Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Nhà văn Siêu Hải: “Con tằm đã nhả hết tơ đâu”?


Nhà văn Siêu hải là Thầy của nhà báo Từ Khôi ở “Chiếu Văn”, đã qua đời vào ngày 21/9/2012. Thân là Phó Ban Văn hóa Văn nghệ của báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Từ Khối có bài viết tiễn đưa hương hồn người thầy văn của mình gởi báo Đại Đoàn Kết, song người ta đã lạnh lùng không cho đăng. 

Một nhà văn tâm huyết với nghề, vừa ra đi để lại một di sản đồ sộ các tác phẩm văn học từ thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cho tới thời kỳ hiện tại. Đặc biệt, ông còn nhiều tác phẩm mang dấu ấn lịch sử, những cuốn tiểu thuyết lịch sử văn hóa như là những pho tư liệu sống động để  tìm hiểu nhiều thời kỳ lịch sử của dân tộc. Báo Đại Đoàn Kết có thể lạnh lùng đến thế sao?

Ít ai ngờ một ông đại tá về hưu nhỏ thó gày gò lại có sức bền bỉ dẽo dai đến lạ khi cứ miệt mài cặm cụi viết như con tằm nhả tơ. Thế nhưng, "con tằm đã kịp nhả hết tơ đâu”, nay đã về cõi vĩnh hằng, để lại bao tiếc nuối, đau thương cho gia đình, bè bạn và những người học trò, những bạn đọc yêu qúy văn chương của ông.

Trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Từ Khôi như là nén hương đưa tiễn linh hồn người thầy “Chiếu Văn” của anh về nơi an nghỉ nghìn thu.

Nhà văn Siêu Hải: “Con tằm đã nhả hết tơ đâu”?

Từ Khôi

Nhà văn Siêu Hải đã ra đi ngày 21/9. Không ai cưỡng lại được quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” nhưng sao tôi vẫn cảm thấy hẫng hụt và tiếc nuối. Biết bao dự định còn dang dở với một người say mê sáng tác văn học như ông. Nhà văn Siêu Hải đã đem đến cho văn học Việt Nam những giá trị riêng, rất riêng. Đó là mảng tiểu thuyết ăm ắp những tư liệu lịch sử về Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn vật; là những tư liệu phong phú và sống động của một người lính pháo binh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ tổ quốc.


Nhà văn Siêu Hải với bản chiếu Minh Mạng 12 gửi Hàn Lâm viện Thừa chỉ Phạm Đình Hổ.

Người lính – nhà văn

Cuộc đời sáng tác của người lính nhà văn Siêu Hải có thể thấy được hai mảng đề tài rõ rệt. Mảng sáng tác về đề tài chiến tranh, hẹp hơn là sáng tác về lực lượng pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Và mảng đề tài khác là về Thăng Long – Hà Nội từ thời Lê - Trịnh, Tây Sơn đến thời kỳ đầu thế kỷ 20. Tất nhiên là ngoài những mảng sáng tác này nhà văn Siêu Hải còn viết rất nhiều ký, tùy bút, tiểu thuyết về danh nhân…

Sinh vào cái năm đầu can và đầu chi của nửa đầu thế kỷ 20 (ngày 2/7/1924) trong một gia đình mà cụ thân sinh là Nguyễn Khắc Hanh - một nhà Nho, một trí thức Tây học nhưng không chịu thi thố làm quan mà chỉ ham dịch thuật, sáng tác và làm báo, nên nhà văn Siêu Hải sớm có nhiều ảnh hưởng. Cụ Nguyễn Khắc Hanh từng làm chủ bút báo Thực nghiệm của Bạch Thái Bưởi và báo Nông Công Thương của Phạm Chân Hưng. Cụ cũng là đồng sáng lập báo Đông Tây với Hoàng Tích Chu và Hà Thành Ngọ báo với Bùi Xuân Học. Cụ còn dịch gần ba mươi tiểu thuyết qua tiếng Hán và tiếng Pháp và làm giám đốc nhà in Chân Phương.

Nếu không có Cách mạng Tháng Tám 1945 có lẽ nhà văn Siêu Hải đã tiếp bước luôn theo con đường của cha. Nhưng chính ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, chàng Tú tài đã “xếp bút nghiên theo việc đao cung” nhập ngũ, đi đánh phỉ ở Sơn La và tháng 5/1946 được cử đi đào tạo khoá I trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Cuối năm 1946, ông được bổ sung về đơn vị pháo quân khu Mười và ngày 25/1/1947 tham gia sử dụng sơn pháo 75 ly bắn trực tiếp vào sân bay Gia Lâm phá hỏng hai máy bay Pháp. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đơn vị pháo binh rút về Việt Bắc.

Chiến thắng Sông Lô 1947 đã trở thành một mốc son trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ngày 21/10/2011, kỷ niệm 65 năm chiến thắng Ghềnh Khoan Bộ - Sông Lô Thu Đông 1947, nhà văn Siêu Hải đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam mời về tham dự hội thảo. Đây cũng là lần cuối cùng nhà văn Siêu Hải tham dự, kể lại chiến công của lực lượng pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam năm xưa. Trận đánh mang ý nghĩa lớn: Đập tan gọng kìm của giặc Pháp đánh lên Việt Bắc. Lúc đó, pháo binh ta vô cùng nghèo nàn, lạc hậu. Tàu chiến địch từ Hà Nội tăng viện lên Tuyên Quang qua đường sông Lô như “đi chợ” mà pháo binh bắn từ điểm cao không trúng. Trung đội trưởng Siêu Hải đã quả quyết phải đưa pháo xuống sát bờ sông, nòng pháo bắn thẳng vào ca nô địch ở cự ly vài trăm mét dù mệnh lệnh của trên xuống là “pháo chiến lược, vốn quốc gia”, “mất pháo là mất đầu”. Giặc Pháp đã bất ngờ vì cách đánh “giáp lá cà” táo bạo này và đã bỏ mạng 2 chiếc tàu chiến LCT. Tiếp theo cách đánh này, trận Đoan Hùng, rồi Khe Lau (sông Gâm) đều đưa pháo xuống sát bờ sông bắn chìm tàu chiến địch.

Tin chiến thắng nức lòng toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta. Nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Tố Hữu, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Dương Bích Liên... đã về thực tế chiến trường và được Trung đội trưởng sơn pháo 1 Siêu Hải tường thuật lại. Bản Trường ca Sông Lô được hình thành ngay sau đó. Nhạc sĩ Văn Cao vừa soạn giai điệu và sáng tác lời khi hát cho chính những người lính lập nên chiến công nghe.
Cuộc hành quân bộ với những người lính đã vất vả, nhưng vất vả hơn với những người lính sơn pháo. Họ phải tháo dời pháo ra rồi khiêng tay nếu không mượn được trâu của dân. Cho đến hôm nay, nhiều thế hệ bạn đọc biết đến bài ký “Voi đi” nổi tiếng nhưng ít người biết, nhà văn Siêu Hải còn ký họa trực tiếp cảnh vận chuyển pháo bằng sức người lính vất vả như thế nào.
Cảnh kéo pháo bằng sức người diễn ra suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Và cũng chính người lính, nhà văn Siêu Hải đã viết lại hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Chức – chiến sĩ Đại Đội pháo 806 lấy thân mình cứu pháo khi kéo vào trận Điện Biên Phủ. Liệt sĩ Nguyễn Văn Chức hy sinh trước liệt sĩ Tô Vĩnh Diện. Nhưng thật buồn là không hiểu vì lý do gì tấm gương hy sinh anh dũng này đã không được N.T – Chính ủy Trung đoàn lựu pháo 105 (trong đó có Đại đội pháo 806) báo cáo lên cho Chính ủy Đại đoàn pháo binh Phạm Ngọc Mậu biết.

Chiến thắng Sông Lô còn ám ảnh mãi với người lính – nhà văn Siêu Hải. Năm 1957, ông bắt tay viết tiểu thuyết Sông Lô. Cũng năm này, người lính Siêu Hải trở thành Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã nhận đỡ đầu cho cuốn tiểu thuyết này. Nhưng rồi năm 1960, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mất, cuốn tiểu thuyết lại thăng trầm chìm nổi. Mãi đến năm 1978, khi nhạc sĩ Văn Cao giới thiệu nhà văn Siêu Hải gia nhập “Chiếu Văn” thì với sự giúp đỡ của nhà văn Sơn Tùng – “chủ chiếu” tiểu thuyết Sông Lô đã được biên tập lại cho gọn. Năm 1981, tiểu thuyết Sông Lô được NXB Thanh niên ấn hành với bìa minh họa của nhạc sĩ Văn Cao.

Tham gia trận chiến đỉnh cao chống Pháp – Điện Biên Phủ, nhà văn Siêu Hải cũng đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết “Điện Biên Phủ”. Tiếc rằng, do điều kiện sinh hoạt chật chội ở 66 Hàng Chiếu, Hà Nội nên bản thảo viết bằng mực “dởm” trên giấy cũ nát, gặp nước mưa đã bị nhòe và bết thành từng cục.

Lịch sử pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam đã được nhà văn Siêu Hải viết trong nhiều ký sự lịch sử. Có thể kể: Đại đội sơn pháo 753; Pháo binh đánh địch phản kích ra sân bay Điện Biên Phủ (viết chung cùng Khắc Tính); Đoàn voi thép trong chiến dịch Hòa Bình; Trận đánh ba mươi năm tập I, tập II (viết chung); Voi đi đánh Mỹ; Tìm hiểu Pháo binh trong lịch sử dân tộc...


Nhà văn Siêu Hải và nhà báo Từ Khôi

Nhà tiểu thuyết lịch sử văn hóa

Sau một thời gian dài “trả nợ” mình, “trả nợ” đồng đội đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ tổ quốc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhà văn Siêu Hải bắt tay “trả nợ” tổ tiên. Ít ai ngờ một ông đại tá về hưu nhỏ thó gày gò lại có sức bền bỉ deo dai đến lạ khi cứ miệt mài cặm cụi viết như con tằm nhả tơ. Khi đã qua tuổi 65, nhà văn Siêu Hải bắt tay vào viết những tiểu thuyết lịch sử có bối cảnh Thăng Long thời vua Lê chúa Trịnh. Sở dĩ nói “trả nợ” tổ tiên vì như đã nêu ở trên, nhà văn Siêu Hải sinh ra trong một gia đình đại công thương gia kiêm trí thức đất kinh kỳ. Dòng họ Nguyễn Đình của nhà văn Siêu Hải có một truyền thống đẹp là ghi lại lại gia phả theo những câu chuyện đời sống, bán buôn, sinh hoạt nơi đô hội. Rất nhiều tư liệu lịch sử qúy giá này như những “cây gỗ tư liệu” để nhà văn chạm lộng, biến thành những sản phẩm tinh xảo, đồ dùng đẹp đẽ. Bộ ba tiểu thuyết về một gia đình đại công thương gia kiêm trí thức Hà thành kéo dài mấy trăm năm từ thời vua Lê chúa Trịnh, qua thời Tây Sơn, đến khi Pháp sang xâm lược như “Mảnh trăng Tô Lịch” (NXB Thanh niên 1992); Bóng chiều Thăng Long (NXB Thanh niên 1995); Nắng kinh thành (NXB Thanh niên 1997) đã đoạt Giải Văn học Thăng Long – Hà Nội 1998.

Viết văn như nghiệp nợ. Các nhà văn ở “Chiếu Văn” như nhà văn Sơn Tùng, Mạc Phi, Minh Giang... đều coi đó là cái nghiệp. Còn nhớ trước đây, nhà văn Mạc Phi trước cái chết ung thư di căn cận kề, trước khối u to đang chèn lấy phổi, lấy tim khó thở và đau đớn vẫn bình thản làm “kệ” rằng:

Nghiệp chướng theo nhau mãi mãi rồi
Tử sinh cùng một nhẽ mà thôi
Sắc sắc đó mà không không đó
Đầy trời hoa nở lá thơm rơi

Còn nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Minh Giang dù chịu bao “tai nạn nghề nghiệp” vẫn vững tin sáng tác. Với nhà văn Siêu Hải, sức khỏe tưởng dẻo dai nhưng ít ai ngờ khi viết xong “Mảnh trăng Tô Lịch”, ông phải nhập viện vì bục dạ dày. Tiếp tục viết ngày viết đêm, thị lực ông giảm nhanh rõ rệt dù con gái ông là bác sĩ Bệnh viện Việt Đức luôn khuyên can bố phải giữ gìn. Viết xong bộ ba tiểu thuyết gần 2000 trang sách thì thị lực nhà văn Siêu Hải chỉ còn 1/10. Vậy mà ông vẫn viết. Có điều ông chỉ viết ban ngày và khi viết phải bật thêm một ngọn đèn điện trăm oát bên cạnh. Rồi ông cũng chẳng nhìn rõ chữ nữa. Không bó tay, nhà văn Siêu Hải đọc văn miệng nhờ người chép, khi thì là con gái út, khi thì là một sinh viên đại học. Thậm chí lúc “cảm hứng sáng tác trỗi lên mà không có ai viết giúp, ông lại đọc vào chiếc máy ghi âm để sau đó nhờ chép lại. Những ai từng cầm bút viết văn chắc đều hiểu rõ sự tương tác cảm xúc khi nhìn những con chữ mình sáng tác trên giấy (hay cả bây giờ là trên máy tính”. Thế nên sáng tác “văn miệng” kiểu nhà văn Siêu Hải thật khó và yêu cầu sự bền bỉ, nhẫn nại cùng cực. Nhưng rồi, thấm thoắt thời gian trôi, thành quả lao động của nhà văn khiến những người viết văn trẻ phải kính nể. Ông tiếp tục cho ra mắt những ký sự lịch sử văn hóa quá giá như: Truyện Thăng Long Hà Nội (tản văn, NXB Thanh niên 2000); Người lính – nhà văn (ký ức, NXB Thanh niên 2007); Hà Nội trái tim của cả nước (Truyện 2009); Ngọn bút trong sương (ký ức, 2006, 2009);

Những tư liệu lịch sử, văn hóa trong các tiểu thuyết, truyện ký của nhà văn Siêu Hải về Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XVII cho đến những năm đầu thế kỷ XX là một tài sản vô giá mà ít có nhà nghiên cứu lịch sử nào ở nước ta có được. Chính tác giả bài viết từng chứng kiến nhà văn Siêu Hải trao lại cho hậu duệ dòng họ Phạm Đình Hổ ba bản chiếu nguyên bản của Vua Minh Mạng gửi cho Phạm Đình Hổ. Và những tư liệu khác như nguồn gốc phở ở Hà Nội; Những con đường thủy của Thăng Long xưa; Gác cổ diêm, gác chồng diêm; Đàn Nam Giao; Phủ chúa Trịnh; Triệu phú ta thế kỷ 18...

Với những tư liệu phong phú như thế được công bố trong các tiểu thuyết, ký sự lịch sử, từ lâu tác giả bài viết này đã nghĩ: Sao Hội khoa học lịch sử không vinh danh ông là Hội viên danh dự?. Lối viết tiểu thuyết lịch sử tư liệu văn hóa này cũng đã được GS. Phan Ngọc đánh giá rất cao và gọi là “tiểu thuyết văn hóa” còn Kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa – một trí thức Việt kiều Pháp đã từng viết thư tấm tắc ca ngợi và mong ước sẽ nhìn thấy bộ phim lịch sử về Thăng Long được chuyển thể từ những cuốn tiểu thuyết này...

Mới ngày nào đến thăm nhà văn Siêu Hải, đọc cho ông nghe những trang bản thảo ông tự tay viết trên khổ giấy A4 mà chỉ được chừng dăm dòng, tôi đã bùi ngùi: “Bác mệt thế nên nghỉ đi, lúc khỏe hẵng viết hay nhờ “thư ký” viết cho”. Nhà văn Siêu Hải lại đọc một bài thơ ông sáng tác về cảnh lòa. Tôi nhớ hai câu kết thế này:

Mục hạ vô nhân xin đành chịu
Con tằm đã nhả hết tơ đâu

Chưa nhả hết “tơ”, chưa viết được những tư liệu còn ngồn ngộn về chiến thắng Điện Biên Phủ, về con người cảnh vật Thăng Long xưa... nhưng con tằm nhà văn Siêu Hải đành buông bút với mệnh trời. Để lại cho bạn bè “Chiếu Văn” một khoảng trống. Để lại cho bạn đọc sự tiếc nuối về những trang văn giàu tri thức lịch sử và văn hóa.

[Bài do tác giả gởi tới Blog Hữu Nguyên]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét