sông Trà Lý, do Tỉnh ủy chiêu đãi đoàn làm phim, tôi có hỏi thăm anh Nguyễn Hạnh Phúc (lúc đó đang làm Bí thư tỉnh ủy, chưa về TW nhận công tác Chánh văn phòng Quốc Hội), cả bàn tiệc hơn 10 người đều ngơ ngác, không ai biết đến công ty Nicotex Thái Bình nữa.
Đêm ở nhà khách của tỉnh, tôi không ngủ được, lang thang ra phố, gặp một cụ già, từng làm cán bộ ở Tỉnh đội những năm 80- 90 thế kỷ trước. Qua câu chuyện, tôi biết công ty Nicotex treo đầu dê bán thịt chó ấy đã bán xới khỏi tỉnh nhà từ lâu, vào liên doanh với một công ty tận nơi rừng núi heo hút ở tỉnh Thanh, đổi tên thành công ty Nicotex Thanh Thái gì đó, còn họ làm ăn kiểu gì có trời mới biết. Nhớ lại kỷ niệm buồn với cố GS Nguyễn Đức Khảm, tôi chợt lạnh toát người vì có lẽ điều lo lắng năm xưa của mình đã thành hiện thực. Gần đây, trong chuyến đi cùng các anh GS. Huệ Chi, GS. Chu Hảo và một số nhà khoa học vào huyện Hậu Lộc- Thanh Hóa để nghiệm thu việc phục dựng một tấm bia đá cổ ở chùa Sùng Ngiêm, nhằm lúc công luân xôn xao về vụ việc công ty Thanh Thái ở huyện Cẩm Thủy gần đó, tôi cứ thấy nôn nao trong người. Biết anh GS Chu Hảo khi còn làm Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng đã từng có lần tiếp chuyện thương nhân Trương Lợi Sinh, tôi hỏi anh nhận xét về đối tượng này. Anh Hảo cho biết, gặp con người đó thấy có nhiều điểm khó tin, trán bóp, cặp mắt gian xảo nên anh rất cảnh giác, nghi là đặc tình TQ nên chỉ tiếp xúc một lần rồi thôi…
Tôi kể lại câu chuyện về công ty Nicotex Thái Bình chẳng nhằm tố cáo hay quy kết trách nhiệm về ai. Nó chỉ gợi mở cho công luận và các nhà quản lý tỉnh Thanh, thậm chí cao hơn nữa hãy nghiêm túc điều tra toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này trong suốt 23 năm tồn tại mà tiền thân của nó là công ty nicotex Thái Bình. Mỉa mai thay, nó lại ra đời từ một ý tưởng bảo vệ môi trường của một nhà khoa học chân chính!…
Hà Nội 22/9/2013
VNT
Cháu xin chân thành cảm ơn bác Vũ Ngọc Tiến. Cháu là con bố Khảm - người mà bác đã nhắc tới trong bài viết trên. Đúng như những gì bác viết về bố cháu - yêu khoa học, thật thà và tử tế.
Trả lờiXóaBố cháu đã đọc bài viết này của bác và cũng xin gửi tới bác lời cảm ơn chân thành ạ.
?
Xóa