Trần Nhân tông, vị vua thứ ba đời Trần, tên thật là Trần Khâm, sinh năm 1258, mất năm 1308, thọ 50 tuổi lên ngôi năm 21 tuổi (năm 1279), nhường ngôi cho con khi mới 35 tuổi (năm 1293). Ở cương vị thái thượng hoàng, Nhân Tông dành tâm trí nghiên cứu đạo Phật. Năm 40 tuổi, ông mặc áo cà sa đi thuyết pháp, trụ trì ở chùa Báo Ân, Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm…khi mất về Yên Tử, ông là người khai sáng ra trường phái Thiền học mang nét riêng của nước ta, Thiền phái Trúc Lâm (rừng trúc) và được coi là vị tổ Thứ nhất.
Nhân Tông là vị vua văn võ toàn tài. Hai lần (1285 và 1288) cầm quân ra trận, đánh lui giặc Nguyên Mông, đem lại thái bình cho đất nước và khi chiến đấu, lúc tu hành đều có một hồn thơ triết học, vừa yêu đời, vừa siêu thoát. Ông chủ trương cư trần (mà) lạc đạo. Cứ ở cõi trần mà vui đạo, và cũng chỉ có thể vui đạo khi gắn lòng mình với mọi lo toan trần thế. Đây là quan điểm tôn giáo sâu sắc và tiến bộ vào bậc nhất, kể cả đối với bây giờ. Quan điểm này do Trần Tung – Tuệ Trung thượng sỹ (bác của Trần Nhân tông) khai sáng. Trần Nhân Tông lĩnh hội và phát triển sáng tạo, đặc biệt ông in nó vào thơ. Biến triết học thành một vấn đề tình cảm, biến tôn giáo thành một nghệ thuật sống đẹp, sâu sắc và linh thiêng.
Trong thơ Trần Nhân tông, âm vang của hai đợt kháng chiến cứu nước chống Nguyên Mông nhiều khi dội lên thành tứ thơ bất ngờ lãng mạn: Xã tắc hai phen (đến cả) ngựa đá cũng mệt nhọc, (Nhưng chính nhờ vậy mà) núi sông nghìn thuở vững chãi. Nguyên văn: “ Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu.” Tương truyền hai câu thơ này viết vào năm 1288, sau chiến thắng Bạch Đằng, khi làm lễ dâng chiến thắng ở lăng vua Thái tông: Chiêu lăng (Thái Bình)- lăng này từng bị giặc Nguyên Mông tàn phá-. Thấy chân ngựa đá lấm bùn, ông vua thi sỹ đã bật ra bài thơ hai câu này. Kháng chiến toàn diện, đến ngựa đá cũng ra trận, trên vó còn lấm bùn chinh chiến. Không biết giai thoại này đúng là xuất xứ của thơ hay thơ làm nẩy sinh giai thoại. Khẩu khí thiên tử nhưng là một thiên tử anh hùng.
Hồn thơ nhà vua mà gắn với cuộc sống với dân với nước là quý lắm, gắn trong gian lao đánh giặc lại còn gắn cả trong những nét đời thường nhật. Nhà vua ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường (Nam Định), nơi phát tích nhà Trần cũng là nơi bàn việc triều chính đương thời, cố nhiên có nhiều cung điện, nhưng trong thơ không có lầu son gác tía chỉ có cảnh quê bình đạm. Cảnh ngắm bằng mắt nhưng tả lại bằng hồn: Sau thôn trước thôn mờ như khói. Bóng chiều dường có lại dường không (Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên. Bán vô bán hữu tịch dương biên). Hai câu kết tâm hồn nhà vua nhập cùng trăm họ, nếm được vị ngọt ngào thanh bình sau chiến tranh: Mục đồng sáo vẳng trâu về hết. Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng…
Giống như nhiều nhà thơ cổ điển, Trần Nhân tông cũng là người mê đắm thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm nơi khám phá tâm hồn. Trong lúc chim hót thư thả trong lùm dương liễu rậm và trên bóng mái nhà mây đang lướt bay, thì Khách đến chẳng bàn chi chuyện thế. Tựa lan can ngắm phía trời xa. Chủ lẫn khách vốn là những nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhưng thiên nhiên đang đẹp thế này thì các thứ quan trọng ấy đều xếp lại, cả hai cùng lặng đi: Cộng ỷ lan can khán thuý vi (Cùng dựa lan can ngắm cái màu xanh mịt mờ phía chân trời). Tư thế tâm hồn cao đẹp, siêu thoát quá. Một lần khác ông viết Vạn sự thuỷ lưu thuỷ. Bách niên tâm ngữ tâm. Ỷ lan hoành ngọc địch. Minh nguyệt mãn hung khâm. (Muôn việc nước trôi nước. Trăm năm lòng nhủ lòng. Tựa hiên nâng sáo ngọc. Đầy ngực ánh trăng trong). Việc đời như nước chảy bàn không cùng, đời người trăm năm tự mình đã hiểu, lòng đủ nói với lòng, cái đáng kể là phút bây giờ biết sống với âm thanh ấy, ánh sáng ấy. Nghe như thơ hiện sinh, nhưng có lý và thương người, khuyên con người biết trân trọng hưởng thụ những năm tháng của đời mình. Vị tổ thứ nhất của dòng Thiền Yên Tử không hề thoát tục, ông tìm thần tiên ngay trong cõi trần gian. Tu thế thì thật sự là một nghệ thuật sống. Bỏ cả ngôi vua để tìm một lối sống. Bản lĩnh các vua Trần, cụ thể là Trần Nhân tông, cho thấy phẩm chất tư tưởng một thời đại.
Bằng thơ, rất ngắn, Trần Nhân tông cho hậu thế chúng ta thấy cả quá trình giác ngộ của ông về đời người:Lúc trẻ khi chưa hiểu lẽ sắc không, xuân đến lòng chỉ nghĩ đến hoa. Ngày nay thì khám phá được xuân rồi. Ta ngồi yên trên nệm cỏ giữa chùa nhìn hoa rụng. Thì ra xuân không chỉ có hoa nở mà hoa rụng cũng là xuân. Cái thanh thản trong thơ Trần Nhân tông là cái thanh thản của sự giác ngộ quy luật thời gian, quy luật đời người, quy luật sống. Lòng ông tĩnh để nhập vào muôn cõi vận động của việc đời. Lấy tĩnh để bao quát động không chỉ là một thủ pháp thơ mà còn là một phương pháp tìm chân lý của Trần Nhân tông (ông ảnh hưởng Trần Tung khá rõ). Không gian đốn ngộ của Trần Nhân tông thường là cảnh tĩnh Dưới bóng đa già cổng chùa im ỉm đóng hoặc Tạnh mây, im gió, lá cây đỏ thưa thớt hoặc Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch. Tu Phật, theo ông, không phải để tìm giải thoát, ai trói buộc được ta mà ta phải tìm giải thoát. Tìm chân lý là một cách chinh phục tự do. Tu là để tìm tự do, tìm chủ động cho lẽ sống.
Tư chất Trần Nhân tông bộc lộ khá rõ trong một bài thơ nhật ký Đêm mười một tháng hai: Bên giường rồng, rượu quý, nhà vua lại đắm lòng với trăng, với trời, ông nằm mộng ngay trong lúc thức. Chất tâm hồn ấy cắt nghĩa hành động cởi áo triều bào vào tu Tam Bảo của ông. Tu ,với Trần Nhân tông, là đi về luân chuyển giữa mộng và thực, giữa Phật và Đời mà mục đích cũng là để thấu hiếu cõi trần và ứng xử đúng mực với nó.
Thơ Trần Nhân tông rải rác trong các tập Thơ Trần Nhân Tông, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ. Hiện nay, theo các nhà sưu tập thơ Lý Trần, chỉ giữ lại được 31 bài thơ của ông, trong đó đến gần chục bài thơ về mùa xuân. Có thể về mùa xuân, nhà vua hay đi du ngoạn, và có nhiều hứng khởi làm thơ như bài : “Đề ở chùa Cổ Châu”: Số đời thật mờ mịt/ Mắt giấu tình bên trong/ Cai quản cung ma chặt/ Đất Phật xuân thong dong.
Trong bài: “Trên hồ Động Thiên”, nhà thơ cảm tác: “Cảnh hồ Động Thiên nọ/ Hoa cỏ giảm mầu xuân/ Thượng đế thương hiu quạnh /Tầng xanh chuông bỗng ngân. Tiếng chuông dưới tay người vang trong cõi Phật làm cảnh Phật bớt quạnh hiu. Một sáng thức giấc, tung song cửa, nhìn ra: Nào hay xuân đã sang/ Một đôi bươm bướm trắng/ Gặp hoa cánh vội vàng” . Bướm và hoa là việc của cảnh ngoài đời. Nhưng thấy được thái độ bướm vội vàng bay sấn đến hoa là sức sống, là nỗi yêu đời trong lòng ông nhà thơ ban tặng cho tạo vật. Yêu hiện thực nên luôn gắn với cái bây giờ. Khi đến thăm Chiêu Lăng thờ ông nội Trần Thái Tông thì cảm hứng thơ lại là chuyện đương thời: “Nghiêm trang nhìn cửa quân hùm/ Trăm quan bảy phẩm một vùng cân đai/ Bạc đầu, chàng lính nhắc hoài/ Chuyện Nguyên Phong cũ những ngày ruổi rong”. Thơ nhắc tới niên hiệu Nguyên Phong 1258, năm 1258 là năm Thái Tông nhường ngôi cho Thánh Tông, năm Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ Nhất.
Trần Nhân Tông, khi xuống áo đi tu đã có sứ mạng của bậc quân vương anh hùng, kiêm nhà văn hóa, nhà tư tưởng và xứng đáng là một giáo chủ Phật Việt. Thơ Thiền của Người mang tư tưởng Phật giáo linh nghiệm nhưng thấm đẫm cảm xúc hiện thực, lấy cái hồn nhiên của cõi Thực làm cái thanh thản của cõi Không: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền/ Có báu trong nhà thôi khỏi kiếm/ Vô tâm đối cảnh hỏi chi Thiền”. Trần Nhân Tông đã gắn kết Giáo lý Phật Ngoại với Nội tín Đại Việt, gắn kết sự linh thiêng dân giã với các trải nghiệm chính trị cung đình và sau cùng là gắn kết cái có thật của đời người với sự giải thoát còn tiềm ẩn trong trời đất. Trần Nhân Tông đã thông nhất được nghịch lý: Yêu đời và siêu thoát: “Tích nhân nghì, tu đạo đức/ Ai hay này chẳng Thích Ca/ Cầm giới hạnh, đoạn xan tham/ Chỉn thực ấy là Di Lặc” – (Cư trần lạc đạo phú – Hội thứ sáu). Thơ ấy đặc tả con người tích nhân theo giới (tu) để chứng cái đức (của mình). Ai hay biết điều này mà chẳng là Thích Ca. Cầm nắm được giới hạnh thì phải bỏ được lòng tham. Chỉn chu với tất cả lẽ thực tế ấy thì sẽ thành Di Lặc.
Nhập thế và tiêu dao luôn vận động và hoán chuyển nhịp nhàng trong thơ, trong tâm Trần Nhân Tông. Con người đã lặng yên hứng trăng đầy cả ngực, đã mang đến cho thơ ca một luồng sinh khí và mở cảm xúc đến vô hạn. Chỉ bằng cách ấy, con người mới thăng hoa, mới giải thoát khỏi những ràng buộc hữu hạn của đời thường ngay chính nơi trần thế, cũng có nghĩa là sống đời trần thế ở một ngưỡng phẩm chất sâu xa. Đấy là điều tích cực mà Trần Nhân Tông luôn khao khát đi tìm để tạo ra một lối sống đẹp: Sống trong hiện tại – với lòng yêu đời vô biên và cả sự giải thoát cũng vô biên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét