Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Thư ngỏ gửi UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): “Chưa được công nhận” không có nghĩa là có thể ứng xử tùy tiện với di tích lịch sử

LTS: Sau khi đăng loạt bài xung quanh dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội), ĐĐK đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, trong đó có ý kiến của giới chuyên ngành kiến trúc, xây dựng, văn hóa, lịch sử. Số báo này, chúng tôi xin giới thiệu thư ngỏ của NGƯT Vũ Thế Khôi gửi UBND Q.Hoàn Kiếm - với nội dung liên quan.

Nhà giáo ưu tú  Vũ Thế Khôi


Hoành phi "Hoằng Thiện kinh đàn”  trong kho gỗ thải đền Ngọc Sơn

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có là di tích lịch sử đáng phải tôn trọng không? Chúng tôi xin cung cấp một số thông tin có thể những người có trách nhiệm phê duyệt Dự án xây dựng Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm chưa biết hoặc chưa tường tận.

Tại vị trí này hai lãnh tụ văn thân yêu nước chống Pháp đã bị bọn thực dân chém đầu thị chúng, đó là cử nhânTạ Văn Đình (1874) và cử nhân Nguyễn Cao (1887). Điều này mọi người đều biết vì các nhà Hà Nội học đã viết nhiều. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chính báo Nhân Dân đã đề nghị dựng một tấm bia tưởng niệm hai vị liệt sĩ tại quảng trường này.

Nhưng nội hàm lịch sử của quảng trường này không phải chỉ có vậy. Quảng trường này có thể gọi là cầu nối đền Ngọc Sơn trên Hồ Gươm với Trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại số 10 và nhà Thục trưởng Lương Văn Can ở số 4 cũ phố Hàng Đào thành một cụm di tích. Điều này còn ít người biết, xin nói rõ hơn.

Đền Ngọc Sơn do Hội Hướng Thiện sáng lập năm 1841 không phải để thờ Tam giáo hay Tam thánh như một số người đã viết chỉ căn cứ hiện trạng tượng thờ, mới hình thành dần dần hồi đầu thế kỷ XX. Các sĩ phu Hà thành lập ngôi đền này chủ yếu làm trung tâm hoạt động chấn hưng văn hóa và giáo dục Thăng Long - Hà Nội. Các hoạt động khai hóa của Hội như mở tư thục (riêng ở khu vực xung quanh và lân cận Hồ Gươm đã có đến 13 trường!), khắc in sách, giảng kinh đạo lý cổ truyền theo định hướng "trung ư dân” - trung với dân và "vụ dân chi nghĩa” - nghĩa vụ lo cho dân (Vũ Tông Phan - Văn bia miếu Thần Hỏa, 30 Hàng Điếu). Nhờ vậy "ngôi đền văn minh” (Hoàng Đạo Thúy) đã góp phần chuẩn bị tổ chức (các trường, hội đoàn) và nhân sự cho phong trào văn thân, Duy tân - Nghĩa thục: cụ Cử Nguyễn Huy Đức là môn sinh của Hội trưởng Hướng Thiện Vũ Tông Phan, Lương Văn Can lại là môn sinh của thày Nguyễn Huy Đức; cụ cử Nguyễn Hữu Cầu, Trưởng ban tu thư của ĐKNT là cháu nội tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, đồng chí của ông Nghè Phan v.v… 

Năm 1865, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, nhân trùng tu và tân tạo đền Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Siêu, Hội trưởng Hướng Thiện thứ hai cho dựng một tấm bia đá lớn cuối đình Trấn Ba mới xây nói rõ việc đặt tên đình như vậy là "ngụ ý làm cột trụ ngăn sóng lớn”.  "Sóng lớn” đây, căn cứ Phương Đình tùy bút, Thần Siêu ám chỉ "đạo Tây Dương”, thời bấy giờ đang dẫn đường cho quân xâm lược. Năm 1873 khi quân Pháp tấn công Hà Nội lần thứ nhất, văn đoàn huyện Thọ Xương với nòng cốt là Văn hội Thọ Xương và Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn (đều do cụ Bảng Siêu chủ trì cho đến khi mất vào năm 1872), đã tham gia đánh lại bọn Jean Dupuis. Trong chiến dịch giặc Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai 1882 - 1883 nghĩa đoàn Thọ Xương còn chủ động tập kích chiếm lại phủ Hoài để làm lễ ra mắt Thống tướng Hoàng Kế Viêm và xin được đứng dưới cờ. Trong cuộc khởi nghĩa của sư Vương Quốc Chính năm 1898, cháu gọi Hội trưởng Hướng Thiện Vũ Tông Phan bằng bác ruột, giáo học làng Mậu Hòa Vũ Như Đẩu được cử làm Tán tương quân vụ và cầm đầu cánh quân làm lễ tế lá cờ "Triệt Nguyễn, bình Tây ” ở đình hàng tổng Sấu - Giá, rồi kéo quân qua Cầu Đơ đánh vào Ngọc Hà.

Sau khi phong trào kháng chiến của văn thân dần dần thất bại, trí thức Nho học thay đổi phương lược cứu nước: trước hết phải khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh. Năm 1903 khi Phan Chu Trinh khởi động phong trào Duy Tân ở Quảng Nam, thì Cụ Nghè Ngô Đức Kế và cụ Bảng Nguyễn Sinh Sắc (có Nguyễn Tất Thành theo hầu), ra Hà Nội gặp các cụ Lương Văn Can và Võ Hoành; cũng năm 1903 này Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền, Đoàn Triển… tham gia dựng Hoằng Thiện kinh đàn trong đền Ngọc Sơn (nơi hiện nay bị chiếm dụng kinh doanh văn hóa phẩm!) để giảng bài kinh "giáng bút” của Đức Thánh Trần răn dạy giữ lòng trung hiếu (ở bia còn trong Đền ghi việc này có khắc tên 3 vị trên). Mối dây liên hệ trực tiếp giữa đền Ngọc Sơn và Đông Kinh Nghĩa Thục đã thiết lập như vậy. Đền Ngọc Sơn trở thành diễn đàn chính của Đông Kinh Nghĩa Thục. Rằm tháng Giêng 1907, 3 tháng trước khi Trường khai giảng ở số 10 cũ Hàng Đào, tại cuộc tụ hội ở đình Trấn Ba, 2 tân cử nhân Hán học trẻ măng là Lương Trúc Đàm, con trai Lương Văn Can, và Dương Bá Trạc đã đăng đàn diễn thuyết, hô hào bỏ khoa cử Nho học, noi gương Nhật Bản duy tân.

Đông Kinh Nghĩa Thục có vai trò quan trọng đến mức nào đối với công cuộc vận động cách mạng của dân tộc ta, có thể thấy qua sự kiện sau đây: giáp Tết 1946, Tết độc lập đầu tiên, việc nước còn bề bộn, Hồ Chủ tịch đến thăm hai nơi: đàn Hoằng Thiện đền Ngọc Sơn và tư gia Thục trưởng Lương Văn Can. Bởi vậy, trong lần viếng thăm đền Ngọc Sơn trước khi mất ít lâu, cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã đề nghị trả lại gian giảng đàn Hoằng Thiện làm nơi trưng bày các ván khắc của Hội Hướng Thiện, tư liệu về Đông Kinh Nghĩa Thục và đặt tại đây tượng Hồ Chủ tịch và các cụ cử Can, Hoàng giáp Hiền (Tiền Phong, 8-2-2011).

Nay kính thư
Hà Nội, 30-11- 2014

1 nhận xét:

  1. Có xây thì chúng tớ mới có tí lại quả mà xơi chứ,còn không thì cạp đất mà ăn à....

    Trả lờiXóa