Những hành động ngang ngược của Trung
Quốc liên tiếp xâm phạm chủ quyền các quốc gia ven Biển Đông trong thời gian
gần đây cùng với những luận điệu xuyên tạc về việc như thế nào là tuân thủ luật
pháp quốc tế cho thấy họ đang tự cho mình cái quyền “làm luật” trên Biển Đông nhằm
phục vụ lợi ích dân tộc cực đoan, bất chấp công pháp quốc tế cũng như lợi ích
của nhiều quốc gia trên thế giới trong khu vực này.
Mặc
dù đồng ý đàm phán với ASEAN để tiến tới xây dựng một Bộ quy tắc về ứng xử trên
Biển Đông (COC), nhưng Trung Quốc luôn ra sức kéo giãn thời gian thực hiện cam
kết này bằng mọi cách. Mới đây, nước này còn tuyên bố thẳng thừng rằng “COC
không đóng vai trò giải quyết vấn đề Biển Đông, chỉ là biện pháp để xây dựng
lòng tin”. Tuyên bố này không làm cho các chuyên gia về Biển Đông ngạc nhiên, bởi
từ lâu Trung Quốc dù đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)
nhưng cũng luôn cho rằng UNCLOS “không phải là hiệp ước quốc tế để giải quyết
tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia, cũng không thể được sử dụng như
một tài liệu tham khảo cho việc giải quyết các tranh chấp”. Điều đáng nói là
trong khi tuyên bố “một đàng” nhưng khi cần thiết họ vẫn sử dụng UNCLOS “một
nẽo” như là căn cứ, cơ sở pháp lý cho các yêu sách về chủ quyền, cho các vùng
đặc quyền kinh tế của họ trên Biển Đông, mà đặc biệt là cho yêu sách “đường
lưỡi bò” phi lý.
Hành
xử theo phương châm “nói một đàng làm một nẽo” của Trung Quốc trong quá trình
áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các vấn đề trên biển đang làm gia tăng
sự lo ngại của thế giới về mục tiêu thật sự của nước này. Có vẻ như Bắc Kinh chỉ muốn diễn giải luật pháp theo kiểu có lợi nhất
cho họ và dùng các biện pháp thực tiễn để thi hành luật pháp theo phương thức
thực sự lấy được, hoặc có mặt được trên Biển Đông càng nhiều càng tốt dưới mọi
hình thức. Đặc biệt nghiêm trọng là quá trình xuyên tạc, cải biến cách hiểu
luật pháp quốc tế của Trung Quốc được tiến hành bài bản, song song với các
chiêu thức “làm luật” thực sự trên thực tế. Đó là sự đồng loạt gia tăng các
hoạt động từ dân sự tới hành chính, từ bán quân sự tới quân sự trên Biển Đông
trong thời gian gần đây đe doạ nghiêm trọng an ninh và an toàn hàng hải quốc tế
cũng như xâm phạm chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực.
Tuy
nhiên, chính những hành động “làm luật”
bất chấp lẽ phải và luật pháp quốc tế đó của Trung Quốc trên Biển Đông lại đang
tạo ra hiệu ứng ngược với mong muốn của họ. Sự chia rẻ của ASEAN trong Hội
nghị Ngoại trưởng lần thứ 45 tại Phnom Penh vừa qua có thể hiểu theo một góc độ
tích cực hơn đó chính là sự thức tỉnh của các dân tộc trong khu vực với quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa nhằm bảo vệ lợi
ích quốc gia của mình một cách không khoan nhượng. Bởi lẽ, qua cách hành xử,
can thiệp thô bạo vào biệc điều hành của nước chủ nhà để nhằm tách khối ASEAN
ra thành từng chiếc đũa, Trung Quốc đã lộ lá bài tẩy trong âm mưu độc chiếm
Biển Đông bằng mọi thủ đoạn. Điều này càng khiến cho các quốc gia có quyền lợi
liên quan thêm cảnh giác. Cộng đồng thế giới qua diễn đàn khu vực và truyền
thông quốc tế càng nhận thấy rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh cho dù họ đang cố diễn
xuất trò chơi “trỗi dậy hòa bình” đồng thời với việc tăng cường sức mạnh quân
sự trên biển nói chung cũng như lực lượng quân sự đồn trú trên Biển Đông nói riêng.
Cuối cùng thì thế giới cũng đang chứng
kiến một ASEAN đang gượng đứng dậy sau
cú vấp ngã ở Phnom Penh vừa qua.
“Đàn dê” tan tác trước “con hổ đói” bám theo săn đuổi suốt 45 năm qua nay đã ý
thức được nhu cầu cần phải trở thành một khối đoàn kết là quan trọng như thế
nào. Bởi lẽ, “con hổ đói” vẫn đang sẵn sàng tiếp tục săn mồi một cách hết sức
hiệu quả với chiến thuật tách từng “con dê” ra khỏi đàn để thịt. ASEAN ngay sau
đó đã “đạt lập trường chung về Biển Đông” cho thấy những thông điệp mang ý
nghĩa nhất định về sự gượng dậy này. Theo truyền thông trong nước, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong những nỗ lực hàn gắn
nói trên. Lập trường của Việt Nam rất nhất quán và được cả quốc tế lẫn ASEAN đánh giá
cao. Tất cả 6 nguyên tắc mà Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa đưa ra cũng là
những nguyên tắc “nền”, là những nguyên
tắc căn bản mà Việt Nam đã, đang theo đuổi bao lâu nay. Bản thân Ngoại trưởng
Natalegawa đã cám ơn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về sự đóng góp tích
cực của Việt Nam sau các cuộc tham vấn tại Hà Nội.
Trước
tình hình trên Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp do những động thái càng lúc
càng ngang ngược hơn, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, sự bình tĩnh
của Việt Nam là hết sức cần thiết. Thế nhưng, sự bình tĩnh đó cần đồng hành với lập trường cương quyết, sử dụng khéo
léo những biện pháp hòa bình theo đúng tinh thần của luật pháp quốc và Luật
Biển Việt Nam vừa mới ra
đời để tạo ra “sức mạnh mềm”. Việt Nam phải dựa vào sức mạnh của lẽ phải, của
công lý để đấu tranh không khoan nhượng
trên mọi diễn đàn quốc tế, trừ phi bị tấn công bằng vũ lực và có bằng chứng
hiển nhiên.
Một
việc quan trọng mà Việt Nam cần làm lâu dài và kiên nhẫn là phải tìm cách chứng
minh các hành vi vi phạm pháp luật của đối phương với các hồ sơ bằng chứng cụ
thể. Đồng thời với các biện pháp truyền thông tương xứng lên án, vạch trần âm
mưu và sự xảo quyệt của đối phương ra trước công luận quốc tế cũng như trình
các hồ sơ này lên các tổ chức có liên quan trên thế giới. Mục tiêu mà Việt Nam cần đạt
được là phải cho thế giới thấy rõ tính chính đáng của mình trong bối cảnh bất
chấp pháp luật của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Để
có cơ sở thực hiện những mục tiêu đó, Việt Nam cần xây dựng và củng cố các cơ
quan chấp pháp trên biển, theo tinh thần của Luật Biển Việt Nam và công pháp
quốc tế để có đủ khả năng quản lý chặt chẽ và chủ động xử lý các tình huống
xung đột, va chạm, cũng như đảm bảo cho việc hành nghề hợp pháp của ngư dân
trên biển trở nên thuận lợi và an toàn hơn. Trong các vùng biển thuộc chủ quyền
và quyền tài phán của Việt Nam , chúng ta hoàn toàn có thể xử lý theo đúng các qui
định của Luật Biển Việt Nam và luật pháp quốc tế. Điều 73, Khoản 1 của Công ước
LHQ về Luật Biển ghi rõ: “Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ
quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của
vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần
thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm
việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước”.
Đối
với các hành động xâm phạm mang tính chất kinh tế, dân sự và bán dân sự của
Trung Quốc, Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp pháp lý như truy đuổi, yêu
cầu ngừng hành vi, phạt hành chính, khám xét, bắt giữ, lập biên bản, dẫn độ và
khởi tố theo các điều khoản của Luật Biển Việt Nam và luật pháp quốc tế. Đáng tiếc là, từ trước tới nay Việt Nam hầu như rất
hạn chế sử dụng các công cụ chấp pháp chính đáng này. Với thái độ ngày một hung
hăng và ngang ngược của Trung Quốc, đây là lúc Việt Nam cần kiên quyết và dứt
khoát thực hiện các biện pháp trong khuôn khổ luật pháp cho phép để bảo vệ
quyền lợi chính đáng của mình trong khuôn khổ hòa bình. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đơn phương kiện Trung
Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) khi có đầy đủ cơ sở và bằng
chứng về việc nước này xâm phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích
hợp pháp của Việt Nam.
Chủ
nghĩa dân tộc trong thời đại ngày nay vẫn còn là một sức mạnh. Song chủ nghĩa
dân tộc cực đoan sẽ chỉ dẫn đến những kết cục không tốt đẹp cho cả những nhà
dân tộc chủ nghĩa cực đoan và cả cộng đồng bị dẫn dắt đi vào con đường đầy ảo vọng
này. Sức mạnh của truyền thông hiện đại
sẽ mở tầm mắt cho nhân dân các nước trên thế giới, kể cả nhân dân của nước đối
phương và tạo ra cho họ khả năng nhận chân sự thật về nhiều vấn đề. Trong
đó có vấn đề thuộc về lương tri, thành quả của nhân loại văn minh trải qua hàng
ngàn năm lịch sử phát triển mới có được. Đó là phải loại trừ tư tưởng bành
trướng, hành động bạo lực theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” vốn đã không còn phù
hợp trong quan niệm cùng tồn tại, cùng phát triển trong thế giới văn minh ngày
nay.
Việt
Nam có thể tận dụng loại hình sức mạnh này để bảo vệ và
khôi phục chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các vùng biển khác của mình trên
Biển Đông. Tuy nhiên sức mạnh đó của Việt Nam cũng chỉ có thể đạt được như mong muốn một khi bộ máy
nhà nước có được sự đồng lòng của đa số người dân. Kinh nghiệm ngàn đời của nhân
loại cho thấy muốn thắng kẻ thù trước hết phải chiến thắng chính mình. Trong
phạm vi dân tộc cũng thế, trước khi chiến
thắng ngoại xâm, một dân tộc phải biết vượt qua mọi bất đồng, biết hy sinh,
biết đoàn kết thành một khối. Nếu cần, thế hệ hiện tại của dân tộc đó phải
biết “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cho các thế hệ tương lai của dân tộc
được sống còn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét