N.A là một nhân vật thành danh lĩnh vực của mình - và đó là lý do cô gửi đến cho Lao Động một lá thư khuyết danh. Không tên nhân vật, không tên cơ quan. Cô không muốn động chạm đến ai. Nhưng chính cái tâm lý "không muốn động chạm" ấy là điều khiến cho cô dằn vặt. Ở nhiều cơ quan, khi một lãnh đạo muốn sống yên ổn, không va chạm, chính là lúc họ có lỗi với rất nhiều người - những cấp dưới đang chờ đợi một người biết chiến đấu để bảo vệ quyền lợi cho những lao động nhỏ bé.
Gửi em, người em tôi chưa kịp nói lời xin lỗi,
Có thể nói số phận đã đưa tôi gặp em vì lúc đầu tôi không hề thích em do em trông quá đỏm dáng và có vẻ không yêu thích gì công việc. Nhưng vì tôi chỉ có 1 lá phiếu nên em đã trúng tuyển. Thời gian đầu tôi rất đau đầu với em vì em có vẻ không thân thiện và không chuyên tâm vào công việc. Trong thâm tâm em còn nuối tiếc công việc cũ mà em đã xin nghỉ để qua bên tôi làm việc. Vẻ ngoài tiểu thư và lạnh lùng của em làm tôi nghĩ em là cô bé con nhà giàu, nhờ quen biết mà vào cơ quan tôi chỉ để kiếm chỗ yên thân, nhàn hạ.
Tôi vốn là một người Sếp giao nhiệm vụ gì thì làm, cố gắng vui vẻ, hòa thuận với mọi người. Nếu sếp thấy vậy là đủ thì may, nếu sếp thấy chưa đủ cũng đành chịu vì chả biết làm thế nào hơn. Nhiều người thương hại tôi thiệt thòi nhưng tôi thấy thiệt một chút mà thanh thản còn hơn.
Đến một ngày, tôi bỗng dưng thành sếp, do lãnh đạo muốn đẩy tôi khỏi vị trí hiện tại vì nếu tôi còn ở đó thì không thể bổ nhiệm người thân tín. Tôi cũng muốn được thử sức nên chấp nhận. Cả đời lần đầu tiên được tuyển người nên tôi khá hồi hộp, thấy mình cũng oai oai. Nhưng đến khi họp cái gọi là Ban tuyển dụng tôi mới biết cái quyền của mình chả đáng kể gì. Các thí sinh đã qua hai vòng thi tuyển dụng mà không liên quan gì đến yêu cầu công việc, đến vòng cuối trưởng đơn vị mới được tham dự cùng sếp và đại diện công đoàn, tức là chỉ có 1 phiếu. Nói cách khác, ý kiến của người sử dụng lao động chẳng có mấy giá trị. Sau này tôi mới hiểu, tuyển dụng có nhiều góc khuất nên tất nhiên chúng tôi không can thiệp được.
Tâm lý ấy đã khiến tôi quy kết và thiếu thiện cảm khi em bước vào cơ quan.
Nhưng dần dần tôi phát hiện ra hoàn cảnh em hoàn toàn không như tôi tưởng. Gia đình em khá nghèo, bố em phải đi làm xa để ba mẹ con tự chăm sóc nhau. Mẹ em lại không có học nên không chia sẻ với em được, thành ra em trở thành trụ cột gia đình. Hồi sinh viên em đã có một mối tình nồng thắm với một chàng trai dễ thương, tâm đầu ý hợp, chỉ còn chờ em tốt nghiệp để tổ chức đám cưới. Những tưởng sự cô đơn, thiếu thốn tình cảm trong gia đình của em sẽ được bù đắp bằng hạnh phúc riêng, nhưng Trời chẳng chiều người. Khi em chuẩn bị tốt nghiệp thì người yêu đổ bệnh, đi khám hóa ra anh bị ung thư giai đoạn cuối. Lâu sau này em mới kể với tôi trong nước mắt: “Chúng em còn trẻ quá, chẳng biết gì. Bố mẹ anh ấy cứ giấu nên khi thấy mọi người đến thăm cho anh ấy nhiều tiền, hai đứa lại còn hí hửng: “Cứ ốm thế này thì chẳng mấy chốc đủ tiền tổ chức đám cưới, không cần lo tiết kiệm nữa”. Đến khi hiểu ra thi đã muộn mất rồi”. Mặc dù anh ấy không còn nhưng vài tháng một lần, em vẫn về thăm bố mẹ anh vì em bảo: “Anh ấy là con trai một, hai bác buồn lắm. Em về thăm cho hai bác đỡ cô đơn”. Em cũng không quen biết ai khi xin vào cơ quan tôi, em trúng tuyển chắc vì sếp tôi thích nhân viên trông sáng sủa.
Khi hiểu hoàn cảnh của em, quan hệ của chúng tôi gần gũi hơn. Tính em thích độc lập nên tôi giao cho em phụ trách riêng một mảng công việc, chỉ kiểm tra kết quả và em làm khá tốt. Được tin cậy, em trở nên yêu thích công việc và tỏ ra khá hài lòng, làm tôi cũng yên tâm. Tôi chân thành thương mến em cũng như những thành viên trẻ khác trong đơn vị, những mong chúng tôi sẽ hợp tác lâu dài để cùng phát triển công việc chung. Em cũng nhiều lần bảo tôi, gia cảnh em không nhiều thuận lợi nên em chỉ mong được làm việc ổn định ở đây.
Nhưng hóa ra tôi và em đều không học được chữ ngờ. Tôi cứ nghĩ được giao việc chỉ cần cố gắng hoàn thành cho tốt, không tranh giành với ai là sẽ được yên. Ai ngờ chúng tôi lại thành công quá, đối tác hỏi liên tục, doanh thu tăng nhanh, các đơn vị khác bắt đầu nhòm ngó… Thế là tự dưng các đối tác tìm đến được đưa sang các đơn vị khác, những việc chúng tôi đang làm dần được chuyển đi, chỉ những gì nơi khác làm không được mới trả lại chúng tôi. Chiếc thòng lọng cứ thắt dần quanh cổ chúng tôi, hỏi thì không bao giờ được một câu trả lời rõ ràng, làm chúng tôi rất bức bối…
Một ngày đẹp trời sếp gọi tôi lên nói là cơ quan có hướng phát triển một đơn vị mới, sẽ đưa bộ phận của tôi sáp nhập vào đó.
Tôi bàng hoàng vì trong 3 năm qua, chúng tôi là một trong những đơn vị phát triển nhanh nhất, tự xây dựng được một cơ sở vật chất rất đàng hoàng dù không được trợ giúp gì. Hỏi ra mới biết trưởng đơn vị mới là “gà” của sếp nên sếp muốn thâu tóm cơ sở vật chất của chúng tôi để nuôi “gà” nhà. Đấy là lý do dù toàn thể bộ tứ của cơ quan đều phản đối vì bất bình giùm tôi và không tin tưởng ‘gà mới” nhưng sếp vẫn quyết. Và thế là một vụ Đoàn Văn Vươn nữa đã xảy ra trong cơ quan tôi.
Thời gian sau đó tôi đã nhiều lần định bỏ đi nhưng lại thấy rõ là nếu tôi đi, công việc chúng tôi mất 3 năm gây dựng sẽ tan vỡ rất nhanh vì “gà” của sếp dù rất tham vọng nhưng lại không hiểu biết gì về lĩnh vưc này. Anh ta không phải người tệ, chỉ là người thiển cận và tham vọng, cộng thêm văn hóa ứng xử quá kém trong khi nhân viên của tôi toàn nữ và đã quen được tôn trọng nên rất làm việc rất khó khăn. Được cái tôi không ham muốn chức quyền mà chỉ lo làm việc nên cuối cùng cũng thu xếp tạm ổn. Nhưng các nhân viên thì khó chịu nhiều vì không làm gì được tôi, anh ta quay sang nghi kỵ nhân viên. Tôi cố khuyên bảo các em lựa mà sống vì tôi sẽ sớm nghỉ, còn các em phải làm lâu, nên giữ hòa khí. Tôi vẫn biết với riêng em sẽ khó hơn những người khác vì em cá tính, phong cách sống lại khác xa người sếp kia nên cũng kín đáo khuyên em, nếu có dip nên xin qua các bộ phận khác. Tuy nhiên, chúng tôi đều biết anh ta sẽ khó để chuyện đó xảy ra.
Một ngày tôi nhận đươc email của em, nói là em xin lỗi tôi vì em không thể ở lại với tôi được nữa vì với chính sách hiện nay của cơ quan, em sẽ không có cơ hội phát triển. Vài năm nữa, khi tôi nghỉ, em sẽ không thể chấp nhận làm việc với người sếp kia. Bây giờ em đang có cơ hội ở một cơ quan khác, nơi chuyên môn của em sẽ được phát huy. Em rất cám ơn những gì tôi đã làm cho em nhưng mong tôi thông cảm. Em nói là dù gặp tôi hàng ngày nhưng em không đủ can đảm nói trực tiếp với tôi…
Khỏi nói tôi đã buồn thế nào vì các em đã như người thân của tôi. Nhưng tôi chỉ biết trả lời rằng, em làm vậy là đúng, tôi ủng hộ em và sẽ tạo mọi điều kiện để em chuyển việc được thuận lợi. Tôi còn tổ chức liên hoan vui vẻ chia tay em, chúc em thành công trong công việc mới.
Tôi đã không đủ can đảm nói lời xin lỗi em. Khi đến với tôi, em chỉ là cô bé mới ra trường, gần như chưa có kinh nghiệm gì. Em đã tận tụy làm việc với tôi, những mong tìm được một công việc ổn định, vui vẻ để khỏa lấp những nỗi buồn riêng. Tôi cứ tưởng mình cứ sống đàng hoàng, tử tế, chấp nhận thua thiệt để được thanh thản là xong nhưng tôi quên rằng, khi chấp nhận làm sếp tôi còn có trách nhiệm với những nhân viên đã tin tưởng mình. Đời em đã nhiều không may, tôi lại còn chất chồng thêm nữa.
Xin lỗi em, cô bé đã từng tin tưởng tôi mà tôi lại không che chở cho em được. Cầu mong em tìm được người sếp tốt hơn tôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét