Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Bài học đắt giá về công tác cán bộ


 Trần Đăng Khoa
             
Ở thời nào, vai trò của cán bộ cũng rất quan trọng, là yếu tố quyết định của mọi thắng lợi hay thất bại.

            Thế là rồi cuối cùng, ông Dương Chí Dũng, cựu Cục trưởng Hàng hải, người có phép tàng hình cũng đã bị bắt vào ngày 4/9, sau hơn 3 tháng bị truy nã. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục xác minh những người tiếp tay, che giấu cho ông Dũng trong thời gian lẩn trốn.

             Trước Dương Chí Dũng, một loạt những kẻ “cộm cán”, những ông Giời con tung hoành, lũng đoạn kinh tế, tưởng không còn ai “chạm” tới được cũng đã sa lưới pháp luật. Đó là những tin vui. Rất vui. Một thông điệp tốt lành cho thấy Nghị Quyết IV đã đi vào đời sống. Chúng ta chống tham nhũng thực sự, chứ không phải chỉ là hình thức như một số kẻ xuyên tạc. Niềm tin giờ đang dần được phục hồi.

                   Nhắc 'thằng này' để vào đây
          Vụ án Dương Chí Dũng là một bài học cay đắng về công tác cán bộ. Tôi rất ngạc nhiên khi có những đồng chí lãnh đạo ở vị trí khá cao vẫn khẳng định trước công chúng rằng, việc cất nhắc, đề bạt ông Dương Chí Dũng không có gì sai. Bởi khi đề bạt ông ta, Thanh tra Chính phủ chưa có kết luận. Một lối biện hộ thật lạ kỳ. Làm một người lãnh đạo thì phải thấu đáo, biết rõ tường tận đến từng chân tơ kẽ tóc những cán bộ mình quản lý, chứ khi Thanh tra hay Tòa án đã kết luận rồi, thì còn có điều gì để nói nữa đây?

          Kỳ lạ hơn, có ông lại còn biện luận rằng, cũng đã biết ông Dương Chí Dũng có những chuyện lình sình, mất đoàn kết nội bộ ở Vinalines, nên để “cứu” Vinalines, mới phải chuyển ông ta sang làm Cục trưởng Cục hàng hải.

         Có lẽ chỉ ở ta mới có chuyện ngược đời như thế này. Nếu đã biết cán bộ không đủ khả năng và phẩm chất, thì phải loại khỏi đội ngũ lãnh đạo, chứ sao lại còn đề bạt ở những vị trí mới?
         Theo điều kiện bổ nhiệm, trình tự bổ nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo được quy định tại điều 6, điều 7 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ công chức lãnh đạo (ban hành kèm theo Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg) ngày 19/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ, người được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chung, không bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách đến cách chức. Với nguồn nhân sự từ nơi khác, tập thể lãnh đạo cơ quan phải lấy ý kiến, tìm hiểu và xác minh lý lịch một cách cẩn trọng.

         Căn cứ theo những tiêu chí ấy, rõ ràng việc đề bạt, bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là không bình thường. Người dân có quyền nghi ngờ về sự khách quan và minh bạch.
         Có lẽ cũng vì thế, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tỏ ra ngờ vực khi cho rằng, theo quy trình bổ nhiệm cán bộ, khi bổ nhiệm một chức vụ mới, khâu thẩm tra lý lịch, kiểm điểm nhận xét quá trình công tác là điều phải làm. Theo bà Thu Ba, việc bổ nhiệm cán bộ với ông Dương Chí Dũng trong thời điểm Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm liên quan tới điều hành, lãnh đạo của ông ta là “không nên và rất… khó hiểu”.
         Ở thời nào, vai trò của cán bộ cũng rất quan trọng, là yếu tố quyết định của mọi thắng lợi hay thất bại. Ai cũng biết quần chúng có vai trò lịch sử to lớn. Đó là một sức mạnh vô biên. Nhưng sức mạnh ấy chỉ phát huy được hiệu quả tích cực khi có sự lãnh đạo sáng suốt của một người cán bộ cụ thể.
 
         Nhớ lại những trang sử hào hùng của dân tộc, vào những năm tháng cam go nhất của lịch sử đất nước, khi ấy chúng ta mới giành được chính quyền, lại nhan nhản thù trong giặc ngoài, vận mệnh đất nước có lúc “ngàn cân treo sợi tóc”, khi ấy không có nhiều ban bệ, cũng không có nhiều cấp xét duyệt kỹ lưỡng và cồng kềnh như bây giờ, mà sao Cụ Hồ chọn lựa đề bạt cán bộ tài thế. Những cán bộ được cụ chọn đều trở thành những nhân vật lịch sử xuất chúng. 


          Tiêu chí của Cụ là Tài và Đức. Không phân biệt thành phần, tôn giáo, đảng phái. Nhiều người không phải Đảng viên nhưng vẫn được Cụ cất nhắc lên vị trí rất cao, như Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, hay Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng. Tài nhất trong kỹ nghệ dùng người của Cụ là việc lựa chọn và đề bạt Võ Nguyên Giáp, một người chưa từng qua bất kỳ một khóa học quân sự nào.

          Lúc ấy, ông Giáp chỉ đơn thuần là một ông giáo dạy sử ở trường tư thục Thăng Long. Một con người hoàn toàn xa lạ với trận mạc, vậy mà Cụ lại trao cho việc phụ trách quân sự, rồi phong thẳng lên Đại tướng và ủy nhiệm toàn quyền quyết định việc quân. Sau này, ta mới biết việc chọn lựa và đề bạt Tướng Giáp của Cụ tài tình đến như thế nào. Võ Nguyên Giáp quả là một thiên tài quân sự. 

         Sau này, ta cũng tiếp thu được bài học sâu sắc từ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định tiêu chí lựa chọn cán bộ. Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII ghi rõ: "Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết và tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng nhân tài, không phân biệt đảng viên hay ngoài Đảng, dân tộc, tôn giáo, người ở trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Không định kiến người có sai lầm trong quá khứ nay đã hối cải và sửa chữa".

         Quả là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, rất phù hợp với hiện trạng lịch sử đau thương ở đất nước chúng ta. Chỉ tiếc đây vẫn là vẻ đẹp trong sách vở. Nếu thực hiện được đúng như chúng ta ước muốn như thế, thì tôi tin, rất tin rằng, đất nước của chúng ta đã vươn lên một tầm cao mới. Việc đề bạt cán bộ của ta qua một số vụ việc nổi cộm, khiến người dân vô tư nhất cũng phải nghi ngờ.


         Để thoát ra khỏi hiện trạng này, cần phải minh bạch hóa khâu tuyển chọn, đề bạt. Cần có tầm nhìn rộng, nhìn xa trong việc quy hoạch cán bộ. Khi đề bạt, cũng nên đưa ra nhiều ứng viên để bầu chọn. Tránh việc đề bạt một người, chỉ đưa ra một người để bầu. Như thế, việc bầu chọn chỉ là hình thức. Những người được bầu, không thể chỉ căn cứ theo mấy dòng tiểu sử sơ lược, khiến cho những người đi bầu luôn ở trong tình trạng lơ mơ, không biết thấu đáo người mình lựa chọn. Dù ủng hộ hay loại bỏ cũng đều vô trách nhiệm. 

          Cần có cuộc đối thoại cởi mở giữa người được bầu chọn với đông đảo dân chúng để nhân dân và các cơ quan chức năng thấu hiểu tường tận. Nếu Bộ trưởng hay ở cấp cao hơn thì cần có cuộc tiếp xúc rộng rãi trên các kênh truyền thông. Người được tuyển chọn phải đưa ra chương trình hoạt động trong cả khóa của mình. Cũng nên tổng kết xem khóa trước người tiền nhiệm đã làm được những gì. Ngành mình phụ trách hiện nay ra sao? Nó như thế nào nếu so với các nước trong khu vực hay trên thế giới. Rồi đến nhiệm kỳ mình, mình sẽ làm gì trong cả khóa? Rồi cụ thể hơn nữa là công việc trong từng năm? Cần minh bạch như thế cho dân biết. Rồi cũng lấy đó làm tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ.

           Nếu ai không đủ quá bán số phiếu tín nhiệm thì cũng nên rời khỏi chức vụ để người khác lên thay. 

           Cũng cần khuyến khích cả những người tự ứng cử. Chỉ có minh bạch hóa như thế, chúng ta mới hy vọng thoát ra khỏi sự trì trệ. Và rồi những Dương Chí Dũng, những cán bộ thoái hóa sẽ không còn có chốn để dung thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét