Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG HIỆN NAY Ở VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Trần Văn Chánh

     Tình trạng ô nhiễm môi sinh, thoái hóa môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu, vốn là hậu quả trực tiếp của nền sản xuất trong điều kiện tiến bộ khoa học-kỹ thuật do chính con người tạo ra từ nhiều thế kỷ, đến nay đã trở thành một hiện thực cụ thể, và cũng là mối lo âu chung của toàn thể nhân loại, đã làm nát óc biết bao các nhà khoa học, giáo dục, triết học và tôn giáo trên toàn thế giới trong quá trình nhận thức để tìm phương cứu chữa. Nhìn chung, nếu đã hiểu rõ được nguyên nhân tất phải có giải pháp, nhưng giữa giải pháp và thực hành giải pháp vẫn luôn còn một khoảng cách khá xa, có thi triển được hay không và hữu hiệu ở mức độ nào lại còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố khác nữa, liên quan chằng chịt lẫn nhau và không thể tách rời nhau thuộc về kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội hết sức phức tạp.
     Ngoài nạn lũ lụt, hạn hán… gia tăng gây thiệt hại về người và tài sản do quá trình biến đổi khí hậu, loài người vẫn phải tiếp tục đối đầu với những hình thức ô nhiễm (khói, bụi, tiếng động, phóng xạ nguyên tử, nguồn nước, rác…) và các loại thiên tai truyền thống khác (như núi lửa, động đất, sóng thần, sạt lở đất đá ở núi và các bờ sông…) đã có  mà vẫn chưa ngăn lại được, cũng như tình trạng cạn kiệt tài nguyên, vẫn tiếp tục phát tác và ngày càng thêm mạnh, cùng với tình trạng đói nghèo, chiến tranh và khủng bố, bệnh dịch, một số loại bệnh nan y cũ và bệnh lạ mới xuất hiện…,  tạo thành một tổng thể đa dạng các mối đe dọa nguy hiểm đối với sự tồn vong của mình.
      Cho đến hiện tại, tình trạng nhiệt độ trái đất nóng dần lên do hiệu ứng nhà kính (greenhouse effect) như các dự báo đã trở thành một thực tế bình thường mà một người không cần tri thức khoa học cao sâu vẫn có thể cảm nhận được, khi so sánh một cách đơn giản năm hiện tại với những năm về trước. Ngày nay, thực trạng ô nhiễm môi sinh và biến đổi khí hậu, cũng như các kiến thức liên quan đến chúng, đã ngày càng được phổ cập trên sách báo cùng những phương tiện truyền thông đa dạng khác.
     Trong biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam được dự đoán là một trong vài quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới khi mực nước biển dâng lên. Đây là lời cảnh báo được nêu trong “Hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và các cực trị khí hậu tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức ngày 19.2.2012. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m, ước tính khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ bị ngập đến 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất có thể lên tới 10% GDP…
     Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan, các loại thiên tai ở Việt Nam đã có những diễn biến phức tạp, khôn lường.
     Theo dự đoán của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vào năm 2050, khoảng 9,5 triệu người Việt Nam sẽ ở trong tình thế nguy hiểm trước tác động của sự gia tăng mực nước biển.
      Chỉ riêng trong vòng 3-4 tháng đầu năm 2016, liên quan đến ô nhiễm môi sinh và biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối đầu với một số hiện tượng thật sự đáng lo ngại, đó là hiện tượng nhiễm độc biển ở miền Trung làm cá chết hàng loạt (do chất thải của Công ty TNHH gang thép Formosa Hà Tĩnh), nạn hạn hán ở Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây, đi cùng với tình trạng xâm nhập mặn ở vùng Tây Nam Bộ. Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua, với 13 tỉnh thành tại Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, gây nên tình trạng thiếu nước uống và tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Đời sống hằng ngày của khoảng 20 triệu người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã chịu ảnh hưởng. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, có khoảng 160.000 ha lúa bị thiệt hại, khoảng 800.000 tấn lúa đã bị mất trắng. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất trong đợt hạn hán này là Kiên Giang (hơn 54.000 ha), Cà Mau (gần 50.000 ha), Bến Tre gần (14.000 ha), Bạc Liêu gần (12.000 ha).
     Sáng ngày 28.4.2016, công bố Báo cáo nghiên cứu mới nhất về tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho hay sản xuất lúa gạo của Việt Nam có thể giảm mạnh. Mực nước biển tăng có thể nhấn chìm hàng chục ngàn hecta đất canh tác vào cuối thế kỷ này (xem Tinmoi online, 28.4.2016).
     Một cách tổng quát, việc hạn chế ô nhiễm môi trường/ hủy hoại sinh thái và chống biến đổi khí hậu là vấn đề nan giải chưa chắc giải quyết nổi chung cho cả toàn cầu, bởi trước hết đều do chính sự phát triển của khoa học-kỹ thuật hiện đại đi liền với nền sản xuất và lối sống văn minh của loài người tạo nên. Nó là một cái vòng luẩn quẩn vì con người không thể dừng khai thác, sản xuất cũng như khó thể thay đổi lối sống theo hướng giảm đi rất nhiều loại nhu cầu trong sinh hoạt đã trở thành thói quen. Tại những xứ nghèo đói và một số quốc gia đang phát triển, vấn đề còn tỏ ra rắc rối hơn, vì muốn phát triển kinh tế-xã hội, chống đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất của người dân thì không thể không mở thêm những nhà máy gây ô nhiễm. Rốt cuộc, con người vẫn tiếp tục lúng túng ở trong cái vòng lẩn quẩn này, vì thực tế không thể ngăn chặn sự khai thác bừa bãi (nhất là ở những nước nghèo) hoặc ngưng lại các tiến bộ khoa học-kỹ thuật: Muốn phát triển thì phải mở thêm các nhà máy và như thế là làm gia tăng ô nhiễm; muốn cải thiện tình trạng lương thực thì phải dùng các loại phân bón và nông dược, thuốc kích thích sinh trưởng có nguồn gốc hóa học độc hại…
Ngoài ra, nếu xét về mặt khoa học, việc loại bỏ chất thải tuôn ra từ các nhà máy sản xuất (không thể không có, như khói độc, nước thải chứa hóa chất…) cũng có cái vòng luẩn quẩn của nó, như khi tìm cách di dời một nhà máy từ khu đô thị đông đúc ra vùng ngoại ô, thì thực tế chỉ là di chuyển những chất độc hại sang nơi khác, vì những chất này dù có được xử lý “sạch” đi nữa vẫn không biến khỏi hẳn môi trường mà lại chuyển hóa và tồn tại dưới những dạng khác, theo định luật bảo toàn khối lượng về chất (hay định luật Lomonosov-Lavoisier).   
Với hiện thực Việt Nam, môi trường đã và đang bị phá hủy một cách hết sức nghiêm trọng, mà theo ý kiến đánh giá gần chục năm về trước của GS Võ Quý (một nhà sinh học Việt Nam từng nhận giải thưởng “Hành tinh xanh” năm 2003, từng được tạp chíTime bình chọn là “Anh hùng môi trường” năm 2008), “đang tiến đến chỗ không kiểm soát nổi”. Cũng theo ông, những thiên tai liên tiếp ở Việt Nam như lũ quét, trận ngập lụt lịch sử ở Hà Nội... không thể gọi là thiên tai mà chính là nhân tai, “Lấp hết hồ ao, lấn sông lấn ngòi thì nước thoát vào đâu mà không ngập úng. Chặt hết cây rừng thì lấy gì giữ nước mà không lũ quét...” (xem báo Tuổi Trẻ, 26.11.2008).
Biến đổi khí hậu vì vậy không chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề phát triển bền vững, và điều đó nhất thiết phải liên quan đến những vấn đề thuộc về lối sống, văn hóa và hoạt động xã hội, cùng với những tiến trình cải cách chính trị phù hợp.
Ngày nay, ngày càng có nhiều người và nhiều dân tộc ý thức được rằng tai họa sinh thái một khi đã xảy ra sẽ không còn ranh giới quốc gia, nên phải có sự hợp lực giữa mọi quốc gia dân tộc để cùng nhau đối phó. Tuy nhiên, sự chú ý vấn đề lại không đồng đều nhau. Ở các quốc gia đang phát triển, khác với quốc gia đã có nền công nghiệp phát triển cao, vấn đề làm thế nào thoát ra khỏi sự nghèo đói thường được quan tâm trước tiên trong khi vấn đề bảo vệ môi trường chỉ được xem là thứ yếu, đôi khi còn bị xem là một việc làm xa lạ-xa xỉ, hoặc chỉ được làm một cách chắp vá chiếu lệ đầy tính hình thức, như trường hợp Việt Nam cũng là một thí dụ khá điển hình. Vì vậy, tại các cuộc hội nghị quốc tế về môi trường, luôn diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt giữa các nước có trình độ phát triển khác nhau: các nước giàu không muốn ký kết các hiệp ước có nguy cơ làm giảm lợi nhuận trước mắt và mức sống hiện nay của họ; trong khi các nước nghèo cho rằng không có lý do gì họ phải giảm tốc độ phát triển, đổ thừa 80% tình trạng ô nhiễm hiện nay là do các nước giàu gây ra trong quá trình đã công nghiệp hóa.
     Mặc dù vậy, đuổi kịp theo trình độ nhận thức chung của thế giới về những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (1992) và Nghị định thư Kyoto (ký kết 1997, có hiệu lực từ 2005) mà mục tiêu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời đã sớm phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (2011), Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (2008), Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (2007)...
      Tuy nhiên, nhận thức, chương trình, kế hoạch, nguyện vọng đưa ra là một lẽ, điều kiện thực tế để thực hiện lại là một lẽ khác, còn tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố xã hội, phong tục tập quán, trình độ phát triển các mặt cụ thể của mỗi nước.
Về phương diện kinh tế-xã hội, trong điều kiện Việt Nam, khả năng yếu kém của nền kinh tế và ngân sách giới hạn không cho phép thực hiện tốt việc di dời các cơ sơ sản xuất gây ô nhiễm vừa và nhỏ ra khỏi các vùng đông dân cư, vì muốn vậy nhà nước phải có đủ ngân sách để tài trợ cả cho việc di dời lẫn việc xây dựng cơ sở vật chất mới cho người sản xuất, khi mà việc cấm đoán hoặc đóng cửa tất cả những cơ sở sản xuất dạng đó là không thể, vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất, cũng như đến đời sống của các chủ nhân và những người thợ ăn theo.  
Tình trạng thất nghiệp hoặc khiếm dụng lao động cao như hiện nay cũng là một điểm bất lợi lớn. Thất nghiệp không có gì để sống, muốn kiếm được miếng ăn thì phải giết thú, chặt cây rừng... Ở Việt Nam, một nhà lãnh đạo chính trị cấp tỉnh đã trả lời một nhà khoa học khi nhà khoa học cảnh giác ông ta về nguy cơ gây ra bệnh ung thư của những nhà máy phôtphat tại địa phương: “Đồng ruộng cần phân bón hơn, năng suất lúa thấp lắm, dân sợ đói hơn sợ ung thư”. Nhà lãnh đạo đã nói rất thật lòng, mà cũng sát với thực tế cuộc sống của người dân, phải giải quyết cái ăn trước đã, bao giờ mắc bệnh rồi sẽ tính sau…
Tại những nước còn nghèo, mọi “mô hình” hay con đường dẫn đến vấn nạn rắc rối về môi sinh đều diễn ra một cách tương tự như câu chuyện của nhà lãnh đạo vừa kể.
Kế đến là trình độ văn hóa chung, bao gồm tập quán xã hội và do đó ý thức của toàn xã hội đối với vấn đề bảo vệ môi trường, ở nước ta hiện nay vẫn còn ở mức rất thấp, biểu hiện qua những hành vi phổ biến giết hại động vật để ăn nhậu, chặt phá cây rừng để lấy gỗ sử dụng hoặc buôn bán, phá rừng để làm thủy điện, và nạn cháy rừng…. Tuy các kiến thức về môi trường/ bảo vệ môi trường đã ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều luật liên quan môi trường cũng đã được ban hành, nhưng cả người dân lẫn nhân viên/ quan chức các cơ quan chức năng ở vùng sâu/ vùng xa vẫn còn hết sức hời hợt; việc áp dụng các biện pháp chế tài về phá hủy môi trường thông qua hệ thống pháp luật còn hết sức lỏng lẻo, cho tới nay vẫn chưa thấy có một vụ xét xử nào đáng kể có tác dụng răn đe ảnh hưởng lớn đến dư luận cả nước.
Lợi nhuận là một động lực khiến người ta quên hết mọi thứ và dám làm cả những việc gây tác hại cho cộng đồng, nhưng một phần cũng có thể do nhận thức kém mà ra. Còn nhớ vào khoảng tháng 8 năm 2011, khi người ta đặt vấn đề phá hủy môi trường đối với Vườn quốc gia Cát Tiên (thuộc 2 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng) trong việc triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A thì một người đại diện của phía chủ đầu tư đã trả lời một cách rất thản nhiên với báo chí: “Mất 137,5 ha vườn quốc gia là không đáng kể!”.
     Chính vì kiểu suy nghĩ đơn giản tương đối phổ biến như thế nên rừng Việt Nam đã bị phá nát gần hết, chỉ trồng lại tượng trưng theo kiểu trả nợ quỷ thần! Thú rừng thì ngày càng bị tàn sát dã man; chim chóc không còn đất sống, số lượng ngày càng thu hẹp, phải bay tản mác qua Lào, Campuchia… kiếm mồi. Trong khi đó, tình trạng bán chim, thú hoang dã vẫn tiếp tục tràn lan trên khắp cả nước từ Bắc chí Nam, trên các quốc lộ, và thậm chí cả đường vào… chùa trong những ngày lễ hội lớn! Tuy có pháp luật ngăn cấm đấy, nhưng vô phương kiểm soát, khiến cho những người yêu thiên nhiên và các chuyên gia bảo vệ môi trường chỉ còn biết ngậm ngùi thương cảm!
Thực trạng phá rừng, quy hoạch đất đai làm dự án gây hậu quả nghiêm trọng nhiều mặt khiến đất nước điêu tàn đã được nhà thơ Trịnh Hoài Giang ghi lại vài năm trước qua mấy câu thơ cảm khái rất sinh động: “Bây giờ ruộng đã bê tông/ Cây đa đã cụt, dòng sông đã què (…)/ Heo may thổi dọc triền đê/ Nghe câu “Dự án” mà tê tái lòng”…
Trong dân và trong giới các nhà hoạt động doanh nghiệp là như vậy, nhưng điều đáng tiếc hơn là ngay trong các viên chức nhà nước, kể cả tầng lớp lãnh đạo, sự nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cũng chưa được đồng đều, từ đó đã ký duyệt cho phép xây dựng quá nhiều dự án mà không quan tâm đầy đủ đến tác động phá hủy của chúng về phương diện môi trường, như có thể kể hàng trăm dự án thủy điện và khai thác khoáng sản, đã có lúc được cho ra hàng loạt. Ngoài ra, vì chủ nghĩa thực dụng và quyền lợi cục bộ, phổ biến có hiện tượng các địa phương còn đua nhau “chạy dự án” với những bộ hồ sơ tài liệu về ảnh hưởng/ tác động môi trường rất sơ sài, chủ yếu chỉ biết nhắm vào lợi ích thiển cận trước mắt. Do có hiện tượng “chạy chọt” của các địa phương như trên nên ý kiến của quan chức ở các bộ, ngành hữu quan đưa ra trong quá trình nghiên cứu, xét duyệt dự án cũng thường thiếu khách quan, và thỉnh thoảng tuy có nảy ra những vấn đề cần tranh luận quyết liệt giữa các ban ngành hữu quan với sự tham gia của các nhà khoa học nhưng kết quả cuối cùng vẫn dựa trên phương thức quyết định tập thể, có nghĩa trên thực tế khi trong tương lai có xảy ra hậu quả xấu nào về mặt môi trường thì đâu cũng vào đó, vì không một cá nhân hay cơ quan quyết định tối cao nào phải chịu trách nhiệm một cách cụ thể. Như báo chí vẫn thường đưa tin, không ít dự án “phá nát môi trường” nơi này nơi khác đã được triển khai trong những điều kiện làm việc như vậy, trong đó vai trò tư vấn của các nhà khoa học đôi khi chỉ có tính tượng trưng/ chiếu lệ, lu mờ và bị lép vế hẳn trước sự chỉ đạo có tính quyết định của một số nhà đương cuộc nằm trong những tổ chức chính trị có quyền quyết định cao hơn.                
Trong điều kiện quốc nạn tham nhũng tràn lan, đã và đang hoành hành vô phương cứu chữa, tạo điều kiện cho sự câu kết khai thác bừa bãi giữa giới doanh nhân/ nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước với một số cơ quan nắm quyền hành chính, người dân càng ít có sự lựa chọn hơn để hi vọng vào những dự án công trình khai thác có hiệu quả kinh tế nhưng vẫn đảm bảo độ an toàn cao về mặt môi trường.
     “Mạnh ai nấy đào”, đó là một tít lớn của bài báo đăng cách nay 5 năm, trên trang nhất báo Tuổi Trẻ ngày 14.9.2011 để nói về tình trang tài nguyên của đất nước đã và đang bị khai thác một cách bừa bãi, bất chấp những hậu quả tệ hại có thể gây nên. Đây cũng là kết luận về tình trạng khai thác khoáng sản được thừa nhận tại cuộc họp của Bộ Tài nguyên-Môi trường (13.9.2011) là lộn xộn, bát nháo, hỗn loạn và không kiểm soát. Theo ông Nguyễn Văn Thuấn (Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) thì “Cả 63 địa phương cùng ‘a lát xô’ làm, không có ai định hướng cả. Ai xin cũng được bổ sung quy hoạch, như thế là quy hoạch của chúng ta bát nháo, theo ý muốn của doanh nghiệp. Tất cả những việc đó khiến việc cấp phép khai thác khoáng sản trở nên hỗn loạn”. Còn theo ông Lê Văn Thành (Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản) thì nguyên nhân chính của sự bát nháo, hỗn loạn nằm ở khâu quy hoạch, vì trong quá trình làm quy hoạch đã có vấn đề quyền lợi cục bộ của các bộ ngành, địa phương. Ví như Bộ Xây dựng làm quy hoạch vật liệu xây dựng, Bộ Công thương làm quy hoạch các loại khoáng sản, các tỉnh thành làm quy hoạch về các loại khoáng sản được phân cấp cấp phép: “Cả ba đơn vị cùng làm quy hoạch về khoáng sản đã tạo ra sự bùng nhùng, và khi quyền lợi cục bộ bị xâm phạm thì khó có đơn vị nào chịu chấp hành quy định một cách nghiêm túc”.
     Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, nếu tất cả 63  tỉnh thành báo cáo số liệu đầy đủ, ước tính số giấy phép khai thác khoáng sản do các địa phương cấp lên đến khoảng 4.200 giấy phép.
     Những thực tế quá quắt như vừa nêu trên chứng tỏ hiệu quả điều hành chung của bộ máy nhà nước đã và đang gặp nhiều trục trặc, hạn chế, khiến cho hành chính bất lực, các bộ ngành mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng gần như có thể gọi là vô chính phủ.
Trong khi đó, vai trò lẽ ra phải quyết định của Quốc hội trong đa số trường hợp cũng chỉ là thụ động, đối với một số dự án lớn đặc biệt quan trọng có tầm cỡ quốc gia và có yếu tố đầu tư vốn lớn từ nước ngoài, như trong trường hợp dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên (khởi động năm 2009), dự án khu gang thép Formosa Hà Tĩnh (được cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008)…, Quốc hội cũng không được hỏi ý kiến trước. Khi có xảy ra vấn đề gì lớn gây xôn xao dư luận thì Quốc hội cũng vào cuộc tranh tranh luận, đòi giám sát. Họ đưa ra những lời phê phán gay gắt giống như thật, nhưng dường như chỉ có tác dụng xoa dịu người dân nghe cho “mát ruột”, còn các nhà hoạch định chính sách thì vẫn “việc mình mình làm”, dừng bớt dự án này họ lại tìm cách đẻ ra kế hoạch khác, với một kiểu cách làm việc không mấy gì khác trước. Vì thế, tin tức trên báo chí về việc hủy hoại môi trường ngày càng tăng, có khi mỗi ngày chỉ trên một tờ báo đã phản ảnh đến hai ba vụ liên quan môi trường lớn nhỏ đủ loại, cộng lại vài chục năm nay có đến số ngàn số vạn, không sao kể xiết!
Nói chung, một đất nước đang trên đà phát triển không thể không có các dự án khai thác, xây dựng này khác ở những quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng vấn đề quan trọng là cần đặt việc xây dựng các dự án như vậy trên cơ sở định hướng phát triển hợp tình lý, bền vững, nếu không muốn nói là một triết lý định hướng căn bản về phát triển tổng quát có tính vĩ mô. Triết lý này nhất thiết phải được suy ngẫm trên một tầm nhìn xa rộng và có tính cách toàn diện, lâu dài, bao quát cả những vấn đề thuộc thực tế văn hóa, lịch sử, xã hội và hoàn cảnh phát triển cụ thể của đất nước chứ không chỉ nhắm mắt chạy theo một cách rập khuôn những nước tiền tiến có điều kiện hoàn toàn khác hẳn.
Việc bảo vệ môi sinh/ môi trường, chống biến đổi khí hậu vì vậy không thể chỉ giản lược bằng hành vi quản lý, xử phạt đối với những pháp nhân vi phạm, mà đứng về mặt lâu dài, nên được coi là một công trình giáo dục công dân rộng lớn. Phải chỉ ra cho mọi người thứ triết lý cơ bản như đã nói trên, để ai cũng thấy được mối tương quan giữa phát triển kinh tế và sự hủy hoại tất yếu của môi sinh nếu không ý thức sâu sắc việc kiểm soát và hạn chế những phương diện tác hại ở ngay trong quá trình của sự cải thiện mức sống, và vì thế cần phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, một khái niệm hiện đại đã và đang được toàn thể nhân loại phấn đấu.
Bảo vệ tài nguyên-môi trường là việc quốc gia hệ trọng, và theo quan niệm của thời đại ô nhiễm, đôi khi nó còn quan trọng hơn cả những việc khai thác hoặc sản xuất này khác nhân danh nhu cầu phát triển kinh tế của một đất nước. Vì vậy, luôn cần cân nhắc kỹ lưỡng rất nhiều mặt, theo hướng phải ưu tiên xem xét đến các yếu tố về bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản có hạn (không thể tái sinh), cũng như ảnh hưởng của việc khai thác chúng đối với môi trường tự nhiên-xã hội và văn hóa khu vực, bởi nếu không sẽ có thể gây nên những ảnh hưởng xấu chưa lường hết được cho các thế hệ tương lai. Bảo vệ môi trường vì thế cũng phải được xếp vào loại chính sách quốc gia ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, bất kỳ ở nước nào, và càng đúng hơn với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, do luôn có những mâu thuẫn, khoảng cách giữa lý thuyết với hành động, giữa mục tiêu nhắm tới và điều kiện thực thi, tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của bốn yếu tố chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội quan hệ chằng chịt lẫn nhau, muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn dẫn tới ngõ cục, thông thường các quốc gia đều phải lựa chọn giải pháp tăng cường về giáo dục và luật pháp.    
     Cụ thể, vấn đề giáo dục môi trường cần được đặt ra một cách cấp bách quyết liệt hơn, bằng cách nâng cao vai trò của môn học về ô nhiễm môi sinh và biến đổi khí hậu từ cấp tiểu học đến bậc đại học. Riêng ở hai bậc trung và đại học, nên biến nó thành môn học chính thức và là môn thi bắt buộc có tầm quan trọng ngang hàng với các môn Văn, Toán, Lý…, chứ không nên chỉ lồng ghép/ tích hợp vào những môn học khác (như Sinh học, Đạo đức…), song song với việc biên soạn riêng với chất lượng cao hơn những sách giáo khoa dành cho môn học này. Ở bậc đại học, một số môn khoa học mới xuất hiện vài chục năm gần đây như Đạo đức học môi trường (Environmental Ethics) (tương đương thuật ngữ Đạo đức học sinh thái - Ecologycal Ethics), Đạo đức học về Trái đất (Land Ethics), Đạo đức sinh học (Bioethics), Đạo đức sinh-y học (Biomedical Ethics), Sinh thái học tầng sâu (Deep Ecology)…, cũng như một số khái niệm/ nhận thức mới của nhân loại về quyền động vật (Animal Rights), về ý nghĩa-vai trò quan trọng của các tôn giáo (đặc biệt đạo Phật) trong nỗ lực bảo vệ sinh thái…, rất cần phải được đưa vào sách giáo khoa, áp dụng giảng dạy chung cho sinh viên cả hai ngành khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội.  Những sách giáo khoa này, được biên soạn cẩn thận, có thể sau đó sẽ được cải biên phù hợp để dùng rộng rãi thêm cho thành phần cán bộ quản lý mọi ban ngành và cho quảng đại quần chúng trên cả nước.
    Được biết, liên quan vấn đề giáo dục môi trường, mặc dù đã có Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 17/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”, nhưng công việc triển khai trên thực tế vẫn còn rất chậm, nếu không muốn nói hiện chỉ dừng lại ở mức độ tượng trưng, qua quýt, và trên thực tế cũng ít nghe thấy có học sinh, phụ huynh học sinh hay giáo viên nào buồn nhắc đến nó khi có dịp đề cập chuyện thi cử.
     Trên phương diện chính sách và luật pháp, Việt Nam đã có khá nhiều luật pháp (như Luật    Bảo    vệ    môi    trường    năm 2005, Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật đa dạng sinh học năm 2008, Nghị định năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm…) và một số kế hoạch liên quan, nhưng chỉ còn trên giấy, không thực thi được bao nhiêu, nếu chưa muốn nói là hiện vẫn đang trong tình trạng bất khả thi, hay bất lực: cây rừng vẫn bị đốn chặt bừa bãi, động vật hoang dã tiếp tục bị sát hại hàng loạt, nhưng phần lớn người vi phạm không bị phát hiện, hoặc nếu có phát hiện thì chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính; tính đến nay, mới thấy chỉ có vài ba vụ được đưa ra xét xử công khai tại tòa án. Cho nên ngay từ bây giờ, cần phải đưa vấn đề bảo vệ môi trường/ chống biến đổi khí hậu lên hàng quốc sách ưu tiên, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, và soạn thảo thêm một luật riêng về bảo vệ động vật trên cơ sở công nhận quyền động vật (animal rights) như ở một số nước tiên tiến. 
     Để ngăn chặn bớt những hậu quả ô nhiễm môi trường có thể phát sinh thêm trong tương lai do một số dự án đã được ký duyệt, sắp sửa tiến hành hoặc thậm chí đã tiến hành mà chưa thẩm định kỹ, Chính phủ nên thiết lập một định chế đặc biệt tạm gọi là “Ủy ban Môi trường Quốc gia”, để tái thẩm định tính khả thi của những dự án này, về phương diện môi trường, với sự tham gia của các nhà khoa học có thực tài trong nước cùng sự tư vấn hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Đặc biệt chú ý tái thẩm định kỹ hơn nữa những dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận và vài nơi khác. Trong khi lựa chọn các quyết sách, điều quan trọng là cần có một sự tách rời rõ rệt hơn giữa quyền lực khoa học với quyền lực chính trị, không để cho chính trị lấn ép khoa học, trên cơ sở coi quyền lợi, sức khỏe của nhân dân là luật pháp tối thượng.          
     Về giải pháp lâu dài phát triển công nghệ “xanh” phù hợp môi trường, đã được nêu ra từ lâu, và luôn nhận được sự khuyến khích của Liên Hiệp Quốc cùng các tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường khác, như việc cần phát triển những loại năng lượng mới còn ít sử dụng (sức gió, nhiệt mặt trời…) để thay thế nhiên liệu hóa thạch (than đá, xăng dầu…) gây ô nhiễm… Hiện nay tại Việt Nam, đang có dấu hiệu đáng mừng là một vài loại năng lượng như vậy đã được chú ý khai thác (như Dự án Điện gió Bạc Liêu, khởi công tháng 9.2010, khánh thành tháng 1.2016…) nhưng trong khi chờ đợi đủ dùng (mà không bao giờ đủ), do lối sống và nhu cầu chưa thay đổi, ý thức bảo vệ môi trường còn chậm, người ta vẫn phải sử dụng chủ yếu các loại năng lượng cũ truyền thống. Vấn đề khắc phục ô nhiễm vì thế vẫn chưa thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn bế tắc vô cùng khắc nghiệt, không chỉ với Việt Nam mà còn với cả thế giới văn minh này nữa!
    Điều này có nghĩa, cần phải quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh kinh tế-văn hóa-xã hội của vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có việc nâng cao mặt bằng nhận thức của cả người dân lẫn các nhà chức trách.  Đối với nạn phá hoại môi trường sinh thái dưới dạng chặt phá cây rừng, đốt rừng, săn bắt chim thú, xây dựng các dự án sản xuất có hại…, thì nguyên nhân không chỉ từ một phía người dân, hay từ một số nhà doanh nghiệp ham hố lợi nhuận, mà còn ở phía các nhà chức trách đương cuộc trong trách nhiệm đánh giá tác động môi trường, phê duyệt các dự án quan trọng, cũng như việc thực thi nghiêm minh hệ thống pháp luật sẵn có. Điều kiện tiên quyết do vậy vẫn phải cần đến một hệ thống chính quyền lành mạnh, có khả năng dự kiến tương lai, đủ sức ngăn chặn quốc nạn tham nhũng, từ lâu được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên hầu hết mọi hành vi chính quyền chệch choạc, làm vô hiệu hóa luật pháp và mọi ý đồ quốc gia tốt đẹp, không chỉ đúng trên phạm vi bảo vệ môi trường mà còn đúng trong mọi lĩnh vực hoạt động khác của đời sống xã hội. Điều này cũng còn rất đúng như lời cảnh báo/ dặn dò của Lênin vào một thế kỷ trước, đối với những đồng chí CS của ông sau Cách mạng Tháng 10 Nga, rằng nếu người ta còn có thể hối lộ được thì người ta cũng không có cái điều kiện tối thiểu để làm chính trị, vì khi đó mọi biện pháp, pháp lệnh, nghị quyết đều sẽ trở thành những tờ giấy lộn và chỉ lơ lửng trên không trung mà thôi (xem Bàn về chủ nghĩa quan liêu, NXB. Sự Thật, Hà Nội).
     Ngoài ra, cũng phải dự liệu rằng, nếu chưa khắc phục được một cách cơ bản quốc nạn tham nhũng trước khi tiến hành các kế hoạch dài hạn bảo vệ môi trường/ chống biến đổi khí hậu thì phải coi chừng những khoản tiền khổng lồ hàng trăm ngàn tỉ đồng sắp sửa chi ra dài dài lấy từ ngân sách quốc gia và các nguồn tài trợ quốc tế sẽ rất dễ bị tổn thương, vì khó được kiểm soát chặt chẽ để sử dụng một cách trọn vẹn, minh bạch và hiệu quả cao cho những mục tiêu quốc gia cần đạt.
     Trong một bối cảnh đặc thù Việt Nam như vậy, với một số kinh nghiệm thất bại trong quá khứ đã mô tả ở trên về hoạt động xâm hại môi trường, việc cải cách thể chế chính trị theo chiều hướng dân chủ hóa mạnh mẽ đời sống xã hội để nâng cao cùng lúc vai trò quyết định thực chất của Quốc hội, hiệu quả điều hành của bộ máy hành chính, tính độc lập của ngành tư pháp, xem ra phải được coi là điều kiện tiên quyết có tính đột phá, để dọn đường cho tất cả các chương trình hành động và giải pháp dự định có khả năng đạt được kết quả cao nhất. Nếu không như thế, thì không chỉ riêng trong phạm vi chống biến đổi khí hậu/ bảo vệ môi trường sống, mà mọi ý đồ cải cách hay mục tiêu quốc gia tốt đẹp khác của chúng ta (như bảo vệ an toàn thực phẩm…) cũng đều trở nên lơ lửng, vô vọng, không lối thoát.
                                                                                                                                     30.6.2016  

2 nhận xét:

  1. bảo vệ môi trường là vấn đề khó khăn cho tất cả các nước, đặc biệt làvới các nướcđang phát triển. Để làm tốt chuyện này, một nước - cho dù mới phát triển, phải có: 1. Một chính quyền tốt; 2. Một xã hội dân sự tích cực và năng động, và 3. Một hệ thông ban hành và thực thi luật pháp tốt. Cả ba điều này đều chưa có ở Việt nam nên không thể nói gì hơn về môi trường ngoài câu 'chờđợi thảm họa môi trường ập đến"!

    Trả lờiXóa
  2. Đến cả Tổng cục trưởng hiện nay cũng đã và đang triển khai mỏ khai thác đá để chạy theo lợi nhuận. Các nơi khai thác bừa bãi, bán cho TQ mà chả đâu có biện pháp, thì còn gì để nói.

    Trả lờiXóa