Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Tiểu thuyết nổi tiếng “Búp sen xanh” bị đánh cắp bản quyền


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một đề tài lớn thu hút sự sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ. Năm 1982, tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng được NXB Kim Đồng xuất bản ngay lập tức đã gây tiếng vang lớn. Đến nay, sau độ lùi mấy chục năm, Búp sen xanh - cuốn tiểu thuyết đầu tiên về đề tài thủa niên thiếu của Bác Hồ vẫn liên tục được tái bản. Có điều, Anh hùng Lao động, người thương binh đã viết nên tác phẩm nổi tiếng lại không được thừa hưởng đầy đủ và trọn vẹn thành quả lao động sáng tạo của mình, bởi vì, cuốn tiểu thuyết ngang nhiên bị “ăn cắp”bản quyền. Giữa khi cận kề dịp kỷ niệm Ngày Thương binh -Liệt sĩ Việt Nam, gia đình người thương binh Sơn Tùng càng thêm buồn về sự việc vi phạm bản quyền này.

Con đường sáng tạo của nhà văn Sơn Tùng có thể nói đã đóng lại kể từ giữa năm 2010, khi ông đột ngột lâm trọng bệnh. Cộng thêm vết thương tái phát nên người thương binh hạng 1/4 Sơn Tùng có những thời điểm ra vào bệnh viện thường xuyên. Dù bị tai biến nặng, phải nằm liệt giường, nhưng những lúc tỉnh táo, hễ ai hỏi đến tác phẩm nào của ông được bạn đọc chào đón nhất thì ông cũng nói ngay: “Búp sen xanh”. Hỏi tiếp: Bác có nhớ do nhà xuất bản nào in? thì ông cũng đáp liền: “Kim Đồng”.

Điều này thật dễ hiểu vì để có được tiểu thuyết Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng đã bắt tay vào công việc tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn là chàng thanh niên 18 tuổi. Ngay từ sau cách mạng tháng Tám, và trong những năm kháng chiến chống Pháp, Sơn Tùng đã tìm đến những người thân trong gia đình Bác Hồ để tìm hiểu, ghi chép tư liệu. Trong suốt nhiều năm tháng chống Pháp rồi chống Mỹ tiếp theo, trên khắp nẻo đường làm báo, nhà văn Sơn Tùng đều chăm chỉ  chắp nhặt ghi chép các tư liệu, câu chuyện của những con người, sự việc có liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt hơn 34 năm trời cần mẫn tích lũy, đãi cát tìm vàng, cho đến năm 1980, nhà văn Sơn Tùng bắt tay vào viết tiểu thuyết Búp sen xanh. 


Búp sen xanh – cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài Hồ Chủ tịch bị NXB Thời đại xâm phạm bản quyền.

Năm 1982, tiểu thuyết Búp sen xanh được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Thế là, lần đầu tiên một cuốn tiểu thuyết về thủa niên thiếu của một vĩ nhân lớn - Bác Hồ đã xuất hiện. Bỗng chốc, nhiều độc giả lớn tuổi lùng mua cho bằng được cuốn tiểu thuyết do một nhà xuất bản chỉ chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi phát hành. Đến nay, hiếm thấy một cuốn tiểu thuyết nào được tái bản nhiều lần như Búp sen xanh. Theo con số cung cấp của gia đình nhà văn Sơn Tùng thì Búp sen xanh đã được tái bản khoảng 30 lần với số lượng ngót triệu bản được dịch ra tiếng Anh. Và chính nhà văn Sơn Tùng dựa trên những tư liệu viết nên Búp sen xanh đã viết kịch bản để dựng thành bộ phim truyện nhựa đầu tiên nổi tiếng về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, tái bản liên tục và phát hành với số lượng “khủng” như vậy chắc có lẽ doanh thu của tác giả lớn lắm? Nhiều người suy đoán và bản thân chúng tôi cũng nghĩ vậy. Thế nhưng, thật kinh ngạc khi chúng tôi được bà Phan Hồng Mai – vợ nhà văn Sơn Tùng và anh Bùi Sơn Định – con trai nhà văn cho biết: Dù Búp sen xanh vẫn bán ngập trên thị trường và tái bản đến mấy lần từ năm 2013 đến quý 2/2014 nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, gia đình không thu được một đồng nhuận bút nào. Bà Phan Hồng Mai mở sổ ghi chép thu – chi và cho biết: Năm 2012, gia đình nhà văn Sơn Tùng nhận được 26 triệu đồng tiền nhuận bút xuất bản Búp sen xanh; năm 2013 thu được 13 triệu tiền nhuận bút tác phẩm Búp sen xanh…

Từ ngạc nhiên nên chúng tôi đề nghị anh Bùi Sơn Định cung cấp thông tin cho rõ thêm. Anh Định lấy cho chúng tôi xem bản “Hợp đồng sử dụng tác phẩm” ký ngày 24/12/2010 giữa NXB Kim Đồng và bà Phan Hồng Mai – đại diện nhà văn Sơn Tùng. Theo đó, NXB Kim Đồng được độc quyền xuất bản tác phẩm Búp sen xanh trong thời gian 10 năm từ 2010 đến hết 31/12/2020. Về phía gia đình nhà văn được nhận 13% giá bìa cho mỗi lần xuất bản.

Tiếp đó, anh Định lấy cho chúng tôi xem 3 cuốn Búp sen xanh do NXB Thời đại ấn hành vào năm 2013 và quý 1, quý 2 của năm 2014. Chúng tôi hỏi anh Định: “Trong gia đình anh có ai đồng ý cho NXB Thời đại xuất bản Búp sen xanh không?”. Anh Định lắc đầu và nói: “Ngày 16/1/2014, ông Nguyễn Thanh – Phó Giám đốc NXB Thời đại có đến thăm nhà văn Sơn Tùng và đề nghị cho phép được xuất bản Búp sen xanh nhưng tôi trả lời là gia đình đã ký hợp đồng độc quyền xuất bản với NXB Kim Đồng rồi nên không thể đồng ý”.

Chúng tôi mượn anh Định ba cuốn Búp sen xanh do NXB Thời đại ấn hành và đến NXB Kim Đồng. Cả ba vị lãnh đạo (Giám đốc và 2  Phó Giám đốc) của NXB Kim Đồng đều khẳng định: NXB Kim Đồng chưa từng có văn bản đồng ý hoặc nhượng quyền xuất bản tiểu thuyết Búp sen xanh cho NXB Thời đại.

Trớ trêu thay cho Anh hùng Lao động, nhà văn nổi tiếng, người thương binh nặng hạng 1/4 Sơn Tùng. Những tháng năm cuối của cuộc đời sống giữa cảnh nghèo, nằm liệt giường, tất cả tiền sinh hoạt và chữa bệnh trông vào tiền lương, phụ cấp ít ỏi vốn đã eo hẹp chỉ mong có thêm chút ít tiền nhuận bút sách do mình viết ra lại bị người ta cướp mất vì vi phạm bản quyền.

Từ Khôi – Kiều Khải

1 nhận xét:

  1. Việc xâm phạm bản quyền tác giả ở nước ta đã trên mức nguy hiểm. Không còn thước đo nào nữa. Điều trớ trêu là pháp luật không được thực thi với những kẻ sai phạm

    Trả lờiXóa