Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

"Bạn vàng" quyết tận diệt ngư dân của "đồng chí"

Nếu như nhiều năm trước đây lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông là nhắm vào ngư dân Việt Nam, thì nay đối tượng chính của quyết định chận bắt tàu thuyền tại Biển Đông cũng chính là ngư dân Việt Nam.

Chỉ có khác hơn là mức độ trấn áp nhắm vào ngư dân Việt Nam của Trung Quốc ngày càng thường xuyên hơn, hung hăng hơn, với nhiều đội quân chấp pháp trang bị ngày càng hiện đại hơn để  sẽ mau chóng tiến tới cái ngày mà Trung Quốc mong muốn là "sạch bóng ngư dân Việt Nam trên Biển Đông".

Tham khảo hai bài viết ở hai thời điểm (tháng 12/2012 và tháng 12/2010) nói về quyết định chận bắt tàu thuyền và lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông để thấy rõ ý đồ thâm độc và đê tiện của ông "bạn vàng".


Ngư dân Việt Nam là đối tượng chính của quyết định chận bắt tàu thuyền tại Biển Đông




Trọng Nghĩa

Bị các nước láng giềng và Hoa Kỳ chất vấn trên quyết định của tỉnh Hải Nam sẽ trao cho lực lượng biên phòng quyền chặn giữ tàu thuyền xâm nhập trái phép vùng Biển Đông mà Trung Quốc tự nhận là thuộc chủ quyền của mình, Bắc Kinh đã lên tiếng thanh minh, cho rằng quyết định đó không cản trở quyền tự do hàng hải trong vùng. Thế nhưng, một quan chức tỉnh Hải Nam đã công khai thừa nhận ý đồ của quyết định đó là tăng cường năng lực khống chế các quần đảo nằm bên trong đường lưỡi bò, với ngư dân Việt Nam là đối tượng bị nhắm trước tiên.

Theo nhật báo Mỹ The New York Times, số ra ngày hôm qua, 01/12/2012, trong một cuộc phỏng vấn dành cho phái viên tờ báo tại Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, ông Ngô Sĩ Tồn, Tổng giám đốc Sở Ngoại vụ của tỉnh này xác nhận rằng các quy định mới sẽ được áp dụng kể từ đầu tháng Giêng năm 2013 trên toàn bộ các hòn đảo nằm rải rác trên Biển Đông và các lãnh hải xung quanh.

Đó là hàng trăm hòn đảo hay bãi đá ngầm hoặc nổi, thuộc các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa nằm bên trong tấm bản đồ ‘lưỡi bò’ mà Bắc Kinh đang sử dụng để khoanh vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc ngoài Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền trên một số đảo của các láng giềng, từ Việt Nam, Philippines, cho đến Malaysia, Brunei.

Quan chức tỉnh Hải Nam này giải thích là với quyết định mới đó, lực lượng công an biên phòng chỉ được phép chặn giữ, lên tàu lục soát và trục xuất các tàu thuyền ngoại quốc, nếu các chiếc tàu này có hoạt động phi pháp và ở bên trong khu vực lãnh hải 12 hải lý chung quanh các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền.

Thế nhưng nhân vật này không ngần ngại nói rõ : “Phạm vi áp dụng bao trùm toàn bộ các hòn đảo hay bãi đá nằm bên trong đường chín đoạn và các vùng biển lân cận”.

Xin nhắc lại từ ngữ “đường 9 đoạn” chỉ tấm bản đồ lưỡi bò, vẽ ra từ thập niên 1940 dưới thời Quốc dân đảng, xác định chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc trên hơn 80% Biển Đông. Từ năm 2009, tấm bản đồ này được Bắc Kinh dùng làm cơ sở cho các yêu sách hiện tại của Trung Quốc. Một số quốc gia láng giềng đã cực lực chỉ trích Bắc Kinh sau vụ Trung Quốc vừa cho in tấm bản đồ này trên hộ chiếu mới của họ. Không chỉ thế, Việt Nam còn từ chối đóng dấu thị thực nhập cảnh vào loại hộ chiếu “lưỡi bò” này, mà chủ trương cấp visa rời cho khách Trung Quốc đến Việt Nam.

Chính Việt Nam là đối tượng đầu tiên bị Trung Quốc nhắm tới qua quyết định của tỉnh Hải Nam trao quyền khám soát tàu ngoại quốc cho lực lượng biên phòng.

Quan chức tỉnh Hải Nam Ngô Sĩ Tồn đã công khai khẳng định với báo New York Times là mục tiêu trước mắt của quyết định mới này là nhằm đối phó với điều mà ông gọi là hoạt động bất hợp pháp của tàu đánh cá Việt Nam trong vùng biển xung quanh đảo Vĩnh Hưng (mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm), thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi được Trung Quốc gần đây chọn để đặt trụ sở thành phố Tam Sa, đơn vị hành chánh cai quản toàn bộ Biển Đông, cũng như bản doanh đơn vị quân đội đồn trú trong vùng.

Sau khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền miền Nam Việt Nam vào năm 1974, Trung Quốc đã không ngừng xác lập tình trạng đã rồi, bất chấp các phản đối của Việt Nam. Một trong những hành động được Trung Quốc áp dụng xuyên suốt trong thời gian gần đây là chận bắt, đánh đuổi, tịch thu, thậm chí đâm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam đến đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa, vốn là ngư trường truyền thống của dân miền Trung Việt Nam.
Theo báo New York Times, các láng giềng của Trung Quốc đang tố cáo việc Bắc Kinh sử dụng đảo Vĩnh Hưng/Phú Lâm và “thành phố Tam Sa”, làm tiền đồn nhằm tiến xuống khống chế cả vùng Biển Đông.

Tuyên bố của lãnh đạo Sở Ngoại vụ Hải Nam có thể được cho là quan điểm của chính quyền trung ương tại Bắc Kinh. Lý do là vì ông Ngô Sĩ Tồn đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, trụ sở tại Hải Nam. Viện này là một trong những cơ quan tham vấn cho Chính quyền Trung Quốc về chính sách áp dụng tại Biển Đông.



“Tinh thần đồng chí” Việt-Trung và Biển Đông

2010-12-23
Chúng ta thường nghe nói Việt Nam và Trung Quốc “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Photo courtesy of Lyson Forum
Công an biên phòng Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2009.
Thế nhưng trong phạm trù tranh chấp Biển Đông chưa có chứng cớ thuyết phục rằng “tinh thần đồng chí, anh em” Việt-Trung đã từng làm cho Trung Quốc đối xử với Việt Nam một cách hữu nghị, hay tôn trọng, hay công bằng hơn với các nước Đông Nam Á khác trong tranh chấp.
Thậm chí, có thể cho rằng Trung Quốc đã lấn lướt Việt Nam nhiều hơn lấn lướt những nước Đông Nam Á trong tranh chấp không phải là đồng chí với nước này.

Việc cấm đánh cá

Trong phỏng vấn trên báo Tiền Phong Online  ngày 20/5/2010, một thuyền trưởng ở Quảng Ngãi trả lời về việc Trung Quốc cấm đánh cá năm nay như sau,
“Từ ngày lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực, chúng tôi phải dạt ra xa quần đảo Hoàng Sa đến 200 - 300 hải lý mới dám đánh bắt. Họ cấm ở tọa độ 12 độ vĩ bắc tới 113 độ kinh đông kéo dài gần đảo Hải Nam đến tận Nha Trang chẳng khác nào “bịt” đường ra biển của ngư dân chúng tôi. Trong khi đó, mùa này cá thường tìm về khu vực có các rạn san hô như ở đảo Hải Nam, Hoàng Sa nếu không được đánh bắt ở đây thì sản lượng sẽ giảm đáng kể” - ông Bay nói.
Qua lời ông Bay nói, chúng ta có thể hiểu được rằng vùng cấm đánh cá nằm phía Bắc kinh độ 112 Bắc và phía Tây kinh độ 113 Đông. Thí dụ, ông Bay nói vùng Trung Quốc cấm đánh cá kéo dài gần đảo Hải Nam đến tận Nha Trang.

ddh2-305.jpg
Bản đồ 1: Vùng Trung Quốc cấm đánh cá hầu như chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam. Photo courtesy of seasfoundation.org

Vẽ kinh độ 113 Đông (đường đen đậm dọc) và vĩ độ 12 Bắc (đường đen đậm ngang) lên bản đồ với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (các đốm xanh lá cây là lãnh hải 12 hải lý thuộc các đảo này) và phạm vi 200 hải lý từ các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp (các đường xanh da trời) cho thấy rõ sự tính toán của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc nới rộng vùng cấm đánh cá xuống phía Nam vĩ độ 12 Bắc, thì việc cấm đánh cá sẽ ảnh hưởng đến vùng biển lân cận các đảo Trường Sa mà Philippines đòi hỏi chủ quyền, tức là có thể ảnh hưởng đến Philippines, hoặc sẽ ảnh hưởng đến vùng biển cách bờ Việt Nam hơn 200 hải lý, nơi tất cả các nước trên thế giới có thể có quyền đánh cá, tức là sẽ ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới ngoài Việt Nam.
Nếu Trung Quốc nới rộng vùng cấm đánh cá sang phía Đông của kinh dộ 113 Đông, thì việc cấm đánh cá sẽ ảnh hưởng đến vùng biển cách bờ Việt Nam hơn 200 hải lý, nơi tất cả các nước trên thế giới có thể có quyền đánh cá, tức là sẽ ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới ngoài Việt Nam.
Như vậy, kinh độ 113 Đông và vĩ độ 12 Bắc là kinh độ và vĩ độ làm cho việc cấm đánh cá không ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới ngoài Việt Nam. Chỉ có Việt Nam bị ảnh hưởng:
-Vùng cấm đánh cá phủ trùm lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam, 

-không phủ trùm lên vùng biển lân cận các đảo Trường Sa mà Philippines, Malaysia và Brunei đòi hỏi chủ quyền,

-không phủ trùm lên vùng đặc quyền kinh tế thuộc lãnh thổ không bị tranh chấp của các nước Đông Nam Á khác,

-không phủ trùm lên vùng biển mà tất cả các nước trên thế giới có thể có quyền đánh cá.
Như vậy, Trung Quốc đã thiết kế phạm vi vùng cấm đánh cá với mục đích xâm phạm chủ quyền Việt Nam, và xâm phạm một cách tối đa, trong khi làm sao cho các nước khác ngoài Việt Nam không bị ảnh hưởng.

Tranh chấp dầu khí




ddh1-305.jpg
Bản đồ 2: Trung Quốc áp lực BP rút khỏi dự án tại các vùng Mộc Tinh (5-03), Hải Thạch (5-02) và ký hợp đồng khảo sát với Crestone trong vùng Tư Chính - Vũng Mây. Photo courtesy of seasfoundation.org



Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP phải rút lui khỏi các dự án dầu khí Mộc Tinh, Hải Thạch với vốn 2 tỷ USD với Việt Nam. Hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch nằm trong lô 05-3, 05-2 trong Bản đồ 2 và được đánh dấu bằng các ký hiệu M, H trong Bản đồ 1.
Hai vùng này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nằm gần các nhóm đảo Côn Sơn, Phú Quý hơn quần đảo Trường Sa, vốn trong tình trạng tranh chấp chủ quyền.
Điều đáng lưu ý là Trung Quốc chưa bao giờ phản đối hay gây áp lực buộc các tập đoàn dầu khí quốc tế rút lui khỏi các dự án với Indonesia, Malaysia, Brunei trong các vùng biển tương đương của các nước này. Mặc dù năm 2009 Trung Quốc có phản đối dự án dầu khí của Philippines tại vùng Reed Bank, cho tới nay chưa có tập đoàn dầu khí quốc tế nào phải rút lui ra khỏi các dự án với Philippines vì áp lực của Trung Quốc.
Tiếp tục đi ngược thời gian, vào năm 1992 Trung Quốc ký hợp đồng khảo sát dầu khí với Crestone trong vùng Tư Chính – Vũng Mây (đường tím trong Bản đồ 1). Khu vực cụ thể của hợp đồng này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng tránh thềm lục địa của Indonesia cũng như các yêu sách thềm lục địa  của Malaysia (đường cam trong Bản đồ 1) và Brunei. Một lần nữa, Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam trong khi tránh đụng chạm đến các nước Đông Nam Á khác trong tranh chấp.
Cho tới nay, ngoài hợp đồng với Crestone trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc chưa hề đơn phương ký hợp đồng với nước thứ ba trong vùng đặc quyền kinh tế của nước Đông Nam Á nào khác, hay trong vùng biển Trường Sa, mà các nước này có thể đòi hỏi chủ quyền.

Quyền lợi và cơ hội được đặt trên tình đồng chí

Như vậy, mặc dù tồn tại mệnh đề Việt Nam và Trung Quốc “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, Trung Quốc lại lấn lướt Việt Nam nhiều hơn lấn lướt các nước Đông Nam Á khác.
Lịch sử cho thấy Trung Quốc luôn luôn đặt quyền lợi của mình lên trên bất cứ tinh thần xã hội chủ nghĩa quốc tế nào và Trung Quốc thường tận dụng những cơ hội nước này có.
Yếu tố quyền lợi
Tham vọng của Trung Quốc để chiếm đoạt tất cả Hoàng Sa, Trường Sa và 80% Biển Đông bao hàm quá nhiều quyền lợi để có thể bị ràng buộc bởi tình đồng chí. Không những thế, có thể nói rằng tham vọng đó nằm trong ý thức của Trung Quốc còn sâu hơn cả ý thức hệ: nó bắt đầu từ chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, ngày nay Đài Loan cũng có tham vọng đó, và trong khi Trung Quốc trải qua những quan niệm khác nhau về xã hội chủ nghĩa thì tham vọng đó cũng không thay đổi.
Trong khi đó, chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông là chướng ngại vật mà Trung Quốc phải đè bẹp trên đường tiến xuống phía Nam tại Biển Đông. Nếu chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đứng vững thì Trung Quốc khó có cơ sở lý lẽ hay sự kiểm soát trên thực tế để đối đầu với các nước Đông Nam Á khác trong phạm trù tranh chấp chủ quyền.
Đối với Trung Quốc, mặc dù nước này và Việt Nam có cùng ý thức hệ, vai trò của Việt Nam trên thực tế hoàn toàn không hơn gì bất cứ nước Đông Nam Á nào khác cho quyền lợi chiến lược của Trung Quốc.
Yếu tố cơ hội
So với các nước trong khu vực và các cường quốc, về sức mạnh nói chung, sức mạnh quân sự nói riêng, và đặc biệt là về hải quân, ngày nay là lúc Trung Quốc mạnh nhất trong nhiều thế kỷ. Điều này cộng với sự yếu kém riêng lẻ của các nước Đông Nam Á trong tranh chấp, và với việc hiện nay các nước này chưa tạo được sức mạnh tập thể, là cơ hội ngàn năm một thuở cho Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam còn thế cô hơn những nước Đông Nam Á khác trong tranh chấp – điều này tạo thêm cơ hội để Trung Quốc lấn lướt Việt Nam.

Hệ quả và thực tế

Với các yếu tố quyền lợi, cơ hội như trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi, mặc dù tồn tại mệnh đề Việt Nam và Trung Quốc “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, Trung Quốc lại lấn lướt Việt Nam nhiều hơn lấn lướt các nước Đông Nam Á khác.
Nếu Việt Nam là anh em với Trung Quốc thì trên thực tế có vẻ như là Việt Nam có vai em. Trong khi đó, lịch sử lại cho thấy Trung Quốc khó có thể là một người anh tốt với Việt Nam. Một người anh xấu sẽ hà hiếp người em thế cô trước khi bắt nạt những người hàng xóm có đồng minh. Trong khi đó, quan hệ “anh em” lại gây ra những rào cản cho cho việc vận động cộng đồng ủng hộ quyền lợi chính đáng của người em.
Việt Nam nên nhìn nhận thực tế là Trung Quốc đã, đang và sẽ luôn luôn đặt tham vọng chiếm đoạt tất cả Hoàng Sa, Trường Sa và 80% Biển Đông lên trên bất cứ tinh thần đồng chí, anh em nào. Tinh thần đồng chí, anh em đó đã không, không, và sẽ không bao giờ là bùa hộ mạng cho chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và phần Biển Đông của mình.
Tệ hơn, việc tin tuởng hoặc thể hiện như tin tuởng vào tinh thần đồng chí, anh em này sẽ làm Việt Nam càng cô độc hơn trên thế giới.
Điều duy nhất có thể bảo tồn chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và phần Biển Đông của mình là mỗi người Việt Nam, từ người dân đến lãnh đạo, làm tất cả những gì mình có thể.
Cũng có thể có ý kiến cho rằng con đường “vừa là đồng chí, vừa là anh em” với Trung Quốc có thể đem lại lợi ích nào đó trong phạm trù nào đó khác với tranh chấp Biển Đông và có thể tránh bớt những khó khăn mà Trung Quốc có thể gây ra cho Việt Nam. Nhưng ngay cả trong ý kiến đó thì khái niệm “có thể tránh bớt những khó khăn mà Trung Quốc có thể gây ra cho Việt Nam” cũng nói lên một sự bắt nạt nào đó mà bất cứ dân tộc nào có tinh thần độc lập cũng phải tìm cách thoát khỏi. Và trong phạm trù tranh chấp Biển Đông chắc chắn là con đường đó sẽ dẫn đến cái chết cho chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và ở Biển Đông.
Vì vậy, một trong những câu hỏi mà dân tộc Việt Nam, từ người dân đến lãnh đạo, phải trả lời là: chúng ta có nên chọn con đường “vừa là đồng chí, vừa là anh em” đó hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét