Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Xung đột Trung - Mỹ và "lăng ba vi bộ" kiểu Việt Nam


Hôm nay đọc ViệtNamNet thấy nói Trung Quốc đang đẩy nhanh việc phát triển một thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, với nhiều khả năng vượt trội hơn cùng các tên lửa phóng đi từ tàu ngầm. Giới phân tích quân sự cho biết, động thái trên đã giúp Trung Quốc làm tăng khả năng hiện có của họ để sử dụng các đầu đạn hạt nhân trong cuộc đối đầu với Mỹ và để áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa. 

Tờ Thời báo Hoàn cầu  tuần trước đưa tin, Trung Quốc đang phát triển khả năng trang bị nhiều đầu đạn trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Theo Larry M. Wortzel thuộc Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung, một tổ chức do Quốc hội Mỹ thành lập, Trung Quốc đang phát triển khả năng đặt 10 đầu đạn hạt nhân lên một ICBM, mặc dù một số đầu đạn giả có thể được thay thế đầu đạn thật. Các đầu đạn giả được thiết kế để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa. “Ý nghĩa lớn hơn của việc này là khi họ bắt đầu một lực lượng tên lửa với nhiều đầu đạn có nghĩa là mọi thứ chúng ta đánh giá về quy mô kho vũ khí hạt nhân của họ đã thành sai lầm”, ông Wortzel, một cựu sĩ quan tình báo quân đội Mỹ nói. 




Quy mô chương trình tên lửa chiến lược của Trung Quốc vẫn được giữ bí mật. Lầu Năm Góc ước tính, Trung Quốc gần đây có từ 55- 65 ICBM. Nước này còn đang chuẩn bị hai tàu ngầm để triển khai các tên lửa, mỗi tàu có khoảng 12 tên lửa, ông Wortzel cho biết. 

Trung Quốc ngày nay trên đà phát triển quá nóng của mình đôi khi không kiềm lại được bản chất “Đại Hán bá quyền”. Tư tưởng này vốn ăn sâu trong từng mạch máu, thớ thịt, nơ-tron thần kinh… của những nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải, cũng là truyền thống của rất nhiều nhà lãnh đạo, các triều đại từ xa xưa của quốc gia này. Do vậy, họ đã từng không ngần ngại đề nghị với Hoa Kỳ “chia đôi Thái Bình Dương”, để phải nhận câu trả lời lịch sự: "No, thanks!".

Còn nhớ, khi thăm viếng Nhật Bản cuối tháng 8/2010, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương lúc đó (ngày 9/3/2012, Mỹ chính thức bổ nhiệm đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy các hoạt động của NATO nhằm giúp quân nổi dậy Libya lật đổ MuammarGaddafi,trở thành người đứng đầu bộ tư lệnh Thái Bình Dương thay cho ông Robert Willard) nói với các nhà báo rằng Trung quốc gần như đã sẵn sàng cho tên lửa đạn đạo hoạt động. Đây sẽ là thứ vũ khí đầu tiên trên thế giới. Vũ khí đánh tàu trên biển như cruise missile (hỏa tiễn bay ngang) xưa nay không hiếm nhưng tốc độ chỉ bằng 1/10 tốc độ của hỏa tiễn đạn đạo, và tầm hoạt động tối đa là 600 dặm, có sức công phá ít hơn và do đó ít nguy hiểm. Trái lại, theo một tài liệu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tên lửa đạn đạo của Trung quốc có tầm 1000 dặm.

Trong trường hợp nếu Hải quân Hoa Kỳ không còn đủ sức bảo vệ  Tây Thái Bình Dương các nước trong vùng sẽ phải tìm cách tự bảo vệ mình. Hậu quả là chính sách nuôi mộng làm bá chủ trong vùng của Trung Quốc khi triển khai trên thực tế sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Đồng thời người ta sẽ phải đặt câu hỏi: Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào khi trở thành bá chủ trước hết là trong trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Lịch sử bành trướng của Nhật trong mấy thập niên sau của nửa trước thế kỷ 20 cho thấy châu Á đã  bị đe dọa như thế nào khi xuất hiện một nước có nhiều tham vọng trở thành bá chủ trong vùng. Sau khi Hải quân Nhật kiểm soát toàn bộ vùng Tây Thái Bình Dương,  Nhật đã xâm lăng, uy hiếp và đàn áp các nước chung quanh. Với khả năng chuyên chở binh sĩ, vũ khí bằng đường biển Nhật đã đe dọa an ninh từ Ấn Độ đến Hawai.

Sự đe dọa của Trung Quốc tới ảnh hưởng của Hoa Kỳ và hòa bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay thực ra có sự tham gia “dọn đường” của chính nước Mỹ.

Bốn mươi năm sau chuyến thăm đặc biệt của TT Nixon tới Trung Quốc người ta nhận thấy đó chính là sự khởi đầu hết sức ngoạn mục một tiến trình dẫn tới việc chấm dứt sự cô lập của Trung Quốc và dọn đường cho quốc gia này tái sinh như một cường quốc. Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã hưởng lợi nhiều hơn so với Hoa Kỳ từ việc nối lại quan hệ hữu nghị chiến lược Trung – Mỹ.

Có thể nói, Trung Quốc đã chiến thắng trọn vẹn trong cuộc chơi với Hoa Kỳ trong 40 năm qua. Nhưng thật may mắn là nước Mỹ chưa thua. Hiện tại, cũng có thể coi đây là cuộc chơi win-win (cả hai cùng thắng). Tuy nhiên, hiệu quả từ chiến thắng này của Hoa Kỳ so ra thấp hơn nhiều với Trung Quốc, khi mà sức mạnh ảnh hưởng trên thế giới ngày nay cho phép Trung Quốc đòi phân chia quyền lợi với Hoa Kỳ. Mà cụ thể là đòi chia đôi Thái Bình Dương, tất nhiên trong đó có yêu sách độc chiếm Biển Đông.

Điều đó cho thấy cấu trúc của các mối quan hệ Trung - Mỹ đã thay đổi vượt ra ngoài sự thỏa thuận ban đầu. Về an ninh, họ đã trở thành các bán-đối-thủ, thay vì là các bán-đồng-minh, bên này coi bên kia như một mối đe dọa tiềm ẩn và trù tính các chiến lược quốc phòng tương xứng. Các mối quan hệ kinh tế của họ phát triển phụ thuộc lẫn nhau và hình thành một nền tảng vững chắc nhất để tiếp tục hợp tác. Nhưng ngay cả như thế, căng thẳng vẫn xuất hiện, đặc biệt là dưới dạng các thâm hụt lớn về thương mại song phương.

Xung đột ý thức hệ - giữa nền dân chủ tự do Mỹ và nhà nước độc đảng của Trung Quốc – ngày càng trở nên gay gắt hơn. Từ lâu các chuyên gia Hoa Kỳ ủng hộ sự ràng buộc với Trung Quốc đưa ra lập luận dựa trên giả định rằng sự hiện đại hóa kinh tế và hội nhập của Trung Quốc với phương Tây sẽ thúc đẩy sự thay đổi chính trị và làm cho nhà nước độc đảng trở nên dân chủ hơn. Tuy nhiên, giả thuyết "cách mạng tự do" này đáng tiếc đã không mang lại kết quả.  Trên thực tế Đảng Cộng sản Trung Quốc lại ngày càng chống lại dân chủ hóa và ngày càng căm ghét các giá trị tự do.

Kết quả là, trong số 3 trục của quan hệ Trung - Mỹ gồm an ninh, kinh tế và hệ tư tưởng thì chỉ một - các lợi ích kinh tế chung - là vẫn tồn tại. Trong lĩnh vực an ninh và ý thức hệ, các mối quan hệ Trung - Mỹ phát triển ngày càng cạnh tranh và đối lập. Nếu thế thì nhiều khả năng nhất là sự cạnh tranh chiến lược  sẽ trở thành một đặc điểm chính của các mối quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai gần - chừng nào nhà nước độc đảng của Trung Quốc tiếp tục nắm quyền.

Do niềm tin chiến lược thực sự là không thể có giữa một nước Mỹ với các giá trị dân chủ tự do và một Trung Quốc do nhà nước độc đảng lãnh đạo, sự cạnh tranh an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ ngày càng dữ dội hơn mà thôi. Cho nên, những rủi ro mà ngay cả đó là lợi ích kinh tế chung giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể xói mòn như là một hậu quả của xung đột giữa các hệ thống chính trị của họ là không thể tránh khỏi.




Trở lại vấn đề trên Biển Đông có liên quan tới chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam, căng thẳng trên vùng biển này ngày càng đang gia tăng theo đà suy yếu của Hải quân Mỹ trong khu vực. Bất chấp các tuyên bố về lợi ích quốc gia, đảm bảo an ninh hàng hải, tự do đi lại trên biển của Hoa Kỳ, gần đây báo chí Trung Quốc đã không ngần ngại gì mà hét to: “Hoa Kỳ hãy câm mồm lại”, về các vấn đề có liên quan tới Biển Đông đụng chạm tới các tuyên bố chủ quyền hoang tưởng của Trung Quốc. Các động thái ngoại giao căng thẳng mà Trung Quốc dành cho Hoa Kỳ và các đồng minh trong thời gian gần đây cũng cho thấy thái độ “nắn gân” để thăm dò phản ứng, sức mạnh của phe đồng minh trong khu vực Thái Bình Dương.

Tuy vậy, sự kiện Thượng viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về Biển Đông mới đây cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc thực hiện cam kết đảm bảo sự có mặt lâu dài của Hải quân Mỹ tại Tây Thái Bình Đương.

Nghị quyết này do thượng nghị sĩ John Kerry và một số thượng nghị sĩ Mỹ (Richard Lugar, John McCain, Jim Webb, James Inhofe và Joe Lieberman) giới thiệu lên Thượng viện.

Trước đó, khi đưa ra nghị quyết, thượng nghị sĩ Kerry nói rằng việc ASEAN không đạt được sự đồng thuận để đưa ra tuyên bố chung liên quan tới bộ quy tắc ứng xử tại hội nghị thượng đỉnh Campuchia đã làm tăng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và các láng giềng xung quanh.

"Các tranh chấp này là có thật và trở nên nghiêm trọng hơn. Tôi nghĩ điều ít nhất Thượng viện có thể làm là thể hiện thái độ rõ ràng dứt khoát trong việc ủng hộ các nỗ lực của ASEAN để phát triển một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông", ông Kerry nhấn mạnh.

"Không còn nghi ngờ gì về việc Mỹ đã cam kết đảm bảo sự hiện diện lâu dài và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác trong khu vực. Chúng tôi có một lợi ích rõ ràng trong an toàn và hành xử hợp pháp của tất cả mọi người trong hoạt động hàng hải chung của châu Á. Chúng tôi có lợi ích to lớn trong giải pháp hòa bình cho tất cả các vấn đề ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và thông qua tiến trình ngoại giao đa phương", ông Kerry khẳng định. "Chúng tôi có những mối quan tâm lớn về tự do hàng hải và tự do thương mại. Đó là những nguyên tắc mà tất cả các nước trong khu vực nên ủng hộ”.

Có vẻ như sau 40 năm “dọn đường” cho Trung Quốc trở thành cường quốc bán-đối-thủ, giúp họ thu hoạch nhiều thành quả hơn chính bản thân nước Mỹ,  Washington đã bắt đầu nhận ra nguyên nhân cũng như nguy cơ về một khả năng mất kiểm soát Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ và sau đó có thể sẽ là những khu vực rộng lớn hơn nên đã  và đang tìm cách để sửa chữa sai lầm từ sự thả lỏng với quan niệm kinh tế thị trường sẽ kiến tạo tự do sau cú dọn đường lịch sử này.

Tác giả Lê Hồng Hiệp (nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Học viện Quốc phòng Australia), trong bài phân tích mới đây trên ViệtNamNet nhận định: “Mỹ dường như đang muốn sử dụng tranh chấp Biển Đông như một công cụ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bối cảnh này một mặt có thể khiến Trung Quốc buộc phải kiềm chế và giúp cho tranh chấp Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình, mặt khác cũng có thể khiến cuộc tranh chấp thêm phần phức tạp nếu Trung Quốc tiếp tục cứng rắn và đối đầu chiến lược Trung - Mỹ trở nên sâu sắc hơn. Tình hình đó mang lại cho Việt Nam những thuận lợi lẫn thách thức mới trong việc xử lý tranh chấp Biển Đông và giải quyết quan hệ với các nước lớn, đòi hỏi ở Việt Nam hơn lúc nào hết một sự bản lĩnh, khôn ngoan và khéo léo trong việc hoạch định và thực thi các chính sách chiến lược của mình”.

Thế nhưng ông Lê Hồng Hiệp không cho biết cụ thể hơn về “sự khôn ngoan và khéo léo” của Việt Nam trong hoạch định và thực thi chính sách chiến lược của mình là như thế nào.

Tuy nhiên, từ lâu một vài chuyên gia cũng đã  đưa ra những gợi ý về đề tài này. Theo đó, sự khéo léo của Việt Nam trong bối cảnh xung đột Trung – Mỹ chắc chắc xảy ra là phải biết tự giữ mình. Trước hết là biết tự giữ lấy những gì mà Việt Nam đang có. Né tránh đến mức “siêu đẳng" (như việc sử dụng “lăng ba vi bộ” trong truyện chưởng Kim Dung) việc chủ động xảy ra đụng chạm, nhất là đụng chạm quân sự trên biển với Trung Quốc để nước này tạo cớ để “dạy cho Việt Nam một bài học” và chiếm nốt những gì Việt Nam  đang có trên Biển Đông.

Thế nhưng, lạm dụng "lăng ba vi bộ" với cả chính nhân dân mình khi họ bày tỏ quyết tâm chống giặc ngoại xâm và phản đối, lên án bọn "cõng rắn cắn gà nhà" thì là lại điều thất sách, thất nhân tâm.

Cái khó của việc vừa sử dụng “lăng ba vi bộ” vừa phải đảm bảo việc chấp pháp trên vùng biển chủ quyền thật khôn khéo, mềm dẽo mà cương quyết không để đối phương lấn chiếm từng bước bằng thủ đoạn “cây gậy nhỏ”. Chiến thuật là tương kế tựu kế, lấy gậy ông đập lưng ông. Nếu đối phương dùng thủ đoạn “cây gậy nhỏ”, thì Việt Nam cũng nên dùng chính thủ đoạn này, nhưng với “cây gậy nhỏ bọc nhung” và có “đeo lục lạc”. Đánh thật êm, nhưng lại phát ra tiếng cồng chiêng, lục lạc… báo động với cộng đồng thế giới về tính chính đáng của một quốc gia nhỏ bé buộc phải bảo vệ chủ quyền trên vùng biển truyển thống, lâu đời của cha ông trước sự qua đáng của tên hàng xóm khổng lồ và tham lam.

Đồng thời với chiến thuật “cây gậy nhỏ bọc nhung, đeo lục lạc”, Việt Nam cần chuẩn bị thật nghiêm túc, bài bản, khoa học cho cuộc chiến về pháp lý sẽ diễn ra trong tương lai. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận xét, yếu tố pháp lý và lịch sử là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Nếu vấn đề này được chuẩn bị chu đáo và được đưa ra trước cộng đồng quốc tế đúng lúc thì thế mạnh sẽ thuộc về Việt Nam.

Sử dụng chiến thuật “cây gậy nhỏ”, Việt Nam cũng cần phải tạo điều kiện và đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho lực lượng ngư dân vốn rất gan dạ, dũng cảm, giàu lòng yêu nước và quen thuộc ngư trường Hoàng sa, Trường Sa như lòng bàn tay có cơ hội được bám biển liên tục và lâu dài. 

Tuy nhiên, chiến lược “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” vẫn là phải tăng cường sức mạnh nội lực bằng các chính sách cải cách phù hợp với quy luật phát triển và xu thế của thời đại. Giải quyết được mâu thuẫn nội tại hiện nay trong chính nội bộ dân tộc để có thể huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền kể cả bằng quân sự khi cần thiết và đặc biệt là trên các bàn cờ chính trị - ngoại giao.

Về chuyện này, tác giả Bùi CôngTự gần đây đã đưa ra nhận định chính xác khi bình luận về bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp Quốc Khánh 2/9/2012:

“Làm thế nào để đoàn kết – hòa hợp – thống nhất được thì ý kiến của ông chủ tịch lại chưa đủ thuyết phục… Vấn đề mắc mớ là xã hội chúng ta đang sống đang tồn tại nhiều mâu thuẫn gay gắt, cả những mâu thuẫn đối kháng… Tóm lại nếu tình trạng đất nước cứ như hiện nay, không thể giải quyết được những mâu thuẫn xã hội âm ỉ, gay gắt thì chắc chắn không thể có đoàn kết – hòa hợp – thống nhất. Vậy thì đất nước sẽ đi đến đâu?”.

Làm sao có thể huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để chiến đấu chống giặc ngoại xâm khi chính những người yêu nước lại bị cản trở, bắt bớ và hành hung chỉ vì họ công khai bày tỏ thái độ và quan điểm của mình trước những hành động xâm lược ngày càng ngang ngược của Trung Quốc?

Nếu không thể giải quyết được các mâu thuẫn xã hội, không thể đoàn kết – hòa hợp – thống nhất được lòng người, thì vận nước rồi sẽ ra sao?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét