Trần Bảo Hưng
Hồ Hoàn Kiếm là một khu vực đặc biệt quan trọng không chỉ đối với nhân dân trong nước mà còn là địa chỉ không thể không tới của bạn bè thế giới khi đến thăm Việt Nam. Khách quốc tế gọi Hồ Hoàn Kiếm là lẵng hoa giữa lòng thành phố, còn người Việt Nam khi trở về với thủ đô nhất định phải đến Hồ Hoàn Kiếm dạo bước quanh hồ, thăm Tháp Bút, Đài Nghiên, Cầu Thế Húc, Đền Ngọc Sơn… và chụp dăm ba kiểu ảnh làm kỷ niệm. Đối với người dân Việt Nam Hồ Hoàn Kiếm đâu chỉ đẹp mà còn là một mảnh đất linh thiêng.
|
Mọi công trình xây dựng quanh Hồ Gươm cần được cân nhắc cẩn trọng
Ảnh: Hoàng Long
Thời Pháp thuộc, có lẽ nhận thấy giá trị lịch sử - văn hoá - cảnh quan của Hồ Hoàn Kiếm mà người Pháp đã có quy định: Tất cả các công trình kiến trúc xung quanh Hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận không được cao hơn trụ sở Ngân hàng quốc gia, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn. Khu vực sát Bờ Hồ không được cao quá 3 tầng. Thực tế các công trình xây dựng thời kỳ đó đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định này: Nhà bưu điện Bờ Hồ cũ, ga tàu điện cũ (nay là công trình gọi là Hàm cá mập nằm trên vị trí đất này), rồi nhà hàng Hồng Vân - Long Vân, Thuỷ Tạ, một loạt nhà hàng, công trình kiến trúc trên phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay… Tất cả đều lấp ló dưới tán cây, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp. Công trình lớn nhất thời Pháp quanh Hồ Hoàn Kiếm là nhà hàng Gô Đa (sau này ta đổi là Bách hoá tổng hợp) cũng được xây dựng theo quy ước này.
Cách đây mấy năm khi Hồ Hoàn Kiếm chưa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (mà tôi nói đùa "Hồ Hoàn Kiếm chỉ là di tích cấp quận” trong một bài báo đăng trên Đại Đoàn Kết), tất cả các công trình xây dựng xung quanh Hồ Hoàn Kiếm đều bị công luận xét nét kỹ càng, đều phải thay đổi cho phù hợp hoặc đình chỉ xây dựng. Có thể kể tên một số công trình như: Tràng Tiền Plaza (xây dựng trên nền Bách hoá tổng hợp), Khách sạn Hà Nội Vàng (trên đường Lê Thái Tổ)… đều phải xây thấp hơn thiết kế và xây giật cấp. Hàm cá mập phải gọt bớt. Khách sạn 12 tầng (dự kiến xây dựng trên nền nhà Khai trí Tiến Đức) do Bộ VH-TT liên doanh với Tổng cục du lịch (khi đó Tổng cục là cơ quan thuộc Chính phủ) đã không thể tiến hành. Rất tiếc là một số công trình đã "lọt lưới” như: Bưu điện Bờ Hồ (mới), trụ sở UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Bảo Việt, trụ sở báo Nhân dân (quay lưng ra Hồ Hoàn Kiếm hiện cho ngân hàng ANZ thuê… đã tạo nên những "miếng vá” xấu xí quanh Hồ Hoàn Kiếm.
Đầu năm 2009, trong cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận”, có một số ý tưởng được trao giải cao như mở rộng khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bằng cách đập bỏ hoàn toàn các công trình từ Hàm cá mập đến hiệu sách Quốc văn, tạo cảnh thông thoáng tới tận phố Cầu Gỗ, thay đổi công năng trụ sở UBND TP.Hà Nội (chuyển trụ sở UBND TP. Hà Nội đi chỗ khác); mở đường thông từ Bờ Hồ qua báo Nhân dân sang phố Hàng Trống… Tất nhiên vì nhiều lý do các ý tưởng tốt đẹp này chưa được thực hiện. Nhưng ta thử tưởng tượng xem, nếu ý tưởng này được thực hiện thì cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm sẽ thoáng đãng, đẹp đẽ biết chừng nào.
Đấy là những chuyện khi Hồ Hoàn Kiếm chưa được xếp loại là di tích quốc gia đặc biệt (mà Hồ Hoàn Kiếm ôm trong lòng nó 2 di tích lịch sử quốc gia là Đền Ngọc Sơn và Tượng đài Vua Lê). Cho nên bây giờ ứng xử với Hồ Gươm càng phải hết sức thận trọng. Theo chúng tôi không nên xây dựng quanh Hồ Hoàn Kiếm bất cứ công trình kiến trúc nào, vì bất cứ lý do gì, tất nhiên là kể cả Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm, mà còn cần dỡ bỏ những công trình vi phạm cảnh quan, làm xấu khu vực hết sức thiêng liêng và nhạy cảm này. Nếu chúng ta đi qua Hồ Hoàn Kiếm vào thứ 7 hoặc chủ nhật thì mới thấy khu vực Hồ Gươm chật chội như thế nào: xe du lịch, tàu điện du lịch, xích lô du lịch… rồi người đi bộ chen vai thích cánh trên một diện tích nhỏ hẹp, mà rồi đây du lịch còn phát triển hơn nữa, thì có lẽ Hồ Hoàn Kiếm sẽ là một địa chỉ ùn tắc quanh năm.
Hãy để cho Hồ Hoàn Kiếm dễ thở hơn! Hãy để cho người dân Hà Nội và khách du lịch được thảnh thơi dạo quanh bờ hồ, thưởng ngoạn cảnh đẹp và hít thở không khí trong lành. Vì vậy hãy đừng xây dựng thêm bất cứ công trình nào ở đây nữa!.
|
Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014
Hãy để cho Hồ Hoàn Kiếm dễ thở hơn
Nhãn:
Báo chí,
Đại Đoàn Kết,
Lịch sử,
Môi trường,
Văn hóa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét