Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Về hệ thống tài chính tín dụng thiếu minh bạch ở Việt Nam


Vũ Quang Việt

Để hạn chế hành động chi tiêu quá trớn của Chính phủ, vượt khỏi quyết định của Quốc hội, tùy tiện phát hành tín dụng cho các nhóm lợi ích tiếp tục gây lạm phát và bất ổn xã hội, Quốc hội cần thay đổi các quy định hiện nay về hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và cần thực hiện ngay các hành động giám sát thường xuyên của mình. 

Một điều quan trọng nữa là Quốc hội cần cho thấy rõ là vi phạm quyết định của Quốc hội là vi phạm Luật. Không những thế, cần áp dụng thông lệ quốc tế là không coi thông tin về tài chính tín dụng củaNHNN là bí mật quốc gia (coi Phụ lục để thấy việc hạn chế thông tin hiện nay).





Rất nhiều năm nay,chúng ta đều biết Chính phủ luôn chi nhiều hơn thu, nhưng ít người biết là Chính phủ còn luôn luôn chi vượt xa rất nhiều so với ngân sách Quốc hội thông qua (ít nhất 30% so với những năm tôi có thể kiểm chứng).  Hy vọng các nhà kinh tế nằm trong hệ thống chính quyền có điều kiện, kiểm chứng tình hình này những năm vừa qua.

Như vậy thực tế là quyết định của Quốc hội chỉ để làm cảnh, chứ không được coi là luật vì Chính phủ hoàn toàn có thể tự quyết về chi tiêu mà không bị một thế lực nào cấm cản, kể cả vi phạm pháp luật.

Ngân sách hàng năm của Quốc hội như ở Mỹ là luật (thí dụ xem budget control Act 2011), do đó không một Tổng thống nào dám chi vượt Luật [Appropriation Bills] do Quốc hội thông qua, vì như vậy là phạm pháp, theo Hiến pháp của Mỹ  “không thể rút tiền khỏi Ngân khố nếu không có quyết định thành luật cho phép chi …”  (“No money shall be drawn from the Treasury, but in Consequence of Appropriations made by Law; and a regular Statement and Account of Receipts and Expenditures of all public Money shall be published from time to time”).

Sự tự do và tùy tiện về chi tiêu và thiết lập các công ty nhà nước chính là lý đo đưa đến tình trạng  quan chức có quyền và các nhóm lợi ích có quan hệ lũng đoạn thị trường tài chính và cướp đất của nông dân hiện nay, đưa  nền kinh tế đến chỗ ngày càng tồi tệ.  Tạm thời, trước khi nhận định lại xem ngân sách Quốc hội thông qua có phải là luật không, Quốc hội hoàn toàn có thể đòi hỏi NHNN cung cấp và phân tích các vấn đề sau:

1. Quyết định bán trái phiếu của Chính phủ để chi tiêu xem có vượt ngoài quyết định của Quốc hội?
2. Quốc hội có thể yêu cầu NHNN trình bày rõ và chi tiết các hoạt động mở của nó. Theo Luật NHNN hiện tại (coi ở phần Phụ lục ở dưới),
NHNN không chỉ trong việc phát hành tín dụng mà còn in tiền mua trái phiếu (dù tư hay công);
  • Thủ tướng hoàn toàn có thể ra lệnh/tạo áp lực ngầm NHNN mua trái phiếu của Chính phủ (tức là in tiền) nếu thị trường không chịu mua;
  • Thủ tướng cũng có thể ra lệnh/áp lực ngầm hoặc tự bản thân NHNN quyết định mua trái phiếu tư nhân như của Bầu Kiên chẳng hạn nhằm giúp nhóm lợi ích .

Nói tóm lại, những gì trình bày ở trên chỉ là những điểm nhỏ cần làm trước  mắt. Nếu muốn tình hình ổn định dài lâu, cần xem xét áp dụng hệ thống tam quyền phân lập rành mạch trong Chính phủ, đồng thời làm luật để giảm thiểu các hoạt động lạm dụng của nhóm lợi ích:
  • Không cho phép các tập đoàn (dù công hay tư) nắm ngân hàng. Nguyên tắc: doanh nghiệp phi tài chính không được làm chủ doanh nghiệp tài chính.
  • Không cho phép ngân hàng này làm chủ ngân hàng kia (tức là có cổ phiếu lẫn nhau). Ở các nước họ ấn định không cho trên 1 tỷ lệ cổ phiếu và không được ngồi trong Hội đồng quản trị. Nhưng để khỏi phức tạp, ở VN thì nên không cho phép.
  • Không cho phép các công ty và tập đoàn nhà nước lập các công ty con, hoặc có cổ phiếu ở các công ty con. Ăn cướp đất của dân, nhất là ở địa phương, là kết quả của việc cho phép thiết lập các công ty con nửa tư nửa công nhằm làm sân sau cho quan chức và người nhà tập đoàn.
  • Xác định việc thiết lập các công ty quốc doanh là thuộc quyền của Quốc hội, không thuộc quyền của hành pháp.
  • Không cho phép Thủ tướng hoặc hành pháp ra lệnh cho ngân hàng cho tập đoàn vay. Nguyên tắc: thiết lập cơ chế, luật pháp minh bạch nhằm quản lý công ty nhà nước.
  • Cần xác lập ngay Luật quản lý doanh nghiệp nhà nước.
  • Xác lập ngân sách nhà nước Quốc hội thông qua là luật.

Phụ lục về luật ngân hàng và hành xử của nhà nước về thông tin hiện nay
Luật Ngân hàng Nhà nước quy định như sau:
Ai có trách nhiệm chính điều hành chính sách tiền tệ NHNN? Đó là Thủ tướng, Thống đốc NHNN chỉ là người thực hiện theo điều 4. 
Điều 4. Chính phủ trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm. Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ.
NHNN có quyền mua giấy nợ của tư nhân không? Có, theo điều 15, khoản 2.
Điều 15. Nghiệp vụ thị trường mở
1. Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với tổ chức tín dụng.
2. Ngân hàng Nhà nước quy định loại giấy tờ có giá được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
NHNN hiện có hạn chế công bố thông tin không? Có, theo điều 38 và theo đánh giá của chính HHNN
Điều 38. Bảo vệ bí mật thông tin
“1. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lập danh mục, thay đổi độ mật, giải mật bí mật nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;…”
“2. Ngân hàng Nhà nước được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin mật về tiền tệ và ngân hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.
Đánh giá cùa Ngân hàng nhà nước 
Đây là đánh giá không ghi ngày tháng (nhưng viết sau 11/11/2011) của NHNN về thông tin mật và các thông tin mà NHNN chưa được phép công bố theo tiêu chuẩn quốc tế (Bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trước yêu cầu mới). Theo đó chỉ có 5 trong 40 chỉ số tài chính được công bố. Hầu hết các chỉ số quan trọng nhất đều không được công bố:
“[1] Theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, mức dự trữ ngoại hối nhà nước của mỗi quốc gia là thông tin cần được công bố  định kỳ. Đây cũng là thông tin được các chủ thể trong nền kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế rất quan tâm. Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, đây là thông tin thuộc độ Tối mật. Từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các cấp có thẩm quyền đưa thông tin này ra khỏi danh mục bí mật nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước chưa được thực hiện. 
[2] Theo tiêu chuẩn của IMF, mỗi quốc gia thành viên cần công bố Bộ chỉ số lành mạnh tài chính gồm 40 chỉ số tài chính, trong đó có 12 chỉ số cốt lõi dành cho tổ chức nhận tiền gửi. Hiện nay, trên thế giới có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đang công bố Bộ chỉ số của quốc gia mình trên website của IMF, trong đó có 11 quốc gia Châu Á với 7 quốc gia đangphát triển gồm Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Pa-kít-tang, Phi-líp-pin và Thái Lan. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng Thông tư 35/2011/TT-NHNN chỉ mới quy định được việc công bố 5/12 chỉ số cốt lõi theo tiêu chuẩn của IMF”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét