Trương Nhân Tuấn
Hai bên Mỹ-Nga vừa ký thỏa thuận tại Genève ngày 14-9, vấn đề Syrie sẽ có thể giải quyết bằng đường lối ngoại giao, với điều kiện Damas phải báo cáo danh sách vũ khí hóa học đồng thời cam kết hủy bỏ chúng trước tháng 6 năm 2014. “Thế giới hoan nghênh” thỏa thuận này, dĩ nhiên, vì sợ “tai bay họa gió” của chiến tranh.
Trước đó một hôm, ngày 13-9, Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon đã cho báo chí biết kết luận của ban điều tra của LHQ về việc sử dụng vũ khí hóa học. Ông tố cáo Al-Assad đã phạm rất nhiều tội ác chống nhân loại. Báo cáo này sẽ công bố trước Đại hội đồng LHQ ngày 16-9.
Câu hỏi đặt ra, tại sao thỏa thuận được ký kết trước khi bản báo cáo được công bố ?
Người ta có lý khi hoài nghi về hiệu quả của thỏa thuận này. Bới vì, cuộc nội chiến đã kéo dài hơn một năm, gây chết chóc cho trên 100.000 người, làm cho hàng triệu người khác màn trời chiếu đất. Nếu hai bên Mỹ-Nga chỉ ngừng ở thỏa thuận này và hài lòng với nó, có nghĩa là chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Vũ khí hóa học có thể sẽ không được Al-Assad sử dụng nữa, nhưng một người chết vì súng đạn hay chết vì chất độc thì cái chết có cùng một ý nghĩa như nhau. Tức chiến tranh vẫn tiếp diễn.
Tệ hơn nữa, ngày mai 16-9, bản báo cáo được chính thức công bố. Thế giới có thái độ gì trước Al-Assad, một kẻ đã phạm nhiều tội ác chống nhân loại ? Một nghị quyết của LHQ truy tố ông này trước Tòa án Quốc tế ? Nếu chỉ tịch thu vũ khí kẻ phạm tội mà không trừng phạt kẻ phạm tội, thỏa thuận này thực tế chỉ là một cánh cửa hẹp của Putin mở ra để Obama thoát khỏi tình trạng tiếng thoái lưỡng nan không bị mất mặt.
Nếu thực sự lo ngại, một giải pháp chính trị cho các bên trong cuộc chiến cần phải được nghiên cứu nghiêm túc giữa các nước có trách nhiệm. Vấn đề là giải pháp nào có thể thỏa mãn cho các bên ?
Một vài chi tiết về địa lý – chính trị - và chiến lược của khu vực cần được đề cập tới để có thể xét đến một đường lối khả thi.
1/ Về chủng tộc và tôn giáo.
Gồm khoảng 23 triệu dân với diện tích 185.000km², khoảng 70% theo đạo Hồi (hệ phái Sunnite). Từ sau các biến cố “mùa xuân Ả Rập” 2011, hệ phái Sunnite do nhóm “Huynh đệ Hồi giáo”, được sự ủng hộ của các nước Ả Rập, cầm đầu ra mặt chống chính quyền.
Dân số còn lại gồm ba nhóm tôn giáo (và chủng tộc) : Thiên chúa giáo, Alaouite (được nhìn nhận thuộc hệ phái Shiite) và người Kurde.
Nhóm thiểu số Alaouite, nhờ cơ hội do các biến cố lịch sử thuộc địa, thành lập đảng Baas và nắm được chính quyền năm 1963. Từ đó nhà nước Syrie được thành lập. Gia đình Al-Assad (Hafez Al-Assad, cha của Bashar Al-Assad), thuộc nhóm Alaouite, nắm quyền năm 1971, từ đó quan lại nhà nước Syrie đều do đảng Baas nắm giữ. (Điều trớ trêu, trong các lực lượng nổi dậy cũng có nhóm Alouite !). Địa bàn “chiến lược” của gia đình Al-Assad cũng là nơi sinh sống của nhóm Alaouite gồm các dải đất trù phú trồng trọt được và các dải đất dọc bờ biển, bao gồm phi trường Lattaquié, hải cảng Tartous (có căn cứ hải quân Nga), được bảo vệ chung quanh là vùng núi non, với các căn cứ quân sự. Nhóm Alaouite được sự ủng hộ của Iran.
Dân Kurde sinh sống ở Syrie thuộc về một dân tộc lớn trên thế giới nhưng lại không có quốc gia, địa bàn sinh hoạt vùng cận biên với các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Irak và Syrie. Khoảng 30 triệu dân Kurde sinh sống trong vùng biên giới bốn nước này. Sau cuộc chiến Irak, khu vực phía bắc nước này thành lập một lãnh thổ tự trị của người Kurde. Nhưng do chia rẽ thành nhiều nhóm vũ trang khác nhau, tranh dành quyền lực, do đó không kết hợp thành một lực lượng lớn mạnh. Tại Syrie, lực lượng nổi dậy thuộc phe người Kurde khá mạnh, nhưng lại chủ trương tranh đấu độc lập (vì tranh đấu cho độc lập dân tộc chứ không phải do động lực tôn giáo), không liên kết với các nhóm nổi dậy khác. Chỉ đến ngày 28-8-2013 lực lượng người Kurke mới thống nhất được với các nhóm nổi dậy khác của Syrie, một thủ tướng lâm thời được các phe phái đồng ý được bầu lên, sau khi thủ tướng trước thoái vị.
Dân theo đạo Thiên chúa gồm khoảng 10% dân số. Điều nên biết là sự hiện diện của Liên Xô ở đây bắt đầu từ thập niên 50, sau này là Nga, với lý do là “bảo vệ người theo Thiên chúa giáo (Chính thống giáo)”. Nhóm dân này, cũng như Vatican, không ủng hộ bất kỳ can thiệp quân sự nào vào Syrie.
2/ Ngọn cờ đầu chiến lược của Nga tại Địa Trung Hải.
Moscou và chính quyền Damas có quan hệ gắn bó từ thập niên 50, dưới thời Xô Viết. Từ năm 1971, Nga đã được Damas cho sử dụng hải cảng Tartous. Đến đầu thập niên 80, quan hệ càng chặt chẽ vì Syrie là địa điểm duy nhất của Liên Xô trong khu vực Địa Trung Hải. Hạm đội Biển Đen một phần đóng ở Sébastopol, một phần đóng ở Tartous để đối trọng với hải quân của phe OTAN, gồm Đệ lục hạm đội của Mỹ và lực lượng các nước trong vùng. Hiện nay, Tartous có tầm quan trọng chiến lược cho sự trổi dậy của Nga, là hải cảng “biển nóng” duy nhất mà nước này có được, có khả năng kiểm soát hai mặt : các eo biển của Thổ và con kinh Suez. Tức Tartous bảo đảm cho hạm đội của Nga từ Biển Đen ra Địa Trung Hải cho đến Ấn Độ Dương.
Syrie còn là một khách hàng quan trọng của Nga, về mặt kinh tế. Ngoài các mặt hàng thường xuyên là vũ khí, Nga còn là các chủ đầu tư khai thác các mỏ dầu khí của Syrie, có trữ lượng đáng kể.
Trong khi đó còn vấn đề thể diện. Vì vậy, dưới bất kỳ áp lực nào của Mỹ và Pháp, và với bất cứ giá nào, Putin không thể bỏ Syrie (nhưng Al-Assad thì chưa biết).
3/ Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Syrie có tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ vùng đất (Sandjak – Hatay) đồng thời với Do Thái ở cao nguyên Golan. Vùng cao nguyên Golan quan trọng cho Do Thái vì nơi đây bắt nguồn các con sông, suối cung cấp nước cho phần lớn lãnh thổ Do Thái. Vùng Golan hiện do quân đội thuộc LHQ bản đảm an ninh.
4/ Các nước Châu Âu quan tâm đến Syrie hơn hết là Pháp. Nước này có quân đội, không quân và hải quân mạnh nhất trong các nước chung quanh Địa Trung Hải, không muốn Nga có mặt lại với tư cách cường quốc quân sự có thể cạnh tranh chiến lược trong vùng.
5/ Quyền gây chiến tranh - Jus ad bellum và luật lệ về chiến tranh - jus in bello : Như đã viết lần trước, theo nguyên tắc của Hiến chương LHQ, “quyền chiến tranh” chỉ có thể phát động trong hai trường hợp: trường hợp « tự vệ », chiếu theo nội dung điều 2 phần 4 Hiến chương LHQ và trường hợp được sự cho phép của Hội đồng bảo an LHQ, theo nội dung chương VII của Hiến chương này. Dưới mắt của Obama và TT Pháp François Hollande, Al-Assad vi phạm “luật lệ chiến tranh” vì đã sử dụng vũ khí hóa học, tàn sát thường dân vô tội. Vũ khí hóa học, trên nguyên tắc bị cấm theo hiệp ước Genève 1929, trên thực tế thì không nước nào tôn trọng. Trong khi hiệp ước 1993 thì Syrie không ký (chỉ mới tuyên bố gia nhập hiệp ước này sau khi bị lên án). Nhưng một khi Nga sử dụng quyền phủ quyết, không thông qua nghị quyết, Hoa Kỳ và Pháp “bó tay”.
Giải pháp nào cho Syrie?
Sẽ tổn hại cho danh dự của Hoa Kỳ, một đại cường nắm cán cân mẫu mực thế giới, nếu khoanh tay ngồi yên nhìn thủ phạm phạm tội diệt chủng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Về phía Putin cũng sẽ “kẹt”, nếu để “chìm xuồng”, vì lỡ đã lên tiếng sẵn sàng “ra tay” nếu có bằng chứng cụ thể Damas chủ mưu trong vụ sử dụng vũ khí hóa học. Nội dung báo cáo của LHQ đã biết trước: Al-Assad đã nhiều lần phạm tội diệt chủng.
Hai nước Hoa Kỳ và Pháp, nếu cương quyết, vẫn có thể sử dụng quyền “can thiệp vì nhân đạo”, hay quyền can thiệp vì nhà cầm quyền Damas phạm tội ác diệt chủng, để đánh Syrie. Vấn đề là hậu quả sẽ không lường. Khu vực sẽ bùng nổ và có thể mở đầu một cuộc “đại chiến”.
Vì thế, giải pháp chính trị có thể sẽ là “ngưng bắn” theo lối “da beo”, đâu ở đó. Al-Assad có thể lưu vong, sẽ đưa đến việc phân chia Syrie làm hai : vùng trù mật với hải cảng Tartous (phía bắc Syrie) có thể sẽ giao cho phe thân Nga. Còn lại cho phe nổi dậy.
Giải pháp này các bên đều ổn thỏa, ngoại trừ Pháp: Lực lượng của Nga vẫn còn ở Địa Trung Hải, qua vụ này, lực lượng sẽ tăng thêm nhiều lần. Hoa Kỳ có thể cảm thấy bị đe dọa vì các hoạt động quân sự của Do Thái có thể nằm trong tầm ra đa hay tầm bắn của Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét