Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Đánh giá bước đầu các “Bằng chứng pháp lý” của Trung Quốc đưa ra đối với Chủ quyền quần đảo Trường Sa


Phan Văn Song[*]

Để biện minh cho vị thế của mình ở biển Đông, Trung Quốc luôn dùng câu trả lời khuôn mẫu “Trung Quốc có rất nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý” hậu thuẫn chủ quyền của họ đối với biển Đông, đặc biệt là đối với quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa). Trong bài viết trước [1], chúng tôi đã chỉ ra rằng cái mà họ gọi là “bằng chứng lịch sử”[2] rất nhiều khả năng chỉ là sự nhào nặn (bóp méo, dịch sai ý) các tài liệu/sự kiện xưa, lợi dụng sự ít hiểu biết của phần lớn người nước ngoài về lịch sử/văn hóa/ngôn ngữ Trung Hoa để phục vụ cho lập luận của họ. Phần thảo luận sau đây sẽ tập trung vào “bằng chứng pháp lý” như được công bố trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc[3]. Có ba điểm chính trong lập luận của họ. Các bằng chứng hậu thuẫn cho ba điểm chính này chủ yếu là các “bằng chứng lịch sử” mà họ đã nêu, được trình bày lại theo góc độ pháp lý.
1. “Dân Trung Quốc khám phá và đặt tên quần đảo Nam Sa đầu tiên” ít ra là từ 2000 năm trước.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nêu rằng họ có rất nhiều dữ liệu lịch sử chính xác trong và ngoài nước minh chứng cho điều này và đặc biệt chỉ ra cụ thể 3 cuốn sách cổ của Trung Quốc: Dị vật chí (异物志) của Dương Phu thời Đông Hán (23-220), Nam quốc (sic) dị vật chí (南国异物志)[4] của Vạn Chấn (Wan Zhen) thời Tam quốc (220-280) và Phù Nam truyện (扶南传) của Khang Thái nước Đông Ngô (229-280). Hai trong ba quyển sách này, chúng tôi đã có dịp bàn và cuốn còn lại cũng có điểm qua trong bài viết trước. Ở đây chúng tôi chỉ muốn lưu ý rằng cả 3 quyển sách này đều đã mất, chỉ còn biết được qua một số đoạn trích trong các sách khác, hơn nữa chúng đều là sách chuyện kể (5), nên không thể xem là sách lịch sử được chính quyền viết một cách chính thống. Đặc biệt là nội dung các sách này đều nói về những thứ bên ngoài biên giới Trung Quốc như phản ánh bởi các từ trong tựa của chúng như Giao Châu[6] (tên cũ của Việt Nam), Nam ChâuPhù Nam (tên một vương quốc cổ ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mekong), do đó mọi ghi chép có liên quan tới đảo/bãi trong sách phải được hiểu là đảo/bãi của các nước liên quan chứ không phải của Trung Quốc. Như vậy, các cuốn sách này khó có thể là bằng chứng dù chỉ cho việc khám phá và đặt tên các đảo này trước tiên của dân Trung Quốc, và do đó càng không thể làm bằng chứng cho Trung Quốc với tư cách là một nhà nước khám phá và đặt tên các đảo đầu tiên như đòi hỏi của luật pháp và thông lệ quốc tế. Từ đó, khó có thể hy vọng rằng các tài liệu khác mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nêu chung chung không xác định rõ tên lại có thể là chứng lý tốt hơn. Thảo luận trên cho thấy Trung Quốc chưa có được bằng chứng nào gọi là vững chắc cho luận điểm này.
2. Ngay sau khi khám phá, trễ nhất là vào các đời Đường và Tống “dân Trung Quốc đã khai phá quần đảo Nam Sa, thực hiện hoạt động sản xuất và chính phủ Trung Quốc đã thực sự thực thi thẩm quyền đối với các quần đảo này” và điều này “củng cố thêm chủ quyền của Trung Quốc đối với Nam Sa”.
Để hậu thuẫn cho điểm này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn chứng rằng trong Quảng Châu ký(广州记), Phi (sic) Uyên đời nhà Tấn (265-420)[7] “đã viết về các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá và thu lượm các mẫu san hô ở Nam Hải”. Lưu ý rằng đây là một quyển sách cũng đã mất và điều mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu trên có vẻ rất khớp với một đoạn trích dẫn thường được nhiều học giả Trung Quốc nêu trong cùng lập luận. Trích dẫn đó nằm trong cuốnThái Bình hoàn vũ ký (太平寰宇記) của Nhạc Sử biên soạn trong niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (976-983) thời Tống, nguyên văn như sau:
“San Hô Châu, tại huyện nam ngũ bách lý, tích hữu nhân vu hải khẩu bộ ngư, đắc san hô (珊瑚洲,在县南五百里, 昔有人于海口捕鱼,得珊瑚)”.
Tạm dịch:
“Đảo/bãi San Hô nằm cách huyện [Đông Hoàn] 500 dặm về phía nam, xưa có ngưừi ra ngoài cửa biển đánh cá thu được [cả] san hô”.
Dựa trên đoạn trích này thì đảo San Hô chỉ cách huyện Đông Hoàn (Quảng Đông) khoảng 250km (1 lý (dặm) ≈ 0,5km), chắc chắn không nằm trong quần đảo Trường Sa, thậm chí cũng không thể nằm trong quần đảo gần hơn là Hoàng Sa vì cả hai cách Quảng Đông (chỗ Đông Hoàn) trên 1.000km hoặc trên 500km. Như vậy, trừ khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể đưa ra một đoạn trích khác phù hợp hơn[8], cái tên “Nam Hải” mà họ nêu mơ hồ liên quan tới quyển sách của Phi Uyên như trên chắc chắn không thể là toàn bộ biển Đông có chứa Trường Sa trong đó. Đó chỉ có thể là vùng biển nhỏ cách Quảng Đông (chỗ Đông Hoàn) không quá 250km. Vì vậy, cuốn sách hoàn toàn không có dính dáng gì tới Hoàng Sa và do vậy càng không dính dáng tới Trường Sa, chưa kể đó không phải là sách lịch sử chính thống và còn nguyên bản, do đó khó có thể xem là một bằng chứng dù chỉ để chứng minh dân Trung Quốcvới tư cách là các tư nhân đã khai phá ở Trường Sa.
Bên cạnh quyển sách trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nêu rằng dân Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động sản xuất ở đó, ban đầu với tư cách cá nhân, về sau có tổ chức được chính phủ chấp thuận và trợ giúp, họ đóng thuế cho chính quyền Trung Quốc và kể cả sống dài ngày trên một vài đảo của Trường Sa. Cùng với người dân các nước khác, dân Trung Quốc, với tư cách tư nhân chắc hẳn đã từng có các hoạt động sản xuất và có thể sống tạm trên một vài đảo nào đó trong biển Đông. Tuy nhiên, dựa vào các tài liệu mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc có nêu cụ thể trong “Bằng chứng lịch sử...”[9] của họ như quyển ghi chép hướng dẫn đi biển dân gian Canh lộ bạ
(更路簿), Trung Quốc hải chỉ nam 1868 (中国海指南), Bạo phong chi đảo 1918 (暴风之岛) của Okura Unosuke, Tân Nam quần đảo khải huống (新南群岛概况[quần đảo Tân Nam là tên tiếng Nhật của Trường Sa]), người ta không thể tìm thấy chứng cứ nào cho thấy có các hoạt động trên biển của dân Trung Quốc được chính phủ Trung Quốc tổ chức. Có lẽ chính vì thế, họ đã diễn đạt mập mờ là “có tổ chức được chính phủ chấp thuận và trợ giúp”. Cũng có thể với cách diễn đạt đó, họ muốn nói đến việc ngư dân Trung Quốc nộp thuế cho chính phủ đối với các hoạt động sản xuất của họ trong vùng biển từ Quảng Đông đến Trường Sa mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc có nêu trong lập luận của mình. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là Trung Quốc có chủ quyền trên toàn bộ vùng biển đó. Nếu được như vậy thì một số nước khác, như Nhật chẳng hạn, sẽ có chủ quyền trên các đại dương mà tàu săn cá voi của họ dừng lại để đánh bắt vì chính phủ Nhật cũng thu thuế các tàu này. Hơn nữa, cũng không có bằng chứng nào cho thấy rằng ngư dân các nước khác hoạt động ở đây phải chịu sự chi phối của Trung Quốc và cũng phải đóng thuế cho họ[10]. Tàu bè các nước vẫn đi lại thoải mái không bị một cản trở nào, không cần phải xin phép Trung Quốc, thậm chí còn tiến hành khảo sát các đảo nữa[11]. Điều đó cho thấy Trung Quốc chưa có chút ý định hay quan tâm nào tới chủ quyền và càng không thể có hành vi thực thi chủ quyền nào đối với Trường Sa trong giai đoạn này[12].
Với tư cách nhà nước, Trung Quốc (đúng ra chỉ là chính quyền Lưỡng Quảng) chỉ đi tới Hoàng Sa năm 1909 thời nhà Thanh hai lần: lần một làm nhiệm vụ khảo sát và lần hai làm nghi thức “chiếm hữu”[13] rồi quay về sau vài ngày [14]. Chỉ đến tháng 3/1921 Trung Quốc (Chính phủ quân sự miền Nam, lưu ý rằng chính phủ này không được chính phủ trung ương và nhiều cường quốc phương Tây công nhận) mới quyết định sáp nhập Hoàng Sa thành một đơn vị hành chánh của huyện Nhai, Hải Nam [15], và tới tháng 11/1946 họ mới tới đóng quân ở Hoàng Sa (đảo Phú Lâm) và tháng 12/1946 ở Trường Sa (đảo Ba Bình) thời chính quyền Tưởng Giới Thạch mượn danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ II. Chính quyền Trung Quốc (lục địa) chỉ thật sự kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa sau khi dùng vũ lực chiếm thêm các đảo phía tây từ Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974, còn ở Trường Sa thì Trung Quốc chỉ có mặt từ 1988 khi cưỡng chiếm một số đảo ở đó.
Như vậy, đối với luận điểm này Bộ Ngoại giao Trung Quốc chủ yếu cũng chỉ nhào nặn tài liệu/sự kiện để gây ấn tượng là nhà nước Trung Quốc có tổ chức khai phá và thực hiện thẩm quyền đối với các đảo xa xôi (đã có chủ quyền) này nhưng thực tế chỉ có các hoạt động của tư nhân Trung Quốc tự đi kiếm sống (bất hợp pháp) ở đó mà thôi [16]. Đặc biệt, điều cần có trước hết là bằng chứng việc chiếm hữu của nhà nước Trung Quốc đối với các đảo này họ không đưa ra được.
3. “Việc thực thi quyền chủ quyền của chính phủ Trung Quốc trên quần đảo Nam Sa cũng được biểu hiện trong một loạt các hành vi tiếp tục có hiệu quả của chính phủ”.
Để chứng minh điều này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhiều luận điểm mà chúng tôi lần lượt bàn luận dưới đây.
Thứ nhất, họ lập luận rằng: Trường Sa đã được đưa vào bản đồ hành chính thời vua Đường Đức Tông, niên hiệu Trinh Nguyên (785-805) nhà Đường và sau đó cũng được ghi nhận trong các văn bản/bản đồ chính thức của các triều kế tiếp, nhất là triều Minh và Thanh. Rất tiếc là như thông lệ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trưng ra bản đồ thời nhà Đường này cũng như các tài liệu/bản đồ mà họ có nêu. Bản thân chúng tôi cũng chưa tìm thấy bản đồ này từ các nguồn có thể có được. Tuy nhiên, từ những bản đồ và tài liệu chính thức/không chính thức tìm được, kể cả một vài tài liệu/bản đồ mà họ đã nêu trong “Bằng chứng lịch sử...” thì các bản đồ Trung Quốc xưa có chứa các đảo này thực chất là bản đồ thế giới hay bản đồ khu vực với Trung Quốc là chủ thể, còn theo các bản đồ Trung Quốc thuần tuý thì lãnh thổ Trung Quốc có phần cực nam chỉ tới Hải Nam (như đã có bàn trong bài viết trước). Ngay cả nếu đúng là Trường Sa có nằm trong bản đồ nhà Đường, không ai có thể chắc chắn rằng các đảo này cũng sẽ là lãnh thổ của Trung Quốc trong các triều đại sau. Lãnh thổ Trung Quốc khác nhau theo từng triều đại và càng khác với Trung Quốc bây giờ. Chẳng hạn vào thời Nguyên, Trung Quốc bao gồm cả Mông Cổ và một phần châu Âu... nhưng về sau và hiện nay thì không phải vậy. Và bằng chứng thuyết phục là nhiều bản đồ chính thức sau này như các bản đồ của nhà Thanh chỉ kết thúc ở đảo Hải Nam mà thôi. Theo đó tính đúng đắn của luận điểm này rất đáng ngờ.
Thứ hai, họ nêu rằng “cho đến đầu thế kỷ này [thế kỷ 20], chính phủ Trung Quốc đã thực thi quyền chủ quyền hòa bình trên quần đảo Nam Sa mà không có bất kỳ tranh chấp nào”. Tuy nhiên, cho tới nay họ chẳng đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc với tư cách nhà nước đã có mặt tại các đảo này dù chỉ như là cử chỉ chiếm hữu tượng trưng trước tháng 12/1946, châm chước do điều kiện khắc nghiệt của đảo[17]. Trong khi đó nhiều tài liệu chính thống của Việt Nam cho thấy rằng đội Bắc Hải của các chúa Nguyễn đã hoạt động ở đó và Trường Sa đã được sáp nhập vào huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa (lưu ý rằng ngư dân Trung Quốc cũng gọi khu vực Trường Sa là Bắc Hải) ít ra từ thế kỷ 17. Người Pháp cũng đã nhân danh quốc vương An Nam thực hiện thủ tục xác lập chủ quyền lại[18] vào năm 1931-1932 và sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa tháng 12/1933. Như vậy, sự thật là Việt Nam chứ không phải Trung Quốc đã xác lập và thực thi chủ quyền ở đây mà không có tranh chấp nào. Như vậy khẳng định này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc xem ra thiếu cơ sở.
Thứ ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập luận tiếp rằng: “Từ đầu thế kỷ này [thế kỷ 20] chính phủ Trung Quốc đã một mực duy trì chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Nam Sa” với bằng chứng là các hành động của chính phủ và ngư dân Trung Quốc chống lại cái mà họ gọi là sự xâm chiếm của Pháp ở Trường Sa vào những năm 1930.
Về hành động của chính phủ Trung Quốc, đó là cái mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi là “phản ứng ngoại giao tức thì với chính phủ Pháp”. Thực ra, đó chỉ là việc yêu cầu Pháp xác minh tên và tọa độ những đảo mà Pháp chiếm giữ (công hàm ngày 4/8/1933 gởi cho Bộ Ngoại giao Pháp) và họ chẳng có động thái gì thêm khi nhận được công hàm trả lời với bản đồ chi tiết[19]. Điều này hoàn toàn nhất quán với thái độ trước đó và sau này của họ. Trước đó, để trả lời công hàm của chính quyền Pháp khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và đề nghị Trung Quốc dàn xếp vấn đề một cách hữu nghị hoặc đưa ra trọng tài, phái bộ ngoại giao của Trung Quốc tại Pháp đã gởi công hàm ngày 29/9/1932[20] từ chối. Điều cần nói là trong công hàm này họ khẳng định rằng Hoàng Sa là nơi cực nam của Trung Quốc (tức là họ không coi Trường Sa thuộc Trung Quốc). Sau đó, khi Nhật xâm chiếm Trường Sa tháng 3/1939, chỉ có Pháp lên tiếng phản đối còn Trung Quốc vẫn tiếp tục im lặng. Những cử chỉ này cho thấy rõ ràng là Trung Quốc không quan tâm và không có ý định về chủ quyền đối với Trường Sa ít ra cho tới năm 1939.
Còn về hành động của ngư dân Trung Quốc, đó là cái mà họ gán là “ngư dân phản kháng có tổ chức”. Việc này chỉ dựa vào lời kể của những ngư dân có liên quan còn sống tới năm 1977 nên cũng khó kiểm chứng tính chân thực và hơn nữa rõ ràng cũng không do chính phủ Trung Quốc tổ chức [21]. Do đó, nó cũng không có giá trị pháp lý để bàn thêm.
Đối với giai đoạn này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nêu thêm rằng “từ năm 1912 đến 1949 chính phủ Trung Hoa Dân quốc lúc đó đã tiến hành nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền” và dẫn chứng bằng việc chính phủ này trang bị cờ cho tàu thuyền ngư dân, tổ chức các chuyếnđiều tra lịch sử và địa lý  đặt tên lại các đảo ở biển Đông.
Về việc trang bị cờ, vào năm 1933 khi biết được một số ngư dân Trung Quốc đánh cá ở khu vực Trường Sa được tàu Pháp phát cờ để treo trên thuyền nhằm giúp họ tránh được sự quấy nhiễu của tàu thuyền Nhật, chính quyền huyện Quỳnh Nhai đã tiếp xúc và cấm họ treo cờ nước ngoài và hứa sẽ phát cho họ cờ Trung Quốc. Như vậy, việc phát cờ, nếu có xảy ra, cũng chẳng giúp các tàu Trung Quốc hoạt động ở Trường Sa an toàn hơn hay làm ngư dân các nước khác và Pháp rời khỏi khu vực. Do đó hành động này khó có thể xem là một hành vi nhà nước Trung Quốc thể hiện ý chí chủ quyền hay thực thi việc bảo vệ chủ quyền.
Còn việc điều tra ở Trường Sa thì đó chỉ gồm một dự định điều tra vào năm 1933 (chắc chắn không thực hiện được vì Pháp đang có mặt tại đó), và một cuộc điều tra xảy ra vào năm 1947 khi Trung Quốc đã chiếm đảo Ba Bình. Thực ra, các cuộc điều tra nói chung là không thể hiện rõ ý định chủ quyền (ví dụ các khảo sát của người Đức đã nói trong chú thích 11) nên cũng không có ý nghĩa nhiều về mặt pháp lý.
Về việc đặt tên lại các đảo của cơ quan in ấn bản đồ và địa danh của chính phủ Trung Hoa Dân quốc, cần lưu ý rằng đến năm 1935 họ chủ yếu mới làm công việc phiên âm hoặc dịch nghĩa tên phương Tây của các đảo ra tiếng Trung, và chính vì vậy nên đến năm 1947 họ mới đổi bằng tên Trung Quốc không có dính dáng gì tới tên của phương Tây nhưng cũng chưa thật triệt để. Như vậy, việc đổi tên cho thấy rõ ràng rằng các đảo này chưa từng có tên riêng bằng tiếng Trung trước năm 1935. Nhân tiện cũng xin lưu ý thêm ở đây rằng cho tới năm 1911 bản đồ Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, tới năm 1914 họ mới thêm vào Hoàng Sa và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa), đến năm 1934 mới có bản đồ vẽ ranh giới tới 9 đảo Trường Sa do Pháp chiếm giữ, và cuối cùng đến năm 1947 lần đầu tiên họ mới có bản đồ gồm đủ 4 quần đảo trong biển Đông. Lưu ý là hầu hết các bản đồ thời Trung Hoa Dân quốc nói trên đều do tư nhân xuất bản, chỉ có bản đồ 1947 với đường lưỡi bò 11 đoạn (sau chỉnh lại thành 9 đoạn) đầy tranh cãi mới do cơ quan chính phủ Trung Quốc đưa ra. Sự thiếu nhất quán trong các bản đồ cùng với việc đặt tên/thay tên các đảo bằng tiếng Trung như vừa nêu là bằng chứng hùng hồn cho thấy Trường Sa chưa từng là lãnh thổ của Trung Quốc. Ngoài ra, giả định rằng các đảo này chưa thuộc chủ quyền của nước nào (hay terra nullius - vô chủ) thì việc đổi tên các đảo có thể đúng là một hành động thể hiện ý thức chủ quyền[22]. Tuy nhiên, hành động đó đã bị làm yếu đi hoặc triệt tiêu bởi các hành vi của họ năm 1933, 1937 đối với sự chiếm đóng của Pháp và 1939 đối với sự xâm chiếm của Nhật, chưa kể các đảo này đã thuộc chủ quyền Việt Nam trước đó.
Cũng xin nói thêm rằng, Trung Quốc lúc đó (Trung Hoa Dân quốc) với tư cách là nhà nước chỉ có mặt ở Trường Sa (đúng hơn là đảo Ba Bình) từ năm 1946 như đã nêu ở trên, và sau đó mới có mặt liên tục từ năm 1956. Còn về mặt hành chính thì mãi đến tháng 3/1959 Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) mới đưa Trường Sa vào Phòng Quản lý hành chính Hoàng Sa, Trường Sa và Macclesfield của tỉnh Quảng Đông. Với thực tế như vậy, nói rằng Trung Quốc có chủ quyền và đã có thể thực thi chủ quyền liên tục trên cả quần đảo Trường Sa từ đầu thế kỷ tới giờ là điều không chính xác. Chỉ sau khi Trung Quốc thông qua luật về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) năm 1988, họ mới có thể được tạm xem là thể hiện việc thực thi chủ quyền thường xuyên đối với biển Đông bắt đầu bằng việc chiếm đóng một số đảo, bãi ở Trường Sa bằng quân sự năm 1988, rồi qua việc ra lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hàng năm từ 1999, lập các đội hải giám từ năm 2000, cho tàu hải quân tuần tra biển Đông thường xuyên từ 2005, và nhất là việc xua hơn 20.000 tàu đánh cá có hộ tống tới Trường Sa hoặc việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa mới đây... Đương nhiên, các hành động này rõ ràng là phi pháp và đều bị các nước láng giềng có liên quan phản đối. Như vậy, có vẻ không có hành động nào nêu trên của chính phủ Trung Hoa Dân quốc có thể xem như là hành động bảo vệ chủ quyền hiệu quả đối với Trường Sa.
Thứ tư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cố thuyết phục rằng “Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản xâm lược và chiếm đóng quần đảo Nam Sa của Trung Quốc. Trung Quốc không ngớt nỗ lực thu hồi các đảo này từ sự chiếm đóng của Nhật Bản”. Họ lập luận rằng theo Tuyên bố Cairo và Tuyên ngôn Potsdam thì Nhật phải giao trả Đài Loan cùng Bành Hồ và Mãn Châu cho Trung Quốc, mà lúc đó Nhật đặt Trường Sa (lẫn Hoàng Sa) dưới thẩm quyền quản lý của Đài Loan nên việc Tưởng Giới Thạch “thu hồi” Trường Sa năm 1946 là đúng lý. Sự thật là cả hai văn bản trên không có đả động gì tới Trường Sa (lẫn Hoàng Sa), chỉ nêu rằng “tất cả các lãnh thổ Nhật lấy cắp của Trung Quốc trong chiến tranh như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ phải giao trả cho Trung Quốc”[23]. Còn Trường Sa, như thảo luận trên cho thấy Trung Quốc ngay cả ý định về chủ quyền rõ ràng đối với quần đảo này họ cũng chưa có mãi tới năm 1946. Hơn nữa, đó lại là lãnh thổ mà người Pháp thay mặt chiếm giữ và hành xử chủ quyền hiệu quả từ 1930-1933 nếu bỏ qua việc Việt Nam đã hành xử chủ quyền từ thế kỷ 17. Vì vậy, không thể nói đó là lãnh thổ Nhật “lấy cắp” từ Trung Quốc, và do đó việc viện dẫn hai văn bản trên để biện giải cho việc “thu hồi” Trường Sa là vô hiệu lực. Thú vị là, các bộ Nội chính, Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc lúc đó, có lẽ thấy được tính bất hợp pháp của Trung Quốc trong việc tiếp thu Trường Sa nên trong quyết nghị liên bộ về việc này tháng 9/1946 có nêu rằng “trước mắt chưa cần nêu vấn đề chủ quyền quần đảo này ra bên ngoài[24]. Cũng xin nói thêm rằng, theo thỏa thuận của Đồng Minh thì Trung Quốc chỉ giải giới phần lãnh thổ Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở ra phía bắc[25]. Vì vậy, ngay cả chỉ phái quân tới Trường Sa (ở phía nam vĩ tuyến 16) để giải giáp quân Nhật thôi chứ không phải là “thu hồi” quần đảo này thì Trung Quốc cũng đã vi phạm các điều ước quốc tế đã thỏa thuận. Do đó, khó có thể xem đây là hành động thực thi chủ quyền.
Thứ năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dẫn chứng thêm các hành động của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ khi thành lập vào 1949 về sau như việc sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Quảng Đông năm 1959 rồi chuyển qua cho Hải Nam năm 1984... Đây quả đúng là những hành động thực thi chủ quyền nhưng rất tiếc là quá trễ và nhất là trên lãnh thổ mà nước khác đã và đang hành xử chủ quyền.
Tất cả các điều trên cho thấy rằng về mặt nhà nước, Trung Hoa mà cụ thể là Trung Hoa Dân quốc áp đặt chủ quyền lên Trường Sa từ 1946 và chủ yếu ở đảo Ba Bình và họ cũng chỉ thực hiện chủ quyền liên tục nhưng không hợp pháp ở đảo đó từ 1956, còn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ cố biểu thị việc thực thi chủ quyền phi pháp từ 1988, và việc này đã và đang bị các nước có liên quan liên tục phản đối và lên án.
Tóm lại, từ những tài liệu/sự kiện do Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu ra mà chúng tôi có thể kiểm chứng, qua phân tích trên, có thể đi đến vài kết luận ban đầu như sau:
- Bằng chứng cho việc khẳng định rằng dân Trung Quốc phát hiện và đặt tên trước tiên các đảo ở Trường Sa là hoàn toàn mù mờ, chưa thuyết phục. Do đó, khó có cơ sở để tin rằng họ có bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc với tư cách nhà nước đã phát hiện quần đảo này đầu tiên như đòi hỏi của luật pháp quốc tế.
- Không nghi ngờ rằng cùng với dân các nước khác, dân Trung Quốc với tư cách tư nhân đã có mặt ở Trường Sa nhưng Trung Quốc chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục về việc nhà nước Trung Quốc thực thi chủ quyền có hiệu quả ở các đảo này, kể cả bằng chứng cho thấy họ có mặt tại đó dù chỉ là hành động chiếm hữu tượng trưng với tư cách nhà nước trước 1946.
- Bằng chứng về ý định chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa cho tới năm 1939 vẫn còn mù mờ. Hành động chiếm cứ tháng 12/1946 là bất hợp pháp, do đó các bằng chứng về thực thi chủ quyền từ đó về sau là không rõ ràng về mặt pháp lý.
Dựa vào cơ sở phân tích trên, bước đầu cũng có thể nói Trung Quốc chưa có bằng chứng pháp lý thuyết phục cho chủ quyền của họ ở quần đảo Trường Sa và cũng không có nhiều triển vọng là họ có thể cung cấp thêm bằng chứng gì thuyết phục hơn[*].
P.V.S.
CHÚ THÍCH
[*] Australia
[1] Xem “Bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc cho chủ quyền ở biển Đông: có thật hay thêu dệt?”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (95), 2012.
[2] Xem http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/3754/t19231.htm (tiếng Anh),http://www.fmprc.gov.cn/ chn/gxh/zlb/zcwj/t10648.htm (tiếng Trung).
[3] Xem http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/3754/t19234.htm (tiếng Anh),http://www.fmprc.gov.cn/chn/gxh/zlb/zcwj/t10649.htm (tiếng Trung).
[4] Đúng ra là Nam Châu dị vật chí (南州异物志): bản tiếng Anh dịch là Records of Rarities in Southern Boundary, nên có thể họ đã viết nhầm “châu” (州) thành “quốc” (国) trong bản tiếng Trung (!).
[5] Tính chuyện kể của các cuốn sách phản ánh khá rõ qua các từ trong tựa sách như “dị vật”, “chuyện”.
[6] Tên đầy đủ của quyển Dị vật chí là Giao Châu dị vật chí.
[7] Cả bản tiếng Trung lẫn tiếng Anh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều ghi là Phi Uyên
(斐渊- Fei Yuan) nhưng theo nhiều học giả Trung Quốc và các sách tham khảo đáng tin thì tên tác giả là Bùi Uyên (裴淵- Pei Yuan).
[8] Điều này có vẻ khó xảy ra vì cho tới nay các học giả Trung Quốc đều dùng đoạn trích này của Quảng Châu ký cho cùng lập luận.
[9] Như chú thích 2.
[10] Đáng lưu ý ở đây là ý kiến của Tòa Công lý Quốc tế trong vụ Chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan (Indonesia tranh chấp với Malaysia): “Cuối cùng tòa nhận thấy rằng tòa chỉ có thể xem xét những hành động nào có sự quy chiếu cụ thể tới các đảo này không để lại chút nghi ngờ nào mới hình thành nên một sự thể hiện thẩm quyền phù hợp (The Court finally observes that it can only consider those acts as constituting a relevant display of authority those acts as constituting a relevant display of authority which leave no doubt as to their specific reference to the islands in dispute as such)” [nhấn mạnh của chúng tôi].
[11] Người Đức thực hiện khảo sát khá toàn diện các đảo/bãi từ 1881-83. Một vài tác giả Trung Quốc nêu rằng chính quyền nhà Thanh có phản kháng nhưng họ không đưa ra được chứng cứ thuyết phục.
[12] Tham khảo ý kiến của Tòa Công lý Quốc tế Thường trực vụ Tình trạng pháp lý của đảo Eastern Greenland (Denmark tranh chấp với Norway): “Một yêu sách chủ quyền không dựa trên một hành động cụ thể hay sở hữu nào đó chẳng hạn như hiệp ước chuyển nhượng mà chỉ đơn thuần trên sự thể hiện liên tục thẩm quyền thì phải gồm hai yếu tố mà mỗi yếu tố này phải được chứng tỏ là có tồn tạiý định và ý chí hành động như chủ quyền, và một thực thi hay thể hiện thực tế nào đó thẩm quyền như thế.” [nhấn mạnh của chúng tôi] (PCIJ, Series A/B, No. 53, pp. 45-46).
[13] Trung Quốc chống chế rằng đó là nghi thức tái khẳng định chủ quyền nhưng không cho biết rõ đã làm nghi thức đầu ở đâu, lúc nào và bằng cách nào.
[14] Theo một vài tác giả như P.A. Lapicque chẳng hạn (A Propos des Iles Paracels, 1929. tr. 8), thì chỉ khoảng 36 tiếng đồng hồ: ngày 6/5/1909, Đô đốc Lý Chuẩn theo lệnh của Tổng đốc Lưỡng Quảng, chỉ huy 3 chiến thuyền đi Hoàng Sa, tới đó ông đổ bộ lên đảo Phú Lâm hồi 6/6 sau đó đi vòng quanh vài đảo khác rồi quay trở lại Quảng Châu vào ngày 7/6. Thật ra, Trung Quốc còn muốn quay trở ngược thời gian sớm hơn vào năm 1279 lúc Quách Thủ Kính thời nhà Nguyên thực hiện đo đạt thiên văn ở biển Đông nhưng họ không có cơ sở vững vàng cho việc này và thậm chí còn tự mâu thuẫn với chính họ (năm 1980 Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng họ Quách thực hiện việc đo đạc ở Hoàng Sa, rồi năm 2012 lại nói ở Scarborough !?).
[15] Trung Quốc cho rằng chính quyền miền Nam (đối lập với chính quyền ở Bắc Kinh) chỉ tái khẳng định lại sự sáp nhập của chính quyền Quảng Đông Trung Hoa Dân quốc năm 1911, tuy nhiên theo lời lẽ trong thông báo năm 1921 chuyển tới chính quyền Hải Nam và huyện Nhai thì điều này có vẻ không hợp lý, nhất là năm 1911 là năm Trung Hoa Dân quốc mới thành lập chưa ổn định được tình hình, ngay cả trong đất liền. Xem Monique C. Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, (The Hague: Kluwer Law International, 2000).
[16] Tham khảo ý kiến của Tòa Công lý Quốc tế trong vụ Chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan: “Cuối cùng tòa nhận thấy rằng các hoạt động do các tư nhân như các ngư dân Indonesia, không thể xem như là effectivités (hiệu lực) nếu các hoạt động này không xảy ra trên cơ sở các quy định chính thức hay theo thẩm quyền của chính phủ. Tòa kết luận rằng những hoạt động mà Indonesia dựa vào không tạo thành những hành động à titre de souverain (theo danh nghĩa chủ quyền) phản ánh ý chí và ý định hành động trong khả năng đó (The Court finally observes that activities by private persons such as Indonesian fishermen, cannot be seen as effectivités if they do not take place on the basis of official regulations or under governmental authority. The Court concludes that the activities relied upon by Indonesia do not constitute acts à titre de souverain reflecting the intention and will to act in that capacity.)” (ICJ Judgment of 17 December 2002).
[17] Tham khảo ý kiến của Tòa Công lý Quốc tế Thường trực trong vụ Tình trạng pháp lý của Eastern Greenland: “… rằng trong nhiều trường hợp tòa vẫn hài lòng với rất ít trong cách thực thi thực sự quyền chủ quyền miễn là nhà nước khác không đưa ra một yêu sách trùm lên. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các yêu sách chủ quyền đối với các khu vực ở các vùng dân cư thưa thớt hay chưa ổn định (…that in many cases the tribunal has been satisfied with very little in the way of the actual exercise of sovereign rights, provided that the other State could not make out a superior claim. This is particularly true in the case of claims to sovereignty over areas in thinly populated or unsettled countries.)” (PCIJ, Series A/B, No. 53, pp. 45-46).
[18] Việc này chủ yếu do Pháp chưa nắm vững rằng Việt Nam đã có chủ quyền và thực thi chủ quyền ở đây từ thời đội Bắc Hải của chúa Nguyễn từ thế kỷ 17.
[19] Xem Thân báo (申報), 19/8/1933.
[20] Xem Monique C. Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, (The Hague: Kluwer Law International, 2000), Annexe 10, tr. 184.
[21] Theo cuốn Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên (我国南海诸岛史料汇编) của Hàn Chấn Hoa (Nxb Phương Đông, Bắc Kinh, 1988, tr. 403), qua phỏng vấn các ngư dân còn sống (năm 1977) các hành động này gồm xé cờ của Pháp, nổ hỏa pháo vào tàu Pháp. Nhưng khi bị chính quyền huyện Văn Xương “truy hỏi” thì thuyền chủ Hoàng Học Hiệu phải hối lộ để các quan chức nhà nước Trung Quốc bỏ qua cho (!).
[22] Thật ra ở đây cũng còn câu hỏi liệu cơ quan in bản đồ và địa danh này có đại diện được cho nhà nước Trung Quốc hay không.
[23] Xem http://www.ndl.go.jp/constitution/e/shiryo/01/002_46/002_46tx.html vàhttp://www.ndl.go.jp/constitution/e/etc/c06.html
[24] Xem Hàn Chấn Hoa, Sđd, Nxb Phương Đông, Bắc Kinh, 1988, tr. 264-265.
[25] Lúc đó chính quyền Pháp tại bản quốc đang bận bịu ổn định đất nước sau chiến tranh, còn chính quyền tại Đông Dương thì phải lo việc giải giáp quân đội Nhật trong đất liền và đối phó với các phe phái của Việt Nam đang chuẩn bị chiến tranh.
[**] Bài viết được sự đóng góp ý kiến quý giá của TS Dương Danh Huy và TS Lê Vĩnh Trương. Tác giả xin chân thành cảm ơn. PVS
Tóm tắt
Từ việc phân tích những lập luận về các “bằng chứng pháp lý” của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa được công bố trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tác giả bài viết bước đầu nhận định:
Bằng chứng để khẳng định rằng dân Trung Quốc phát hiện và đặt tên trước tiên cho các đảo ở Trường Sa là chưa thuyết phục. Do đó, khó có cơ sở để dẫn đến lập luận tiếp theo là Trung Quốc với tư cách nhà nước đã phát hiện quần đảo này đầu tiên như đòi hỏi của luật pháp quốc tế.
Cùng với người dân các nước khác, người dân Trung Quốc với tư cách tư nhân đã từng có mặt ở Trường Sa nhưng Trung Quốc chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục về việc nhà nước Trung Quốc thực thi chủ quyền có hiệu quả ở quần đảo này, dù chỉ là bằng chứng về hành động chiếm hữu tượng trưng với tư cách nhà nước cho đến trước năm 1946.
Bằng chứng về ý định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa cho tới năm 1939 vẫn còn mù mờ. Hành động chiếm cứ đảo Ba Bình vào tháng 12 năm 1946 là bất hợp pháp, do đó các bằng chứng về thực thi chủ quyền từ đó trở về sau là không rõ ràng về mặt pháp lý.
Từ đó, có thể nói, Trung Quốc chưa có bằng chứng pháp lý thuyết phục cho chủ quyền của họ ở quần đảo Trường Sa và cũng không có nhiều triển vọng là họ có thể cung cấp thêm bằng chứng gì thuyết phục hơn.
Abstract
Initial Assessment on “Legal Evidence” of Chinese Sovereignty
over Spratly Islands brought out by Chinese Authorities
From the analysis of the arguments about the “legal evidence” of China for Spratly Islands published on the website of the Ministry of Foreign Affairs of China, the author initially considers that:
Evidence to confirm that the Chinese first discovered and named the islands in the Spratlys is not convinced. Therefore, it is unreasonable to direct to the next argument that China, as a State, first discovered the islands as required by international law.
Along with the people of other countries, the Chinese people were individually present in the Spratlys, but China has not given evidence about the Chinese government effectively enforce sovereignty in the islands, even the evidence of symbolic possession as a state until 1946.
Until in 1939, the evidence of China’s sovereign intention over the Spratly Islands was still unclear. The action of occupying Ba Bình island (Itu Aba) on January 12, 1946 is illegal; as a result, from then on, the evidence of sovereignty enforcement is legally unclear.
From that point, it can be said that China has not persuasively proven its legal sovereignty in the Spratly Islands, and it is unpromising that China is able to provide more convincing evidence.
Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 8-9, 2012, tr. 96-105.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét