Không quá khó để thấy rằng việc tiếp cận
thông tin về đất đai trong rất nhiều năm qua ở Việt Nam luôn là vấn đề nhức
nhối của mọi người dân kể cả của nhà chức trách. Sự tù mù này đã khiến cho đất
đai trở thành một trong những lĩnh vực phát sinh tham nhũng hàng đầu, khiến tỷ
lệ khiếu kiện của người dân trở nên cao ngất, kéo dài và hết sức phức tạp.
Không ít cán bộ công chức nắm giữ đặc quyền thông tin đất đai đã trở nên giàu
có bất thường. Trong khi một bộ phận không nhỏ nông dân, đối tượng chủ yếu bị
ảnh hường bởi sự điều chỉnh đất đai, không được hưởng đúng mức những thành quả
phát triển, bị nghèo hóa, phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi quỹ đất nông
nghiệp thu hẹp vượt quá khả năng thích ứng của họ. Thực
trạng và nguyên nhân từ hệ lụy thiếu minh bạch trong thông tin, quản lý và sử
dụng đất đai bất cập nhiều năm qua đã được không ít các nghiên cứu của Ngân
hàng Thế giới (WB), Liên Minh Đất Đai (LANDA), cũng như của các cơ quan chức
năng thuộc Chính phủ Việt Nam chỉ ra khá cụ thể và cầu thị. Trong đó đáng chú ý
là các nhận xét liên quan tới những chính sách, pháp luật về đất đai còn bất
cập. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất vẫn là tình trạng có luật, có chính sách đúng
đắn nhưng khi thi hành lại có vấn đề từ trên xuống dưới, bị chi phối và lệch
lạc bởi lợi ích cá nhân. Mà đặc biệt là ở các cấp cơ sở, nơi va chạm trực tiếp
tới các quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất. Vẫn đang tồn tại một
thực trạng thiếu công khai, minh bạch, không coi trọng ý kiến, lợi ích chính
đáng của người dân khi xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và Công dân trong việc
thực hiện các chính sách liên quan tới đất đai. Đáng quan ngại và đang được xem
là điểm tắt nghẽn ở mức báo động là tình trạng cố tình “ém” thông tin về đất
đai ở cấp cơ sở xã, phường, quận, huyện…. để trục lợi.
Trong
xu hướng giải quyết thực trạng trên, đáng mừng là Luật Đất Đai 2013 đã thực sự
chú ý tới các quy định cụ thể nhằm chuyển đổi phương thức từ thể chế quản lý
sang thế chế quản trị đất đai. Trong đó coi trọng cả hai mặt, trách nhiệm giải
trình của cơ quan công quyền cũng như sự tham gia giám sát của người dân, của các
tổ chức xã hội. Luật Đất Đai 2013 có nhiều quy định mới theo hướng tăng cường
hơn sự giám sát, đánh gía của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
(MTTQ) cùng các tổ chức thành viên, và của nhân dân trong việc quản lý, sử dụng
đất đai, giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý
vi phạm pháp luật về đất đai. Đặc biệt, có các quy định về quyền giám sát của
công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có thông tin minh bạch
về đất đai, cũng được đề cập cụ thể hơn. Như vậy, có thể thấy những quy định
khung nhằm hạn chế tối đa sự trục lợi, những bất cập đã và đang hiện hữu, ở một
góc độ nào đã góp phần không nhỏ làm ảnh hưởng xấu tới an sinh xã hội, quản lý
trật tự trị an từ địa phương cho tới tầm vóc quốc gia đang được chỉ đích danh
và có lộ trình rõ ràng để khắc phục.
Tuy
nhiên để luật pháp có thể đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thật sự cho quốc
gia, xã hội và mỗi công dân, bên cạnh việc đòi hỏi các cơ quan công quyền, cán
bộ công chức phải nghiêm túc tuân thủ pháp luật, mạnh mẽ cải cách theo tinh
thần “nhà nước phục vụ dân” thay cho thái độ sai trái “cai trị dân”, còn phải
triển khai tốt các mô hình giám sát cộng đồng hiệu quả, đúng quy định của pháp
luật. Bởi đơn giản, tiếng nói đơn lẻ của từng người dân tuy đúng, cũng khó tạo
nên áp lực khiến chính quyền buộc phải xem xét các yêu cầu hợp pháp cũng như
coi trọng các nguyên tắc dân chủ vốn là nghĩa vụ bắt buộc mà mọi cơ quan công
quyền trong một nhà nước phục vụ dân phải tuân thủ.
Có
thể thấy rằng các mô hình giám sát cộng đồng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ
sở… nhiều năm qua đang được áp dụng khá hiệu quả ở không ít địa phương. Tuy nhiên
để “luật hóa” và hệ thống hóa các quy định cho từng lĩnh vực cụ thể, nhất là
các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, chưa được các cơ quan chức năng quan tâm
đúng mức. Mà cụ thể trong lĩnh vực đất đai là tình trạng bưng bít thông tin,
cấm đoán vô lý cố tình làm cho “dân không biết” nên “không thể bàn, không thể
kiểm tra” trong lĩnh vực có liên quan tới một bộ phận không nhỏ cộng đồng cư
dân địa phương là một thực trạng khá phổ biến và rất nhức nhối.
Những
năm gần đây vai trò của giám sát cộng đồng đang được nhà nước và xã hội quan
tâm nhiều hơn. Coi trọng và từng bước thúc đầy, hoàn thiện mô hình này để triển
khai phổ biến ở nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực là một trong những hướng
đi tích cực nhằm hiện thực hóa tốt nhất quan điểm nâng cao trách nhiệm giải
trình của cơ quan công quyền. Song song với tăng cường vai trò tham gia giám
sát của người dân trên hầu hết các lĩnh vực có ảnh hưởng tới cộng đồng. Trong
thực tế, một số mô hình đồng thuận trong quản lý, sử dụng đất đai ở cơ sở đang
phát huy tác dụng tốt. Khi dân chủ ở cơ sở được phát huy, tiếng nói của người
dân được tôn trọng, chính quyền hành xử đúng pháp luật thì không ít các vướng
mắc, tồn đọng lê thê, phức tạp trong lĩnh vực đất đai đều được giải quyết khá
ổn thỏa, các bên đều hài lòng, việc thực thi pháp luật trở nên hiệu quả góp
phần không nhỏ củng cố niềm tin, an sinh xã hội cho người dân và đảm bảo trật
tự trị an trên địa bàn.
Có
thể khẳng định rằng vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng các tổ chức thành
viên là hết sức quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện các mô hình giám sát
cộng đồng ở khu dân cư, từ địa phương cho tới tầm vóc quốc gia. Với vai trò, vị
trí được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật hiện hành, MTTQ cùng các tổ chức thành viên của mình có quyền
hạn và trách nhiệm cùng với nhà nước và nhân dân tham gia xây dựng hệ thống
giám sát xã hội hiệu quả từ cơ sở tới trung ương trên mọi lĩnh vực có tác động
tới an sinh xã hội, tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hơn ai hết, hệ
thống chân rết hiện hữu từ trung ương tới tận khu dân cư, khu phố, thôn xóm,
bản làng của MTTQ đã tạo ra thế mạnh để tổ chức này thực hiện tốt nhất vai trò,
sứ mạng tham gia giám sát và phản biện xã hội hiện thực hóa quan điểm xây dựng
nhà nước pháp quyền, nhà nước phục vụ dân thay cho nhà nước cai trị dân.
Mặt
khác, cũng cần phải nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ MTTQ các cấp cũng
như cho mọi công dân về các quyền và nghĩa vụ của mình bên cạnh việc trang bị
các kiến thức, kỹ năng cụ thể, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế để có
đủ năng lực thực hành giám sát, kiểm tra một cách hiệu quả. Một
xã hội công khai, một chính quyền minh bạch chắc chắn sẽ tạo được lòng tin của
người dân. Kể cả trong lĩnh vực được cho là phức tạp, rối rắm và nhiều tiêu cực
kéo dài như đất đai chẳng hạn.
Hữu Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét