Quốc Phương
BBC Việt ngữ
Sử gia Dương Trung Quốc đánh giá cao cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của tác giả Huy Đức, nhưng nói ‘không nên tuyệt đối hóa sự thật’ trong sách và cho rằng thông tin trong tác phẩm có thể ‘mới với số đông’ nhưng không hẳn ‘mới’ với giới sử học trong nước.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hạ tuần tháng 01/2013, Tổng thư Ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho hay ông “không ngạc nhiên” về hiệu ứng của cuốn sách.
Ông nói: “Trước hết, tôi không lấy làm ngạc nhiên về hiệu ứng của cuốn sách trước đông đảo công chúng, không chỉ vì anh sử dụng công cụ hết sức lợi hại là xuất bản trên mạng, khiến cho rất nhiều người có thể tiếp cận rất nhanh.”
Ông Quốc cho rằng cuốn sách ‘hấp dẫn’ khi khắc phục được một nhược điểm của sử học chính thống ở trong nước vốn “vô nhân xưng,” khi để xuất hiện trong tác phẩm điều sử gia gọi là “bóng dáng con người:”
Ông nói: “Cách viết của anh đã khắc phục được một trong những nhược điểm của các công trình sử học, nhất là ở trong nước Việt Nam, là nó có bóng dáng con người.
“Sử học chính thống Việt Nam thường tiếp cận nguyên lý nhiều hơn, đề cập những nguyên lý lớn, những quy luật, nhiều hơn là nói tới số phận, thân phận và ‘cái con người’ mà chúng tôi hay thường gọi là vô nhân xưng.”
Tuy vậy, sử gia nhận xét rằng cách làm này, về mặt thủ pháp, chưa hẳn là mới. Ông nói:
“Đấy là một cái gây hấp dẫn về phương pháp, cách làm này, tôi nghĩ không phải thật mới với thiên hạ.
“Ở Việt Nam, tôi nhớ đến Đặng Phong cũng là người khai thác phươngpháp này, trên cơ sở sử dụng rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trong đó có nguồn tư liệu sống. Nhưng anh chủ yếu đề cập lịch sử kinh tế, như thế nó ít va chạm vấn đề tế nhị hay nhạy cảm như ở Việt Nam hay nói.”
‘Sử hay báo chí?’
Ông Quốc, người cũng là Chủ biên của Tạp chí lịch sử “Xưa và nay,” cho rằng ‘Bên Thắng Cuộc’ tuy có nhiều ‘tư liệu,’ vẫn thiên về ‘báo chí’ nhiều hơn là ‘sử học,’ và dẫn ra một quan niệm để phân biệt.
Ông nói: “Rõ ràng đối với anh Huy Đức, anh ấy đã biết khai thác (thế mạnh) của một cây bút nhà báo. Chúng tôi cũng biết, có một quan điểm cho rằng lịch sử đương đại, lịch sử vẫn còn tác động vào những người, nhân chứng còn sống, hoặc là hậu duệ của họ, hoặc là những hệ lụy xã hội còn tồn tại, thì thường thuộc về báo chí chứ không phải là các nhà sử học kinh điển. Vì thế tôi nghĩ đây là thế mạnh của anh Huy Đức thể hiện trong cuốn sách của mình.”
Sử gia cho rằng cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ không chỉ khắc phục hạn chế “ngại,” “né tránh” các chủ đề “phức tạp,” động chạm “nhạy cảm” của sử học trong nước, hay động chạm tới một diện rộng đối tượng và nhiều lĩnh vực, chủ đề, mà còn “đáp ứng được một nhu cầu” khi đề cập tới những vấn đề của lịch sử “chưa xa lắm.”
Ông nói: “Những vấn đề mà anh nêu lên thực ra động chạm tới rất nhiều con người, thậm chí hàng triệu con người, nhưng dòng sử học chính thống Việt Nam thường né tránh, ít đề cập, hoặc vì nhạy cảm, hoặc không muốn, hoặc phức tạp v.v...
“Cho nên, đó cũng là một hạn chế của dòng sử học chính thống, vì thế nên khi anh đáp ứng được một nhu cầu, đề cập tới những vấn đề lịch sử chưa xa lắm, tác động tới rất nhiều con người, nhiều gia đình... thì phải nói đây là cái mảng không phải là tò mò nữa mà người ta cảm thấy hết sức thiết thực, vì họ có thể nhìn thấy bóng dáng của mình ở trong tất cả những biến cố, những sự kiện ấy.”
‘Hiệu ứng quan trọng’
Ông Quốc nhận xét ‘Bên Thắng Cuộc’ đã “phần nào giữ được khách quan” với tác giả cố gắng “gửi gắm thiện chí” vào cuốn sách, song quan sát các phản ứng đa chiều, ông cho rằng việc cuốn sách “chia sẻ sự thông cảm được tất cả” là rất khó.
Đặc biệt, sử gia nhận xét “hiệu ứng quan trọng nhất” của cuốn sách nằm ở chỗ đã “đánh thức” mọi người, trong đó có giới sử gia chuyên nghiệp và các nhà lãnh đạo về “sự thật” và cung cách ứng xử với nó.
Ông nói: “Hiệu ứng quan trọng nhất đối với chúng tôi khi đọc cái này, nhất là những người làm nghề như chúng tôi là lịch sử là một hiện thực không thể che đậy được.”
Nhân dịp này, ông nêu quan điểm về lịch sử và nói: “Nó (lịch sử) có thể bị quên lãng lúc này, hoặc bị ít quan tâm đến, nhưng chắc chắn nó vẫn tồn tại trong ký ức, trong trải nghiệm của rất nhiều con người. Và nếu chúng ta không có một ý thức dám nhìn thẳng vào sự thật, để nhìn nhận nó trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nó, phân tích để rút ra những bài học, bài học tốt, bài học không tốt, bài học xấu, thì chúng ta luôn luôn có nợ với lịch sử.”
Trở lại với ‘Bên Thắng Cuộc’, sử gia nói: “Nó cũng đánh thức những người có trách nhiệm nên nhìn vào những vấn đề rất phức tạp, rất phong phú của lịch sử Việt Nam hiện đại, trải qua thời gian không dài, nhưng còn bề bộn những công việc mà chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo.”
“Cuốn sách của anh Huy Đức là một điều nhắc nhở là làm sao cho chúng ta dám giữ được một quan điểm dũng cảm là nhìn thẳng vào sự thật và nếu mục tiêu chúng ta mong muốn là những điều tốt đẹp thì chỉ bao giờ giải quyết được, hóa giải quá khứ, thì chúng ta mới có thể hướng tới một mục tiêu tốt đẹp như chúng ta mong muốn được mà thôi.”
‘Sự thực lịch sử?’
Khi được hỏi liệu các “sự thực lịch sử” được cuốn sách cung cấp, đề chút nhưng tư liệu tôi thấy là không có gì mới cả, ít nhất là cá nhân tôi. Nhưng (với) nhiều số đông thì nó là mới bởi vì các bạn trẻ, các bạn chưa bao giờ có cơ hội để tiếp cận những vấn đề đó.”
Bình luận về những gì có thể được xem xét là “sự thực lịch sử” hay không trong cuốn sách, sử gia cho rằng ở đây cần nhắc tới một nguyên tắc là “cố gắng tiếp cận”, ông nói:
“Những vấn đề mà anh Huy Đức nêu lên là anh đang tiếp cận với cái đó, cố gắng đưa ra những bằng chứng, đưa ra cách phân tích để có thể chia sẻ với mọi người, chứ tôi không nghĩ rằng cuốn sách của anh là nói sự thật.
“Mục tiêu muốn tìm ra sự thật thì điều đó tôi cho là có thể có, có thể thấy được, thế nhưng bảo đấy là sự thật thì chưa hẳn. Nó có thể là một cuốn sách thôi, cuốn sách của một người viết thôi, về những vấn đề nhiều người quan tâm.”
Ông Quốc cho rằng cuốn sách có vai trò như “một cú hích,” nhưng ông nhấn mạnh đây mới là “một sự khởi đầu,” sử gia nói:
“Tôi cũng rất muốn là nhân cơ hội này, như cú hích, để mọi người cùng quan tâm nghiên cứu với sự nghiêm túc, với thiện chí đối với tương lai, thì tôi nghĩ lịch sử sẽ sáng tỏ hơn. Thế còn cuốn sách này, tôi nghĩ, nó chỉ là một sự khởi đầu, tôi cũng đánh giá là cao.”
‘Về độ tin cậy’
Khi được hỏi có chi tiết nào, “sử liệu nào” trong cuốn sách, đối với riêng sử gia, cần phải được đặc biệt lưu ý để bàn lại về độ chính xác, chân xác và tin cậy, ông Dương Trung Quốc nói:
“Những vấn đề anh đề cập tới rất nhạy cảm, cho nên việc tiếp cận tương đối toàn diện các nguồn tư liệu chắc không đơn giản, còn khó khăn đằng khác.”
Sử gia cho rằng những điều mà ‘Bên Thắng Cuộc’ trình bày và cung cấp “không dựa trên một nghiên cứu toàn diện,” nhưng theo ông việc tác giả đã “khơi ra, nêu ra” được các vấn đề “đã là quý.”
Đề cập một trong những khía cạnh gây tranh cãi của cuốn sách là các cuộc phỏng vấn mà cuốn sách cho hay do tác giả thực hiện, ông Quốc nhận xét:
“Nếu đi vào cụ thể, một trong những mảng mà anh Huy Đức sử dụng nhiều nhất, mà cũng gây ấn tượng, có hiệu ứng nhiều nhất là những hồi ức và những phỏng vấn. Chúng ta biết rằng việc sử dụng những lời phỏng vấn là rất phức tạp.
“Hoặc thậm chí công bố như thế có đúng không? Và không những như thế, những người còn sống và những người hậu duệ của những người đã mất họ mới có bản quyền đối với cái đó.
Sử gia cho rằng việc vận dụng thủ pháp dựa trên trích dẫn các lời phỏng vấn này cần phải được “hết sức thận trọng” vì theo ông một mặt nó có thể “gây hiệu ứng” rất cao với độc giả, nhưng mặt khác cũng đòi hỏi “một sự thẩm định.”
Ông Dương Trung Quốc nói: “Tôi rất tin cậy anh Huy Đức với tư cách anh ấy là một nhà báo mà tôi quen biết, nhưng mà khi đã đưa vào một cuốn sách mang tính chất lịch sử như cuốn sách này, thì sự thận trọng về việc sử dụng tư liệu, tôi cho là hết sức quan trọng, nhất là bản quyền đối với những lời trả lời phỏng vấn.”
Cuối cùng, trong một đánh giá có tính tổng quan ông Quốc nói: “Cho nên tôi nghĩ rằng ở đây, chúng ta ghi nhận những nỗ lực của anh Huy Đức thôi, nhưng đừng tuyệt đối hóa đó là sự thật. Mà quan trọng là làm cho mọi người đều quan tâm đến nó và tiếp cận nó một cách hết sức nghiêm túc.
“Và cùng với thời gian, chúng ta sẽ tiếp cận gần nhất sự thật mà chúng ta mong muốn, không phải với ý thức là phê phán quá khứ mà quan trọng nhất là tìm ra những bài học tốt cho hiện tại và tương lai,” sử gia nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét