Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Xây Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm: Cần ý kiến chính thức từ Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL

Từ Khôi - Báo Đại Đoàn Kết
Không ngẫu nhiên mà trong những ngày này dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm lại thu hút được sự quan tâm của công luận và giới chuyên môn đến thế. Đơn giản vì Hồ Gươm là một địa danh thiêng liêng của Thủ đô và cả nước. Và bất cứ một sự việc gì liên quan tới thay đổi cảnh quan ở đây đều mang một ý nghĩa to lớn.


Bên ngoài khu vực dự định xây dựng Trung tâm thông tin 
văn hóa Hồ Gươm
Ảnh: Hoàng Long

Mọi sự tưởng như an bài khi ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 25-11 là dự án đã được phê duyệt với sự nhất trí của Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố. Ông Hùng cũng khẳng định dự án không phải xin ý kiến của Bộ VHTTDL trước khi làm. Cách phát biểu có vẻ như chưa được cân nhắc đầy đủ này chỉ phù hợp khi di tích Đền Ngọc Sơn và Khu vực Hồ Hoàn Kiếm là di tích cấp tỉnh, thành phố chứ không phải di tích quốc gia đặc biệt. Chúng tôi cho rằng: Nếu không có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL mà cứ cố tình xây dựng dự án này thì sẽ vi phạm pháp luật.

Dự án Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (trung tâm) do HĐND - UBND Quận Hoàn Kiếm là chủ quản đầu tư và chủ đầu tư là Ban Quản lý xây dựng công trình công ích Hoàn Kiếm. Theo thiết kế, công trình gồm ba tầng nổi, một tầng hầm, chiều cao đến đỉnh mái là 13,6m. Qua phát biểu của ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm và thông tin của một số cơ quan báo chí thì những lý lẽ được đưa ra để khẳng định việc xây dựng dự án trung tâm là có cơ sở pháp lý có thể thống kê như sau: Thứ nhất, dự án không phục vụ việc kinh doanh. Thứ hai, dự án tuân thủ các quy định về xây dựng như độ cao dưới quy định cho phép (độ cao quy định quanh khu vực này là dưới 16m) và mật độ cho phép (mật độ chỉ 64% trong khi quy định là dưới 80%). Thứ ba, dự án nằm ngoài phạm vi khoanh vùng di tích.  

Với nguồn tư liệu có được, đối chiếu với các quy định pháp lý, bước đầu chúng tôi xin được nêu một số vấn đề trao đổi lại để các cơ quan có thẩm quyền và bạn đọc tham khảo. 

Về việc cho rằng dự án không nhằm mục đích kinh doanh, chúng tôi nhận thấy đây không phải là cơ sở để bàn đến việc dự án trung tâm được xây hay không. Hoạt động kinh doanh tuân thủ theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, về đăng ký kinh doanh… chứ không theo luật xây dựng. Nhà hàng Thủy Tạ nằm gọn trong phạm vi khoanh vùng khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích quốc gia đặc biệt đã và đang kinh doanh khá tấp nập thì sao?. Rồi nhà hàng Lục Thủy ở 16 Lý Thái Tổ khai thác kinh doanh nghệ thuật, ẩm thực ngay trên khuôn viên của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam. Tòa nhà do Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam được Bộ VHTTDL giao quản lý này được xây dựng theo kiến trúc của Pháp từ năm 1918. Về giá trị lịch sử, tòa nhà từng là trụ sở đầu tiên của Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Về căn cứ tuân thủ các quy định xây dựng, các yếu tố pháp lý về độ cao, mật độ xây dựng như nêu trên của chủ quản đầu tư và chủ đầu tư là đúng nhưng chưa đủ. Vấn đề pháp lý còn thiếu này gắn bó mật thiết với căn cứ pháp lý thứ ba về vị trí xây dựng của dự án. 

Theo "Bản đồ hiện trạng khoanh vùng bảo vệ di tích Đền Ngọc Sơn và Khu vực Hồ Hoàn Kiếm” đã được nhiều cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì khu vực bảo vệ 2 của di tích có tổng diện tích 34.284,6m2. Phía Bắc giáp phố Đinh Tiên Hoàng và cư dân phường Hàng Bạc, phía Nam giáp phố Hàng Khay và cư dân phường Tràng Tiền, phía Đông giáp phố Đinh Tiên Hoàng, phía Tây giáp phố Lê Thái Tổ. Trên bản đồ, vị trí dự kiến xây dựng dự án trung tâm nằm đối diện với các điểm mốc khoanh vùng bảo vệ là 223, 224, 225 và 226. Về khoảng cách giữa ranh giới khu vực bảo vệ 2 và khu đất của dự án chính là khoảng cách bề rộng của đoạn đầu phố Đinh Tiên Hoàng và đầu phố Lê Thái Tổ. Tính độ dài theo đường vạch sơn dành cho người đi bộ sang đường của khoảng cách giữa hai vị trí này là 17 bước chân, ước chừng 10m. Nếu cùng lúc trên đoạn phố này có hai chiếc ô tô 36 chỗ cùng lưu thông sẽ gây trở ngại lớn về giao thông. Và sẽ tính toán sao đây về mật độ giao thông ở khu vực có nhiều điểm giao cắt của nhiều tuyến phố như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Lương Văn Can, Hàng Hành, Cầu Gỗ… nếu trung tâm được xây dựng?. 


Khoảng cách từ vị trí dự kiến xây dựng trung tâm đến khu vực
 bảo vệ di tích chỉ lọt vừa hai chiếc ô tô 36 chỗ

Nếu dự án trung tâm được xây dựng thì đây sẽ là công trình gần ranh giới khoanh vùng bảo vệ nhất với di tích quốc gia đặc biệt. Nhất là khoảng cách giữa khu vực 1 (mép nước Hồ Gươm, điểm cột mốc trên bản đồ là 136, 137 và 138) với điểm mốc trên bản đồ thuộc mép đường đầu phố Lê Thái Tổ là rất ngắn, nếu không nói là ngắn nhất trong toàn bộ hai khu vực bảo vệ. Ở một vị trí như vậy, không thể không tính đến yếu tố có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích hay không.

Căn cứ vào các tiêu chí, quy định của pháp luật di sản, hồ sơ di tích Đền Ngọc Sơn và Khu vực Hồ Hoàn Kiếm đã xếp loại đây là loại hình di tích lịch sử danh lam thắng cảnh. Vì vậy, yếu tố cảnh quan xung quanh di tích, nhất là di tích quốc gia đặc biệt như Hồ Gươm lại càng trở nên "nhạy cảm”.

Điều 15 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định thẩm quyền thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích như sau: "Khi thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích, phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp tỉnh, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt”. 

Khoản 1 Điều 36 Luật Di sản văn hóa quy định: "Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin”.

Vậy nên chưa thể nói tính pháp lý của dự án xây dựng trung tâm đã thực sự đầy đủ.

Khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cũng đã biết được sự việc và giao cho Cục trưởng Cục Di sản văn hóa xem xét có ý kiến. Hiện tại, vị Cục trưởng chưa bày tỏ rõ quan điểm nhưng cho biết sẽ làm đúng quy định của pháp luật.

Như nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh, các cơ quan, tổ chức như Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chưa được xin ý kiến góp ý cho dự án. Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: "Hội Di sản văn hóa Việt Nam chưa nhận được công văn xin góp ý về dự án này nên chưa rõ cụ thể quy mô công trình ra sao. Việc xây dựng một công trình ở bên cạnh di tích quốc gia đặc biệt cần phải thực hiện đầy đủ các quy trình, theo đúng quy định của pháp luật, và cần nhận được sự đồng thuận cao của giới chuyên môn”. 

Quyền quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố Hà Nội thuộc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Quyền xếp hạng di tích cấp quốc gia thuộc Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Còn với di tích quốc gia đặc biệt, thẩm quyền ra quyết định xếp hạng thuộc Thủ tướng chính phủ. Điều đó cho thấy tầm vóc, giá trị của các di tích đối với lịch sử, văn hóa dân tộc. Với giá trị lịch sử danh thắng thiêng liêng như Hồ Gươm thì việc xây dựng một công trình quá gần với khu vực bảo vệ di tích Đền Ngọc Sơn và Khu vực Hồ Hoàn Kiếm có ảnh hưởng xấu đến di tích hay không thiết nghĩ không tự cấp quận Hoàn Kiếm đánh giá là được. Cách làm này giống như việc vừa đá bóng vừa thổi còi vậy. Gìn giữ và phát huy giá trị của di tích thì khó chứ xây dựng và tác động ảnh hưởng xấu đến di tích thì dễ. Do đó, không thể không có ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Đồng thời cơ quan có thẩm quyền cũng nên công khai dự án và lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên môn và người dân trước khi tiếp tục triển khai dự án.

5 nhận xét:

  1. đúng quá. quận Hoàn kiếm vi phạm pháp luật rồi. ai lại tàn phá di sản như thế

    Trả lờiXóa
  2. sao các báo không thấy phản ứng gì nhỉ? một vấn đề hay như thế này mà lại không khai thác?

    Trả lờiXóa
  3. quận Hoàn Kiếm vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa rồi. Lúc trước vỗ ngực nói không cần xin ý kiến Bộ Văn hóa. Bây giờ bị chửi lại có công văn xin. quận Hoàn Kiếm quyết tâm tàn phá di sản à?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/68585.vho

      Xóa
    2. Xem cái này mới thấy Hoàn Kiếm quá láo và bừa

      Xóa