Không sai khi nói rằng, càng dấn bước sâu vào xã hội internet, tư duy chúng ta càng dễ dàng bị xao lãng. Nhưng không thể đổ lỗi cho mạng, càng không thể đổ lỗi cho sự phong nhiêu của dòng chảy thông tin trong thời đại số. Cuối cùng, vấn đề lại nằm ở chỗ con người.
Sự hưng phấn của dân tộc tính sẽ làm cho chúng ta quên đi, bỏ qua những tồn đọng trong đời sống xã hội chăng? - Ảnh: Việt Linh/baomoi.com
Sự việc cô gái 18 tuổi quê Nam Định Nguyễn Cao Kỳ Duyên đoạt giải Hoa hậu Việt Nam 2014 đã gây ra những đợt phản ứng mạnh mẽ trên cộng đồng mạng mấy hôm nay. Nhiều ý kiến bày tỏ sự bất đồng với quyết định ứng viên trao vương miện của ban tổ chức cuộc thi này. Chuyện xưa như trái đất. Năm nào thi hoa hậu mà chẳng có thị phi. Thậm chí thị phi còn theo chân những người từng đội vương miện “đại diện cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam” mãi cho đến sau này. Kể ra thì làm hoa hậu cũng chẳng sung sướng gì nhưng các cô gái đẹp cứ thế xếp hàng đăng ký thi để có chuyện cho dư luận cứ thế năm này qua tháng khác cứ thế bàn tán chuyện đẹp xấu, đúng sai, thông minh hay kém cỏi, gương mẫu hay bê tha. Những cuộc thi người đẹp vẫn diễn ra nơi này nơi kia, nếu không làm được gì thì ít ra cũng mang lại một chút mãn nhãn cho quý ông ưa thích ngắm nghía, cũng có gì đó tạm gọi là màu sắc cho đời sống tinh thần hãy còn nghèo nàn. Gần đây, Việt Nam cũng gởi người đẹp đi thi ở các cuộc thi hoa hậu thế giới. Tuy là chưa có năm nào những người đẹp Việt Nam tiến được vào vòng danh sách rút gọn, nhưng cũng cho thấy một điều, cái gọi là màu cờ sắc áo, tự hào dân tộc, giới thiệu hình ảnh dân tộc cũng được gửi gắm qua hình ảnh những người đẹp lắm lắm.
Từ bao giờ chúng ta đặt nặng những thứ danh dự hay thành tích vui vẻ phù phiếm và bỏ qua hay xem nhẹ những lãnh vực gắn liền với phẩm chất tri thức và sáng tạo, những can hệ trực tiếp đối với vận mệnh và sự phát triển của đất nước?
Cũng thế, bóng đá Việt Nam có lẽ là lĩnh vực đủ sức kích hoạt cái gọi là màu cờ sắc áo; là chỗ gửi gắm niềm tin, nguồn hứng thú sống của đại chúng. Mấy mươi năm cứ loay hoay với những giải “khu vực của khu vực”, nhưng chẳng hiểu sao nền bóng đá lại có lắm chuyện để luận bàn quanh năm đến như vậy; hết cầu thủ bán độ, đánh bạc thì đến nghi án khai man tuổi, hết cổ động viên ẩu đả nhau trên khán đài thì đến chuyện thay đổi huấn luyện viên… Chẳng biết đến khi bóng đá Việt Nam đứng vào hàng chuyên nghiệp thế giới thì chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể lúc đó sự lên máu tự hào dân tộc, sự hưng phấn của dân tộc tính sẽ làm cho chúng ta quên đi, bỏ qua những tồn đọng trong đời sống xã hội chăng?
Lẽ dĩ nhiên, một người đẹp hay một đội bóng đến từ Việt Nam được xướng danh trên các cuộc thi thố quốc tế thì cũng là điều hay, nhưng liệu đó có phải là tất cả hình ảnh mà một quốc gia muốn tạo dựng? Trong khi đó, vì sao câu chuyện học sinh Việt Nam thăng hạng hay tụt hạng trong các kỳ thi Olympic quốc tế, những người trẻ nỗ lực học hỏi sáng tạo để đưa những giá trị Việt Nam ra toàn cầu thì dường như không đủ sức lôi kéo sự bận tâm của đại chúng và những nhà điều hành xã hội đến như vậy? Từ bao giờ chúng ta đặt nặng những thứ danh dự hay thành tích vui vẻ phù phiếm và bỏ qua hay xem nhẹ những lãnh vực gắn liền với phẩm chất tri thức và sáng tạo, những can hệ trực tiếp đối với vận mệnh và sự phát triển của đất nước?
Một blogger bị bắt để tiến hành điều tra. Bản tin đó được trích dẫn từ cơ quan công quyền và sử dụng lại trên nhiều mặt báo một cách khô khan, chưa đủ để người đọc có thể hình dung đường dây sự thật phía sau câu chuyện. Nhưng cũng ngay trong đêm đó, bản tin nhanh chóng bị chìm đi bởi những cuộc tranh luận hoa hậu, những niềm tự hào vì đội tuyển Việt Nam vừa đá thắng một đội bóng không phải là mạnh trong một giải bóng đá khu vực. Đám đông ngoài phố hăng say xuống đường “đi bão” mừng chiến thắng, ca vang những bài hát ca ngợi Việt Nam hào hùng. Đám đông khác trên mạng thì đang tranh luận chuyện cô tân hoa hậu đẹp hay xấu, trả lời ứng xử hay, dở. Rất sôi nổi nhưng cũng thật trôi nổi đến vong thân.
Và lúc đó, sự xao lãng diễn ra. Khi đời sống tinh thần của số đông lập tức được hóa giải một cách dễ dãi, chẳng ai bận tâm đến những vấn nạn xã hội đang xảy ra bên cạnh mình, những tệ đoan đang kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Sự xao lãng trong trường hợp này thật là tai hại. Không phải bởi mạng internet. Nhưng bởi bầu khí rữa nát nhân tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét