Nên nhớ rằng, ngày nay, Việt Nam và Giang Nam bị ngăn cách bởi biên giới quốc gia, nhưng 2000 năm trước, đó là giang sơn của người Việt, cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ. Thậm chí, tới năm 43 sau Công nguyên, theo lời hịch của Hai Bà Trưng, cả vùng rộng lớn Lưỡng Quảng cùng nổi lên khởi nghĩa! Người xưa có cái nhìn rộng, tâm thức bao trùm cả cõi Lĩnh Nam. Vì lẽ đó, những câu chuyện lưu truyền trong dân gian Lĩnh Nam cũng là chuyện của người Việt! Và đó chính là “sử trong truyện.” Bỏ qua nguồn tư liệu này sẽ làm sử gia lạc đường và làm nghèo gia tài văn hóa dân tộc.
Kinh Dương Vương thủy tổ của người Việt là có thật. Nhưng nơi sinh và hoạt động của Cụ là vùng Núi Thái, Sông Nguồn, Ngũ Lĩnh. Dân Bắc Ninh xưa lập mộ Cụ để thờ là thờ vọng, tỏ lòng hiếu thảo.
Bàn thêm về gốc tích Kinh Dương vương
Hà Văn Thùy
Ở bài trước, chúng tôi khẳng định Kinh Dương Vương là thủy tổ của người Việt. Tuy nhiên, do vấn đề quá lớn, nên một bài báo ngắn khó trình bày được đầy đủ. Để làm rõ hơn sự việc, chúng tôi xin viết tiếp.
Do nước ta có chữ muộn, văn tự lại là chữ Nho được người Hán mang tới nên để tìm hiểu những sự kiện của quá khứ phần nhiều ta phải dựa vào cổ thư Trung Hoa. Nhưng dù có chữ sớm thì chữ tượng hình cũng xuất hiện rất muộn trong lịch sử. Khi ghi lại những sự kiện thời chưa có chữ, người Trung Hoa cũng chỉ có thể dựa vào những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Những truyền thuyết về Tam Hoàng, Ngũ Đế, Phục Hy, Nữ Oa… từ dân gian, được đưa vào Thượng thư nên trở thành chính sử.
Khi giành được tự chủ, trong việc viết cuốn sử của dân tộc, một phần quan trọng, sử gia Việt Nam lấy lại những tư liệu được ghi trong cổ thư Trung Hoa. Với những vấn đề quá xa xôi mà cổ thư không đề cập, sử gia người Việt cũng theo cách của mọi người viết sử trên thế giới là gom nhặt những truyền thuyết trong dân gian. Bằng con đường đó, sử gia đời Trần, đời Lê đã đưa câu chuyện về Kinh Dương Vương vào phần ngoại sử. Thiết nghĩ, đấy là việc làm thận trọng, nhưng cũng đầy trách nhiệm của người trước. Ít ra cho chúng ta hôm nay một phương hướng tìm về nguồn cội.
Hôm nay, cũng như mọi thế hệ, việc phân định tính xác thực của những dòng sử do tiền nhân để lại là điều cần thiết. Tuy nhiên, đó là việc không hề đơn giản, phải xét theo nhiều khía cạnh, nhiều hệ quy chiếu khác nhau, mà thư tịch Trung Hoa chỉ là một trong những tài liệu tham khảo.
Ở đây, chúng tôi xin trình bày vấn đề dưới cái nhìn đa chiều đó.
I. Những cách tiếp cận khác nhau
1. Về mặt thư tịch.
Đúng là trong Toàn thư, Ngô Sĩ Liên có nhắc tới truyện Kinh Xuyên ở sách Đường kỷ. Nhưng câu chuyện này đã được ghi trong Lĩnh Nam chích quái. Trên thực tế, sử gia họ Ngô gần như ghi nguyên văn của sách này. Điều đó cho thấy, Ngô Sĩ Liên dẫn Đường kỷ chỉ với ý nghĩa một chứng cứ bổ sung chứ không chủ yếu dựa vào sách đó. Thêm nữa, như trong bài Tựa, Vũ Quỳnh cho hay: sách được “Viết ra đầu tiên là những bậc tài cao học rộng ở đời Lý, Trần.” Có nghĩa là cuốn sách được chắp nối bởi nhiều người trong thời gian dài nhiều thế kỷ mà ông, “Kẻ ngu này xin đem ngọn nguồn ra mà suy xét lại cho sáng tỏ ý người viết truyện.” Bài Tựa cũng là văn liệu cho thấy người xưa rất ý thức được công việc của mình: “Ôi! Truyện lạ đất Lĩnh Nam thật là nhiều, không đợi khắc vào đá, viết vào tre mà đã khắc sâu vào bia miệng, vào lòng người? Từ đứa bé hôi sữa đến cụ già tóc bạc đều làu thông, đều yêu thích, lấy đó để noi gương thì tất là phải có liên quan đến cương thường, phong tục tập quán. Đâu có phải là những chuyện nhỏ bé tầm thường được.” Thiển nghĩ, mấy lời trên tỏ rõ tinh thần khoa học, thực chứng, độc lập của tác giả: không chỉ tôn trọng những gì được ghi trong kinh sử mà còn trân trọng những điều “đã khắc sâu vào bia miệng, vào lòng người.”
Không biết từ khi nào, giới khoa bảng Việt sùng tín đến mê muội kinh sử Trung Hoa, như tin vào những điều bịa tạc dị đoan của Khổng An Quốc cho rằng “thánh nhân thấy con long mã hiện trên sông Hà mà làm ra Hà đồ, thấy con thần quy hiện ở sông Lạc mà làm nên Lạc thư”! Trong khi đó, những điều lưu truyền trong dân gian, được ghi lại thì bị nghi ngờ, coi rẻ?! [Tham khảo thêm về phát hiện mới "Tìm thấy Hà Đồ, Kinh Dịch trên trống đồng Đông Sơn" của tác giả Viên Như]
Cũng nên nhớ rằng, ngày nay, Việt Nam và Giang Nam bị ngăn cách bởi biên giới quốc gia, nhưng 2000 năm trước, đó là giang sơn của người Việt, cùng chủng tộc, cùng ngôn ngữ. Thậm chí, tới năm 43 sau Công nguyên, theo lời hịch của Hai Bà Trưng, cả vùng rộng lớn Lưỡng Quảng cùng nổi lên khởi nghĩa! Người xưa có cái nhìn rộng, tâm thức bao trùm cả cõi Lĩnh Nam. Vì lẽ đó, những câu chuyện lưu truyền trong dân gian Lĩnh Nam cũng là chuyện của người Việt! Và đó chính là “sử trong truyện.” Bỏ qua nguồn tư liệu này sẽ làm sử gia lạc đường và làm nghèo gia tài văn hóa dân tộc.
Cũng về thư tịch, nếu đọc kỹ những dị bản của Lĩnh Nam chích quái, ta thấy những tư liệu lịch sử bổ ích:
“Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc. Truyền ngôi đến đời Du Võng, đánh nhau với Hoàng Đế ở đất Bản Tuyền, đánh không nổi mà chết. Đời Thần Nông tới đây thì hết.”
“Lúc đó Xi Vưu ở phương Bắc làm loạn. Vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên Hoàng Đế đem chư hầu tới đánh nhưng không được. Xi Vưu mình thú mặt người, sức khỏe dũng mãnh. Có người dạy Hoàng Đế dùng trống da thú làm lệnh, Xi Vưu sợ hãi chạy về đất Trác Lộc. Hoàng Đế chiếm được nước, lên làm vua. Đế Lai nghe biết bèn trở về phương Bắc đánh với Hoàng Đế 3 lần, đều thua, bị giáng phong ở đất Lạc Ấp. Đời Thần Nông tới đây thì hết.” (Lĩnh Nam Chích Quái, bản VHV 1473).
“Long Quân ở lâu dưới thủy phủ, vợ con sống một mình, nay muốn về đất Bắc. Âu Cơ về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được.”
Như vậy, về thư tịch, ta thấy câu chuyện Kinh Dương Vương không phải là sự kiện đơn nhất mà nó có liên hệ rộng hơn trong bối cảnh chính trị toàn vùng với những nhân vật, địa danh như Hiên Viên Hoàng Đế, Phản Tuyền, Trác Lộc…
Nếu kết nối tất cả những chi tiết trên, ta có thể hình dung ra quang cảnh rộng lớn hơn: vào thời đó, trên địa bàn Trung Hoa có việc Đế Minh phong vương, chia đất cho con, việc thành lập nước Xích Quỷ. Tiếp đó là cuộc chiến tại Phản Tuyền, Trác Lộc giữa Hoàng Đế và Đế Lai… Nếu liên kết với Ngọc phả Hùng Vương, sẽ thấy dường như có mối liên quan nào đó giữa cuộc chiến bên Hoàng Hà với những người từ biển đổ bộ vào vùng Rào Rum-Ngàn Hống…
Từ đó, có thể suy đoán ra tình huống là, vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ III TCN, tại duyên hải phía đông Trung Quốc diễn ra việc Đế Minh chia đất, phong vương cho con. Tiếp đó là cuộc xâm lăng của Hiên Viên vào Nam Hoàng Hà cùng cuộc di tản của Lạc Long Quân tới Việt Nam dựng triều đại Hùng Vương…
Tuy nhiên, đó là những suy đoán không thể nghiệm chứng!
2. Theo chứng cứ khảo cổ và cổ nhân chủng học.
Những tư liệu khảo cổ học và cổ nhân chủng cho biết:
a. Khoảng vài ba thế kỷ đầu thiên niên kỷ III TCN, người Mongoloid xuất hiện trên đất Việt Nam và Đông Nam Á, dần thay thế người Australoid, làm chủ thể dân cư khu vực.
b. Xét bản đồ dân cư Đông Á, người Mongoloid phương Nam xuất hiện sớm nhất tại văn hóa Hà Mẫu Độ vùng của sông Dương Tử và vùng Thái Sơn. Từ đó suy ra, chính người Mongoloid phương Nam từ khu vực này di cư xuống Việt Nam và Đông Nam Á, tạo nên sự kiện mà nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á.
c. Tại nhiều di chỉ văn hóa thời kim khí trên đất Việt Nam mà tiêu biểu là Mán Bạc tỉnh Ninh Bình, một khu mộ cổ với 30 di hài người Australoid và người Mongoloid phương Nam được chôn chung. Khảo cổ học cho rằng, có sự chung sống, hòa huyết giữa hai dòng người này trên đất Việt Nam, cho tới 2000 năm TCN, quá trình Mongoloid hóa dân cư Việt Nam được hoàn thành.
Như vậy, những chứng cứ khảo cổ học và cổ nhân chủng học cho thấy có cuộc di cư của người Mongoloid tới Việt Nam và hòa huyết với người bản địa chủng Australoid, làm nên dân cư Việt Nam hiện đại ở thiên niên kỷ thứ III TCN.
3. Bằng chứng ngôn ngữ học:
Từ khảo sát ngôn ngữ Trung Hoa cho thấy, 8 phương ngữ trên đất Trung Hoa hiện nay không hề có cái gọi là ngôn ngữ Hán.
Ngoài tiếng quan thoại được gọi là tiếng phổ thông, là ngôn ngữ của Thủ đô Bắc Kinh, tiếng nói chính thống dùng cho vua quan công quyền từ thời Thanh, các phương ngữ còn lại như Việt ngữ, Mân ngữ, Cống ngữ, Ngô ngữ, Tráng ngữ… đều là tiếng Việt. Những phương ngữ này đều phát sinh từ một gốc là tiếng Việt.
Điều này cho thấy, những người từ đất Trung Hoa di cư về Việt Nam trong thiên niên kỷ III TCN là người Việt.
4. Theo hệ quy chiếu di truyền học.
Sang thế kỷ XXI, từ những nghiên cứu di truyền học mới nhất, ta biết, người Việt được hình thành theo hai thời kỳ: thời kỳ đầu, khoảng 40.000 năm trước, người Australoid từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Thời kỳ thứ hai: vào thiên niên kỷ III TCN, người Mongoloid được sinh ra tại Trung Hoa rồi di cư trở lại Việt Nam, hòa huyết với người bản địa làm nên tổ tiên người Việt Nam hiện đại.
II. Nhận định
Từ bốn cách tiếp cận trên, có thể nhận định:
1. Vào thiên niên kỷ III TCN, tại lưu vực Hoàng Hà, người Việt chủng Mongoloid phương Nam đã đông đảo, có nền văn hóa phát triển và bước đầu thành lập nhà nước. Lúc này xuất hiện những nhân vật huyền thoại Đế Minh, Đế Nghi, Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ, Đế Lai trị vì phương Bắc…
2. Khoảng 2700 năm TCN, người Mông Cổ xâm lăng đất của người Việt. Đế Lai thất bại ở trận Phản Tuyền. Sau đó có sự liên minh giữa Đế Lai và Lạc Long Quân để chống Hiên Viên tại Trác Lộc. Trong trận này, Đế Lai tử trận, Lạc Long Quân đưa đoàn quân dân Việt vùng Núi Thái Sông Nguồn dùng thuyền theo Hoàng Hà ra biển, đi xuống Việt Nam, đổ bộ vào Rào Rum-Ngàn Hống.
3. Tại Nghệ Tĩnh, Lạc Long Quân thu phục được người bản địa, lập nước Văn Lang và đưa Hùng Vương lên ngôi.
4. Ở phía nam Hoàng Hà, tại vùng Trong Nguồn (Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây hiện nay) Hiên Viên lập vương triều Hoàng Đế. Do nhân số ít và văn hóa chưa phát triển, người Mông Cổ học nghề nông cùng văn hóa của người Việt. Nhờ sự chung sống tương đối hòa bình này, những người lai Mông-Việt ra đời, nằm trong thành phần lãnh đạo xã hội, tự nhận là Hoa Hạ. Sau vài ba đời (Hoàng Đế, Chuyên Húc, Thiếu Hạo), người Mông Cổ thuần chủng không còn. Đế Khốc, cháu ba đời của Hoàng Đế, một người mang dòng máu Việt và tên Việt giữ vai trò lãnh đạo vương triều. Do lai giống nhiều lần nên dân cư của vương triều, được Thượng thư gọi là trung quốc dân với nghĩa người dân trong nước (lúc này, Trung Quốc với nghĩa quốc gia chưa ra đời) tất cả đều là Mongoloid phương Nam. Tiếp đó là Đế Nghiêu, Đế Thuấn rồi truyền tới Thương, Chu… Các vương triều Trung Hoa ý thức được nguồn gốc “cao quý” của mình nên gọi nhau là Hoa Hạ, còn người ở ngoài nước bị gọi khinh miệt là Man, Di. Người vùng Sơn Đông, vốn cùng tộc với những người bị xâm chiếm ngày trước, bây giờ biến thành Đông Di. Ý thức được cội nguồn xa xưa của mình, người của vương triều nhận những vị Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông mà thực ra cũng chỉ được lưu truyền trong dân gian, làm tổ. Sau này, khi có chữ, vào thời Chu, đã ghi tên những vị Tam Hoàng, Ngũ Đế vào trong kinh. Những sự kiện và nhân vật thứ yếu hơn được ghi vào sử. Những gì thứ yếu nữa được chép vào truyện… Cũng do vậy nên những truyền thuyết của người bản địa, người tứ di hoặc bị bỏ qua, hoặc chỉ được ghi vào truyện. Theo cách đó, những sự kiện diễn ra trong xã hội Đông Di với Đế Minh, Đế Nghi, Kinh Dương Vương… không được ghi vào kinh sử mà chỉ được chép thành truyện. Không chỉ vậy, nhân vật chống trả quyết liệt Hoàng Đế là Đế Lai bị gọi là Si Vưu với nghĩa xấu xa khinh bỉ! Hàng vạn năm, người Việt là chủ nhân Hoa lục nhưng rồi bị mất đất, mất chữ nên mất luôn lịch sử. Những sự kiện lịch sử của người Việt bị kẻ chiếm đóng hoặc bỏ qua, hoặc xuyên tạc hoặc ghi thành truyện truyền kỳ... Tiền nhân đã chắt lọc từ những mảnh vụn đó phục dựng cuốn sử nước nhà. Nay lẽ nào vô tâm, coi đó là “sản phẩm văn hóa Tàu” rồi vứt bỏ?
III. Kết luận
Từ phân tích trên, có thể kết luận:
1. Vào thiên niên kỷ III TCN, tại lưu vực sông Hoàng Hà, người Việt chủng Mongoloid phương Nam đã đông đảo nhân số, trưởng thành về xã hội và lập ra nhà nước của mình.
2. Khoảng 2700 năm TCN, xảy ra cuộc xâm lăng mãnh liệt của người Mông Cổ vào đất Việt. Người Việt đã chống trả kiên cường nhưng rồi thất bại.
3. Sau thất bại ở Trác Lộc, có những đoàn thuyền nhân xuôi Hoàng Hà ra Biển Đông, đổ bộ vào miền Trung Việt Nam. Đoàn di tản mang gen Mongoloid phương Nam tới hòa huyết với người bản địa, sinh ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, là tổ tiên của người Việt Nam.
4. Những sự kiện trên được tìm thấy dấu vết trong khảo cổ học, cổ nhân chủng học, ngôn ngữ học và được kiểm định bằng di truyền học.
5. Nhờ truyền thuyết, ta biết được những nhân vật xuất hiện trong thời điểm lịch sử đó và mang những sứ mệnh lịch sử đó là Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân…. Vì vậy không thể không chấp nhận vai trò của họ trong lịch sử.
Từ đó, ta có thể nói rằng, việc sử gia Lê Văn Hưu ghi câu chuyện về Kinh Dương Vương từ truyền thuyết vào chính sử là việc làm hoàn toàn đúng đắn. Điều này thể hiện cái tâm cùng cái tầm của sử gia thiên tài, giúp hậu thế không bị lạc đường khi tìm về quá khứ. Những vấn đề về cổ sử là vô cùng khó, không chỉ với hôm nay mà cả với người xưa. Mỗi điều được ghi trong sách sử tồn tại hàng trăm năm đều có nguyên do của nó mà không phải việc làm tùy tiện. Vì vậy, bất cứ ý định nào “xét lại” tiền nhân đều phải hết sức thận trọng nếu không sẽ làm rối lòng người và mắc tội báng bổ tiền nhân.
Kinh Dương Vương thủy tổ của người Việt là có thật. Nhưng nơi sinh và hoạt động của Cụ là vùng Núi Thái, Sông Nguồn, Ngũ Lĩnh. Dân Bắc Ninh xưa lập mộ Cụ để thờ là thờ vọng, tỏ lòng hiếu thảo. Tuy nhiên, chủ trương xây đền đài hoành tráng tốn kém tới 500 tỷ đồng, trong khi đất nước đang khó khăn, nhiều người dân còn đói khổ là điều không được phép.
Tháng 9 năm 2013
HVT
Ngyồn trannhuong.com
Những kẻ phủ nhận Kinh Dương Vương chính là phủ nhận nguồn gốc tiên tổ của mình, phủ nhận văn hiến Việt. Những kẻ đó không xứng là người Việt.
Trả lờiXóaBài viết phủ nhận Kinh Dương Vương của ông tiến sĩ giấy gì gì ... (tôi chẳng cần nhớ tên) gần đây trên mạng, tôi thấy ông ta thật tầm thường, bài viết sơ xài, lập luận chưa xứng tầm học vị. Đến con nít cũng không tin được.
Bài viết này của ông Hà Văn Thùy, cũng như các bài viết trước đó của ông, tôi có xem qua. Thật đáng trân trọng một học giả nghiên cứu cẩn thận, có sự kết hợp giữa cổ thư và những khám phá mới nhất của khoa học hiện đại. Tuy chưa gọi là chính xác hoàn toàn nhưng đáng tin và đáng khuyến khích.
Kinh Dương Vương không còn là truyền thuyết, cũng như mộ An Dương Vương để ghi nhớ công lao vơi truyền thống uống nước nhơ nguồn mà nhân dân đã lập lên để thờ vọng. Bài viết này rất đáng trân trọng, việc ăn cắp văn hóa của nước khác thành văn hóa của mình nó được bộc nộ ở ngôn ngữ còn lưu lại như Thần Nông , nếu là văn hóa của người Hán phải gọi là Nông Thần mới đúng. Hơn nữa dân tộc hán ở vùng hoa hạ không phải là cư dân nông nghiệp lúa nước thì là gì có Thần nông. cứ thừ đó suy ra Hà đồ và lLacj thư cũng đâu phải là văn hóa của dân tộc không phải nền văn minh lúa nước. Nhưng cũng rất mong tác giả nghiên cứu làm rõ được ngày 18 tháng riêng và ngày 10 tháng 3 là ngày giỗ của ai.
Trả lờiXóa