Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Bài học xương máu từ PVC

Bình Minh (Một Thế Giới)

Nếu sự cố lún sụt ở công trình Kho cảng LPG Thị Vải năm 2004 là bài học cho các nhà thầu xây dựng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thì vụ Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (viết tắt là PVC, thuộc PVN) đang trên bờ vực phá sản lại chính là bài học xương máu cho các nhà quản lý khi tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Có những sự kiện ghi dấu ấn (có thể là dấu ấn thất bại) cho cả một thế hệ. Nếu có một dấu ấn thất bại là bài học sâu sắc cho các nhà quản lý thì đó chính là vụ việc PVC. Các nhà quản lý đã và đang có một "bi kịch PVC" với quá đủ thứ bài học kinh nghiêm xương máu được rút ra. Từ đây, chúng ta bắt đầu phải suy nghĩ lại về cái gọi là "thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà chính chúng ta đã tạo ra, từ đó mới có thể hy vọng tổ chức lại việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
Ngày 25.1.2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 49/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có nội dung: Yêu cầu Tập đoàn Dầu khí kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ gây khó khăn cho Tập đoàn của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm; báo cáo Bộ Công Thương và yêu cầu Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Một nguồn tin cho biết khi văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gửi tới Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, vị bộ trưởng này đã bút phê tiếp cho Chánh thanh tra bộ. Tuy vậy, nó lại không phải theo hướng chủ động đề xuất để bộ trưởng xử lý nghiêm túc mà chỉ là "để Chánh thanh tra bộ nghiên cứu"...
Ngày 7.6.2014, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (mã CK: PVX) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 2 sau khi cuộc họp lần 1 bất thành. Báo cáo tài chính kiểm toán của PVX cho biết tính đến ngày 31.12.2013, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế 3.262 tỉ đồng. Quý 1/2014, PVX cũng tiếp tục lỗ hơn 167 tỉ đồng. Như vậy, tại thời điểm cuối quý 1/2014, lỗ lũy kế chưa phân phối của PVX là 3.360 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ tại cùng thời điểm là 4.000 tỉ đồng. Ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT đưa ra 2 kịch bản tương lai kết quả sản xuất kinh doanh của PVC như sau:
Kịch bản 1: Năm 2014 tiếp tục lỗ 1.000 tỉ, khiến cho PVC mất hết vốn chủ sở hữu 4.000 tỉ.
Kịch bản 2: Nhờ tập đoàn cơ cấu lại các khoản nợ, trích lập dự phòng được phân bổ vào các năm sau, PVN chịu giảm lãi, thì lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 của PVC sẽ khoảng 3.600 tỉ.

Và kết quả là sau 3 năm bị lỗ liên tiếp, cổ phiếu PVX sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán HNX…
Trước đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi họp xử lý các sai phạm của PVC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết luận buổi họp, Phó thủ tướng yêu cầu PVN phải kiểm điểm lại một cách thực sự nghiêm túc các sai phạm đã xảy ra ở PVC, khẩn trương báo cáo lại cho Phó thủ tướng và Bộ Công Thương.
Vậy chuyện gì đã xảy ra, lý do tại sao, và bài học rút ra được là gì? Đặt sang một bên vấn đề về mô hình quản lý và kinh doanh, nguyên nhân đầu tiên lại là “vi phạm chuẩn mực đạo đức”.
Như vậy có nghĩa rằng Bộ trưởng Bộ Công Thương chưa thực hiện kiểm điểm nghiêm túc và xử lý rốt ráo mọi chỉ đạo của cấp trên. Bởi thế, lãnh đạo PVC dù sai phạm vẫn được Bộ tạo điều kiện đào thoát rất êm thấm, ngoạn mục...
Sự kém cỏi đi trước sự gian lận
Những điều luật quy định trong Luật Doanh nghiệp đã không đủ sức để ngăn chặn được sự thất bại của PVC. Vấn đề lớn ở PVC chính là sự kém cỏi chết người đi cùng với sự gian lận. Khen thưởng liên tục, bất chấp cả quy trình niên hạn mà Luật Thi đua khen thưởng đề ra, đó cũng là một cách để che giấu khuyết điểm và những vi phạm tệ hại của họ.
Trong các cuốn sách kinh điển nói về đạo đức, văn hóa doanh nghiệp và người lãnh đạo, người ta luôn khẳng định rằng nếu người lãnh đạo mong muốn có những giá trị lớn lao, nhưng lại không có khả năng thực hiện chúng thì hãy quên chúng đi. Người lãnh đạo cần cả ý chí và năng lực. Nếu người lãnh đạo đó không có khả năng, thì sẽ tự đưa mình đến những thất bại không tránh khỏi. Đúng như Lênin đã từng nói: “Sự nhiệt tình cách mạng cộng với sự ngu dốt bằng sự phá hoại”.
PVC chính là câu chuyện về việc đội ngũ lãnh đạo "có vấn đề". Họ đã xây dựng một thứ văn hóa chạy theo thành tích, dung túng hành động lầm đường lạc lối. Đội ngũ lãnh đạo PVC đã tạo ra một “thế giới ảo tưởng” mà chính họ cũng không hiểu. Vì thế mà họ đã không thể xử lý được khi đã lạc vào “trận đồ bát quái” này, và đã phải trả giá đắt cho những “ảo tưởng” viển vông đó.
Có một người bạn đã nhớ rất kỹ một câu chuyện ở PVC và kể lại với chúng tôi rằng: Khi PVC mới thành lập, trong buổi lễ ra mắt hoành tráng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức cấp cao, ban lãnh đạo mới của PVC đã chỉ đạo dựng một kịch bản sinh động. Đó là hình ảnh một bức tường gạch cũ thấp lè tè, mong manh và xấu xí, tượng trưng cho PVECC - công ty tiền thân của PVC, đã bị đội công nhân nhanh chóng phá sập. Thay vào đó, họ xây lại một bức tường mới rất cao, vững chắc và đẹp đẽ để thể hiện cho tương lai tươi sáng của PVC. Trong các lời hứa với cấp trên, các tài liệu quảng cáo, trên website của PVC, ban lãnh đạo mới luôn tuyên bố hùng hồn sẽ xây dựng PVC trở thành “Nhà thầu tiên phong”, “Nhà thầu xây dựng số 1 của Việt Nam”…
Nhưng kết quả là ban lãnh đạo PVC lại xây dựng nên một “xã hội tội lỗi”. Đó sự thông đồng giữa ban lãnh đạo của PVC và các chủ thể khác. Nó đã được hình thành từ năm 2007 và được phát triển đến ngày hôm nay. Bởi vậy, trong các năm liên tiếp từ 2008 đến 2010, PVC đã liên tục được đón nhận những tấm huân chương và danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng nhì, hạng nhất và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Lời thú tội trước bình minh
Trong báo cáo gửi lên PVN, ban lãnh đạo PVC đã phải thừa nhận những nguyên nhân chủ quan dẫn đến PVC có nguy cơ bị phá sản như sau:
1.Sai lầm về chiến lược: Hoạt động theo mô hình mẹ-con, nhưng công ty mẹ không tập trung nâng cao năng lực quản trị và năng lực thi công xây lắp, phát triển đội ngũ chuyên gia và công nhân tay nghề cao, mà chỉ tập trung vào đầu tư tài chính, thu phí quản lý từ các dự án, công trình được giao. Vì vậy, không xây dựng được yếu tố phát triển bền vững, hoàn toàn dựa vào các công ty con, công ty liên kết, công ty tài chính. Các công ty này không tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của công ty mẹ, không xây dựng bộ máy quản trị, chiến lược kinh doanh đặt trong tổng thể của toàn Tổng công ty PVC. Vì vậy, không những không đóng góp cho công ty mẹ (kể cả cổ tức) mà còn làm phát sinh thêm những nghĩa vụ pháp lý, tài chính làm ảnh hưởng đến công ty mẹ, gây thua lỗ về tài chính cho công ty mẹ;
2.Thua lỗ do không tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, quản trị rủi ro trong tất cả các khâu: Giao nhận thầu; tạm ứng thanh quyết toán; đầu tư tài chính; bảo lãnh; hỗ trợ vốn.
3.Bộ máy kiểm tra, giám sát, hậu giám sát từ công ty mẹ đến các ban điều hành, các công ty con/liên kết/đầu tư tài chính thiếu nghiêm túc, hoạt động kém.
4.Một số cán bộ điều hành, quản lý biến chất, thiếu đạo đức, có hiện tượng tham nhũng...
Hiện nay, kể từ khi có chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, mọi việc đang được cơ quan công an xác định và làm rõ (tại PVC-ME, PVC-SG, PVL, PVC-HN…) những sai phạm trước đó.
Nhưng vì lý do gì mà những người có trách nhiệm cao nhất ở PVC những năm trước lại có thể dễ dàng vô can đến thế?
Ngày 29.10.2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Kết luận số 50-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Trong kết luận đã chỉ rõ: “Tuy nhiên, việc sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa chặt chẽ; trình độ công nghệ lạc hậu, quản trị doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, hiệu quả thấp. Việc phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước còn chưa đủ rõ; thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém. Cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả. Một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, để gây thất thoát, lãng phí lớn vốn và tài sản nhà nước đến gần 3.300 tỉ. Mô hình tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước chưa hợp lý, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng còn hạn chế, nếu không nói là tê liệt...
Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém nêu trên là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với doanh nghiệp nhà nước; việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng còn chậm và có nhiều thiếu sót. Nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận suy thoái về đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật. Tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, kém hiệu quả”.
Bởi vậy, theo kết luận trên, sau khi xử lý nghiêm khắc các sai phạm của PVC theo chỉ đạo của Thủ tướng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải tiến hành đồng thời việc xây dựng cơ chế/hệ thống kiểm soát quản trị hiện đại trong toàn Tập đoàn, kết hợp với việc tái cấu trúc PVN, PVC và các đơn vị thành viên khác. Chỉ có như vậy, PVN mới có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và kinh tế mà Đảng và Nhà nước giao phó là xây dựng ngành công nghiệp dầu khí phát triển toàn diện và bền vững: là ngành công nghiệp cung cấp các nguyên nhiên liệu đầu tiên cho các ngành công nghiệp khác, tăng thị phần đóng góp GDP cho nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp “vừa hồng vừa chuyên”…
Đã qua rồi cái thời ngành dầu khí là nguồn thu thống soái, vô biên cho nền kinh tế nước nhà và kiêu hãnh, tự hào về điều họ làm cho đất nước. Vì thế, cách chi, cách đầu tư ngoài ngành của ngành này (dù là đúng đắn đi nữa) nhiều lúc cũng dễ dãi được bỏ qua khuyết điểm cho ngành. Bây giờ, dầu khí đang có xu hướng xuống giá trầm trọng. Kinh tế nước nhà cũng vì thế có nhiều khó khăn đến độ nan giải mà chưa có nguồn khác bù đắp để giúp cân đối thu chi. Song, dù đó là nguồn thu lấy từ trong lòng đất mang lên thì cũng không nên dễ dãi mà vẫn phải tiết kiệm, chi dùng căn cơ để thứ tài nguyên đó cho con cháu chúng ta vẫn được tiếp tục thừa hưởng. Đó là trách nhiệm to lớn mà thế hệ trước phải làm cho thế hệ mai sau nếu không muốn bị oán trách.

Kho cảng LPG Thị Vải là công trình tồi tệ nhất của quốc gia 

Công trình xây dựng đường ống, kho cảng LPG Thị Vải là một phần trong dự án hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Thủ Đức được Chính phủ phê duyệt thiết kế với tổng trị giá 147.416.288 USD, được khởi công xây dựng tháng 10.1997, hoàn công vào tháng 5.2001.
Tháng 8.2004, do sự cố lún sụt công trình rất ngiêm trọng, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Kho cảng khí hóa lỏng LPG Thị Vải”, bắt tạm giam 37 người liên quan. Tổn thất về kinh tế cũng được xác định rất lớn, lên đến con số hàng chục triệu USD, trong đó lãng phí do kéo dài thời gian thi công chậm 24 tháng so với kế hoạch là 4,240 triệu USD và gần 53 tỉ đồng; chi phí cho Ban quản lý dự án gần 8,3 tỉ; chi phí thuê chuyên gia 8,272 triệu USD...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét