Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Xây trung tâm thông tin văn hóa hồ gươm là trái quy hoạch?

Xây Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm: Không thể mọi sự tính sau 

Từ Khôi

Tiếp theo số báo 349 ngày 15-12, bài viết này chúng tôi cung cấp thêm tới bạn đọc căn cứ để cho rằng: Dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm cần có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.  


Điểm số 6 (khu vực Hồ Gươm) trên bản vẽ quy hoạch "Khung thiết kế đô thị” được đánh dấu * là ký hiệu xây dựng quảng trường lịch sử văn hoá

Ngày 26-7-2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1259/QĐ – TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Có thể khẳng định một cách chắc chắn: Đây là bản quy hoạch công phu và tỷ mỉ nhất về Hà Nội tới thời điểm này của giới kiến trúc sư Việt Nam (do Bộ Xây dựng chủ trì) với liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman - Hoa Kỳ, POSCO E&C và JINA - Hàn Quốc). 

"Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là 4 mục tiêu mà Quyết định số 1259/QĐ – TTg của Thủ tướng đặt ra. Mục tiêu cũng được nêu rõ: "Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường”. 

Năm 2010, tại Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo Đại Đoàn Kết phối hợp với Văn phòng BCĐ Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tổ chức toạ đàm "Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hoá ở Thủ đô Hà Nội (trường hợp quy hoạch chung thủ đô Hà Nội 2030, tầm nhìn 2050)”. Tại buổi toạ đàm, KTS Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đã giới thiệu việc bảo tồn di sản đặc biệt được chú trọng trong khu vực nội đô. Theo đó, khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ… 

Quyết định 1259/QĐ – TTg của Thủ tướng cũng nêu rõ khu vực nội đô lịch sử cần "tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người”. Việc định hướng bảo tồn di sản văn hóa lịch sử và thiên nhiên được quy định: "Khu vực nội đô lịch sử hạn chế phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú, bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy các giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa – lịch sử - tôn giáo, kiến trúc đặc trưng các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô; Các di tích lịch sử, văn hóa, các thành cổ, làng cổ, di tích cách mạng, tôn giáo tín ngưỡng, … được khoanh vùng bảo vệ và có quy chế kiểm soát chặt chẽ các hoạt động bảo tồn di tích, hoạt động xây dựng và hoạt động tham quan khác”. 

Việc bảo tồn di sản ở khu vực di tích Đền Ngọc Sơn và Khu vực Hồ Hoàn Kiếm đã được thể hiện qua nhiều bản quy hoạch. Tại bản vẽ quy hoạch "Định hướng phát triển không gian khu vực nội đô”, khu vực có vị trí đất của số 2 phố Lê Thái Tổ là cây xanh và đầu mối hạ tầng. Tại bản vẽ "Khung thiết kế đô thị” khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận được ưu tiên xây dựng quảng trường văn hoá, lịch sử. Tại 2 bản vẽ "Định hướng quy hoạch giao thông công cộng” và "Định hướng quy hoạch giao thông khu vực nội đô” khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm có tuyến  tàu điện đô thị. 

Trước đó, tại bản vẽ "Quy hoạch sử dụng đất” của Kiến trúc sư trưởng thành phố quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm kèm theo Quyết định số 96/2000/QĐ-UB ngày 7-11-2000 của UBND TP. Hà Nội (Phó KTS trưởng TP. Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm ký ngày 20-11-2000) thì khu vực đất số 2 Lê Thái Tổ được sử dụng làm đất cây xanh, công viên, rải cách ly.

Như vậy, trong tất cả các bản quy hoạch, từ chi tiết sử dụng đất của quận Hoàn Kiếm tới quy hoạch chung Hà Nội thì đều ưu tiên việc bảo tồn di sản, xây dựng quảng trường lịch sử văn hoá tại khu vực Đền Ngọc Sơn và Khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Việc xây dựng ở đây phải giảm mật độ, giảm độ cao…

Môi trường xanh cũng đã được UBND TP. Hà Nội chú trọng. Mới đây, ngày 24-9-2014, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 4924/QĐ-UB về việc "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030”. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu tăng tỷ lệ bình quân cây xanh từ 2 m2 lên 10-12 m2/người.

Đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ bình quân cây xanh lên gấp 6 lần hiện tại thì dễ chứ thực hiện không hề đơn giản, nhất là khu vực nội đô lịch sử. KTS Trần Trọng Hanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Ở khu vực Hồ Gươm này, một mét vuông không gian công cộng cũng rất quý. 

Đền Ngọc Sơn và Khu vực Hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, với loại hình di tích lịch sử danh lam thắng cảnh. Để gìn giữ yếu tố "danh lam thắng cảnh” của khu vực Hồ Hoàn Kiếm và để góp phần thực hiện quy hoạch chi tiết và quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, thiết tưởng rằng giá trị đem lại của Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm sẽ là vô cùng nhỏ bé so với việc quy hoạch tại đây một không gian công cộng, khu công viên cây xanh tiếp nối quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… 

Khoản 2 Điều 37 Luật Di sản quy định: Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa. Với di tích, di vật cho dù chưa được biết tới, chưa được công nhận còn vậy, huống gì là một cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, đẹp đẽ và linh thiêng như Hồ Hoàn Kiếm hiển hiện trước mắt người dân Việt Nam và bạn bè thế giới lại bị UBND quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội ứng xử "vội vã” quyết tâm xây dựng bằng được?

Vẽ diện mạo quy hoạch chung Thủ đô cho đẹp trên giấy đã khó, thực hiện đúng theo quy hoạch còn khó hơn gấp bội. Nếu Dự án Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm được xây dựng thì sẽ là tiền lệ xấu để nhiều công trình khác trong Khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận tiếp tục được xây dựng. Và vô hình trung, quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được xây dựng với bao mồ hôi công sức, tiền của sẽ dần dần bị phá sản. Việc phát triển đô thị vùng Thủ đô Hà Nội sẽ lại như "vết dầu loang” như từ trước đến nay diễn ra: cứ xây rồi mọi sự tính sau.

Tại sao UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội - những đơn vị phối hợp, lập hồ sơ và thẩm định quy hoạch cùng Bộ Xây dựng và đối tác liên danh đã xây dựng nên bản quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 lại đi làm khác quy hoạch khi triển khai dự án xây dựng tại số 2 Lê Thái Tổ?

Thế nên, Dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm rất cần có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét