Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Báo động liên tiếp mất trộm thư tịch cổ ở các đền thờ danh nhân có công gìn giữ cương thổ


Báo Đại Đoàn Kết lại một lần nữa từ chối đăng bài của nhà báo Từ Khôi (Phó ban Văn hoá Nghệ thuật của báo này nhưng đang bị vô hiệu hoá bằng một quyết định điều chuyển công tác đầy khuất tất của ông tổng biên tập). Có lẽ vì anh đang có đơn tố cáo ông tổng biên tập Đinh Đức Lập thì phải?

Bài viết cảnh báo về hiện tượng nhiều ngôi đền thờ các danh nhân Việt có công gìn giữ cương thổ trước hoạ ngoại xâm từ phương Bắc trong lịch sử nước ta đang bị kẻ trộm xâm nhập lấy cắp nhiều cổ vật và thư tịch cổ. Đáng lưu ý là chuyện lấy cắp thư tịch cổ mới xảy ra gần đây, thời gian trước kẻ trộm chỉ chú tâm tới cổ vật.

Trong cuộc đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hải đảo của Tổ quốc, gần đây nhiều cá nhân, dòng họ, tổ chức của người Việt trong và ngoài nước đã tự nguyện hiến tặng nhiều tư liệu lịch sử quý giá mà họ xem như báu vật gia truyền trong nhiều đời. Các tư liệu lịch sử mà đặc biệt là các sắc phong, văn bản của triều đình phong kiến là một trong những chứng cứ lịch sử quan trọng có đầy đủ tính pháp lý để khẳng định chủ quyền cương thổ lâu đời và liên tục của đất nước.

Gần đây đột nhiên có hiện tượng nhièu người săn lùng, tìm mọi cách thu mua các loại thư tịch cổ này, chưa rõ ngoài mục tiêu sưu tập đồ cổ họ còn động cơ nào khác.

Và đồng tiền đã làm mờ mắt, bẻ gảy lương tâm của không ít người, họ sẵn sàng phá vở các giềng mối thiêng liêng gìn giữ tâm hồn Việt để lấy cắp cổ vật, thư tịch cổ trong các đền thờ đem bán linh hồn cho quỷ.

Câu chuyện mà nhà báo Từ Khôi phát hiện thật chỉ có kẻ vô cảm trước sự xúc phạm văn hoá và nguy cơ mất dần các chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của dân tộc ta mới có thể bàng quan, lạnh lùng từ chối chẳng thèm quan tâm.

Thật tiếc là báo Đại Đoàn Kết lại thêm lần nữa từ chối bài viết rất đáng trân trọng này của nhà báo Từ Khôi. 

Báo TT&VH sau khi nhận được bản thảo bị ĐĐK từ chối của nhà báo Từ Khôi ngay lập tức đã cho đăng trang trọng (xem ở đây).

Trân trọng giới thiệu tới quý vị bài viết đầy đủ của nhà báo Từ Khôi:

Báo động liên tiếp mất trộm thư tịch cổ ở các đền thờ danh nhân có công gìn giữ cương thổ

TỪ KHÔI

Thái sư Lê Văn Thịnh nổi lên trong lịch sử trung đại Việt Nam với những dấu ấn lớn: Vị Khoa bảng đầu tiên - năm 1075, tại kỳ thi Minh Kinh Bác học và Nho học tam trường ông đỗ đầu trong 10 người; Nhà ngoại giao kiệt xuất khi giành lại ba động sáu huyện phía Bắc của tổ quốc rơi vào tay nhà Tống qua đàm phán tại trại Vĩnh Bình năm 1084; Vị Thái sư có nhiều cải cách về điền địa, phân cấp và quản lý chùa chiền... Ghi nhớ công lao của danh nhân, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh quê hương ông nhiều đền thờ đã được xây dựng lên từ thời phong kiến. Nhiều cổ vật có giá trị đã và đang được lưu giữ tại các đền thờ này. Thế nhưng, gần đây, một số cổ vật có giá trị đã bị kẻ gian liên tiếp lấy trộm…


 Ông Nguyễn Quang Dương (trái) và ông Nguyễn Đình Xum kể chuyện mất trộm cổ vật ở đình Yên Việt.

Trong những cổ vật có giá trị của các khu di tích lịch sử văn hóa, sắc phong giữ vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh tính chính thống công nhận của Nhà nước, sắc phong còn lưu giữ nhiều thông tin giá trị. Kiến trúc di tích có thể bị thay đổi qua các lần trùng tu nhưng sắc phong thì được gìn giữ, bảo quản cẩn mật. Có thể coi sắc phong như phần hồn của di tích. Thế nhưng, vừa qua, vào ngày 12/8 rạng sáng 13/8 (tức 26/6 âm lịch), tại đình đền Yên Việt, xã Đông Cứu huyện Gia Bình, Bắc Ninh, kẻ gian đã bẻ khóa vào lấy trộm toàn bộ 11 đạo sắc phong. Ông Nguyễn Quang Dương - Trưởng thôn Yên Việt - trưởng BQL di tích và ông Nguyễn Đình Xum - thủ từ đền cho biết: “Người phát hiện ra sự việc kẻ gian bẻ khóa đầu tiên là ông Nguyễn Văn Hướng khi ông ra đình thắp hương. Khi được báo, chúng tôi kiểm tra hậu cung thì phát hiện hòm sắc bị lật tung. 11 đạo sắc bị mất, kẻ gian để lại bản thần phả chữ Hán sao lại từ bản thần phả có niên đại Hồng Phúc nguyên niên (1572). Hai bình hương thờ ở hậu cung cũng đã bị kẻ gian vứt lại lỏng chỏng trên bàn thờ sau khi đã đổ hết tro và chân hương. Chắc có lẽ kẻ gian cho đó không phải là cổ vật. Mấy ngày hôm sau, ông Nguyễn Văn Thuận (thủ từ cũ) của đền vào thắp hương hậu cung phát hiện mất thêm mâm bồng bằng đồng thời Nguyễn và một be rượu thờ men lam thời Nguyễn”. Sự việc đã được báo cáo lên chính quyền xã Đông Cứu và công an huyện Gia Bình đã về lập biên bản, điều tra. Đến nay, công tác điều tra vẫn chưa có kết quả.


Hòm sắc trước ngai thờ đình Yên Việt đã mất hết 11 đạo sắc phong.


Ông Nguyễn Quang Dương cho biết: “Rất ít người dân vào thắp hương ở hậu cung. Bản thân tôi 5 năm rồi mới bước chân qua cửa hậu cung còn toàn thắp hương bên ngoài”. Không ít người dân Yên Việt suy đoán kẻ gian chắc phải biết rõ những cổ vật ở đình. Ông Dương cho biết thêm: “Năm 2009, kẻ gian cũng đã vào hậu cung, lục tung hòm sắc nhưng đổ ra đất không lấy đạo sắc nào”. Có thể khi đó kẻ gian chỉ tìm cổ vật? còn sau này được “đặt hàng” lấy cả sắc phong?. 11 đạo sắc phong của hai triều vua Lê – Nguyễn của đền Yên Việt được thống kê trong hồ sơ di tích với các niên đại: Cảnh Hưng nguyên niên (1740); Cảnh Hưng 28 (1767); Cảnh Hưng 44 (1783); Chiêu Thống nguyên niên (1787); Quang Trung 4 (1791); Cảnh Thịnh 4 (1796); Bảo Hưng 2 (1802); Thiệu Trị 3 (1843); Tự Đức 7 (1854); Tự Đức 33 (1880); Đồng Khánh 2 (1886); Khải Định 9 (1924).


2 trong số 11 sắc phong tại đình Yên Việt (chụp từ hồ sơ lưu tại di tích).


Đình Yên Việt là đình thứ hai trong 10 đình chính tổ chức lễ hội “thập đình” vào các năm có hàng chi Thân, Tý, Thìn. Khi tổ chức lễ hội, các đình “em” rước kiệu, long đình về Bảo Tháp. Cũng như đình cả - Đình đền Bảo Tháp, đình đền Yên Việt thờ thành hoàng “Lê Thái sư đại vương” tức Thái sư Lê Văn Thịnh và Đức Cao Huy chiếu đại vương (tức Doãn Công – vị tướng Hải Dương Đốc bộ xứ thời Hai Bà Trưng). Cả hai vị thành hoàng đều là những danh nhân lớn có công lao hiển hách với dân tộc.

Đình Yên Việt là công trình văn hóa tín ngưỡng gắn liền với bề dày lịch sử và văn hiến của cộng đồng làng xã nơi đây. Đình đền được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng với quy mô lớn, chạm khắc trang trí tinh xảo. Đến thời Nguyễn, Triều vua Tự Đức, niên đại năm thứ hai (1849), đình được trùng tu tôn tạo. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị phá hủy hai gian hậu cung. Năm 1992, dân làng phục dựng lại ba gian hậu cung này. Qua thời gian, và các đợt trùng tu, đình vẫn giữ được vẻ đẹp nghệ thuật với những chạm khắc nghệ thuật điêu luyện.


Một góc chạm lộng tinh xảo ở đình Yên Việt.

Giá trị nổi bật của đình đền Yên Việt được thể hiện ở vẻ đẹp kiến trúc điêu khắc mang phong cách nghệ thuật hai thời Lê - Nguyễn. Đó là tòa đại đình to lớn gồm: 5 gian tiền tế, và hai gian hậu cung. Trên tất cả các bộ phận kiến trúc như con rường, cốn bảy, đầu dư đều được chạm khắc trang trí theo các đề tài “Rồng ổ”, “rồng tiên”… và hoa lá cách điệu. Các đầu dư đều được chạm lộng rồng ngậm ngọc với nét chạm chau chuốt, nghệ thuật. Đặc biệt trên tất cả các bức cốn gian giữa và gian bên đều được chạm nổi kênh bong các đề tài rồng – tiên rồng ổ điêu luyện: Những rồng mẹ, rồng con, từng đàn từng lớp quấn quýt bên nhau; rồng mẹ đều có bờm tóc, nét mác bay ngược lên thể hiện rõ phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng; điểm xuyết trên những đầu rồng mẹ là những cảnh tiên cưỡi rồng, tiên múa, tiên đánh trống, thổi sáo, đàn nhị... đã toát lên một thế giới “rồng” và “tiên” linh thiêng huyền bí cho ngôi đình.


Tam quan đình Yên Việt


Trước đó, cùng trong “thập đình”, đình Cứu Sơn xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh (cách đình Yên Việt khoảng 2km) cũng đã bị kẻ gian khoét vách đột nhập lấy đi cổ vật. Khi chúng tôi về địa phương tìm hiểu, ông Nguyễn Đăng Vạn – Trưởng thôn Cứu Sơn không những từ chối cung cấp thông tin mà còn nói: “Mất trộm thì đã mất rồi. Công an còn chịu thì báo chí chẳng đăng để làm gì. Cứ để cho sự việc trôi đi là hơn”. 

Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Nguyễn Sĩ Bàng – thủ từ đình đền Cứu Sơn. Khác với thái độ của ông Vạn, ông Bàng kể lại rất tỷ mỉ chi tiết việc đình bị mất trộm. Ông Bàng nói: “Tôi nhớ đình bị kẻ gian đột nhập vào lấy trộm cổ vật là vào đêm 24, rạng sáng 25/4 âm lịch (tức 14 và 15/5 dương lịch). Kẻ gian phải là người thông thuộc di tích. Bởi lẽ, nơi bị khoét vách chính là cửa hậu trước đây đã bịt lại bằng vật liệu gạch vỡ, vữa đất. Đêm ấy, tôi và ông Đinh Bá Thuyết ngủ tại đình. Chúng tôi nằm trò chuyện và còn đi soi đèn kiểm tra các nơi trong đình lúc 2 giờ sáng. Đến tang tảng sáng chừng 5 giờ thì chúng tôi dậy và phát hiện ra đình đã bị kẻ gian đột nhập. Vì trời mưa, lại đột nhập từ phía sau vườn đất nên kẻ gian đã để lại dấu chân, dấu vân tay trên ban thờ và cột đình. Kẻ gian để lại hiện trường một con dao dài 30cm”. Khi kiểm tra, ông Bàng, ông Thuyết phát hiện kẻ gian đã lấy đi ba bình hương đồng thời Nguyễn, 1 bình hương sứ, 2 nậm rượu sứ, 2 chóe đựng nước cúng. Ông Bàng cho biết: Cách đây 3 năm, kẻ gian cũng đã đột nhập lấy đi đôi lục bình cổ và 1 bình hương sứ cổ.


Đình Cứu Sơn.


Ban Quản lý đình Cứu Sơn cũng đã báo cáo sự việc lên chính quyền xã Đông Cứu và công an huyện Gia Bình đã về lập biên bản. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan chức năng quản lý văn hóa của huyện Gia Bình và tỉnh Bắc Ninh vẫn “chưa biết” gì về sự việc này.

Không hiểu ngoài việc lấy trộm đồ cổ, kẻ gian còn có ý đồ nhằm vào ngôi đền thờ danh nhân có công gìn giữ cương thổ của đất nước không?.

[Bài tác giả gởi trực tiếp cho Blog Hữu Nguyên]


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét